Câu chuyện về Ba nhà chiêm tinh (hay còn gọi là Ba Vua) đến thờ lạy Chúa Giêsu được thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 2,1-12). Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử cứu độ, thể hiện việc Chúa Giêsu được tỏ mình ra cho muôn dân, không chỉ dành riêng cho dân Israel mà còn cho cả dân ngoại. Hãy cùng Tông Đồ Mục Vụ Sức Khoẻ tìm hiểu về ba nhà chiêm tinh và những lễ vật qua bài viết dưới đây!
Ba nhà chiêm tinh ( Ba Vua ) là ai?
Ba nhà chiêm tinh, hay còn gọi là Ba Vua, là những nhân vật được nhắc đến trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 2,1-12). Theo truyền thống, Ba Vua lần lượt có tên là: Melchior (vua của vùng Ba Tư, thường được miêu tả là già cả, râu trắng, mang theo vàng). Gaspar (Caspar) (vua của Ấn Độ, trẻ tuổi, mang theo nhũ hương) và Balthazar (vua của Ả Rập hoặc Ethiopia, có nước da đen, mang theo mộc dược). Ba Vua được xem là đại diện của các dân tộc trên thế giới đến bái lạy Chúa Giêsu.
Hành trình của Ba nhà chiêm tinh (Ba Vua)
Ba nhà chiêm tinh, còn được gọi là Ba Vua hoặc Đạo sĩ, xuất thân từ phương Đông. Họ là những người thông thái, chuyên nghiên cứu các dấu chỉ trên bầu trời. Khi thấy một ngôi sao lạ xuất hiện, họ nhận biết đó là dấu hiệu báo trước sự ra đời của một vị Vua vĩ đại đã ra đời và quyết định lên đường để tìm kiếm và thờ lạy Ngài.
Ba vị chiêm tinh ấy đã đến Giêrusalem và hỏi thăm: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2). Khi vua Hêrôđê nghe tin này, ông bối rối và bắt đầu lập mưu hãm hại Hài Nhi Giêsu. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của ngôi sao ở Đông Phương, Ba nhà chiêm tinh đã tìm được đến Bêlem, nơi Hài Nhi và Đức Maria và Thánh cả Giuse đang ở.
Ba Vua thờ lạy và những lễ vật dâng Hài Nhi Giêsu
Ngay khi bước vào hang đá Bêlem, nơi mà Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ hơi ấm bò lừa, họ liền sấp mình thờ lạy và dâng tiến những lễ vật quý giá như: vàng, nhũ hương và mộc dược
Vàng
Tượng trưng cho vua chúa. Khi tiến dâng vàng cho Hài Nhi Giêsu, ba nhà chiêm tinh đã công nhận quyền vương đế của Ngài. Giêsu chính là Vua trên các vua, và là Vua của toàn thể vũ trụ này.
Nhũ Hương
Tượng trưng cho thiên tính của Hài Nhi Giêsu. Ba nhà chiêm tinh đã quỳ gối phủ phục trước Hài Nhi Giêsu và qua thái độ khiêm hạ ấy, các ngài đã chân nhận rằng Hài Nhi Giêsu chính là vị Tư Tế Tối Cao, và chính là Thiên Chúa.
Mộc Dược
Tượng trưng cho nhân tính của Chúa Hài Đồng. Khi dâng tiến mộc dược, ba nhà chiêm tinh đã nhận ra nhân tính của Con Thiên Chúa. Hài Nhi Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng Ngài đồng thời cũng mang trong mình bản tính của loài người, Ngài cũng biết đói, biết đau, biết buồn, biết khóc, và trở nên mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi
Ba nhà chiêm tinh được sự hướng dẫn của Thiên Chúa
Sau khi hoàn thành sứ mệnh tôn thờ và dâng lễ vật lên Hài Nhi Giêsu, Ba nhà chiêm tinh dự định quay trở lại gặp vua Hêrôđê như ông đã yêu cầu. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã can thiệp để bảo vệ Hài Nhi khỏi âm mưu hiểm ác. Trong giấc mộng, các vị đạo sĩ được Thiên Chúa cảnh báo đừng quay lại với Hêrôđê vì ông ta đang có ý định tìm giết Hài Nhi (Mt 2,12).\
Hành động của Ba nhà chiêm tinh khi chọn một con đường khác để trở về, sau khi gặp gỡ Đấng Cứu Thế, họ đã thay đổi và không thể trở lại con đường cũ nữa để tránh khỏi sự nguy hiểm của Vua Hêrôđê. Điều này là biểu tượng cho sự hoán cải, không đi theo lối cũ và bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa
Câu chuyện này cho thấy sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không chỉ dùng ánh sao để dẫn dắt Ba nhà chiêm tinh đến với Chúa Giêsu mà còn tiếp tục hướng dẫn họ sau khi đã gặp được Ngài.
Sự truy đuổi Hài Nhi Giêsu của Vua Hêrôđê và thiên thần báo mộng
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì thiên thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.
Khi vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.
Sự kiện này được gọi là Cuộc thảm sát Các Thánh Anh Hài, một biến cố đau thương nhưng cũng ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình, và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Gr 31,15).
Ý nghĩa thần học và bài học thực tiễn
- Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của muôn dân: Các nhà chiêm tinh, những người ngoại giáo, tìm đến và thờ lạy Hài Nhi Giêsu cho thấy rằng ơn cứu độ không chỉ của riêng dân Israel mà còn cho toàn thể nhân loại.
- Đức tin và lòng thành kính thờ lạy Chúa: Ba nhà chiêm tinh đã vượt qua bao khó khăn để tìm đến Chúa, thể hiện lòng khao khát chân lý và sự thờ phượng đích thực.
- Từ bỏ con đường cũ: Họ trở về bằng một lối khác, tượng trưng cho sự hoán cải, thay đổi lối sống để bước đi trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
- Ngôi sao dẫn đường – ánh sáng của Thiên Chúa: Ngôi sao xuất hiện trên bầu trời dẫn đường cho các nhà chiêm tinh là dấu chỉ của ánh sáng Thiên Chúa như Ngài đã phán: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Kết luận
Qua câu chuyện Ba nhà chiêm tinh đến thờ lạy Chúa Giêsu cho thấy rằng đây không chỉ là một biến cố lịch sử, mà còn là một dấu chỉ của ơn cứu độ, Chúng ta được mời gọi noi gương Ba nhà chiêm tinh, luôn tìm kiếm Chúa, sẵn sàng vượt qua khó khăn để gặp gỡ Ngài và dâng lên những gì quý giá nhất. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta biết noi gương Ba nhà chiêm tinh, luôn tìm kiếm và tôn thờ Chúa.