Đèn soi lối

Gương Chúa Giêsu Q1-14 Xét đoán

14. Xét đoán

Posted on 

Trình chơi Âm thanh

Xét đoán là bất công

Hãy lo xét mình mà đừng tìm xét việc người.

Xét người: đó là làm việc vô ích. Làm thế người ta rất hay lầm và, dễ sai lỗi lắm.

Thay vì xét người, Bạn hãy đoán, hãy xét mình: làm thế bao giờ cũng có lợi hơn.

Thường ta xét đoán sự vật theo độ cảm tình của lòng ta, đối với sự vật ấy và, lòng tự ái thường làm ta đoán xét thiên lệch.

Nếu ta quy hướng tầm mắt ta, về một mình Chúa, làm gì dễ khó chịu, khi gặp trái ý đến thế.

Thường có một cái gì, – không bên trong thì bên ngoài – nó lôi kéo ta.

Bao nguời hễ tra tay làm việc, là y như kỳ bí mật, đi tìm chính mình mà vẫn không biết.

Bao lâu sự vật xảy đến hợp sở ước, sở trường xem ra họ được an bình lắm, nhưng nếu gặp phản đối, là tức khắc họ bối rối và xu buồn.

Xét đoán rất có hại

Bất đồng ý kiến, bất hợp tình cảm, thường hay gây bất thuận, giữa bạn bè, giữa công dân một nước, có khi giữa cả một Dòng tu và những người đạo đức.

REPORT THIS AD

Một thói quen lưu cựu, bỏ đi được khó lắm, và chẳng mấy ai vui lòng chịu dẫn đi lối mình không muốn.

Nếu chỉ dựa vào ý kiến và tài năng riêng, hơn là theo gương Chúa Kitô, mà vâng lời, tùng phục Bạn sẽ ít – hay có cũng rất muộn – được ơn soi sáng trong đường thiêng liêng. Vì Chúa muốn ta phải hoàn toàn khuất phục Chúa, thắng hết mọi lý luận để đi tới một đức ái nồng hậu hơn.

SUY NIỆM

Tự nhiên ta thích điều tra và công kích những khuyết điểm của người khác.

Lòng tự ái thường làm ta công nhận trong ta cái ta phê bình nơi người khác và, ta thường sáng suốt khi xét khuyết điểm nguời, mà mù tối đối với khuyết điểm của mình.

Lời Chúa Giêsu: “Chúng con đừng xét đoán để khỏi phải đoán xét”.

Tôi sẽ đoán xét mình cho nghiêm nhặt, thay vì đi xét đoán người, để khỏi bị Chúa xét đoán, trong ngày công phán.

Lạy Chúa, xin ban cho con biết quên, hay không biết đến những cái con không có trách nhiệm phải biết, phải xét đoán, để con chỉ sống vì Chúa và trong Chúa. Lạy Chúa, một mình Chúa có quyền xét đoán, xin hãy đoán xét con đời này, để tha xét đoán con trong ngày công phán.

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q1- 15 Bác ái

15. Bác ái

Trình chơi Âm thanh

Hoạt động của bác ái

Đừng làm một việc ác, để được bất cứ một của gì, hay bất luận vì yêu một người nào. Nhưng có lúc cũng nên bỏ một việc thiện, hoặc thay thế bằng một việc tốt hơn, để làm ích cho một người cần được ta giúp. Lúc đó không phải là bỏ việc thiện, nhưng là trở thành việc tốt hơn.

Không có bác ái, công việc bên ngoài là việc chết. Nhưng một công việc dầu nhỏ bé mấy, dầu tầm thường mấy mà làm vì một nguyên do bác ái, lại lợi hết chỗ nói. Vì Chúa không xét việc ta làm, bằng xét lý do xui ta làm.

Bác ái nhiều, là làm nhiều rồi đấy.

Cái phải làm cứ làm cho hẳn hoi, cũng là làm việc nhiều rồi đấy.

Làm mà cốt mưu công ích hơn là tạo ý riêng, đó là làm nhiều rồi đấy.

Bác ái thật

Cái người ta cho là công việc của Bác ái. Thường khi lại chỉ là con đẻ của tham vọng. Vì khuynh hướng tự nhiên, ý riêng, tính vụ lợi, tính quen tìm cái vừa ý, hằng theo ta như bóng với hình.

Người có bác ái hoàn toàn thực, không tìm ích riêng, trong bất cứ công việc gì nguyện vọng duy nhất của họ, là làm vinh danh Chúa trong mọi sự.

Người đó không ghen ghét ai, vì họ không tìm vui sướng riêng cho mình.

Họ không tìm hạnh phúc cho bản thân, một tìm nơi Chúa một hạnh phúc cao quí, và trổi hơn hết.

Không nhìn nhận cái gì hay tốt ở tạo vật, họ qui hướng tất cả về Chúa, như nguồn sâu thẳm, phát nguyên muôn điều thiện, là cứu cánh làm cho hết thảy các Thánh được an nghỉ vui sướng.

Ôi! Ai có một tia Bác ái thật; người đó sẽ cảm thấy tất cả thế vật, chỉ là phù vân giả trá!

SUY NIỆM

Ta hãy cố lĩnh hội được câu: “Chúa không xét ta đã làm nhiều hay làm ít, chỉ xét ta Bác ái nhiều hay ít”. Và: “Bác ái nhiều tức là làm nhiều”.

Việc ta làm chỉ đẹp ý Chúa, khi nào nó đuợc đóng ấn tín của Bác ái.

Thánh Phaolô bảo: “Anh em hãy làm việc anh em trong cảm tưởng, và nhịp điệu của Đức Ái Thiên Chúa”.

Lòng Bác ái linh động và hiện hoạt ấy, chính là của nuôi dưỡng Đức tin trong ta, vì Đức tin mà không có Đức Ái, là Đức Tin chết.

Lạy Chúa, là trung tâm của mọi Tình Yêu! Con ân hận, vì đã qua bao năm tháng mà không mến Chúa! Con xấu hổ, vì đã ít nghĩ đến Chúa, trong khi Chúa nghĩ đến con luôn, đã thờ ơ lãnh đạm với Chúa trong khi Chúa nóng lòng yêu con! Lạy Chúa, xin cho con yêu mến Chúa cho tha thiết, để bù lại những năm tháng, mà con đã không mến Chúa, và đền đáp trong muôn một lòng Chúa yêu thương con.

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q1-16 Một nhịn chín lành

16. Một nhịn chín lành

Trình chơi Âm thanh

Nhịn là tinh khôn

Cái gì trong bạn, hay trong người khác mà Bạn không sửa được. Bạn hãy nhẫn nhục chịu đựng, cho đến khi Chúa ấn định cách khác.

Bạn nên nghĩ, biết đâu để thế lại có lợi hơn cho Bạn vì nó giúp bạn luyện tập thêm đức nhẫn, là một đức tối cần để lập nên công lớn.

Nhưng Bạn hãy cầu xin Chúa giúp Bạn trong những éo le ấy, để chịu cho vui lòng.

Nếu bạn đã bảo ai nhiều lần mà người ấy không chịu nghe. Bạn đừng cãi lẫy với họ, hãy để mặc Chúa, là Đấng có thể biến điều ác, nên điều thiện, để thần ý Ngài nên trọn và, để Ngài được hiển danh, trong các tôi trung của Ngài.

Nhịn là công bằng

Bạn hãy cố nhẫn nhục chịu đựng những khuyết điểm và sơ suất, bất luận lớn nhỏ của người khác, vì chính Bạn, cũng đầy khuyết điểm, mà người khác đang phải chịu đựng đấy!

Chính Bạn, Bạn cũng không thể trở nên như mình muốn, thế sao Bạn lại có thể bắt người khác phải trở nên như Bạn muốn?

Ta thích cho người khác nên trọn hảo; còn lỗi ta, ta vẫn không chịu sửa!

REPORT THIS AD

Ta muốn sửa trị người khác cho nhặt; còn ta, một lời sửa bảo xoàng đã chau mặt!

Ta khó chịu khi người khác được ơn rộng, còn ta, ta vẫn không muốn ai chối ta cái gì.

Ta muốn ràng buộc người khác, bằng những kỷ luật nghiêm khắc, còn ta hơi bó buộc thêm một chút, là ta đã không chịu nổi!

Những cái đó đủ để chứng tỏ, rất ít khi ta xử với người khác như xử với mình.

Nhịn là sáng suốt

Nếu ai cũng tinh toàn cả, làm gì còn khổ giá để ta vác cho Chúa.

Nhưng giờ đây Chúa an bài thế để ta tập tương trợ lẫn nhau, vì ai cũng có khuyết điểm, cũng như phải nhịn khuyết điểm người khác. Chẳng ai tự túc tự mãn, chẳng ai sáng suốt đủ mà không phải nhờ người khác hướng dẫn. Trái lại ta phải chịu đựng lẫn nhau, yên ủi lẫn nhau giúp đỡ lẫn nhau, dạy vẽ và chỉ bảo lẫn nhau.

Không gì chứng tỏ trình độ nhân đức của ta bằng phản trắc. Vì những dịp đó không làm cho ta yếu thêm, trái lại nó chỉ chứng tỏ cái chân thực của con người.

SUY NIỆM

Nhẫn nhục chịu đựng khuyết điểm trong ta, cũng như trong người khác, là một cử chỉ có năng lực thánh hóa và, là một phương thế tối hảo giúp ta xứng đáng được thiên đàng.

Không gì công bình bằng nhịn nhục ở người khác, cái ta muốn người khác nhịn ở ta.

REPORT THIS AD

Tốt hơn hết: ta hãy nhịn khuyết điểm người khác, mà đừng để người khác phải nhịn khuyết điểm ta. Làm như thế, là vác gánh nặng đỡ lẫn nhau.

Lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau theo tinh thần Bác ái và hãy tha thứ lầm lỗi cho nhau”.

Lạy Chúa, Chúa đã rõ những trái ý rất có lợi cho con, vì nó sửa chữa, luyện lọc và hoàn tất nhân đức trong con. Nhưng Chúa biệt rõ, chúng con vất vả chừng nào, mới chịu được những thử thách ấy, và dễ xúc cảm chừng nào, trước những trái ý ấy.

Lạy Chúa! Xin đừng để con theo xúc cảm riêng, nhưng hãy giúp con biết hy sinh, để đẹp lòng Chúa. Đó là điều con hy vọng ở lòng thương yêu vô cùng Chúa.

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q1- 17 Đời sống tu trì

17. Đời sống tu trì

Trình chơi Âm thanh

Phải có tinh thần hy sinh

Hãy tập quen thắng mình trong mọi trường hợp, nếu Bạn muốn sống bình an và hợp nhất với người khác.

Sống trong một nhà dòng, một viện tu, sống cho thuận hòa và trung thành cho đến chết, không phải là chuyện tầm thường.

Hạnh phúc những ai sống trong một nhà dòng, mà sống thánh thiện và chết một cái chết may lành!

Muốn được vững chắc và tiến đức, Bạn hãy tưởng Bạn là một người lưu lạc và, ngụ cư trên mặt đất.

Muốn sống một đời sống tu trì, Bạn hãy trở nên khờ dại vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô.

Mang áo dòng và cắt tóc đầu, chưa vị tất là đã tu; nhưng phải cải thiện đời sống và hãm dẹp tình dục: cái đó mới làm nên được thầy dòng đích thực.

Ai đi tìm vật gì ngoài vinh danh Chúa và phần rỗi linh hồn, người ấy sẽ chỉ gặp sầu muộn và đau khổ.

Ai không trở nên bé mọn nhất và tùng phục mọi người, người ấy không thể sống bình an lâu được.

Luyện tinh thần hy sinh

Bạn đi tu không phải để chỉ huy, nhưng là để vâng lời.

Bạn cũng không đi tu để sống an nhàn hay đeo đuổi theo những phù phiếm, nhưng là để chịu đau khổ và để làm việc luôn.

Ở trong dòng, người ta bị thử như sắt bị nung trong lò lửa.

Không ai sống trong dòng đến cùng được, nếu không thành tâm tự hạ vì lòng mến Chúa.

SUY NIỆM

Đời sống tu trì, là một đời sống, lấy tinh thần hy sinh, xả kỷ, làm phương châm, để đạt cứu cánh toàn hảo của thánh thiện.

Mà hy sinh, xả kỷ, chẳng qua chỉ là bản toát lược nghĩa vụ đời sống công giáo. Vì không phải riêng cho giới tu sĩ, nhưng là chung cho mọi tầng lớp mà Chúa phán: “Chúng con hãy nên trọn hảo như Cha chúng con trên trời là Đấng trọn hảo”.

Để đầy đủ nhiệm vụ đó, ta phải từ khước mình, để kết chặt với hy sinh cao cả của Chúa “Đã tùng phục cho đến chết, và chết trên Thánh giá”.

Lạy Chúa, Chúa muốn và truyền chúng con phải nên trọn hảo! Nhưng tự sức chúng con, chúng con không làm được gì khác, hơn là xúc phạm đến Chúa và tự trầm luân! Vậy xin Chúa  đến giúp chúng con, xin Chúa  hành động trong chúng con. Có Chúa giúp, chúng con sẽ làm được tất cả.

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q1- 18 Gương thánh hiến

18. Gương thánh hiến

Trình chơi Âm thanh

Đời sống phục tùng

Bạn hãy để trước mắt gương linh hoạt của các Thánh Giáo Phụ.

Các Ngài là mô phạm một đời sống trọn hảo và thánh thiện. Và bạn sẽ thấy những việc bạn làm chẳng giá trị mấy, hay đúng hơn, không giá trị gì.

Chà! Đời sống ta là cái gì sánh với đời sống các Ngài?

Các thánh nhân và các bạn tâm phúc Chúa Kitô đã phụng sự Chúa, lúc đói cũng như lúc khát, lúc rét cũng như khi phải trần truồng, trong hành động cũng như trong lao lực; các Ngài đã thức khuya dậy sớm, đã ăn chay hãm mình, đã đọc kinh nguyện gẫm sốt sắng và chịu ngàn vạn những tân toan, nhục nhã. (1)

Đời sống hy sinh

Ôi! Đếm sao được số ngần, cân sao được trọng lượng những đau khổ các thánh Tông đồ, các thánh Tử đạo, các thánh Hiển tu, các thánh Đồng trinh, và tất cả những người muốn bước theo lối Chúa Kitô phải chịu!

“Các Ngài đã coi khinh mạng sống mình ở đời này, để lại được nó trong đời muôn thuở”. (2)

Cay nghiệt và xả thân chừng nào, đời sống của các Giáo Phụ trên rừng vắng! Lâu lắc và gắt gao chừng nào những cám dỗ các Ngài đã trải! Biết mấy lần các Ngài đã chịu quỉ ma dằn vặt!

Nhưng cũng can trường và nồng nhiệt biết mấy, lời kinh nguyện các Ngài dâng lên Chúa! Nghiêm khắc biết mấy, những cử chỉ các Ngài hãm dẹp ngũ quan!

Lòng sốt sắng, nồng nhiệt tiến đức của các Ngài mãnh liệt chừng nào!

Cuộc chiến đấu của các Ngài để khuất phục tà dục nó gắt gao chừng nào!

Trong sạch và thẳng thắn chừng nào tâm ý của các Ngài trong việc phụng sự Chúa.

Ngày làm việc, đêm thức cầu nguyện, và cả trong khi làm việc, lòng trí các Ngài cũng không ngớt hướng về Chúa.

Đời sống khó hèn

Các Ngài lợi dụng được từng phút.

Thời giờ phụng sự Chúa, một giờ là giây phút.

Cái khoái sảng tuyệt bậc trong lúc nguyện gẫm làm các Ngài quên cả ăn nuôi xác.

Phú quí, chức quyền, danh vọng, bạn bè thân thiùch, các Ngài từ giã cả. Trần tục các Ngài cũng không thèm.

Các Ngài có dùng của gì cần cho được sống cũng là bất đắc dĩ và đau lòng khi vì nhu cầu phải cung cấp của gì cho thân xác.

Nghèo túng của đời, các Ngài rất giầu ân sủng và nhân đức.

Bên ngoài túng thiếu mọi vật, nhưng tâm hồn các Ngài đầy tràn ân sủng và an ủi của Chúa.

Đời sống khiêm nhượng và nhẫn nhục

Đời ở xa các Ngài, nhưng Chúa ở ngay bên cạnh và coi các Ngài như bạn tâm phúc.

Các Ngài coi mình như không và đáng đời khinh rẻ, nhưng lại được Chúa qúy trọng và cưng như con nõn.

Luôn luôn nhất mực khiêm tốn, thành tâm tùng phục, con đường các Ngài đi là con đường nhẫn nhục và bác ái. Như thế các Ngài đã được tiến bộ luôn trong đời sống tinh thần và được vừa lòng Chúa.

Những bậc thánh nhân ấy, Chúa ban để làm mô phạm cho giới tu trì. Gương các Ngài phải thúc đẩy ta tiến bộ luôn trong đường nhân đức, hơn ngàn vạn người khô khan lôi ta lại.

Lòng sùng mộ

Ôi! Lúc Dòng sơ khai, tu sĩ sùng mộ chừng nào! Họ cầu nguyện sốt sắng chừng nào! Họ thi đua tiến đức chừng nào! Cần cù giữ luật chừng nào! Kính cẩn và tùng phục huấn lệnh Bề trên chừng nào!

Những vết tích lưu lại cũng còn đủ chứng tỏ, các Ngài là những bậc thánh thiện và trọn hảo, đã can đảm chiến đấu và cài đạp trần tục dưới chân.

Trái lại, ngày nay, một tu sĩ không lỗi luật và nhẫn tâm chịu đựng những đau khổ của địa vị, cũng đã được người ta trầm trồ ca tụng rồi!

Can đảm lên

Ôi! Tính khô khan! Thói thờ ơ với chức vụ!

Chà! Sao ta chóng mất lòng sùng mộ ban đầu thế!

Sao ta chóng nản chán khô lạnh, đến nỗi cho đời sống là nặng nề sớm thế!

Hy vọng sao khi nhìn ngắm gương thánh hiền, bạn đừng để tắt hẳn trong bạn lòng hăng hái tiến đức sẵn có!

SUY NIỆM

Không gì thúc đẩy ta sống hẳn hoi bằng gương những người đã sống hẳn hoi.

Thực sự gương các Thánh làm cho ta thấy rõ nhân đức là cơ thể, là đáng yêu và dễ dàng, nó đã thực hiện được trong người khác và có khi cũng đã thực hiên được theo cách thức của ta.

Để đáng được thiên đàng, các Ngài đã phải làm, phải chịu, phải bỏ từng ấy cái.

Còn ta, để được thế, ta đã làm được những gì? Sao lại không làm cái các thánh đã làm, để cũng được cái các Thánh đã được?

Ngày công phán, Chúa sẽ cho ta thấy, một mặt, đức Tin, lòng đạo của ta, một mặt: gương những người đã sống trong một chức vụ như ta và sẽ chỉ các chứng đó mà bảo ta: đấy những việc ngươi đã làm, ngươi đáng gì?

Lạy Chúa, xin đừng xét con cách ấy. Vì sánh với đời sống các Thánh, đời sống của con không đủ để cứu rỗi con. Xin Chúa ban cho con ơn biết tận tụy với nghĩa vụ, thấu hiểu tinh thần chức bậc con, để ngày kia, đứng trước nhan Chúa mang theo sự thánh thiện Chúa, con đáng được Chúa khoan hồng dung thứ.

—————-

  1. Cor. XI, 27
  2. Gioan XII, 25

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q1- 19 Công việc một tu sĩ

19. Công việc một tu sĩ

Posted on 

Trình chơi Âm thanh

Tinh thần tu sĩ

Đời sống một tu sĩ tốt, phải tô điểm bằng mọi nhân đức, sao cho tinh thần bên trong, ăn nhịp được với điệu bộ bên ngoài.

Đã hẳn bên trong phải trọn hảo hơn bên ngoài nhiều mới hợp lý, vì Chúa hằng nhìn xét ta luôn và, dầu ở đâu, ta cũng phải tận tình kính cẩn. Nhất là khi tới trước mặt Chúa, ta phải trong sạch như Thiên thần.

Hằng ngày ta phải quyết tâm lại và cố gắng sống cho sốt sắng như những ngày ta mới trở lại.

Ta phải thưa Chúa: “Lạy Chúa, Chúa Trời con, xin giúp con giữ điều quyết định và vững tâm phụng thờ Chúa; xin giúp con bắt đầu làm việc hẳn hoi từ hôm nay, vì công việc từ đây về trước đều không có gì đáng kể”.

Quyết tâm và thực hành

Ta tiến bộ nhiều hay ít là tùy ở điều ta quyết định,và càng muốn tiến bộ nhiều càng phải thận trọng nhiều.

Người quyết định hẳn hoi mà đôi lúc còn sa sẩy, thì người ít quyết định hay quyết định sơ sài, sẽ sa sẩy đến đâu!

Có nhiều cách bỏ điều quyết định. Mà đã bỏ việc phải làm – dầu là việc nhỏ mấy – cũng không thể không hại được.

Người công chính quyết định theo ơn Chúa hơn là theo cái khôn của mình và mưu tính việc gì, họ cũng tin tưởng nơi Chúa.

Vì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (1) và “Người đâu tự tìm lối phải đi”. (2)

Việc thiêng liêng

Nếu vì lý do đạo đức hay vì mưu ích cho người khác mà đôi khi phải bỏ việc làm hằng ngày: việc đó sau bổ khuyết lại không khó lắm.

Nhưng nếu vì nhàm chán hay vì biếng lười mà bỏ: đó là một khuyết điểm lớn và không thể không có hại.

Ta hãy làm hết sức có thể: dầu vậy ta cũng chưa chắc khỏi sa sẩy trong nhiều lỗi lầm.

Vậy lúc nào cũng nên quyết định một điều rõ rệt: nhất là quyết định sửa những khuyết điểm nào có hại cho đường tiến đức của ta hơn cả.

Ta cũng phải xem xét và chỉnh đốn cả trong lẫn ngoài, vì cả hai cùng liên quan đến việc tiến bôï tinh thần của ta.

Xét mình

Không thể hồi tâm luôn được, ít ra bạn hãy hồi tâm từng lúc: mỗi ngày một lần: tốt hơn: sáng và chiều.

Sáng dậy hãy quyết tâm, chiều đến xét lại cách sinh hoạt trong ngày: đã nói làm và tưởng nghĩ những gì? Biết đâu trong đó bạn đã phạm đến Chúa và người khác.

Hãy tự võ trang cho ra dáng một chiến sĩ dũng cảm chiến đấu với mưu chước của ác quỉ.

Hãy hãm tính mê ăn: và Bạn sẽ dễ dàng cầm hãn các khuynh chiều khác của nhục dục.

Đừng bao giờ ở nhưng: hãy đọc, viết, cầu nguyện suy gẫm hay làm một việc gì hữu ích cho mọi người.

Riệng về công việc chân tay cần suy xét đắn đo nhiều, vì không phải mọi người cùng làm việc như nhau.

Tổ chức đời sống tư

Việc nào không phải là việc chung, không nên để lộ ra ngoài. Việc riêng cứ làm kín đáo chắc chắn hơn cả.

Hãy lưu ý đừng biếng lười trong việc chung mà chăm chú trong công việc riêng.

Tuy nhiên, sau khi chu tất hoàn toàn và trung tín được việc chung, còn giờ bạn có thể dùng làm việc riêng tùy theo lòng sốt sắng.

Không phải mọi ngượi cùng làm một việc như nhau: có việc hợp cho người này có việc hợp cho người khác hơn.

Công việc cũng nên phân theo thời giờ: việc này làm trong ngày lễ hợp hơn, việc khác chỉ hợp với ngày thường.

Việc này cần cho ta khi phải cám dỗ việc khác lúc bình an, thư thái.

Việc này hợp cho ta lúc sầu muộn, việc khác lúc được ơn Chúa an ủi.

Gặp ngày lễ trọng, ta nên nhắc lại việc đạo đức và xin các Thánh cầu giúp ta sốt sắng hơn.

Ta hãy quyết tâm sống từ lễ này đến lễ khác như thể ta sắp lìa khỏi thế tục để tới ngày lễ bất diệt.

Vậy trong những ngày đó, ta phải dọn mình cẩn thận, sống thánh thiện hơn, giữ luật chu đáo hơn, như thế là ta sắp đi lĩnh nơi Chúa phần thưởng của công việc ta làm.

Nếu Chúa chưa ban thưởng, ta hãy tin là tại ta chưa dọn mình đủ, ta chưa đáng được vinh dự lớn lao Chúa sẽ ban cho ta trong thời hạn đã định.

Trong khi chờ đợi ta hãy cố dọn dẹp cho sẵn.

Thánh Luca viết: “Phúc cho người tôi tớ nào Chúa gặp đang thức lúc Ngài đến. Ta bảo thực: Ngài sẽ đặt người đó làm quản lý tất cả tài sản của Ngài”. (3)

SUY NIỆM

Đời sống con người trên mặt đất là một cuộc chiến không ngừng với ma quỉ, với trần tục, với chính mình.

Có người lánh mình trong viện tu, có người sống giữa trần tục… nhưng dầu ở đâu, phần thắng lợi bao giờ cũng về bên biết cẩn trọng luôn.

Chỉ ai quen trầm tĩnh, yêu vắng lặng, biết giữ lời nói, tư tưởng, cảm tình, trung tín làm các việc tầm thường, người đó mới tránh được cám dỗ và đáng ơn trời giúp.

“Ai khinh điều nhỏ, dần dà sẽ sa sẩy” Lời Đức Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin giúp con nhận định được rõ chân giá trị của việc làm vì nghĩa vụ và việc theo ý riêng: việc nghĩa vụ chính là những sinh tố cốt yếu để di dưỡng tinh thần, còn việc riêng chỉ là của nuôi phụ để thêm hứng khởi và phấn đấu.

Lạy Chúa, con đã mệt vì những ước muốn suông, những nghĩ mà không làm, những hứa mà không giữ. Xin Chúa giúp con đạt được ước muốn và thực hiện được ý nghĩ về nhân đức.

—————-

  1. Prov. XVI, –
  2. Jer. X, 23
  3. Luc. XII 43, 44

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q1- 20 Tìm thanh vắng và thầm lặng

20. Tìm thanh vắng và thầm lặng

Posted on 

Trình chơi Âm thanh

Tinh thần khuất tịch.

Bạn hãy tìm giờ rảnh để lo việc riêng và hãy suy đến ơn Chúa luôn:

Hãy bỏ những truyện tò mò. Hãy chuộng đọc những sách có sức xúc động tâm hồn hơn những sách chỉ làm bận trí óc.

Hãy bớt những câu nói dư thừa, những cuộc ngao du vô ích, hãy bịt tai trước những tin tức và dư luận, như thế bạn sẽ không thiếu giờ rảnh để suy gẫm hẳn hoi.

Các bậc đại thánh cũng đã hết sức, tránh truyện vãn với đời và chỉ ưa phụng thờ Chúa trong khuất tịch.

Thầm lặng với Chúa.

Cổ nhân nói: “Không lần nào giữa đám đông ra về mà tôi không thấy mình sút kém”. (1) Cái đó ta cũng thường tự nghiệm mỗi khi trò chuyện lâu với chúng bạn.

Nín lặng thế nào cũng dễ hơn nói mà không nói quá.

Ẩn khuất trong nhà, thế nào cũng dễ hơn ra ngoài mà giữ được hẳn hoi.

Ai muốn sống một đời sống nội tâm và tinh thần, phải theo gương Chúa Giêsu tránh xa những đám đông người.

Không thích trầm tĩnh, chả dễ vững chắc khi phải tiếp xúc với đời.

Ngài nín lặng, chả dễ nói cho chín chắn được.

Không vui lòng tùng phục, chả dễ giữ được chức vụ cao hẳn hoi. Không biết vâng lời đừng hòng chỉ huy được cho ra trò.

Bảo đảm của thánh nhân.

Chả ai nếm được sảng khoái vững chắc bằng người có lương tâm tốt.

Nhưng các Thánh càng vững chắc, càng kính sợ Chúa. Và dầu nổi tiếng nhân đức và giầu ơn sủng, các Ngài không kém tự hạ và cẩn phòng trong cách sinh hoạt.

Vững chắc của người tội lỗi ở tại kiêu ngạo và phô trương: cái đó kết cục chỉ đánh lừa chúng.

Đừng tự cho mình là vững chắc ở đời này, Bạn ạ! Dầu cho Bạn được tiếng là một thày Dòng tốt hay ẩn sĩ đạo hạnh.

Cái phá hoại an bình.

Thường những ai được đời cho là đại thánh, lại hay lâm phải cái nguy hại lớn: Tự phụ.

Với những người đó đôi khi phải cám dỗ, hay phải cám dỗ luôn, lại có lợi để họ khỏi thấy mình vững chắc mà sinh tự phụ: và đi tìm yên ủi bên ngoài một cách điên dại.

Đừng mong tìm vui thú chóng qua, đừng bân tâm vì của thế tục, lương tâm bạn sẽ được trong sạch biết mấy.

Gạt bỏ những lo toan vô ích để chỉ nghĩ đến Chúa, tin tưởng vào Chúa, Bạn sẽ bình an và thư thái biết mấy!

Sám hối.

Chẳng ai đáng Chúa an ủi, nếu không biết thành tâm sám hối.

Muốn cảm được ơn sám hối – sám hối đến chảy nước mắt lòng – hãy vào trong phòng, tiễu trừ mọi tiếng ồn ào thô tục như lời Thánh Kinh: “Dầu khi nằm ngủ, Bạn cũng đừng thôi giục lòng thống hối”. (2)

Trong phòng riêng, Bạn sẽ tìm thấy cái đã mất khi ở ngoài.

Căn phòng êm dịu cho những ai biết ở luôn trong đó, nhưng buồn chán cho những ai không biết giữ hẳn hoi.

Nếu khi mới nhập tu, Bạn biết yêu quí và canh giữ nó, sẽ trở nên bạn thân và là nguồn yêu ủi êm dịu nhất của Bạn.

Lợi ích của thầm lặng.

Chính trong thầm lặng và yên hàn mà linh hồn đạo đức tiến bộ nhiều, vì trong đó họ tìm ra được những bí nhiệm tàng ẩn của Thánh Kinh.

Trong đó họ gặp được những suối nước mắt: họ tắm gội suốt đêm trong đó và càng sống xa tiếng ồn ào của thế tục họ cáng kết chặt mật thiết với Chúa Tạo thành.

Ai từ biệt bạn bè thân thích, Chúa và các thiên thần sẽ đến cùng họ.

Thà náu một nơi mà chuyên lo phần rỗi, còn hơn làm được phép lạ mà lãng quên chính mình.

Thực đáng khen một tu sĩ ít khi ra ngoài, tránh con mắt người đời và cũng không muốn nhìn đến họ.

Vui qua, sầu tới.

Cần chi phải nhìn những cái sầu Bạn không được phép nhìn?

Đời mau qua và những tham vọng của đời cũng mau qua. (3)

Tình dục muốn xui ta đi đây đó. Nhưng lúc trở về ta mang theo được cái gì? Phải không, một gánh nặng cho lương tri và rối rít cho tâm hồn?

Đi vui, về buồn; vui chiều hôm trước, buồn sáng hôm sau.

Cái vui của nhục dục đều thế đấy: nó nhập tâm thì dễ chịu, nhưng rốt cục, chính nó lại làm tổn thương và sát hại ta.

Còn gì ở nơi khác mà không có ở nơi nhà?

Trước mặt con cũng có trời, có đất, có mọi chất lượng.

Của đời hết thảy không do những cái đó cấu thành sao?

Bình an thực.

Khắp gầm trời này, bạn có thấy đâu được cái gì bền bỉ vững chắc lâu không?

Có khi bạn tưởng sẽ được hoan toàn thỏa mãn, nhưng… cái thỏa mãn ấy không bao giờ bạn đạt được.

Giả sử bạn nhìn được tất cả sự vật hiện hữu: hỏi cái nhìn đó đã có ích gì?

Hãy ngước mắt lên trời nhìn vào Chúa và xin Người thứ tha mọi tội lỗi và sơ suất cho bạn.

Của đời hãy để cho đời, Bạn, Bạn hãy chuyên lo những điều Chúa răn dạy.

Hãy đóng kín cửa phòng lại và mời Chúa Giêsu chí ái đến ở với Bạn.

Hãy ở lại với Chúa trong phòng, vì bạn không tìm đâu được yên hàn hơn.

Đừng ra ngoài, cũng đừng mỏng tai nghe tiếng nhộn nhịp của đời, Bạn sẽ bảo toàn bình an thật cho tâm hồn.

Lúc nào Bạn lại mong nghe tin tức, lúc ấy lòng Bạn sẽ bắt đầu xao xuyến.

SUY NIỆM

Thầm lặng bên ngoài chưa đủ làm cho tâm hồn được yên tĩnh, còn cần phải thanh vắng bên trong.

Nó hệ tại ở một tinh thần trầm mặc và suy gẫm.

Một tâm hồn xa lìa vui thú giác quan, bưng tai trước ồn ào của thế tục, sẽ gặp được thỏa mãn thanh tao trong Chúa!

Trong thanh vắng, họ sống động, họ hô hấp trong tình yêu Chúa Kitô.

Họ quên tất cả để chỉ nhớ một mình Chúa.

Họ nức nở với Chúa vì bao lỗi lầm.

Giả thử có nghĩa vụ phải ở giữa tiếng ồn ào của thế tục, họ lại thiết lập một thanh vắng trong lòng họ, trong đó họ cũng được thỏa mãn cho lòng trí họ.

Lạy Chúa, bao giờ con mới được quen lơn với tịch mạc, thanh vắng, nguyện gẫm?

Con phàn nàn vì đã nói quá nhiều về tạo vật và làm quá ít cho Chúa! Lạy Chúa hãy đến – Chúa lòng con mến duy nhất, trung tâm điểm và đối tượng của lòng con! – hãy đến cho lòng con được hưởng tôn nhan Chúa hãy đến để nói với lòng con và bảo cái gì Chúa muốn.

Bao giờ màn che thời gian mới hạ xuống, để con xem thấy cái con xin? Bao giờ con mới gặp được của con đang tìm? Bao giờ mới tới được Đấng con yêu mến? Lạy Chúa!

—————-

  1. Seneca Ep. 7
  2. Ps V, 51
  3. Gioan II, 17
by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q 1- 21 Lòng thống hối

21. Lòng thống hối – Sách Gương Chúa Giêsu.

Trình chơi Âm thanh

*
Thực trạng con người.

Muốn tiến đức, bạn hãy giữ lòng kính sợ Chúa và đừng tự do phóng túng quá!
Hãy siết ngũ quan vào kỷ luật và đừng mong tìm những thú vui điên rồ.
Hãy thực tâm sám hối, rồi bạn sẽ vãn hồi được ơn sốt sắng.
Sám hối trả lại những cái mà phóng đãng đã tiêu ma mất.
Một người sống ở đời, suy mình đang bị lưu lạc và hồn mình đang mắc ngàn vạn cái hiểm nguy mà cứ vui tít đi được, kể cũng lạ thật!

*
Cần phải thống hối.

Tính nhẹ dạ, tính lười sửa khuyết điểm đã làm cho chúng ta không cảm được những đau khổ của linh hồn và thường khi lại cười một cách vô nghĩa trong lúc đáng lý ta phải khóc.
Chỉ có tự do thật, chỉ có bình an vững chắc, khi nào ta biết kính sợ Chúa và có lương tâm thẳng thắn.
Phúc lớn người biết khước từ những cái có thể làm cho mình chia trí và biết hồi tâm thống hối.
Phúc lớn người biết trừ khử những cái có thể làm bẩn lương tân.
Hãy chiến đấu cho hùng dũng: một tập quán xấu chỉ có thể thắng dẹp bằng một tập quán tốt.
Nếu Bạn biết để mặc người, người cũng sẽ để mặc Bạn yên hàn mà làm cái Bạn phải làm.

*
Ơn Chúa ủi an.

Đừng tranh việc người khác cũng đừng bận đến việc thuộc phạm vi Bề trên.
Hãy mở to mắt nhìn thẳng vào mình trước và hãy tự răn mình trước khi sửa vẽ chúng bạn.
Không được lòng người cũng đừng buồn. Hãy buồn vì bạn đã không sống hẳn hoi, đã không thận trọng xứng đáng một tôi trung của Chúa, một tu sĩ đạo hạnh.
Không hưởng được nhiều an ủi ở đời, nhất là những yên ủi giác quan, thường lại có lợi và cũng vững chắc hơn.
Còn ơn Chúa yên ủi mà ta không được hay được ít là lỗi ta. Vì ta đã không thực tâm thống hối và đã không loại trừ những yên ủi ngoại lai vô ích.

*
Đau đớn vì tội.

Bạn nên biết, Bạn không đáng Chúa an ủi trái lại chỉ đáng chịu đau khổ?
Toàn thể vũ trụ trở nên nặng nề, đắng đót, cho những ai có lòng thống hối thật. Người công chính lúc nào cũng thấy có đủ lý do mà than mà khóc.
Dầu suy mình hay xét đến người, họ nhận thấy rõ: trên đời không ai thoát đau khổ.
Và càng suy cho thấu, càng đau đớn nhiều.
Lý do xác đáng làm ta đau tủi và thống hối lại chính là tội và thói hư của ta. Nó trói buộc ta chặt đến nỗi ta khó nhắc lòng lên suy những cái trên trời.

*
Gẫm suy cái chết.

Nếu bạn năng suy đến cái chết hơn là nghĩ đến sống lâu, chắc bạn sẽ được sốt sắng đền bù hơn.
Nếu bạn suy nghiệm kỹ những khổ hình hỏa ngục và luyện tội, ta tin chắc bạn sẽ vui lòng chịu được đau khổ cũng như vất vả và không sợ gì là khắt khe nữa.
Nhưng vì những chân lý đó chưa thấu nhập được tâm hồn ta và ta còn ưa chuộng những cái mơn trớn giác quan, nên ta còn lạnh nhạt và biếng lười.

*
Xin ơn thống hối.

Thường tại tinh thần ta bạc nhược mà xác ta hơi tí đã phàn nàn.
Vậy bạn hãy khiêm nhường, xin Chúa ban cho một tinh thần thống hối, và cùng Thánh tiên tri thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con ăn no bánh khóc lóc và cho con uống nước mắt con”. (1)

SUY NIỆM

Gặp đau khổ mà không phàn nàn, trái lại biết vui chịu, tự hạ trước mặt Chúa và xin ơn Chúa giúp đỡ: chính cảm tưởng khiêm tốn và mối thành tín ấy là tinh thần thống hối mà tác giả vừa nói.
Phải, vui thế nào được, ở cái đời đầy đau khổ, đầy tội lỗi, đầy khách lưu này! Quả thánh Augutinh rất có lý khi nói: “Người giáo hữu thực đau khổ khi sống, chỉ chết đi mới có hy vọng hết tội lỗi và được tùng phục Chúa trọn đời”.
Lạy Chúa, xin cho lòng con xa lìa vật thế mà kết chặt với Chúa. Không còn gì sung sướng cho con hơn là được yêu mến Chúa, làm và chịu khổ vì Chúa. Con vui lòng nhận phần đau khổ Chúa chia cho con để làm vui lòng Chúa ở đời này và đời sau được vui thỏa trng tình yêu bất diệt.
—————-
1. LXXIX, 6

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q 1-22 Những đau khổ ở đời

22. Những đau khổ ở đời

Trình chơi Âm thanh

*
Những thử thách.

Dầu ở đâu, dầu quay hướng nào, Bạn cũng vẫn thấy khổ, bao lâu Bạn không biết hướng nhìn về Chúa.
Sao Bạn lại bối rối khi sự vật xẩy đến không hợp sở thích và nguyện vọng của Bạn?
Ai là người được mọi cái trúng như ý muốn? Không phải tôi, không phải Bạn, không ai khác trên mặt đất.
Trên đời, làm gì có ai, dầu là đế vương dầu là Giáo Hoàng mà thoát được mọi đau khổ, trái ý.
Thế ai là người sướng nhất? Hẳn chỉ có nguời chịu đựng được đôi chút vì Chúa.
Ta thường nghe bọn tầm thường, người nông cạn nói: Con người ấy sướng thật: Phú quí có, vinh quang có, thế lực có! Làm ăn lên như riều!
Cứ đem sánh với của trên trời, Bạn sẽ thấy của thế tục chỉ là hư vô. Nó không vững gì, lại hay sinh lụy vì có ai được của mà khỏi lo lắng sợ sệt bao giờ đâu.
Hạnh phúc con người không hệ ở lắm tiền nhiều của: miễn sao đủ dùng là xong rồi.

*
Nhu cầu khắt khe.

Sống trên đời: đây thực là một cái khổ lớn.
Ai cũng muốn sống theo tinh thần, càng thấy cái sống hiện tại là cay đắng, vì họ cảm thấu, họ nhìn thấy rõ những khuyết điểm của tình trạng hư tệ của nhân loại.
Ăn, uống, thức, ngủ, nghỉ và nô lệ cho mọi thứ nhu cầu của thân xác: tất cả những cái đó là một phiền toái, một thống khổ cho người đạo đức, vì họ mong đừng phải phiền lụy gì đến thân xác và được thoát ly mọi xiềng xích của tội lỗi.
Thật những nhu cầu thân xác rất phiền lụy cho người sống nội tâm ở đời hiện tại.
Vì thế, Thánh Tiên Tri khẩn nài Chúa cho mình thoát khỏi: “Lạy Chúa.- Ngài nói xin cứu con khỏi những nhu cầu của con”. (1)
Nhưng khốn cho những ai không nhìn thấy cái đau khổ của mình!
Càng khốn những ai tha thiết với cái sống khốn nạn và hư tệ này!
Vì còn có những người thèm khát nó đến nỗi, dầu phải lao lực, dầu đi ăn xin cũng chưa vị tất đủ ăn, thế mà giá được sống mãi trên đời, họ sẽ không thiết gì nước thiên đàng nữa.
Ôi! Những tâm hồn điên dại và thất trung chừng nào! Họ đã táng tận linh hồn trong vật thế, đến nỗi chỉ ưa thích những cái gì là thể xác!
Nhưng giờ chết đến, những người đáng thương đó sẽ cảm thấy một cách đau đớn cái hèn kém, cái hư vô của những cái mà họ yêu chuộng.
Các thánh nhân và các bạn thiết của Chúa Kitô có thèm gì những cái mơn trớn xác thịt, những cái lộng lẫy trước mắt người đời. Tất cả hy vọng, tất cả ước nguyện của họ qui hướng về những của muôn đời.
Tất cả ước muốn của họ bay theo những của bất diệt và vô hình để lòng yêu của hữu hình khỏi kéo họ hướng về trần tục.

*
Đau khổ vì chiến đấu.

Đừng thất vọng trong đường tiến đức Bạn ạ! Thì giờ hãy còn đủ.
Sao còn chầm chương thi hành quyết định?
Đứng lên! Hãy bắt đầu từ giờ phút này và tự niệm: “Đây, lúc phải hành động; đây, lúc phải chiến đấu; đây, lúc thuận tiện để tu chỉnh”.
Lúc nào Bạn gặp đau khổ và rủi ro chính đó là lúc để lập công.
“Bạn phải qua lửa, qua nước trước khi vào nơi mát mẻ”. (2)
Không cố gắng lắm, Bạn không thắng nổi nết xấu được.
Bao lâu còn mang thân xác yếu mềm này, ta không thể thoát ly tội lỗi, khỏi sầu tủi và đau khổ được.
Sống mà không phải đau khổ, ta lấy làm dễ chịu lắm, nhưng tội lỗi đã làm mất tinh bạch, đồng thời cũng đã làm mất cả hạnh phúc thực của ta.
Vì thế ta cần phải nhẫn nại và trông đợi ở lượng đại từ bi Chúa “Cho đến khi giai đoạn tội lỗi qua đi và cái sống sẽ tiêu ma cái chết trong ta”. (3)

*
Tính bất ổn.

Trời! Con người mỏng giòn quá đến nỗi lúc nào cũng nghiêng chiều thói xấu!
Hôm nay bạn xưng tội, rồi mai lại tái phạm ngay những tội vừa mới xưng.
Giờ này bạn quyết tâm phòng ngừa, giờ sau bạn lại làm như thể không quyết định gì.
Như vậy, đứng trước tình trạng bất ổn bất nhẫn ấy ta đã quá đủ lý do để tự hạ và đừng nghĩ hay, nghĩ tốt về mình.
Vì lười biếng, ta có thể mất trong giây lát cái – nhờ ơn Chúa – ta đã dày công tìm tòi mới được.
Nếu ta sớm nhát gan thế, cuối cùng ta sẽ còn gì?
Khổ cho ta, nếu ta muốn được an nghỉ như thể đã được bình an vững chắc, giữa lúc đời sống ta không có mảy may gì là thánh thiện thật!
Vì thế ta cần được huấn luyện lại trong đường nhân đức như một người mới nhập tu, có thế mới trông ta cải tính đổi nết và tiến bộ trong đường đức hạnh.

SUY NIỆM

Vinh hạnh và công phúc, người biết tìm và gặp được Trái tim Chúa để đem đổ giốc tất cả đau khổ trong đó.
Hạnh phúc người hiểu và cảm được rằng hạnh phúc thật, thiên đàng dưới đất là được đau khổ vì Chúa, đau tất cả những cái đau của đời, cái đau nhỏ cũng như cái đau lớn nhất.
Thương hại những ai phủ nhận hay yêu thích những cái khổ của trần tục và không khát vọng một hạnh phúc bất diệt. Thánh Grêgôriô gọi thế là yêu cái đói, cái khổ mà không thiết cái no, cái sướng.
Lạy Chúa Giêsu! Xin giúp con biết và mưu tìm hạnh phúc thật. Xin dạy con vững tâm chiến đấu với tình dục, với tự ái và với chính mình con. Xin cho con biết vui chịu cho nhẫn nhục tất cả những thống khổ của đời để đáng dự phần vinh hiển cùng Chúa trên nước trời.
—————-
1. Ps. XXIV, 17
2. Ps. LXV, 12
3. II Cor. V, 4

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Quyển 1-23 Suy gẫm cái chết

23. Suy gẫm cái chết

Posted on 

Trình chơi Âm thanh

Sẵn sàng luôn.

Bạn chả còn sống bao lâu nữa: hãy xem mình đã sẵn sàng chưa?
Con người hôm nay còn sống, mai đã biến mất.
Họ chết đi khuất mắt để rồi cũng phai lạt khỏi trí lòng.
Điên dại, cứng cỏi thay lòng người! Chỉ biết nghĩ đến hiện tại mà không biết dự phòng tương lai!
Trong mọi hành động, mọi ý nghĩ, Bạn hãy xử như thể Bạn sẽ chết hôm nay.
Nếu lương tâm Bạn trong trắng, Bạn sẽ không sợ chết mấy.
Thà tránh tội còn hơn trốn cái chết.
Hôm nay bạn chưa sẵn sàng, đến mai bạn sẵn sàng thế nào được?

Mà ngày mai có gì là chắc; Bạn có chắc được Bạn sẽ sống đến mai không?
Sống lâu mà sửa mình ít quá, vậy hỏi có ích chi?
Trời! Sống lâu vị tất đã giúp được ta đền bù, mà thường chỉ tăng thêm lỗi lầm!
Giá ta chỉ sống hẳn hoi được ít là lấy một ngày chả hay lắm à?
Nhiều người chỉ tính năm tháng đã trở lại, nhưng năm tháng đã giúp họ tu chỉnh ít quá!
Nếu chết mà đáng sợ, biết đâu sống lâu lại không nguy hiểm hơn?
Hạnh phúc người để luôn giờ chết trước mắt và ngày ngày dọn mình sẵn luôn!
Đôi khi Bạn gặp người chết, Bạn hãy nghĩ một ngày nào đó Bạn cũng sẽ đi lối ấy.
Sáng thức dậy, bạn nên nghĩ Bạn sẽ không sống đến sáng mai.
Hãy sẵn sàng huôn: Hãy sống thế nào để giờ chết khỏi đến lúc Bạn chưa sẵn sàng.
Nhiều người chết một cái chết bất ưng không ngờ, “Vì Con người đến lúc không ai ngờ”. (1)

*
Sống sao chết vậy.

Giờ chết điểm, Bạn sẽ bắt đầu xét đoán khác hẳn về đời sống dĩ vãng và sẽ hối hận hết chỗ nói, vì đã quá biếng lười và nhát gan.
Cố gắng có ngay lúc này cái mình muốn có lúc giờ chết, thế mới là hạnh phúc và khôn ngoan.
Cái làm cho ta hy vọng vững chắc sẽ được chết may mắn là đã hoàn toàn coi khinh thế tục, ước ao nồng nhiệt tiến đức, tôn trọng kỷ luật; thống hối đền bù, vâng lời mau mắn, hy sinh xả kỷ và nhẫn nhục chịu đựng tất cả những phản trắc vì lòng mến Chúa Kitô.
Bạn có thể làm được nhiều việc lành lúc còn khỏe, khi lâm bệnh, chả biết có làm được gì không!
Chả mấy người chịu bệnh mà khá hơn, cũng như chả mấy người thích ngao du mà nên thánh.
Đừng tin tưởng ở bạn bè, thân thuộc cũng đừng giãn việc phần rỗi lại lâu, vì người đời quên Bạn chóng hơn Bạn tưởng.
Thà tự liệu kỹ lưỡng cho mình ngay lúc này và sắm sẵn lấy đôi việc phúc thiện, còn hơn trông vào người khác giúp đỡ.
Nếu giờ đây Bạn không tự liệu cho mình, mai ngày lấy ai lo cho Bạn?
Giờ phút hiện tại là giờ phút vô giá: “Đây giờ phần rỗi, đây thời cơ thuận tiện”. (2)
Nhưng, ngán chưa! Bạn đã không biết lợi dụng để lập công đáng thưởng!
Sẽ có lúc Bạn chỉ ao ước được một ngày, một giờ để sám hối mà vị tất đã được!
Này, Bạn thân yêu! Nếu ngay từ lúc này Bạn biết luôn luôn lo sợ và đề phòng cái chết, thì còn cái nguy, cái sợ nào Bạn chả thoát được?
Bạn hãy cố gắng từ phút này sống hẳn hoi, để giờ chết đến Bạn chỉ vui mà không phải sợ.
Ngay từ lúc này, Bạn hãy tập chết cho trần tục, để lúc đó bạn bắt đầu sống với Chúa Kitô.
Ngay từ lúc này, Bạn phải tập khinh rẻ tất cả, để lúc đó Bạn được thong dong đến cùng Chúa Kitô.
Ngay từ lúc này, Bạn hãy ăn năn trị phạt thân xác, để lúc đó Bạn được hy vọng vững chắc.

*
Dọn mình chờ chết đến.

Trời! sao Bạn ngây dại dám tưởng mình sống lâu, giữa lúc Bạn không chắc sống được vững lấy một ngày?
Biết bao người đã lầm khổ và họ đã chết giữa lúc họ không ngờ!
Bao lần Bạn nghe nói: người này phải dao đâm, người kia chết đuối, người khác từ trên cao ngã vỡ đầu, người này đang ăn mà chết, người khác đang chơi cũng lăn ra chết, người này chết thiêu, người kia chết chém, người này chết dịch, người kia bị trộm cướp sát hại.
Đó, cái chết là chung kết của mọi người “và cái sống của người đời qua vút như bóng”. (3)
Ai sẽ nhớ đến Bạn sau khi Bạn chết? Ai sẽ cầu cho Bạn?
Bạn thân yêu! Hãy làm, hãy làm ngay lúc này cái Bạn còn làm được, vì bạn không biết trước khi nào bạn sẽ chết. Bạn cũng không thể biết trước được số phận của bạn sau khi Bạn chết.
Lúc còn thì giờ, Bạn hãy tích góp cho Bạn những của bất diệt.
Đừng nghĩ đến gì khác ngoài phần rỗi của bạn, hãy chuyên lo duy những việc thuộc về Chúa.
“Ngay từ lúc này, hãy lo tìm những bạn thân: hãy kính các Thánh và noi gương nhân đức các ngài, để khi hòng lìa thế tục, các ngài sẽ đón Bạn vào lâu đài bất diệt”. (4)
Sống trên đời, Bạn hãy sống như người ngụ cư, như khách bộ hành, không màng chi của thế tục.
Hãy giữ lòng Bạn đừng vương vấn và hãy nâng cao tâm hồn lên cùng Chúa, vì Bạn không có “gia cư vững chắc trên đời”. (5)
Ngày ngày Bạn hãydâng lòi kinh nguyện, giọng thở than hòa cùng nước mắt, để khi lìa thế tục, linh hồn bạn được may mắn bay thẳng lên cùng Chúa.

SUY NIỆM

Bạn hãy bước lại gần chỗ đang cải táng và hãy nhìn xem một đống xương rụng, một nắm tro tàn! Tất cả di sản của những người thân yêu quá vãng của Bạn chỉ có thế!
Nhìn vào nhà họ ở trước xem gia tài họ đã có người chiếm hữu đang nhàn hưởng mà không qua nhớ đến họ: đó là cách đời báo ơn người quá cố!
Còn linh hồn họ ở đâu, bạn có biết không? Họ đang ở cái nơi mà cuộc sống, mà hành vi họ xưa kia đã tậu cho họ!
Nếu họ đã sám hối, đã nhẫn nhục, đã đền bù… đã thánh thiện!
Nhưng… nếu họ đã bước theo dục vọng, giầu sang, đã tự táng tận!!!
Lạy Chúa! Con chắc con chết, nhưng không biết sẽ chết lúc nào và cách nào? Xin Chúa vì cái chết thánh thiện của Chúa, giúp con dọn dẹp sẵn sàng bằng cách trung tín với nghĩa vụ, với ơn Chúa, với kinh nguyện, siêng năng chịu các phép Bí tích và chịu cho sốt sắng. Chính những cái đó sẽ yên ủi và bảo đảm cho con trong giờ chết.
Lạy Chúa! Con sẵn sàng chờ giờ chết đến để mau được trút bỏ trần tục và kết hợp chặt chẽ cùng Chúa! Lạy Chúa! Từ lúc này con xin phó thác hồn xác con trong tay Chúa!
—————-
1. Luc XII, 40
2. II Cor. VI, 2
3. Job XVI, 10; Ps. CXLIII, 4
4. Luc XVI, 9
5. Hebr. XIII, 14

*

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh