Bí quyết sống khoẻ mạnh

Hoa trái của cuộc sống theo Thần Khí

“Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa.17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.19 Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng,20 thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái,21 ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.22 Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,23 hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.24 Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.

25 Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.26 Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau.” (Gl 5,16-26)

Sống theo Thần Khí

Sống theo Thần Khí

1 “Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa.2 Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết.3 Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.4 Thiên Chúa làm như vậy, để sự công chính mà Luật đòi hỏi được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta, là những người không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí.

5 Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí.6 Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.7 Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.8 Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

12 Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt.13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.

Nhờ Thần Khí, chúng ta được làm con Thiên Chúa

14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!”16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Vinh quang dành cho ta

18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

26 Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8,1-27)

 

Cuộc chiến đấu nội tâm

Cuộc chiến đấu nội tâm

14 “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi.15 Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.16 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt.17 Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.18 Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.

21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.

24 Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.” (Rm 7,14-25)

Giới thiệu sách Gương Chúa Giêsu

SÁCH GƯƠNG PHÚC
(Toàn Tập)
Nguyên tác: The Imitation of Christ
Tác giả: Thomas à Kempis
Dịch giả: LM Lê Bá Tư
Thông tin bản quyền: Miễn phí
Nihil Obstat: Bùi-Chu die 9 -9 -1953
Jos. Maria Phạm-Châu-Diên Cens. del.
IMPRIMATUR: Saigon, 25-5-1965
F.X. Trần-Thanh-Khâm Vic. Gen.

LỜI DỊCH GIẢ

Tác giả “GƯƠNG CHÚA GIÊSU” đã không đề một lời tựa cho tác phẩm của mình.
Đáng lý vì tôn trọng cuốn sách tuyệt tác này, một cuốn sách mà nhiều học giả đã không ngần ngại đặt liền sau Bộ Phúc Âm Thư, tôi cũng không cần và cũng không dám viết gì thêm.

Nhưng với hy vọng phổ cập tới mọi tầng lớp quần chúng, tôi thấy không thể không có mấy lời giới thiệu. Phải chăng đây chỉ là cố gắng đặt tác phẩm vào địa vị xứng đáng của nó.

Trong khắp Giáo hội Âu Châu – nhất là mấy thế kỷ trước – GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã là cuốn sách thân yêu của giáo hữu, nhất là của giới tu sĩ. Nó đã được hân hạnh góp phần vào việc tác tạo nên những vị Thánh thời danh, như Inhaxiô, Phanxicô, Têrêsa….

Điều đó không có gì lạ.

Một đàng vì lúc ấy – cũng là hoàn cảnh hiện tại của giáo hữu Việt Nam – những sách tu đức còn ít phổ thông, những vị linh hướng chưa có đủ để cung cấp cho sở nguyện riêng của mỗi người. Trong hoàn cảnh đó, GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã xuất hiện, để trở nên cuốn Tu đức học phổ thông và là kim chỉ nam cho bất cứ những ai muốn và đang đi tìm đường trọn hảo.

Đàng khác – và đây là điểm đặc sắc nhất, vì GƯƠNG CHÚA GIÊSU hàm chứa một giáo lý đầy đủ, minh bạch và những phương pháp thực hành thích dụng cho mọi tầng lớp và mọi thời đại.

Điều đó thật dễ hiểu. Vì trong khi các sách tu đức học – với tính cách giáo khoa – chỉ chú trọng nhiều ở nguyên tắc mà ít lưu tâm giữ vững ngọn lửa sùng ái trong tâm hồn: điều mà hết thảy, nhất là những người phôi thai trong đường trọn lành, hằng mong ước. Còn các sách đạo đức khác, nhất là các sách chuyên cứu về những phong trào sùng mộ riêng trong khi hấp dẫn được linh hồn, thì hầu như lại thiếu hẳn tính cách hướng dẫn: một điều kiện tất yếu của mọi sách tu đức. Vì thế – cũng như loại sách trên – nó chỉ thỏa mãn được từng phương diện và từng lớp người.

Trái lại, ngoài sức hướng dẫn sẵn có, vì căn cứ trên những lời bất hủ của chính Đấng tự xưng là “Đường và Chân lý,” GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn có một sức hấp dẫn dồi dào, mãnh liệt và bền bỉ, một sức hấp dẫn hình như trào ra bởi chính ngọn lửa sốt mến của Tác giả và thấm nhuần vào từng trang từng chữ trong sách. Nó đã và còn đang có sức thiêu đốt và lôi kéo bất cứ những ai tin tưởng bước theo những lời chỉ dẫn của sách này.

Ngoài ra, nếu xét về phương diện xử thế, GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn là tất cả một khoa Triết học thực hành. Vì, không kể những lời Thánh Kinh – nguồn mạch mọi khôn ngoan thông thái – mà ta có thể gặp thấy trong hầu hết mọi trang sách, chính những kinh nghiệm của những người từng trải mà tác giả đã khéo thu thập, thêm vào những nghiệm xét bản thân của Tác giả, đã làm cho mỗi câu của GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên một bài học khôn ngoan vĩ đại có thể áp dụng cho bất cứ trường hợp nào của đời sống. Một cuốn sách như thế mà không được phổ thông nơi quần chúng, nhất là riêng trong giáo hữu Việt nam, quả là một sự thiếu sót và thiệt thòi khó có thể đền bù được.

Sự thực, trước đây đã có một vài bản dịch ra tiếng Việt Nam. Những bản dịch đó dầu sao cũng có mang lại lợi ích không phải nhỏ. Nhưng tiếc vì sách in có hạn, đàng khác hình như hiện nay các bản dịch ấy đã bị đặt vào một hoàn cảnh quá hẹp hòi, nên không còn đủ điều kiện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng thêm khẩn thiết.

Bản dịch GƯƠNG CHÚA GIÊSU đây hẳn chưa phải là bản dịch lý tưởng, vì nó ra đời trong một hoàn cảnh quá ngẫu nhiên. Thực, bất đắc dĩ nó phải thay thế cho những đàn anh nó đã vắng bóng mà chưa có người thế chân.

Mong những bản dịch mới mẻ và đầy đủ hơn, sẽ đến bổ khuyết và thay thế cho nó, nếu cần.

Tại Hà Nội, ngày 1 tháng XI, năm 1953
Dịch giả

ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT GỬI BẠN ĐỌC

Bạn muốn được nên thân tình với Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển I sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU. Đó là hành trang cho bạn lên đường.

Bạn muốn gặp Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển II sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để khi được gặp Thiên Chúa bạn biết tâm sự với Ngài.

Bạn muốn được Thiên Chúa tiếp thu làm bạn tâm giao, mời bạn đọc Quyển III sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để biết nên làm gì, phải làm gì để bảo vệ tình bạn với Thiên Chúa.

Bạn muốn nhờ Chúa Giêsu Kitô, với Chúa Giêsu, sống đời con thảo của Thiên Chúa, mời bạn đọc GƯƠNG CHÚA GIÊSU Quyển IV.

Nhưng xin lưu ý bạn: Con đường nên thánh không có bước nhảy vọt, mà phải là tiệm tiến. Phải vững bước thứ nhất, rồi mới tiến bước thứ hai, phải nắm chắc bí quyết rồi mới tiến bước thứ ba. Thuần thục giai đoạn ba, không cần mời, Chúa Giêsu sẽ đến với bạn, không chỉ dắt tay bạn mà còn cho bạn nhờ Ngài, với Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha.

GƯƠNG CHÚA GIÊSU là một tác phẩm đã có gần 500 năm nay mà vẫn hiện đại, vì được xây dựng trên nền tảng Phúc Âm.

Sách đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng, và đã trở thành sách gối đầu cho các thánh.

Việt Nam cũng đã có ba bản dịch, nhưng vì hoàn cảnh đất nước, sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên hiếm, nếu không nói là gần như bị mai một.

May mắn, chúng tôi gặp được một tập bản dịch của Linh mục Lê Bá Tư, tái bản từ năm 1965. Nhưng đối chiếu với nguyên bản La-văn thì có rất nhiều sai sót, có thể do kỹ thuật ấn loát, nhiều câu vì mất chữ hoặc dịch sát nghĩa quá nên khó hiểu; nhiều câu lại dài dòng quá nên ý nghĩa mất sắc bén…

Nhờ một Linh mục đọc đối chiếu với bản La-văn và sửa lại tới 5 lần, cốt ý là cho sách quý này không bị mai một, mà còn dễ đọc dễ hiểu hơn.

Nay tôi xin giới thiệu GƯƠNG CHÚA GIÊSU với bạn đọc.

GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Phaolô-Tịnh NGUYỄN BÌNH TĨNH
Nguồn: http://suyniemhangngay.net/2016/08/31/guong-chua-giesu/
——————————————
GHI CHÚ CỦA TÔNG ĐỒ MỤC VỤ SỨC KHỎE:
Đây là một tác phẩm tu đức hay và có giá trị, nhưng có thể rất nhiều người trong chúng ta chưa từng nghe hay đọc hết từ đầu tới cuối. Tuy được sáng tác trong môi trường đan tu cho những người sống đời thánh hiến, nhưng không phài vì thế mà nó không giúp ích cho con đường trọn lành của những ai muốn sống lý tưởng nên thánh giữa đời, trong dòng chảy giao động của cuộc sống xã hội. Điểm tác giả muốn nhắm tới là nói với tâm hồn của mọi người.
Liên quan tới tác giả đã có nhiều ý kiến khác nhau. Sử gia người Anh Brian McNeil cho rằng tác giả là Jean Gerson (1363-1429) , thần học gia kiêm triết gia người Pháp, chưởng ấn đại học Sorbone Paris. Người khác nghĩ Giovanni Gersen (1243-?) tu sĩ Biền Đức rất thông thái đã biết Thánh Phanxico thành Assisi và thánh Anton thành Padova. Người khác nữa cho rằng tác phẩm xuất phát từ môi trường của các tu sĩ Chartreux.
Tuy nhiên đa số các học giả thế kỷ XX chấp nhận Tommaso da Kempis (1380-1471) là tác giả.
Tuy được sáng tác cho hàng tu sĩ thời Trung Cổ, tức cách đây 5, 6 trăm năm, theo khuynh hướng thần học tu đức khổ hạnh thần bí có vẻ ra tiêu cực, nhưng các giáo huấn sách Gương Chúa Giêsu chứa đựng các lời khuyên thiêng liêng hữu ích có thể áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả những ai có cuộc sống hoạt động bon chen thường ngày giữa đời. Nó giúp chúng ta thanh lọc tâm trí và sàng gạn cung cách suy tư hành xử để chỉ giữ lại những gì thiết yếu nhất cho phần rỗi linh hồn.
Xin cám ơn chị Kim Hà và các anh các chị Chương trình Radio Giờ Của Mẹ và Website MeMaria.org đã bỏ công thu audio và phổ biến cho mọi người. Xin Chúa trả công cho các anh các chị qua lời bầu cử của Mẹ Maria.
TDMVSK

Tải

Gương Chúa Giêsu Cuốn 2 – Ta Hãy Dọn Lòng Chờ Chúa

Gương Chúa Giêsu Cuốn 1- Tập Sống Đời Sống Của Chúa

Gương Chúa Giêsu Cuốn 1- Tập Sống Đời Sống Của Chúa

Gương Chúa Giêsu Quyển 4 Bí Tích Thánh Thể

  1. Phải kính cẩn lên rước lễ
  2. Mầu nhiệm Tình Yêu
  3. Ích lợi bởi năng rước lễ
  4. Ai rước lễ nghiêm chỉnh được nhiều ơn
  5. Thánh Thể Chúa và chức Linh Mục cao quý
  6. Cách dọn mình rước lễ
  7. Xét mình và quyết sủa sai
  8. Hy lễ Thập Giá và tự hiến
  9. Tận hiến cho Chúa và cầu cho mọi người
  10. Không nên bỏ rước lễ dễ dàng
  11. Mình Chúa và Lời Chúa đều cần
  12. Khi rước lễ phải sửa soạn trong ngoài
  13. Phải khao khát nên một với Chúa Giêsu trong Thành Thể
  14. Tâm hồn ao ước rước lễ
  15. Không khiêm nhượng và xả kỷ sẽ không có sùng ái
  16. Giãi bày với Chúa những nhu cầu và xin Ngài ban ơn
  17. Khát vọng rước Chúa Kitô
  18. Đừng tò mò, nhưng phải tin
by Tháng Một 27, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

GCG Q4-1 Phải kính cẩn lên rước lễ

Chúa kêu mời

Ôi Chúa Giêsu, chân lý bất hủ! Những lời trên đây, dầu không phát ra cùng một lúc, không thuật lại cùng một nơi, nhưng tất cả đều là lời Chúa.

Mà vì xuất phát từ miệng Chúa nên là lời chân thực, con phải thành tín lĩnh nhận và biết ơn.

Là lời Chúa vì từ miệng Chúa phát ra nhưng cũng là cho con, bởi nó phát ra vì phần rỗi con.

Con vui lĩnh ở miệng Chúa để nó in sâu vào tâm hồn con hơn.

Những lời đại từ bi, đầy lân tuất và thân ái ấy phấn khích con. Nhưng tội lỗi con gây kinh hoảng, lương tâm nhớp nhúa con ngăn trở, không để con lĩnh nhận những mầu nhiệm vĩ đại ấy.

Lời êm dịu Chúa nâng con lên, nhưng tội lỗi vô vàn của con ghì con xuống.

Chúa dạy con phải tin tưởng đến cùng Cha, nếu con muốn dự phần với Chúa và phải ăn bánh trường sinh nếu con muốn được sống và vinh hiển muôn đời.

Chúa mời gọi : Tất cả những ai đang khó nhọc và gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, để nghỉ ngơi và được bồi dưỡng” (Mt.11,28)

 

 

Dầu ta không xứng

Lời thân tình quá ! Êm dịu cho tai tội nhân quá ! Lạy Thiên Chúa ! Chúa mời gọi người nghèo túng, thiếu thốn vào dự tiệc Thánh Thể Chúa !

Nhưng con là ai, lạy Chúa, mà dám bạo gan đến gần Chúa !

Kìa trời cao muôn tầng chưa thỏa lòng Chúa, mà Chúa bảo : “Hết thảy hãy đến với Ta” !

Chúa nhân từ hạ cố như vậy có ý chi? Mời gọi thân mật như vậy để làm gì?

Biết mình không có mảy may gì để gây tín nhiệm, con đâu dám đến cùng Chúa !

Đã từng bao lần xúc phạm lòng nhân từ Chúa, con đâu còn dám rước Chúa vào nhà.

Sứ thần, Tổng thần phải nghiêng mình kính cẩn; người lành, người thánh phải run sợ, mà Chúa bảo con : “Hãy đến với Cha” !

Lời ấy mà không phải Chúa nói, nào ai dám tin ?

Nếu không phải chính miệng Chúa truyền gọi nào ai dám đến ?

 

Sức ta hèn yếu

Kìa Noê, con người công chính, đã phải vất vả một trăm năm mới đóng xong chiếc tàu để cứu mình và thân nhân. Thế mà con, con chỉ dọn mình trong một giờ để rước Chúa tạo trời đất được ư !

Maisen, cận thần và thiết cốt của Chúa, đã đóng một hòm bằng gỗ không mục, nạm vàng thập thành để chứa Bia Lề Luật.

Mà con, tạo vật hèn đớn, con dám rước Chúa Tác giả Lề luật và Chúa tạo thành sinh linh một cách quá dễ dàng!

Salômon, vị vua khôn ngoan nhất các vua Do thái, cũng đã mất bảy năm mới cất xong ngôi đền lộng lẫy để dâng tiến Chúa và mất 8 ngày để khánh thành, dâng đủ một nghìn chiên bò, và Ngài rước hòm Bia Thánh vào biệt điện một cách long trọng giữa muôn điệu nhạc và tiếng hoan hô… Mà con, khốn nạn và hèn hạ hơn hết mọi người, con dám rước Chúa vào nhà trong khi không dọn mình được nửa giờ. Mà giả như con dọn mình được xứng đáng lấy một nửa giờ chả là may lắm sao !

Lạy Chúa Trời ! Những bậc vĩ nhân đó cố gắng đẹp lòng Chúa chừng nào, mà con đáng buồn, con làm được ít quá, thì giờ con dành để dọn mình rước lễ vắn vỏi quá!

Ít khi con nghiêm chỉnh cầm trí được. Họa hoằn mới khỏi chia trí !

Đúng lý ra, trước nhan Thánh Chúa, không được có một tư tưởng bất xứng nào, không một tạo vật nào có thể bén mảng tới.

Vì vị Thượng khách mà con sắp tiếp rước không phải là một thiên thần nhưng là Chúa các Thiên thần.

So sánh bia, Hòm bia, với Thánh Thể tinh tuyền bao hàm mọi quyền năng tuyệt vời của Chúa cho ta thấy sự khác nhau một trời một vực.

Hiến tế Cựu Ước, hình ảnh hiến tế Tân Ước, và Hy tế Thánh Thể, xóa mờ mọi lễ tế cũ không khác nhau như trời vực là gì !

 

Phải hết sức kính cẩn

Vì sao trước tôn nhan Chúa con lại không cháy lửa sốt mến ?

Sao lại không dọn mình cẩn thận hơn để rước Mình Thánh Chúa, trong khi các Thánh Tổ phụ, các Thánh Tiên tri và các Vua Chúa cùng toàn thể dân chúng tha thiết dường ấy với việc phụng sự Chúa ?

Vì nhớ lại những ơn Chúa ban cho tổ phụ, mà Thánh vương Đavit vui mừng nhảy múa trước Hòm Bia Thánh. Ngài truyền sắm nhiều nhạc khí, soạn ca vịnh và dạy hát cho hân hoan.

Chính Vua, được Chúa Thánh Thần thúc giục, cũng thường với chiếc huyền cầm ca tụng Chúa. Ngài dạy dân Israel chúc tụng Chúa cho thực tình và hằng ngày hòa tiếng ngợi khen và tung hô danh Chúa.

Nếu xưa, chỉ nhìn thấy Hòm Bia mà người ta sốt sắng và chúc tụng Chúa được thế, thì nay, trước Bí tích Thánh Thể, nhất là khi rước Mình Thánh Chúa, con cũng như toàn dân Công giáo, phải kính cẩn và sốt sắng chừng nào !

Nhiều người đi khắp nơi để viếng hài cốt các Thánh. Họ ngẩn người khi nghe thuật về các thánh. Họ chiêm ngưỡng những ngôi đền lộng lẫy và hôn kính xương thánh bọc bằng vải lụa, bảo vệ bằng hộp vàng.

Còn Chúa, lạy Chúa rất thánh, Đấng dựng nên nhân loại và Chúa các Thiên Thần ! Chúa ở đây, ngay cạnh con; trước mặt con trên bàn thờ.

Những cuộc hành hương đây đó do tò mò và tính ham biết những điều mới lạ. Chúng chẳng giúp xây dựng là bao, nhất là khi chỉ đi chu du mà không có tinh thần thống hối chân thành.

Nhưng ở đây, lạy Chúa ! Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa là Thiên Chúa thực, Chúa cũng là người thực. Mỗi lần con nghiêm túc và sốt sắng rước Chúa, Chúa cũng ban ơn muôn vàn cho phần rỗi muôn đời.

Không phải tính nhẹ dạ, tò mò… lôi kéo được người ta lại Bàn thánh nhưng là Đức Tin sắt đá, Đức Cậy vững bền và Đức Ái chân thành.

 

Bí tích diệu huyền

Lạy Chúa ẩn dật, Chúa tạo thành trời đất ! Chúa xử với chúng con lạ lùng quá ! Chúa đối với người Chúa chọn cách hiền hậu và nhân từ quá ! Vì Chúa ban chính mình làm của nuôi chúng con trong Bí tích Thánh Thể.

Điều đó vượt mọi tâm trí. Có sức lôi kéo mọi tâm hồn đạo hạnh đến cùng Chúa và đốt nóng tình yêu của họ.

Những tín hữu suốt đời sốt sắng chuyên lo sửa mình, khi rước lễ họ thường được ơn sủng ái phi thường và lòng nhiệt thành hâm mộ nhân đức.

Ôi ! Ơn lạ lùng và sâu nhiệm của Bí tích Thánh Thể ! Chỉ duy các tín hữu Chúa Giêsu biết, còn người vô tín ngưỡng và nô lệ tội lỗi không bao giờ cảm được.

Bí tích này ban ơn thiêng liêng, trả cho linh hồn sức mạnh đã mất và hoàn lại nét xinh tươi đã bị tội ác làm phai mờ.

Cũng có khi ơn Chúa ban lớn lao quá đến nỗi lòng sùng ái, chẳng những làm cho hồn mà cả xác yếu nhược cũng được thêm sức mới mẻ.

 

Chúa nhân từ

Nhưng ta phải khóc, khóc thảm thiết ! Và đau đớn vì ta đã khô khan, lạnh nhạt, không sốt sắng đến rước Chúa Kitô là hy vọng và huân nghiệp của những người được cứu rỗi.

Chính Chúa đã thánh hóa và cứu chuộc ta, Chúa ủi an linh hồn người lữ khách nơi lưu đầy, Chúa là hạnh phúc bất diệt của các Thánh.

Tiếc thay người Kitô hữu rất ít lưu tâm đến mầu nhiệm phần rỗi là mầu nhiệm làm vui thiên đàng và bảo trì vạn vật.

Tiếc thay ! Lòng người mù tối và cứng cỏi ! Chẳng những đã không để ý mà còn vì quen rước lễ hằng ngày không còn ý thức được ơn vĩ đại này.

Giả như cả thế giới chỉ có một đền thờ dâng lễ thánh này, và chỉ có một linh mục được làm Bí tích này, chắc người ta sẽ ao ước và nô nức tuôn đến nơi ấy, với linh mục ấy để tham dự Thánh lễ.

Hiện nay có rất nhiều linh mục, và Chúa Kitô hiến tế lễ ở nhiều nơi, để việc rước lễ được phổ cập khắp chốn và đức quảng đại, lòng thương yêu Chúa đối với nhân loại được biểu dương lan tràn.

Ôi ! Chúa Giêsu hiền từ, Chúa Chiên hằng hữu ! Con cảm tạ Chúa vì đã thương nuôi chúng con trong nơi lưu đày khốn khó, bằng Mình và Máu thánh châu báu Chúa. Hơn nữa, Chúa còn dùng lời bởi chính miệng Chúa mà mời gọi chúng con đến dự tiệc mầu nhiệm : “Hỡi chúng con, đang vất cả và lao lực ! Hãy đến cùng Cha, Cha sẽ bổ sức lại cho”.

 

SUY NIỆM

“Trước ngày lễ Phục Sinh, Chúa Giêsu biết đã đến lúc phải từ giã thế trần mà về cùng Đức Chúa Cha. Như Ngài đã yêu con cái còn ở lại dương thế, Ngài còn thương họ tới cùng”.

Chính lúc ấy Chúa Giêsu bắt đầu lập Bí tích Thánh Thể, để nhờ đó có thể ở lại với môn đệ và con cái Chúa cho đến tận thế, như lời Chúa hứa : “Cha sẽ không bỏ chúng con mồ côi”.

Dầu mắt ta không trông thấy, nhưng Ngài vẫn ngự thật trong Thánh Thể và đêm ngày không ngớt mời gọi : “Hết thảy hãy đến cùng Cha, Cha sẽ bổ sức cho”. Chúng con khát, hãy đến suối nước trường sinh.

Với tiếng kêu mời thiết tha ấy từ trong các nhà tạm khắp thế giới phát ra, chúng ta có thể thờ ơ, lãnh đạm mãi được không?

Vậy “hỡi các bạn” hãy đến ăn uống, và say sưa trong yến tiệc Chúa Cứu Thế.

Lạy Chúa Giêsu ! Quả là Chúa không còn nghĩ được cách nào khác hơn để chứng tỏ lòng Chúa thương yêu chúng con, hơn là Bí tích này. Để đáp lòng thương đó, con cũng không còn cách nào khác hơn là mau mắn chạy lại cùng Chúa trong Thánh Thể. Vậy lạy Chúa ! Này con đây, xin Chúa đừng từ rẫy con.

by Tháng Một 27, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

GCG Q4-2 Mầu nhiệm tình yêu

Tình yêu vô hạn

Cậy vào lượng khoan dung và đức từ bi Chúa, con đến với Chúa, lạy Chúa ! Con đến như người yếu liệt đến cùng Chúa Cứu Thế, như kẻ đói khát đến nguồn sống, như người nghèo khổ đến với Vua trời, như tôi hèn đến cùng Chủ, như tạo vật đến cùng Đấng Tạo Hóa, như kẻ bị đày đọa đến cùng Đấng ủi an.

Nhưng bởi đâu con được hân hạnh Chúa đến với con ? Con là chi để đáng Chúa hiến mình cho con !

Có lý gì một tội nhân dám ra trước nhan Chúa ? Tại đâu Chúa khứng đến với một tội nhân ?

Chúa biết rõ về con và Chúa biết trong con không có gì để đáng được ơn ấy.

Con tự biết mình thấp hèn, con biết Chúa tốt lành, con ca tụng đức từ bi Chúa và đội ơn vì đức bác ái không bến bờ của Chúa.

Chúa làm thế là vì Chúa muốn biểu dương lòng Chúa thương con và để con thêm lòng kính ái và khiêm nhượng chứ đâu phải do công phúc của con.

Chúa muốn thế, vì Chúa xe định thế, nên con vui mừng lĩnh nhận lòng thương yêu của Chúa. Con hy vọng tội lỗi con sẽ không ngăn trở con.

Ôi ! Chúa Giêsu rất khoan nhân ! Con phải cung kính biết ơn và ngợi khen Chúa chừng nào, vì con được rước Thánh Thể Chúa, là bí tích mà không ai có thể nói hết giá trị.

Nhưng con sẽ suy tưởng gì ? Vì giờ đây con sắp rước Chúa, con sẽ đến cùng Chúa. Mặc dầu con không thể cung kính cho xứng đáng, nhưng con thành tâm muốn rước Chúa với cả tâm tình tha thiết mến yêu.

Còn tư tưởng nào tốt hơn, lợi hơn và hạ mình thẳm sâu trước mặt Chúa và ca tụng lòng quảng đại vô cùng Chúa đối với con.

Con chúc tụng Chúa, lạy Chúa Trời con, và con sẽ ngợi khen Chúa muôn đời.

Con sấp mình và suy tôn Chúa vì con là đáy vực nhớp nhơ.

Chúa là Đấng rất Thánh, mà con là vực tội lỗi.

Chúa hạ cố đến với con, trong khi con không đáng nhìn lên Chúa.

Chúa hạ cố đến con, Chúa muốn ở với con, Chúa mời đón con đến dự tiệc thánh. Chúa muốn ban cho con của ăn trên trời bánh các Thiên thần cũng là Mình Thánh Chúa, là bánh trường sinh bởi trời xuống đem sinh lực cho trần gian.

 

Tình yêu đáp trả tình yêu

Lập Bí tích này, thực là một sáng kiến phúc lộc và ích lợi chừng nào ! Yến tiệc trong đó Chúa hiến thân làm lương thực, quả là một yến tiệc mỹ vị và dịu ngọt chừng nào !

Công việc Chúa làm thực diệu kỳ, lạy Chúa ! Uy quyền Chúa mãnh liệt biết bao! Chân lý Chúa thực khôn tả.

Vì Chúa đã phán và mọi sự đã hoàn thành, và hoàn thành theo lệnh Chúa.

Điều kỳ lạ không ai hiểu thấu, nhưng mọi người phải tin, vì rằng, lạy Chúa là Thiên Chúa thật và cũng thật là người mà ở ẩn trong mụn bánh và chút rượu, cho người ta rước lấy và ăn, mà vẫn còn vẹn tuyền.

Ôi ! Chúa tể muôn loài ! Chúa không cần một ai, nhưng lại muốn ngự giữa chúng con trong Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa gìn giữ hồn xác con vẹn sạch, để con được lương tâm vui vẻ và trong trắng, mà năng làm và rước lấy Bí tích mầu nhiệm này để được sống muôn đời. Vì Bí tích này Chúa đã thành lập, mục đích chính là để lưu mãi vinh danh Chúa muôn đời.

Linh hồn tôi ơi ! Hãy vui mừng và tạ ơn Chúa vì đã ban ơn quí trọng để an ủi tôi trong nơi sủng khóc lóc này.

Vì mỗi lần truyền hoặc rước lấy Mình Thánh Chúa Kitô, là một lần làm việc cứu rỗi mình và được thông phần huân nghiệp của Chúa Kitô.

Vì lòng thương yêu của Chúa Kitô không bao giờ giảm bớt và lượng từ bi không bao giờ phai lạt.

Vậy ta phải năng hồi tâm để dọn mình cho xứng đáng, và chăm chỉ gẫm suy về mầu nhiệm lớn lao này.

Ngày nào dâng hoặc rước lễ, ta phải coi là một việc trọng đại, mới mẻ và cao quý, như thể là chính ngày đó Chúa Kitô ngự xuống lần đầu tiên trong lòng Đức Mẹ, hay đang treo trên cây Thánh giá, chịu nạn chịu chết cho phần rỗi thế nhân.

SUY NIỆM

Giữa tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu nói với môn đệ : “Cha ước mong ăn bữa này cùng các con trước ngày chịu chết”. “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Cha”.

Phải chăng dầu Thượng Trí, Thiên Chúa cũng không sáng kiến được phương pháp nào tốt hảo hơn, để chứng quả lòng yêu của Ngài đối với nhân loại!

Ôi ! Mầu nhiệm vĩ đại !

Ai đã làm được cho một Thiên Chúa uy quyền ngự giữa muôn ngàn thần thánh, mà nay tự nhốt mình vào trong nhà Tạm nhỏ hẹp, trong tâm hồn nhớp nhơ của tội nhân.

Bí quyết nào đã làm được cho Ngôi Hai che giấu cả thiên tính lẫn nhân tính và hóa nên của nuôi nhân loại !

Phải chăng chỉ vì yêu mà Chúa đã tuyên bố : “Hạnh phúc của Cha là được ở với con cái loài người”.

Lạy Chúa Giêsu ! Xin cho con hiểu tỏ lòng Chúa thương yêu con trong phép Thánh Thể, và giúp con dọn mình sốt sắng, đến rước Mình Thánh Chúa, để đền đáp phần nào lòng Chúa thương yêu con.

N
by Tháng Một 27, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

GCG Q4-3 Ích lợi bởi năng rước lễ

Chúa là hy vọng

“Lạy Chúa ! Con nay đến cùng Chúa, để hưởng nhờ ơn Chúa và được vui mừng trong tiệc thánh, mà Chúa đã thương dọn cho kẻ khó nghèo” (Ps. 68, 11).

Trong Chúa có tất cả mọi điều con có thể và phải ao ước, Chúa là phần rỗi và là Đấng cứu chuộc con, là hy vọng và sức mạnh con, vinh dự và vinh hiển con.

Vậy hôm nay “xin Chúa hãy làm cho linh hồn con được vui mừng, bởi chưng, Lạy Chúa Giêsu ! Con đã nâng hồn con lên cùng Chúa” (Ps. 85,4).

Giờ đây, con ước ao được sốt sắng và cung kính tiếp rước Chúa. Con muốn rước Chúa vào linh hồn con để như xưa Chúa đã chúc lành cho ông Giakêu, Chúa cũng chúc lành cho con và cho con được vào sổ con cái Abraham.

Linh hồn con khát khao rước Mình Thánh Chúa và lòng con mong mỏi kết hợp với Chúa.

 

Chúa là sinh lực

Xin Chúa ban cho con Thánh Thể Chúa, như thế là đủ, vì ngoài Chúa không gì có thể an ủi được con.

Con không thể sống không có Chúa, và con không sống được nếu Chúa không đến thăm con.

Vậy con sẽ năng đến cùng Chúa, năng rước Chúa như lương thực nuôi sống con. Con sợ thiếu lương thực bởi trời này, con sợ sẽ kiệt sức mà ngã giữa đường.

Ôi ! Chúa Giêsu nhân từ ! Xưa khi Chúa giảng cho dân chúng và chữa bệnh cho họ, có lần Chúa đã nói : “Cha không đành tâm để họ bụng đói trở về, sợ họ lả dọc đường” (Mt. 15,32). Vậy xin Chúa cũng xử với con như thế. Vì mục đích Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể là để an ủi dân Chúa.

Chúa là lương thực mỹ vị nuôi hồn. Ai nghiêm túc rước Chúa, sẽ được dự phần vinh hiển muôn đời.

Phần con, hay sa ngã, mau phạm tội, chóng khô héo và nhát đảm, con cần phải siêng năng cầu nguyện, xưng tội và rước Mình Thánh Chúa để có sức, được trong sạch và hăng say. Con sẽ xao lãng cả những điều quyết định nếu bỏ lâu không cầu nguyện, không xưng tội và rước lễ.

 

Chúa là an ủi

“Con người từ bé đã nghiêng về điều ác” (Gen. 8, 21). Nếu không được Thánh Thể Chúa bổ sức, mỗi ngày sẽ chìm sâu hơn vào điều ác.

Bí tích Thánh Thể giúp ta xa lánh điều ác, và thúc đẩy ta làm thiện.

Bây giờ con năng rước lễ, mà còn trễ nải và luôn nguội lạnh, thì khi con bỏ hẳn của ăn bổ sức này và không được Mình Thánh Chúa đỡ nâng, con sẽ héo khô đến thế nào !

Vì thế, mặc dù con không xứng đáng rước lễ hàng ngày, nhưng con sẽ không bỏ những khi có thể và cố gắng hưởng nhờ ơn quí trọng này.

Vì nguồn an ủi duy nhất của người giáo hữu đang lưu đày xa Chúa trong thân xác này, là được năng tưởng nhớ Chúa và sốt sắng rước Chúa yêu mến vào lòng.

 

Chúa cao trọng vô cùng

Ôi ! Phép lạ Tình yêu ! Chúa đã dựng nên các Thiên Thần và gìn giữ cho sống. Chúa đã khứng đến với thân phận khốn nạn này, và cho con no thỏa bằng cả thiên tính và nhân tính của Chúa.

Sung sướng và hạnh phúc cho linh hồn rước Chúa nghiêm túc, sẽ được vui mừng thỏa thuê vì có Chúa ngự trong lòng.

Ôi ! Linh hồn ấy được ơn cao cả chừng nào ?

Vị thượng khách đang ở trong linh hồn ấy đáng kính mến chừng nào ! Bạn thiết cốt của linh hồn đó thùy mị, trung tín chừng nào ! Người tình muôn thuở mà linh hồn ấy đang ôm ấp, tốt đẹp chừng nào !

Ngài sang trọng và đáng yêu hơn hết những gì đáng yêu cũng như đáng ước nguyện.

Lạy Chúa chí ái ! Trời và đất cùng mọi vẻ đẹp thiên nhiên phải câm lặng trước nhan Chúa. Vì mọi vẻ đẹp đều do Chúa mà có, và không bao giờ chúng có thể tuyệt mỹ như Chúa là Đấng khôn ngoan tuyệt hảo.

 

SUY NIỆM

Rước lễ không phải vì mình đáng nhưng là vì mình cần. Thánh Thể Chúa ban, không phải là phần thưởng nhưng là linh dược chữa tật bệnh linh hồn ta.

Để rước lễ cho có hiệu lực, Chúa chỉ đòi ta hai điều kiện: sạch tội trọng và ý ngay lành. Với hai điều kiện đơn giản ấy, lòng Chúa mong được tiếp ta hằng ngày nơi Bàn Thánh.

Để đáp lòng mong ước của Chúa, ta hãy làm hết sức và cùng với Thánh Têrêsa, ta hãy làm cả cái quá sức để rước Chúa luôn nhất là nếu có thể rước Chúa hằng ngày.

by Tháng Một 27, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh