Lễ Kính lòng Chúa Thương Xót trong ngày Chúa Nhật hai Phục Sinh được Giáo Hội long trọng cử hành sau một tuần sống trong niềm vui tràn đầy của Đại lễ Phục Sinh. Đây không chỉ là một ngày Chúa Nhật thông thường, đây là dịp để mỗi Kitô hữu được đắm mình trong đại dương lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, Đấng đã chết vì tội lỗi của nhân loại và sống lại khải hoàn. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ tìm hiểu về ngày lễ đặc biệt này qua bài viết dưới đây!
Nguồn gốc của Lễ Kính lòng Chúa Thương Xót
Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót được thiết lập bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2000, nhân dịp phong thánh cho nữ tu Faustina, đây là một vị thánh người Ba Lan đã được Chúa Giêsu mặc khải lòng thương xót của Ngài. Nữ tu Fautina đã ghi lại những lần Chúa hiện ra và Thiên Chúa đã chọn Chúa Nhật sau Phục Sinh: “Ta muốn có một Lễ Kính Lòng Thương Xót. Ta muốn hình ảnh này được tôn kính công khai vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh. Chúa Nhật này là Lễ Lòng Thương Xót.” (Nhật ký Thánh Faustina, số 49)
Lòng Chúa Thương Xót: Trái tim của Mầu Nhiệm Phục Sinh
Liên kết giữa sự kiện Phục Sinh và lòng thương xót, nhấn mạnh rằng lòng Chúa thương xót không phải là một cảm xúc tạm thời, mà là trái tim của mầu nhiệm cứu độ.
Trong mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Giêsu đã không chỉ chiến thắng sự chết, mà Ngài còn mở ra cánh cửa của lòng thương xót Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Ngay từ lúc chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã sống và thể hiện lòng thương xót cách trọn vẹn: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23,34)
Trong biến cố Phục Sinh, lòng thương xót của Chúa đã đạt đến đỉnh điểm, khi Chúa không hiện ra để trách cứ, mà để trao ban bình an, thánh thần và ơn tha thứ cho các môn đệ từng yếu đuối và chối bỏ Ngài.
Chúa Nhật lòng Thương Xót: Niềm hy vọng cho người tội lỗi
Ngày lễ này không dành cho người hoàn hảo, nhưng dành cho những ai yếu đuối, đau khổ, thất bại, mỏi mệt trong cuộc đời đức tin, và đang cần được chữa lành. Đây chính là ngày của niềm hy vọng, khi Thiên Chúa chủ động đến với con người bằng một lời mời gọi: “Đừng sợ! Hãy tín thác vào lòng thương xót của Ta!”
Chính Trong ngày lễ này, Thiên Chúa cho ban những ơn đặc biệt, mà nổi bật là ơn toàn xá – nghĩa là được tha hết mọi tội lỗi và cả hình phạt do tội. Qua đó cho thấy Chúa không đặt ra điều kiện khắt khe chỉ mong người tội lỗi luôn biết chạy đến với Ngài với lòng sám hối và tin tưởng vào tin yêu vô biên của Thiên Chúa.
Hình ảnh lòng Chúa thương xót
“Ta muốn có một bức ảnh với dòng chữ: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.’ Ta muốn bức ảnh này được tôn kính… trước tiên trong nhà nguyện, rồi trên toàn thế giới.” (Nhật ký Thánh Faustina, số 47)
Bức hình Lòng Chúa Thương xót được thể hiện:
- Tia sáng trắng tượng trưng cho nước, biểu tượng của phép rửa, thanh tẩy linh hồn.
- Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu, biểu tượng của Thánh Thể, sự sống thiêng liêng của linh hồn.
- Chúa Giêsu mặc áo trắng, màu của sự phục sinh và tinh tuyền.
- Tay phải giơ cao ban phúc lành, biểu thị lòng thương xót đang tuôn đổ.
- Chân bước về phía trước: “Ta đến tìm con trước khi con tìm Ta.”
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” Không chỉ là câu khẩu hiệu, dòng chữ ấy chính là tâm điểm của sứ điệp Lòng Thương Xót, đó là lời nguyện của những ai mệt mỏi, lạc hướng, là lời tuyên xưng đức tin trong đêm tối.
Giáo Hội khuyến khích tín hữu đặt bức ảnh này nơi bàn thờ gia đình, nơi cầu nguyện và trong các ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Đây là hành vi biểu lộ lòng tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa cách để Lòng Thương Xót hiện diện hữu hình trong đời sống.
Ý nghĩa thần học và Kinh Thánh
Lễ Kính lòng Chúa Thương Xót xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh. Chính qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô mà lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh (Ga 20, 19-31), Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, mang lại bình an và trao ban Thánh Thần, đồng thời thiết lập Bí Tích Hòa Giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha…”
Đây chính là hành động thương xót cụ thể và rõ nét của Thiên Chúa, Người luôn tha thứ cho tội lỗi và mời gọi con người bước vào mối tương quan mới với Người.
Một điều đặc biệt của lòng Chúa thương xót là hình ảnh Chúa Giêsu mặc áo trắng, tay phải giơ lên chúc lành, tay trái chỉ vào ngực. Và đây cũng chính là nơi phát ra hai tia sáng đỏ và trắng, tượng trưng cho Máu và Nước chảy ra từ trái tim Chúa khi bị đâm. Phía dưới bức ảnh là câu kinh: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”.
Những ân sủng đặc biệt trong ngày lễ Kính lòng Chúa Thương Xót
Trong ngày này, những ai xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng sẽ được lãnh nhận ơn toàn xá, như một dấu chỉ trọn vẹn của lòng thương xót Chúa dành cho tội nhân ăn năn trở về.
Chúa hứa ban ơn tha thứ mọi tội lỗi và hình phạt cho chúng ta vào ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa đã được ghi lại ba lần trong cuốn nhật ký của Thánh Faustina, mỗi lần một cách hơi khác nhau: “Ta muốn ban ân xá cho những linh hồn đã đi xưng tội và rước Mình và Máu Thánh Chúa trong ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa”.
Lời hứa hoàn toàn tha thứ tội lỗi của Thiên Chúa là lời nhắc nhở cũng như lời kêu gọi chúng ta. Ngài muốn nhắc nhở chúng ta là Chúa Giêsu thực sự hiện diện và đang sống trong Bí Tích Thánh Thể, đầy lòng thương yêu chúng ta.
Cách sống lòng thương xót trong đời sống
- Bằng hành động: giúp đỡ người nghèo, tha thứ cho người xúc phạm, quan tâm đến người đau khổ, làm việc bác ái, không phô trương nhưng làm bằng tình yêu và sự hướng dẫn của Chúa giàu lòng xót thương .
- Bằng lời nói: an ủi, khích lệ, động viên, gieo niềm tin đến những người xung quanh. Không lên án, không phán xét, không nói hành nói xấu người khác
- Bằng cầu nguyện: đặc biệt là đọc Chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót hằng ngày, vào lúc 3 giờ chiều chính giờ Chúa chết trên thánh giá và cầu nguyện cho những người xung quanh, cho chiến tranh, cho hòa bình thế và những xung đột đang diễn ra.
Kết luận
Chúa Nhật II Phục Sinh – lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Thiên Chúa không mỏi mệt yêu thương chúng ta. Chúng ta được mời gọi tín thác vào Chúa, trở về qua Bí Tích Hòa Giải, mở lòng đón nhận ơn tha thứ và trở nên nhân chứng sống động của lòng thương xót Chúa nơi gia đình, cộng đoàn và xã hội vì: “Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7)