Chuyện kể về mười tai ương giáng xuống Ai Cập trong Kinh Thánh

Chuyện kể về mười tai ương giáng xuống Ai Cập trong Kinh Thánh

Mười tai ương giáng xuống Ai Cập (Xh 7–12) là câu chuyện về quyền năng và lòng trung tín của Người trong hành trình cứu độ dân Israel. Những tai họa này là sự trừng phạt dành cho lòng cứng cỏi của vua Pharaô và là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện và quyền uy của Thiên Chúa. Qua trình thuật này, người Kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm một Thiên Chúa công minh, đầy lòng thương xót, luôn lắng nghe tiếng kêu than của dân Người và hành động để mang lại sự sống. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ tìm hiểu mười tai họa giáng xuống Ai Cập qua bài viết dưới đây!

Mục lục

    Đôi nét về mười tai ương giáng xuống Ai Cập

    Mười tai ương giáng xuống Ai Cập là loạt biến cố lạ lùng và mạnh mẽ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua tay ông Môsê để giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ của vua Pharaô. Mục đích của chúng là thể hiện sức mạnh của Thiên Chúa Israel, vượt xa các vị thần và thầy tế của Ai Cập.

    Mỗi tai họa đều mang tính cảnh báo, thúc giục hoán cải, bày tỏ sự quan phòng và công lý của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người. Đồng thời, phản ánh sự chiến thắng của ánh sáng và sự thật trước bóng tối, bất công, chuẩn bị cho biến cố vĩ đại: cuộc Xuất Hành và Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Israel.

    Chuyện kể về mười tai ương giáng xuống Ai Cập trong Kinh Thánh

    Bối cảnh câu chuyện

    Trong trích Sách Xuất Hành, sau khi ông Giuse qua đời, một vị vua mới lên ngôi tại Ai Cập, không còn nhớ đến công lao của ông và đã bắt đầu áp bức dân Israel. Trong nỗi thống khổ,  dân Israel đã kêu cầu Thiên Chúa. Người đã nghe tiếng kêu than của họ và nhớ lại Giao Ước với các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop.

    Thiên Chúa đã kêu gọi ông Môsê – vị ngôn sứ và người lãnh đạo dân Chúa. Môsê đã đến trước mặt vua Pharaô để truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa: “Hãy thả dân Ta ra, để họ đi cử hành lễ hội kính Ta trong sa mạc” (Xh 5,1). Nhưng lòng cứng cỏi và kiêu căng nên Pharaô từ chối từ yêu cầu đó

    Trong bối cảnh này, Thiên Chúa đã cho xảy ra mười tai họa nhằm tỏ lộ quyền năng thần linh, đánh động lương tâm Pharaô và các thần dân Ai Cập, đồng thời chuẩn bị cho cuộc giải thoát kỳ diệu của dân Israel.

    Mười tai họa giáng xuống Ai Cập (Xh 7–12)

    Chuyện kể về mười tai ương giáng xuống Ai Cập trong Kinh Thánh

    Nước biến thành máu (Xh 7,14-24)

    Khi Môsê giơ gậy đánh xuống sông Nin, nước sông cùng tất cả nguồn nước trong Ai Cập đều biến thành máu, cá chết, nước hôi thối, không thể dùng được.

    Ếch nhái tràn lan (Xh 8,1-15)

    Ếch sinh sôi không kiểm soát từ sông tràn lên, vào nhà cửa, phòng ngủ và cả trên người dân Ai Cập, gây ra cho dân chúng sự hoảng loạn

    Muỗi (Xh 8,16-19)

    Khi Môsê giơ gậy đập bụi đất, bụi biến thành muỗi, bay khắp nơi cắn người và thú vật, khiến cả xứ đau khổ.

    Ruồi nhặng (Xh 8,20-32)

    Ruồi nhặng xuất hiện dày đặc trong cung vua, nhà dân, làm ô uế và lan truyền bệnh tật, nhưng đất Gôsen là nơi dân Israel ở thì không bị gì

    Dịch hạch trên súc vật (Xh 9,1-7)

     Dịch bệnh nặng giáng xuống đàn súc vật Ai Cập – ngựa, lừa, bò, chiên – khiến chúng chết hàng loạt. Súc vật của dân Israel thì không bị gì.

    Ung nhọt (Xh 9,8-12)

    Khi tro từ lò nung được tung lên trời, nó gây ra các vết ung nhọt nơi người và thú, từ dân thường đến các pháp sư của Pharaô.

    Mưa đá (Xh 9,13-35)

    Một trận mưa đá kèm sấm sét chưa từng có giáng xuống, giết chết người và vật ở ngoài trời, phá tan mùa màng và cây cối. Đất Gôsen lại được bảo vệ.

    Châu chấu (Xh 10,1-20)

    Một đàn châu chấu phủ kín đất, ăn sạch mọi thứ còn sót sau trận mưa đá – cây trái, rau cỏ, hoa màu.

    Bóng tối (Xh 10,21-29)

    Bóng tối dày đặc bao trùm Ai Cập trong ba ngày liền. Người ta không thấy nhau, không đi lại, nhưng nhà dân Israel vẫn có ánh sáng.

    Cái chết của con đầu lòng (Xh 11–12)

    Trong đêm Vượt Qua, Thiên Chúa giết mọi con đầu lòng của người và vật trong Ai Cập, từ con vua Pharaô đến người tù và súc vật. Riêng nhà Israel, máu chiên vượt qua bôi trên khung cửa đã bảo vệ họ khỏi tai họa.

    Ý nghĩa câu chuyện

    Mười tai họa chính là hành động trừng phạt của Thiên Chúa và còn là biểu tượng cho cuộc chiến thiêng liêng giữa sự thật và gian tà, giữa ánh sáng và bóng tối.

    Dấu chỉ Thiên Chúa luôn hiện diện và can thiệp để bảo vệ dân riêng của Người và khẳng định rằng không thần linh nào có thể sánh với quyền năng Thiên Chúa hằng sống.

    Mỗi Kitô hữu được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống mình, nhất là khi đối diện với thử thách, và can đảm bước theo Người trong đức tin và vâng phục.

    Hình ảnh tượng trưng cho hành trình giải thoát mà Đức Giêsu Kitô sẽ thực hiện trọn vẹn qua Cuộc Vượt Qua mới từ sự chết đến sự sống, từ nô lệ tội lỗi đến tự do của con cái Thiên Chúa.

    Chuyện kể về mười tai ương giáng xuống Ai Cập trong Kinh Thánh

    Bài học rút ra qua câu chuyện mười tai ương giáng xuống ai Cập

    Hãy luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cho dù trong đau khổ, hãy vững lòng vì Thiên Chúa luôn gìn giữ và yêu thương dân Người

    Luôn vâng phục lời của Chúa thông qua Giáo Hội và qua lời của Kinh Thánh, chớ cứng lòng như Pharaô

    Hằng ngày biết trở về, sám hối, tránh xa tội lỗi, để tâm hồn luôn là nơi Chúa ngự trị và được chia sẻ cuộc vượt qua đích thực trong Đức Kitô.

    Kết luận

    Hành trình Xuất Hành cũng là hình ảnh cho cuộc vượt qua tội lỗi mà mỗi người được mời bước theo trong Đức Kitô là Chiên Vượt Qua mới, để sống xứng đáng là con cái của Chua

    Qua các tai họa, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu cứu độ, lòng trung thành với Giao ước và quyền năng giải thoát khỏi nô lệ và bất công. Đối với người Kitô hữu hôm nay, trình thuật này mời gọi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa, biết lắng nghe và mau mắn đáp lại tiếng gọi của Người. “Chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2).

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *