Khám phá dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

Khám phá dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18,9-14) là một trong những dụ ngôn nổi tiếng của Chúa Giêsu, mang đậm tính giáo huấn về thái độ sống đức tin chân thật. Qua hình ảnh tương phản giữa hai nhân vật, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người xét lại đời sống nội tâm, cách sống đạo và mối tương quan thật sự với Thiên Chúa. Hay cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ tìm hiểu sâu hơn về dụ ngôn qua bài viết dưới đây!

Mục lục

    Bối cảnh và nội dung của dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

    Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế được Chúa Giêsu kể lại trong Tin Mừng theo Thánh Luca 18,9-14, nhắm đến những người tự cho mình là công chính và khinh thường người khác.

    Chúa Giêsu kể rằng có hai người lên Đền Thờ để cầu nguyện, một người Pharisêu và một người thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, cầu nguyện với thái độ tự mãn: “Lạy Thiên Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng một phần mười tất cả các khoản thu nhập của con.” (Lc 18,11-12).

    Trong khi đó, người thu thuế lại đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13).

    Cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu nói: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Lc 18,14).

    Khám phá dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

    Hình ảnh Người Pharisêu và người thu thuế

    Người Pharisêu

    Người Pharisêu trong dụ ngôn là hình ảnh của những người giữ luật cách nghiêm ngặt, tự hào về đời sống đạo đức và tuân thủ lề luật Môsê. Ông cầu nguyện bằng cách liệt kê những việc đạo đức mình đã làm: ăn chay hai lần mỗi tuần, dâng một phần mười thu nhập… Nhưng thay vì cầu nguyện với Thiên Chúa bằng trái tim khiêm tốn thì ông lại so sánh mình với người khác, và xem thường kẻ tội lỗi như người thu thuế.

    Ông cầu nguyện với Thiên Chúa không nằm trong tinh thần gặp gỡ và kết nối với Ngài mà là tự khen ngợi bản thân. Ông đứng trước mặt Chúa, tâm hồn quay về với bản thân và không hướng về Thiên Chúa.

    Người thu thuế

    trong bối cảnh xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, người thu thuế bị xem là kẻ phản bội dân tộc vì làm việc cho chính quyền Rôma, bị gán tội tham lam, bất chính. Ông đứng ở xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực, và chỉ thốt lên một lời nguyện đơn sơ và rất chân thành của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Ông không kể công, không biện hộ, chỉ đặt trọn niềm tín thác nơi lòng thương xót của Chúa.

    Khám phá dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

    Sự tự mãn và kiêu ngạo Tôn Giáo

    Người Pharisêu trong dụ ngôn đại diện cho những người sống đạo nhưng thiếu sự thiêng liêng, chỉ dừng lại ở hình thức và việc giữ luật bề ngoài. Thay vì hướng lòng lên Chúa, ông lại chỉ nói về chính mình: những việc ông làm, những điều ông tránh, và đặc biệt là so sánh Sự tự mãn và kiêu ngạo tôn giáo trở thành sự nhức nhối khi mỗi người đặt mình làm trung tâm, tâm điểm và đánh giá người khác và nghĩ rằng mình xứng đáng trước mặt Thiên Chúa nhờ những việc mình làm, những việc công ích hay những chuyến từ thiện với giá trị đắt đỏ.

    Dụ ngôn này là lời mời gọi mạnh mẽ cho mỗi Kitô hữu rằng: Đừng để những việc đạo đức trở thành cái cớ để tự đề cao mình, hãy để từng hành vi, từng lời cầu nguyện là dịp gặp gỡ với Thiên Chúa trong tinh thần yêu mến và khiêm nhường.

    Hình ảnh Người Pharisêu và người thu thuế trong Phụng Vụ

    Khám phá dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

    Hình ảnh mẫu mực cho nghi thức sám hối

    Ngay từ phần đầu của Thánh Lễ, Hội Thánh mời gọi cộng đoàn thành tâm nhìn lại mình trong khiêm nhường và sám hối, bắt đầu bằng việc cùng nhau đọc Kinh này trước khi vào một Thánh lễ nào đó:  “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng… tôi đã phạm tội nhiều…” Lời tuyên xưng này phản chiếu thái độ của người thu thuế: không biện hộ, không so sánh, chỉ khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi và tin tưởng vào lòng thương xót Chúa.

    Gợi nhắc về lời nguyện trước khi rước lễ

    Trước khi rước Mình Thánh Chúa, cộng đoàn sẽ quỳ gối và thưa đồng thanh cùng nhau rằng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Tinh thần khiêm hạ và tín thác là điều người thu thuế thể hiện. Cho nên mỗi người tín hữu được nhắc nhớ rằng: Mỗi một chúng ta không bao giờ hoàn toàn xứng đáng với Chúa, nhưng vẫn được mời gọi đến gần hơn với Chúa-Đấng giàu lòng xót thương

    Sự khác biệt trong cách Thiên Chúa nhìn nhận con người

    Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không nhìn thấy những gì chúng ta thể hiện bề ngoài mà Ngài nhìn thấu tận trái tim và những tâm tình thật sự của chúng ta. Thiên Chúa nhìn thấy sự chân thành trong lòng sám hối

    Mỗi người tín hữu chúng ta khi đến với Thiên Chúa trong tinh thần khiêm nhường, biết nhận ra sự yếu đuối của mình và cầu xin ơn tha thứ, chúng ta sẽ được Ngài nâng đỡ và đón nhận để cùng hưởng phúc vinh quang với Người trên Nước Trời.

    Khám phá dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

    Bài học rút ra từ dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

    Qua dụ ngôn này, mỗi Kitô hữu được nhắc rằng: Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn chúng ta, chứ không phải những hình thức bên ngoài. Khi cầu nguyện, khi tham dự các bí tích hay sống đức tin, chúng ta cần phải giữ lòng khiêm nhường, mỗi hành động đạo đức phải xuất phát từ một trái tim chân thành, không phải để khoe khoang hay tự mãn.

    Thiên Chúa không cần chúng ta hoàn hảo, nhưng Ngài khao khát một tâm hồn biết khiêm nhường và mở rộng để đón nhận tình yêu và ơn tha thứ của Ngài. Biết ăn năng, chạy về với Chúa và làm những công việc không cần quá lớn lao để chứng minh hay kiêu ngạo về những điều mình làm, như Thánh Têrêsa đã nói: Làm những việc nhỏ bé bằng một tình yêu lớn.

    Kết luận

    Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế không chỉ là một câu chuyện ngắn trong Tin Mừng Luca, mà là một lời cảnh tỉnh và hướng dẫn quý giá cho hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu. Qua đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng sống đạo cách hình thức hay tự mãn, nhưng hãy đến với Thiên Chúa bằng tâm hồn khiêm nhường, sám hối và tin tưởng.

    Xin Thiên Chúa giúp mỗi người chúng ta biết thanh luyện lại cách sống đạo, để lời cầu nguyện và cử chỉ phụng vụ áp dụng đời sống hằng ngày, chúng ta luôn chọn đứng trước Chúa như người thu thuế khiêm nhường, nhờ đó mà được nên công chính và sống trong ân sủng của Người.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *