Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

Mùa Thường niên là khoảng thời gian tưởng chừng bình thường nhưng lại chiếm phần lớn năm phụng vụ và mang ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Trong năm phụng vụ Công Giáo, các mùa như Mùa Vọng, Giáng Sinh, Chay Thánh và Phục Sinh thường thu hút sự chú ý vì tính biểu tượng rõ rệt và những nghi thức phong phú. Đây chính là thời gian để người tín hữu sống đức tin một cách âm thầm nhưng bền vững, lớn lên trong Lời Chúa qua từng ngày thường nhật. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ tìm hiểu về mùa thường niên qua bài viết sau đây!

Mục lục

    Mùa Thường niên là gì?

    Theo lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Thường Niên là khoảng thời gian không thuộc các mùa cao điểm như Giáng Sinh hay Phục Sinh hoặc Tuần Thánh, nhưng lại là phần thời gian dài nhất trong năm, trải dài trong 34 tuần. Những tuần lễ của mùa Thường niên mang tính đều đặn, liên tục, giúp mỗi người tín hữu bước đi trong niềm tin và sống lời Chúa mỗi ngày.

    Mùa thường niên thường được chia thành hai giai đoạn:

    • Giai đoạn 1: Bắt đầu từ Thứ Hai sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cho đến thứ Ba trước lễ Tro.
    • Giai đoạn 2: Từ thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho đến cuối tuần thứ 34, kết thúc bằng lễ Chúa Kitô Vua.

    Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

    Màu sắc và Phụng vụ lời Chúa trong Mùa Thường niên

    Về màu sắc

    Màu áo phụng vụ của Mùa Thường Niên là màu xanh lá cây, biểu tượng của: Sự sống đang phát triển, niềm hy vọng vào ơn cứu độ và sự kiên trì và trung tín trên hành trình đức tin mỗi ngày.

    Ngoài ra, vào các ngày lễ trọng hoặc lễ kính trong Mùa Thường Niên (như lễ các thánh, lễ Đức Mẹ, hoặc các thánh tử đạo), linh mục sẽ mặc áo theo màu phụng vụ tương ứng của lễ đó: có thể là áo màu trắng, đỏ hoặc vàng.

    Về Phụng Vụ lời Chúa

    Phụng vụ Lời Chúa tập trung vào việc trình bày toàn bộ sứ vụ công khai của Chúa Giêsu: giảng dạy, làm phép lạ, kêu gọi các môn đệ, và mạc khải Nước Trời. Chúa Nhật Mùa Thường Niên theo chu kỳ 3 năm (A, B, C) sẽ đọc Tin Mừng theo ba tác giả chính: Năm A theo Thánh Matthêu. Năm B theo Thánh Marcô và năm C theo Thánh Luca (Riêng Tin Mừng Gioan được đọc bổ sung trong các dịp đặc biệt)

    Các bài đọc ngày thường trong tuần cũng theo thứ tự liên tục, giúp người tín hữu tiếp cận trọn vẹn Kinh Thánh một cách logic, dễ hiểu và để lời Chúa thấm vào tâm hồn từng người. Thánh lễ Mùa Thường Niên vẫn mang đầy đủ tính chất hy tế, tưởng niệm và hiện tại hóa ơn cứu độ.

    Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

    Những lễ trọng trong Mùa Thường niên

    • Lễ Chúa Ba Ngôi: Mừng mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo: Một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
    • Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô: Cử hành bí tích Thánh Thể – trung tâm của đời sống Giáo Hội, là Mình và Máu thật của Chúa Giêsu, Đấng tự hiến vì nhân loại.
    • Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Tôn kính trái tim nhân hậu và đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, nguồn mạch tình yêu và ơn cứu độ cho nhân loại.
    • Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8): Tin kính rằng Đức Maria, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, là dấu chỉ niềm hy vọng và vinh quang cho những ai tin vào Chúa Kitô và sống theo gương Mẹ.
    • Lễ Các Thánh (1/11): Mừng tất cả các thánh, được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trên thiên đàng. Lễ này nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh dành cho mỗi người chúng ta
    • Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, kết thúc năm phụng vụ. Đấng cai trị toàn thể vũ trụ trong chân lý, công lý và bình an.
    • Ngoài ra, trong Mùa Thường Niên còn có các lễ kính và nhớ đến các thánh quan thầy, tử đạo, các thánh tông đồ, giáo hoàng, các bác ái nhân chứng đức tin.

    Ý nghĩa thiêng liêng của Mùa Thường niên

    Trong Mùa Thường Niên, Giáo Hội mời gọi mỗi tín hữu chiêm ngắm toàn bộ đời sống của Chúa Giêsu từ những phép lạ, lời giảng dạy, đến cách Ngài đối xử với mọi người. Qua đó, chúng ta học hỏi cách sống yêu thương, khiêm nhường, phục vụ lẫn nhau và trung tín mỗi ngày.

    Người tín hữu được mời gọi kiên nhẫn, trung thành sống Tin Mừng mỗi ngày nơi công việc, gia đình, học hành và các tương quan, là khoảng thời gian dài và quý giá để người tín hữu sống đức tin một cách âm thầm nhưng vững chắc.

    Mỗi Chúa Nhật Mùa Thường Niên, phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu đang rao giảng, chữa lành, kêu gọi các môn đệ, và thiết lập Nước Trời. Đó là dịp để học biết Chúa không phải qua biến cố lớn, mà qua từng hành động yêu thương cụ thể.

    Mỗi người Kito hữu chúng ta khi đi học, đi làm hay đi phục vụ gia đình, cộng đoàn, chúng ta được mời gọi sống như những môn đệ thật của Chúa. Mùa Thường Niên giúp ta không chỉ theo Chúa trong lễ lớn, mà còn yêu Chúa trong những việc nhỏ.

    Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

    Mùa Thường Niên trong lịch phụng vụ

    Giai đoạn một

    Từ sau Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa đến trước Thứ Tư Lễ Tro

    • Bắt đầu vào Thứ Hai sau Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, thường là giữa tháng một.
    • Kết thúc trước Mùa Chay (tức trước Thứ Tư Lễ Tro).
    • Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 4–9 tuần, tùy năm.

    Giai đoạn hai

    Từ sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đến trước Mùa Vọng

    • Bắt đầu vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Lễ Hiện Xuống).
    • Kéo dài đến Thứ Bảy trước Chúa Nhật I Mùa Vọng.
    • Đây là phần dài nhất của Mùa Thường Niên, có thể kéo dài đến tuần thứ 34.

    Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

    Những thực hành đạo đức trong Mùa Thường niên

    Siêng năng suy niệm lời Chúa

    Trong Mùa Thường Niên, các bài đọc phụng vụ trình bày toàn bộ sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, người tín hữu được mời gọi đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, đặc biệt là Tin Mừng. Việc cầu nguyện với Lời Chúa giúp mỗi người tín hữu luôn sẵn sàng đón nhận ánh sáng hướng dẫn đời sống thiêng liêng và luân lý.

    Tham dự thánh lễ đều đặn, sốt sắng

    Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là bổn phận và quyền lợi thiêng liêng của mỗi tín hữu. Ngoài ra,cũng nên tham dự Thánh lễ trong tuần nếu có thời gian rảnh rỗi để kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Giêsu Thánh Thể, thay vì tham gia những sự kiện vô bổ

    Người tín hữu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Máu Thánh Ngài, là nguồn sống cho hành trình đức tin khi siêng năng đi tham dự Thánh lễ.

    Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

    Xét mình và xưng tội

    Mùa Thường Niên cũng mời gọi người tín hữu khám phá tình trạng tâm hồn mình và hoán cải liên tục, cho nên mỗi Kitô hữu phải luôn siêng năng chạy đến với Chúa trong bí tích Hoà Giải để sau này có thể được hưởng phúc vinh quang nước Trời.

    Việc xét mình mỗi tối và xưng tội thường xuyên giúp thanh tẩy tâm hồn và giữ gìn ân sủng. Bí tích Hòa Giải là phương tiện để gặp gỡ lòng thương xót Chúa và tiếp tục bước đi trên hành trình nên thánh.

    Duy trì đời sống cầu nguyện

    Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Trong Mùa Thường Niên, thiết lập thói quen cầu nguyện sáng tối, lần chuỗi Mân Côi, Chầu Thánh Thể, và cầu nguyện theo giờ phụng vụ. Mỗi gia đình nên tập thói quen đọc kinh và cầu nguyện cùng nhau có thể gói gọn trong 5 – 10 phút để mọi người cùng đọc kinh, chia sẻ lời Chúa và nâng đỡ nhau sống đạo.

    Học hỏi giáo lý Kinh Thánh

    Trong thời gian mùa thường niên của phụng vụ, người tín hữu nên dành thời gian tìm hiểu giáo lý Hội Thánh, học hỏi Kinh Thánh, đời sống các thánh, đây là cách để đức tin trưởng thành hơn, không chỉ trong cảm xúc mà cả trong hiểu biết và hành động, giúp người tín hữu luôn kiểm soát được bản thân và lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa.

    Tìm hiểu về Mùa Thường niên của Đạo Công Giáo

    Kết luận

    Mùa Thường Niên tuy không long trọng như Mùa Giáng Sinh hay Phục Sinh, Mùa Chay nhưng lại chính là thời gian quý giá để người Kitô hữu sống đức tin cách bền bỉ và trưởng thành trong đời sống thường ngày.

     

    Mùa Thường Niên mời gọi chúng ta “nên thánh trong đời thường”, không cần điều phi thường, chỉ cần trung tín, yêu thương và sống đạo thật lòng mỗi ngày. Mỗi người tín hữu hãy luôn trân trọng từng giây phút sống đạo trong Mùa Thường Niên vì Thiên Chúa đang âm thầm biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Ngài qua từng ngày trong đời sống Kitô hữu

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *