Trong ngày đầu năm người ta thường chúc nhau mọi sự tốt lành như: “Đắc tài, đắc lộc, đắc trường sinh. Đa tử, đa tôn, đa phú quý”. Ngày nay có lẽ nhiều người không thích đông con nhiều cháu, nhưng tài, lộc, phú quý và trường sinh hầu như ai cũng muốn. Tuy nhiên, không thể sống lâu, nếu không khang an khỏe mạnh. Hay sống mà đau yếu cũng khó vui hưởng phú quý giầu sang. Do đó, người ta chúc nhau “khang an trường thọ”. Thật vậy, nói cho cùng hồn an xác mạnh, “tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện” là điều quan trọng hơn cả. Không phải vô lý mà triết gia Arthur Schopenhauer đã nói: “Sức khỏe thật đúng không phải là tất cả. Nhưng không có sức khỏe thì mọi sự không là gì hết”. Sự sống là ơn cao trọng, là món qùa quý báu nhất Thiên Chúa tặng ban cho con người. Ai cũng biết sức khỏe quý, nhưng không phải ai cũng ý thức được rằng con người được mời gọi sống mạnh khỏe và hạnh phúc tràn đầy. Vì thế săn sóc sức khỏe, “dưỡng sinh” trong tất cả mọi chiều kích tâm sinh vật thể lý và thăng tiến giữ gìn hạnh phúc của mình cũng như của người khác là bổn phận thánh thiêng đầu tiên trong cuộc sống con người.

1.     Ơn gọi sống mạnh khỏe và hạnh phúc tràn đầy

Thánh Kinh của Kitô giáo mạc khải cho con người những chân lý ngàn đời vô cùng sâu sắc và thiết thực cho cuộc sống. Những chân lý đó không chỉ hữu ích cho đời sống thiêng liêng vì đáp ứng các nhu cầu tâm linh tinh thần, mà còn ích lợi cho cả sức khỏe của thân xác nữa. Thật thế, các văn bản Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đề cập tới ơn cứu rỗi, và sức khoẻ ít nhất là 350 lần. Thánh Kinh Cựu Ước mở đầu với trình thuật tạo dựng vũ trụ và con người. Và ngay trong trang đầu tiên, tức chương 1,27 sách Sáng Thế đã khẳng định: con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Con người là một thụ tạo vẹn toàn, hạnh phúc, khỏe mạnh và là tuyệt đỉnh của công trình tạo dựng. Ơn gọi của con người, như thế, là duy trì nguyên tuyền hình ảnh đó của Thiên Chúa trong chính mình, là bảo vệ, phát huy sức khỏe và niềm hạnh phúc của mình trong tất cả mọi chiều kích của nó. Sự thật tuyệt diệu này sẽ được Đức Giêsu Kitô nhắc tới khi Ngài nói với các môn đệ: Ta đến để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).

Như thế, ơn gọi làm người là sống khỏe mạnh trên thân xác, dồi dào trong tinh thần, và sung mãn trong tâm linh. Tất cả những gì không giúp con người hiện thực hay cản ngăn nó hiện thực ơn gọi đó đều phải được tránh xa và loại bỏ. Thật không có bí quyết nào đơn sơ và hữu hiệu hơn!

2.     Căn nhà ba tầng: nhận chân thực tại ba chiều kích của cuộc sống

Trong thập niên 1970 người ta đã làm một cuộc thử nghiệm kinh khủng trên một số trẻ em trong một viện dưỡng nhi bên Hoa Kỳ. Các em được chia thành hai nhóm. Cả hai nhóm đều được săn sóc ăn uống, thuốc men đầy đủ, nhưng một nhóm được vuốt ve, yêu thương, nâng niu, trìu mến, còn nhóm kia thì không. Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta nhận ra sự khác biệt. Các em nhận được nhiều vuốt ve, yêu thương, trìu mến sống khỏe mạnh tươi vui, hồng hào, còn các em không được vuốt ve, yêu thương, trìu mến thì có gương mặt buồn sầu, ủ rũ, âu lo, hốt hoảng, không cười, không nói.

Thử nghiệm trên đây chứng minh cho thấy con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng những lời khích lệ, những cử chỉ vuốt ve, ấp ủ, yêu thương, trìu mến nữa. Đây là sự thật không cần phải chứng minh, vì kinh nghiệm sống thường ngày dậy cho chúng ta biết điều đó. Dù là trẻ em hay ngời lớn, trong mọi lứa tuổi, chúng ta tất cả đều cần đến lương thực tinh thần và tâm linh. Là con cái chúng ta muốn cha mẹ người thân để ý tới chúng ta, dành thời giờ cho chúng ta, chuyện vãn hỏi han, chia sẻ những khó khăn và ưu tư, an ủi và khuyến khích chúng ta. Là ông bà, cha mẹ chúng ta chờ đợi nơi con cái, cháu chắt lòng hiếu thảo, sự tôn trọng, quý mến, biết ơn, những chăm sóc, thăm hỏi và trợ giúp kín đáo, tế nhị. Là chồng vợ chúng ta cần tình yêu thương chung thủy, lòng tín nhiệm, sự quảng đại, cảm thông, chia sẻ, tha thứ và đối thoại chân thành với nhau. Là bè bạn chúng ta cần tới lòng quý mến, sự tôn trọng, sự tương trợ và tình liên đới với nhau. Tất cả những thứ đó vượt xa các nhu cầu vật chất. Nếu hiểu đựơc như thế, mỗi người sẽ có cung cách sống và hành xử thích đáng, đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống.

Rất nhiều cha mẹ chỉ đế ý tới các nhu cầu vật chất của con cái, mà không biết rằng con cái cũng rất cần tới những cử chỉ vuốt ve, nâng niu, trìu mến; những lời nói khích lệ, yêu thương, những tán đồng, tưởng thưởng, khi chúng làm được những gì hay đẹp, tốt lành; những giải thích, hướng dẫn, dậy bảo nghiêm nghị, khi chúng có cung cách hành xử sai trái. Nếu chỉ chú ý tới các nhu cầu vật chất của con cái, mà không lưu tâm tới các nhu cầu tâm lý, tinh thần và thiêng liêng của chúng, tới khi nhận ra thường là qúa trễ, vì con cái đã hư hỏng, xì ke, ma túy và bỏ nhà ra đi bụi đời rồi. Hay nếu không đến nỗi tệ như thế, thì chúng cũng đã phải gánh chịu qúa nhiều thiệt thòi trong mớ hành trang vào đời thiếu quân bình của chúng. Tuy được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác, nhưng người lớn cũng có cùng những nhu cầu đó. Ngoài của cải, bạc tiền, công ăn việc làm, chức vị giầu sang, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, con người còn cần đến lòng thương mến, tình bằng hữu, sự kính trọng và rất nhiều yếu tố tâm linh, tinh thần khác để có thể sống quân bình hạnh phúc.

Kinh nghiệm dậy cho chúng ta biết khi buồn sầu, âu lo con người cảm thấy đứng ngồi không yên, bải hoải, mệt mỏi, rũ ra như bún hay xanh xao vàng võ. Lúc giận dữ thì mặt đỏ gay, nghẹt thở, la hét, quát tháo ầm ĩ lên. Cũng có người đứt mạch máu não trở thành bại liệt, hay đứng tim mà chết. Ngày nay người ta khám phá ra rằng các tình trạng mệt mỏi, buồn sầu âu lo có thể làm phát sinh ra bệnh tiểu đường và cao áp huyết. Và rất nhiều bệnh nảy sinh từ những thái qúa của bẩy thứ tình cảm “hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục”.

Trong vài thập niên qua bác sĩ nhiều nhà thương cũng chứng minh cho thấy các bệnh nhân có niềm tin tôn giáo chấp nhận bệnh tật an bình, hấp thụ thuốc dễ dàng và mau lành bệnh hơn, hay có khả năng đề kháng dẻo dai hơn các bệnh nhân không có niềm tin tôn giáo. Nhiều bác sĩ cũng bắt đầu xử dụng lời cầu nguyện và các tư tưởng linh thiêng siêu việt trong phương pháp chữa trị, song song với các loại thuốc và kỹ thuật y khoa tân tiến, và họ đạt được các kết qủa rất tích cực. Điều này chứng tỏ các gía trị thiêng liêng siêu việt khiến cho con người sống khỏe mạnh hơn, hay nếu đau yếu, thì có được nhiều sức kháng cự và mau hồi phục hơn.

Tất cả các yếu tố kể trên chứng minh cho thấy cuộc sống con người bao gồm ba chiều kích: thân xác, tinh thần và thiêng liêng. Mỗi chiều kích bao gồm các nhu cần cần được đáp ứng. Khi có thế quân bình giữa ba chiều kích, nghĩa là khi cả ba loại nhu cầu được đáp ứng đầy đủ, thì con người sống khỏe mạnh, an bình và hạnh phúc.

Chúng ta có thể ví cuộc sống con người với căn nhà ba tầng (hay hai tầng tùy theo cách tính): tầng trệt diễn tả các nhu cầu vật chất của thân xác như ăn uống, ngủ nghỉ vv… ; tầng một cao hơn diễn tả các nhu cầu tâm lý, tình cảm và tinh thần như sự quý trọng, tình bạn, lòng trìu mến, yêu thương, việc học hỏi, hiểu biết, mở mang kiến thức vv…; tầng hai diễn tả các nhu cầu thiêng liêng siêu việt, các gía trị tôn giáo liên quan tới vận mệnh cuộc sống con người.

Đại đa số trong gia đình nhân loại chỉ sống quanh quẩn ở tầng trệt, loay hoay với công ăn việc làm và các nhu cầu của thân xác, lâu lâu mới lên tầng một, rất ít khi lên tới tầng hai, và hầu như không bao giờ lên tới sân thượng. Con người chỉ lo lắng cho các nhu cầu vật chất của thân xác, mà quên đi các nhu cầu tinh thần và linh thiêng siêu việt. Nhưng khi sống như thế là con người chỉ sống có một phần ba cuộc sống của mình. Đây là lý do giải thích tại sao con người bất hạnh, ngay cả khi nó có dư thừa tiền bạc, của cải vật chất và địa vị. Nếu muốn sống quân bình, khỏe mạnh và tràn đầy hạnh phúc, cần phải thường xuyên lên xuống cả ba tầng, càng thường xuyên bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thế rồi cũng phải năng lên trên sân thượng hóng gió, thở khí trong lành, ngắm trăng sao và trời mây non nước, để biết rằng đời không chỉ có mình mà còn có người nữa, đất không chỉ có ta, mà còn có cây cối, thảo mộc và súc vật nữa, bầu trời còn có hằng trăm ngàn tỷ vì sao trong vũ trụ mênh mông bát ngát vô cùng tận nữa. Ngày nay thiên văn học cho chúng ta biết mỗi vì sao là một thái dương hệ có các hành tinh xoay quanh, như thái dương hệ của chúng ta. Mỗi dải ngân hà có từ 100 tới 400 tỷ vì sao. Và trong vũ trụ vẫn ngày cang lan rộng này có ít nhất 1.000 tỷ dải ngân hà như thế… Thiên văn học cũng cho biết sau bao nhiêu tỷ năm hoạt động có những vì sao hết năng lực, chết đi và nổ tung, rồi bị hút vào trong các lỗ đen, để biến thành khí và quay tròn đến đặc lại và lại trở thành các vì sao mới… Con người chúng ta là gì trong vũ trụ mênh mông vô tận nhiệm mầu này?

3.     Duy trì thế quân bình “thiên, địa, nhân”

Việc nhận chân thực tại cuộc sống và các tương quan đa diện với thế giới thiên linh, thế giới tinh thần và thế giới vật chất giúp chúng ta có thái độ sống khôn ngoan, trung thực và cụ thể hơn. Nó cũng giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của nỗ lực duy trì thế quân bình, mà triết lý đông phương gọi là thế quân bình giữa “thiên, địa, nhân” giữa trời, đất và người. Bất cứ xáo trộn nào khuynh đảo các tương quan của thế quân bình đó đều gây ra khổ đau và buồn sầu cho cuộc sống con người.

Như vậy, để sống quân bình hạnh phúc chúng ta phải săn sóc đồng đều ba loại liên hệ:

– liên hệ với thế giới thiên linh: với Thiên Chúa, Thượng Đế, Trời, với những gía trị siêu việt;

– liên hệ với vũ trụ vạn vật, thảo mộc cỏ cây và môi sinh;

– liên hệ với tha nhân, sống tình người, sống các gía trị tinh thần và nhân bản cao quý.

Cả ba loại tương quan đó phải luân lưu, giao thoa, ảnh hưởng tác động trên nhau và hỗ trợ nhau.

4.     Bệnh tại tâm

Khi không duy trì được thế quân bình của cả ba loại nhu cầu vật chất, tâm thần và thiêng liêng, khi đánh mất đi thế quân bình giữa “thiên, địa, nhân”, thì con người bị suy nhược và lâm bệnh. Khi thân xác qúa mệt nhọc, thiếu ngủ nghỉ, hay khi không được ăn mặc đầy đủ ấm áp, con người dễ bị cảm cúm, sổ mữi, nhức đầu hay mắc nhiều chứng bệnh khác. Khi yêu thương mà không được đáp trả, các cô các cậu mắc bệnh “tương tư”. Khi khám phá ra người bạn trăm năm không chung thủy, hay thấy người bạn làm cùng sở được quý mến, tín nhiệm, may mắn thành công hơn mình vv… , người ta mắc “bệnh ghen”, khiến cho tính tình thay đổi, dễ nổi nóng, tủi nhục, hờn giận, sinh sự, uất ức, từ đó có thể sinh ra các thứ bệnh mất ngủ, khó thở, cao máu, chóng mặt, đau nhức mình mẩy, ợ chua, đau loét dạ dày, đau tim vv…. Ghen ghét có thể tàn phá sức khỏe và hạnh phúc đời bạn một cách ghê gớm.

Ngày nay, khoa tâm lý và phân tâm cho chúng ta biết rằng ba phần tư các thứ bệnh con người thường mắc phải không do các vi khuẩn hay vi trùng gây ra, mà là do các yếu tố và phản ứng tâm lý theo kiểu dây chuyền như vừa kể trên đây. Bảy thứ tình cảm gọi là thất tình “hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục – vui vẻ, giận dữ, thương tiếc, sợ hãi, chán ghét, và ham muốn”, thứ nào khi thái qúa cũng có thể gây ra tình trạng mất quân bình trên thân xác, trong tâm thần và từ đó sinh ra tình trạng suy nhược và dẫn tới bệnh tật. Vi trùng và vi rút chỉ tấn công được thân xác con người, khi thân xác ở trong tình trạng suy nhược, không sản xuất đủ các kháng tố để tự bảo vệ mình. Mệt mỏi, âu lo hay buồn bực thái qúa có thể sinh ra bệnh mất ngủ hay tiểu đường, đau tim và áp huyết cao.

Y khoa và dược khoa ngày nay cũng cho thấy đa số các loại thuốc, đặc biệt các loại thuốc “an thần”, chỉ có công hiệu giảm đau, hay ngăn chặn bệnh lan nhanh, chứ không có khả năng chữa trị. Khi nào thuốc hết công hiệu, bệnh lại tái phát. Và tây dược bó tay trước rất nhiều thứ bệnh đau nhức, trong đó có bệnh đau đầu kinh niên, đau nhức mình mẩy và tứ chi.

Do đó muốn sống khỏe mạnh, cần phải ăn uống điều độ, đầy đủ chất bổ đã vậy, mà còn phải luôn giữ cho tâm trí được trong sáng, an bình và thanh thản. Tâm lòng bạn càng trong sáng, an bình và thanh thản, ít ưu tư, phiền muộn bao nhiêu, thân xác bạn càng ít bệnh tật bấy nhiêu.

5.     Nấu “lẩu tâm linh”

Chính vì thế nên không phải vô lý mà thánh Phêrô khuyên tín hữu hãy phó thác mọi buồn sầu lo lắng cho Thiên Chúa: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người hằng chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7). Thánh nhân khuyên nhủ chúng ta dựa trên chính lời của Chúa Giêsu đã phán với các môn đệ: “Tất cả các con là những kẻ đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của Ta và học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi. Vì ách Ta thì êm, và gánh Ta nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). Chính Đức Giêsu mời gọi chúng ta chạy đến với Người để Người bổ sức và trao ban nghỉ ngơi cho chúng ta. Chạy đến với Người để trút bỏ mọi vất vả nặng nhọc dưới chân Người, trong biển tình thương của Người, để Người biến đổi chúng trở thành phước lành tình thương, bồi bổ sức lực, trao ban an bình cho chúng ta. Nhưng các lời của Đức Giêsu còn chứa đựng hai bí quyết khác giúp cho thân xác và tâm hồn con người được an bình khỏe mạnh: đó là sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa để tâm hồn tìm được nghỉ ngơi. Điều đó có nghĩa là càng biết sống hiền lành và khiêm nhường bao nhiêu, chúng ta lại càng được khỏe mạnh và an bình thanh thản bấy nhiêu. Nếu vì ghen tương, tức giận, kiêu căng bạo lực mà con người trở thành yếu nhược và bị đủ mọi thứ bệnh, thì phương dược hữu hiệu nhất là phương dược “hiền lành và khiêm nhường”.

Kiểu sống “trút bỏ mọi âu lo cho Chúa”, “hiền lành và khiêm nhường, tín thác mọi sự cho Chúa” là phương thế giúp hóa giải mọi sự trong đời, mà chúng ta có thể gọi một cách nôm na là “nấu lẩu tâm linh”.

Lẩu là món ăn ngon đặc thù của Á đông. Lẩu ngon vì gồm có nhiều thứ như: cá, cá mực, tôm, cua, thịt, miến, nhiều thứ rau như giá, xà lách, cần tây, và nhiều loại rau thơm, nấu chung với nhau trong cùng một nước lẩu, gồm nước sốt, sa tế, gừng, tiêu, ớt vv… tất cả là khoảng 20 thứ và mùi vị. Mỗi thứ và mỗi vị đều khác nhau và là chính mình. Nhưng khi được bỏ chung vào nước lẩu, thì đều cho đi cái tinh tế nhất của mình, trộn lẫn với cái tinh tế riêng biệt đa diện của mọi thứ và mùi vị khác, làm thành món ăn ngon tuyệt diệu là lẩu. Nếu tất cả chỉ là một thứ và chỉ có một mùi vị duy nhất, thì không phải là lẩu và không thể ngon được.

Mỗi người trong chúng ta là một thứ và có một mùi vị khác nhau, đặc thù, phong phú, không ai giống ai. Nhưng khi bỏ chung vào và hòa tan với nhau trong cùng một nước lẩu là biển tình thương, là con tim của Thiên Chúa, thì chúng ta trở thành món ăn ngon bổ tuyệt diệu. Mỗi người phải là chính mình với tất cả các đặc thái của mình, kể cả các thiếu sót, khuyết điểm của mình nữa. Không ai có thể bắt buộc người khác phải giống mình, vì mỗi người là duy nhất. Vậy hãy cho đi cái tinh túy, hãy đóng góp cái tốt đẹp nhất của mình để hòa tan với các nét tinh túy tốt đẹp nhất của mọi người khác, hãy trút đổ tất cả mọi sự kể cả những giận dữ, ưu tư, phiền muộn vào trong biển tình thương của Chúa, tín thác cho Chúa, để cho Chúa dùng tình yêu của Người biến đổi mọi sự trở thành món lẩu tâm linh ngon bổ cho tất cả chúng ta!

Có những giận dữ, có những phiền muộn, có những bất công, khổ đau, thù hận, mà tâm trí loài người của chúng ta không quên được, không tha thứ được, không nguôi ngoại được. Chúng khiến cho con tim chúng ta sôi sục, uất ức không thở được, không nuốt trôi và tiêu hóa được. Nhưng chúng ta có thể trút bỏ tất cả vào trong biển tình thương của Chúa, để Chúa dùng quyền năng của Ngài biến đổi và hóa giải chúng trở thành phước lành cho chúng ta. Đó là “nấu lẩu tâm linh”. Như thế, càng năng biết “nấu lẩu tâm linh” mỗi ngày bao nhiêu, chúng ta lại càng mạnh khỏe, nhẹ nhàng, an bình và hạnh phúc bấy nhiêu. Bởi vì chúng ta đã trút bỏ mọi sự trong nước lẩu, trong biển tình thương nhân từ của Thiên Chúa.

6.     Linh đạo “ấu thơ”: “cải lão hoàn đồng”

Nghệ thuật “nấu lẩu tâm linh” đưa chúng ta tới một thái độ sống gọi là “linh đạo ấu thơ”, con đường thơ ấu, giúp “cải lão hoàn đồng”. Thái độ biết trút bỏ mọi sự cho Chúa là thái độ sống tin tưởng đơn sơ, khiêm tốn, tín thác của trẻ thơ. Trẻ thơ không biết tới qúa khứ, cũng không nghĩ tới tương lai, mà chỉ sống trọn vẹn tràn đầy, giây phút hiện tại. Tràn đầy tới độ tất cả đều biến thành thực tại và đều quan trọng nghiêm chỉnh như nhau. Khi đó mảnh gỗ biến thành cái xe hay chiếc máy bay, vũng nước biến thành hồ ao, con sông hay đại dương, mô đất biến thành trái núi, chỗ trũng biến thành thung lũng. Tất cả đều là thực tại tràn đầy. Chính vì thế trẻ em khóc, khi người lớn lấy mất đi miếng gỗ là cái máy bay đang chở nó chu du đó đây trên thế giới…

Người lớn không sung sướng và hạnh phúc như trẻ em, vì thường sống trong thái độ nuối tiếc qúa khứ đã qua rồi không còn sửa đổi gì được nữa, hay tính toán những chuyện tương lai chưa tới. Rất ít người biết sống tràn đầy trọn vẹn giây phút hiện tại như trẻ em. Chúng ta quên rằng chỉ có hiện tại là thời điểm duy nhất định đoạt và tùy thuộc nơi mình. Chính vì thế Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ sống đơn sơ, rộng mở, tin yêu, tín thác tràn đầy như trẻ thơ để được vào Nước Trời: “Cứ để trẻ em đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật các con: ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mc 10,14-15). Con đường thơ ấu, tin yêu phó thác, sống tràn đầy giây phút hiện tại đã là linh đạo nên thánh của chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Như thế, càng biết giữ cho tâm trí luôn được tươi mát thơ trẻ, càng biết sống “linh đạo ấu thơ, cải lão hoàn đồng” mỗi ngày bao nhiêu, thì bạn càng khỏe mạnh, an bình, hạnh phúc bấy nhiêu. Và đó là điều tác giả Thánh vịnh 130 nhắn nhủ chúng ta: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm”.

Dấn thân sống tràn đầy giây phút hiện tại trong tin yêu phó thác, đó là bí quyết giữ gìn sức khoẻ và duy trì niềm hanh phúc hữu hiệu đích thực vậy.

7.     Chúng ta chỉ sống một lần duy nhất

Cuộc đời con người có một điểm khởi hành và một đích tới. Cuộc sống chúng ta bắt đầu, khi tình yêu của cha me chúng ta nở hoa: đó là giây phút gặp gỡ tuyệt vời và huyền nhiệm giữa tinh trùng của cha và trứng của mẹ. Và ngay lúc đó Thiên Chúa Tình Yêu trang điểm cho bông hoa sự sống ấy một linh hồn, là chính hơi thở thiên linh của Ngài, và chúng ta bắt đầu là người, là một bông hoa bản vị cá biệt, duy nhất trên trần gian và trong vũ hoàn này. Trước đó đã không có ai giống chúng ta, và sau đó cũng sẽ không bao giờ có ai như chúng ta nữa.

Cuộc sống con người là một lộ trình huyền diệu với một điểm khởi đầu duy nhất và một đích tới duy nhất. Chúng ta chỉ có một đời sống và chỉ sống một lần duy nhất trên trần gian này. Sự thật vô cùng quan trọng nhưng ít được lưu tâm này phải giúp chúng ta ý thức làm sao để biết sống yêu thương, tha thứ, quảng đại và liên đới trợ giúp nhau, và nhất là phải cố gắng làm tất cả những gì có thể để sống ơn gọi làm người và làm con cái Chúa của chúng ta một cách khỏe mạnh, tươi vui, thành công và tràn đầy hạnh phúc.

Comments are closed.