Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

Ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình mà mỗi người được Thiên Chúa dựng nên không phải cách ngẫu nhiên, mà với một mục đích và sứ mạng riêng biệt. Thiên Chúa kêu gọi mỗi người bước vào một con đường sống để yêu thương và phục vụ. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra ơn gọi của chính mình. Bài viết dưới đây của Tông đồ mục vụ sức khỏe sẽ giúp bạn phân biệt rõ các ơn gọi trong Giáo Hội và đưa ra những gợi ý thiết thực

Mục lục

    Ơn gọi là gì?

    Trong đức tin Kitô giáo, ơn gọi không chỉ là nghề nghiệp hay vai trò xã hội, mà là sự đáp trả cá nhân trước tiếng gọi của Thiên Chúa, để sống theo ý định yêu thương của Ngài nơi cuộc đời mình. Ơn gọi là con đường sống mà qua đó, con người được nên thánh và góp phần vào công cuộc cứu độ của Chúa nơi thế gian. “Trước khi cho ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5)

    Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

    Phân biệt các loại ơn gọi trong Giáo Hội Công Giáo

    Ơn gọi đời sống hôn nhân

    Là ơn gọi phổ biến, nơi hai người nam nữ kết ước với nhau qua Bí tích Hôn phối để sống yêu thương, sinh sản và giáo dục con cái trong đức tin. Đây là hình ảnh cụ thể và sống động của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,25-33). Thiên Chúa mời gọi mỗi người có ơn gọi Hôn nhân luôn kết hợp mật thiết với Chúa để sống và yêu thương nhau, kết hiệp để sinh hoa kết quả.

    Vì thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai nên một xương một thịt.” (St 2,24)

    Ơn gọi tu trì (dâng hiến)

    Ơn gọi này dành cho những người dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa qua các lời khấn: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Họ sống trong các dòng tu hoặc tu hội, chọn Chúa làm tình yêu duy nhất và phục vụ Hội Thánh trong cầu nguyện, giáo dục, y tế, truyền giáo… “Ai trong anh em muốn làm lớn, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Tu sĩ là chứng tá sống động cho Nước Trời, là ánh sáng giữa thế gian về một cuộc sống dành trọn cho Thiên Chúa.

    Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

    Ơn gọi linh mục và phó tế

    Linh mục là người được Chúa tuyển chọn và thụ phong qua Bí tích Truyền Chức Thánh để cử hành các bí tích, rao giảng Tin Mừng và hướng dẫn đời sống đức tin của cộng đoàn.

    Phó tế là người phục vụ Lời Chúa, phụ giúp Thánh Thể và chăm lo việc bác ái. Có hai loại phó tế: phó tế vĩnh viễn (có thể lập gia đình) và phó tế chuyển tiếp (chuẩn bị lên linh mục).

    Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

    Ơn gọi sống độc thân giữa đời vì Nước Trời

    Một số người không bước vào hôn nhân hay tu trì, nhưng tự nguyện sống đời độc thân như một cách dâng hiến âm thầm, để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong môi trường xã hội. Dù không tuyên khấn, họ sống đức tin sâu sắc, thực hành bác ái, và là chứng tá cho đời sống thánh thiện giữa thế gian. “Có những người tự ý sống độc thân vì Nước Trời” (Mt 19,12)

    Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

    Làm sao để mỗi tín hữu nhận biết được ơn gọi của chính mình?

    Cầu nguyện và lắng nghe trong thinh lặng

    Hãy dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày, xin Chúa soi sáng con đường Ngài muốn bạn bước đi. Thiên Chúa không hô to như sấm sét, nhưng nói trong sự dịu dàng, trong lương tâm và bình an nội tâm. “Lạy Chúa, xin dạy con biết đường lối của Ngài” (Tv 25,4)

    Tìm hiểu các ơn gọi và đặt mình

    Nếu mỗi chúng ta chưa biết rõ ơn gọi là gì, thì rất khó để chọn. Hãy đọc sách, xem video, lắng nghe chia sẻ từ linh mục, tu sĩ, người sống đời gia đình hay sống độc thân dâng hiến. Khi tìm hiểu, bạn sẽ thấy mình hướng lòng nhiều hơn về một ơn gọi nào đó.

    Quan sát lòng mình 

    Ơn gọi thật sự luôn mang lại bình an và niềm vui sâu xa. Khi nghĩ đến việc lập gia đình, tu trì hay làm linh mục, bạn thấy điều gì khiến tim mình rung động nhất? Bạn cảm thấy thoải mái, vui sống và bình an với hướng đi nào? Thiên Chúa không ép buộc – Ngài gọi qua chính những khao khát tốt lành trong bạn.

    Làm việc tốt và phục vụ

    Tích cực tham gia các hoạt động trong giáo xứ: giúp lễ, ca đoàn, nhóm bác ái, dạy giáo lý, chia sẻ nhóm trẻ… Khi phục vụ, mỗi người tín hữu chúng ta sẽ thấy rõ khả năng, đam mê và ý hướng sống của mình để từ đó ơn gọi cũng dần sáng tỏ.

    Có người đồng hành thiêng liêng

    Một linh mục, tu sĩ, người sống đạo đức có kinh nghiệm sống đời ơn gọi sẽ giúp bạn nhận ra điều Chúa đang muốn nói với bạn. Họ có thể lắng nghe, hướng dẫn, và cầu nguyện cùng bạn trong hành trình phân định.

    Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

    Kiên nhẫn và tín thác

    Ơn gọi là cả một hành trình, không phải một quyết định vội vàng. Nếu bạn chưa biết rõ, đừng lo lắng. Hãy cứ sống tốt bổn phận hiện tại – học hành, làm việc, yêu thương – rồi dần dần Thiên Chúa sẽ tỏ lộ con đường phù hợp nhất cho bạn. “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng nơi Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5)

    Những sai lầm thường gặp khi phân định ơn gọi

    Chỉ có tu sĩ hoặc linh mục mới là “ơn gọi thật”

    Nhiều người cho rằng chỉ những ai đi tu mới có “ơn gọi”, còn sống đời gia đình thì không được gọi là “ơn gọi”. Đây là một quan niệm sai lệch. Kinh Thánh khẳng định: “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).

    Ơn gọi là lời mời gọi sống thánh thiện, và Thiên Chúa ban ơn gọi khác nhau cho mỗi người: hôn nhân, tu trì, linh mục, sống độc thân dâng hiến – tất cả đều là ơn gọi thánh nếu sống với lòng trung tín và tình yêu.

    Ơn gọi đến qua dấu lạ, mộng mị hoặc thị kiến

    Một số người chờ đợi những “dấu chỉ phi thường” như mơ thấy Chúa gọi, thấy ánh sáng lạ, nghe tiếng từ trời… mới tin rằng mình có ơn gọi. Chúa thường nói qua những điều bình thường: hoàn cảnh sống, lời người khác, sự rung động trong tim, khả năng bản thân. Chính Chúa Giêsu cũng gọi các môn đệ khi họ đang làm việc thường ngày (x. Mt 4,18-22).

    Nghĩ mình không xứng đáng với bất kỳ ơn gọi nào

    Một số bạn trẻ nghĩ rằng: “Tôi tội lỗi, yếu đuối, không đủ tốt để làm linh mục hay tu sĩ”. Nhưng ơn gọi là hồng ân, không phải phần thưởng cho người hoàn hảo. Chúa chọn những người rất bình thường, thậm chí yếu đuối – như Phêrô chối Chúa, Phaolô từng bắt đạo – để thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài. “Ơn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9)

    Không đi tu được thì mới lập gia đình

    Nhiều người chọn đời sống hôn nhân như một “giải pháp thay thế” khi không đủ điều kiện đi tu. Hôn nhân là một ơn gọi thiêng liêng và là Bí tích yêu thương. Thánh Phaolô ví hôn nhân như mầu nhiệm giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,31-32). Vì vậy, mỗi người cần chọn con đường theo tiếng gọi chân thật nơi lòng mình, chứ không phải chọn theo kiểu “phương án dự phòng”.

    Phân biệt các ơn gọi và cách nhận biết ơn gọi của chính mình

    Vai trò của cộng đoàn và gia đình trong việc nuôi dưỡng ơn gọi

    Gia đình là “Giáo hội tại gia”

    Gia đình là nơi đầu tiên mà người trẻ học cách cầu nguyện, sống đức tin và khám phá ý nghĩa cuộc đời. Khi cha mẹ sống đời sống đạo đức, yêu thương và quảng đại, họ không chỉ dạy con bằng lời nói mà còn bằng chứng tá sống động về tình yêu của Thiên Chúa.

    Những gia đình thường xuyên cầu nguyện chung, tham dự Thánh lễ, và sống đức ái sẽ tạo ra một mảnh đất tốt lành để ơn gọi trổ sinh. Ơn gọi lớn lên từ lòng đạo đức, yêu thương và cầu nguyện của cha mẹ.

    Giáo xứ và cộng đoàn

    Cộng đoàn giáo xứ, nhóm giới trẻ, hội đoàn… là nơi giúp người trẻ gần gũi với đời sống thiêng liêng và có cơ hội phục vụ. Những hoạt động như giúp lễ, ca đoàn, bác ái xã hội, học hỏi Lời Chúa… giúp thanh thiếu niên nhận ra thiên hướng sống và khơi dậy lòng yêu mến Chúa. Ngoài ra, chính sự đồng hành của linh mục, tu sĩ, giáo lý viên cũng là yếu tố quan trọng giúp người trẻ nhận diện ơn gọi của mình.

    Trách nhiệm nâng đỡ ơn gọi của Hội Thánh

    Ơn gọi không chỉ là chuyện cá nhân, mà là sứ vụ của cả Hội Thánh. Mỗi tín hữu đều có trách nhiệm cầu nguyện cho ơn gọi, khuyến khích người trẻ, và tạo môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng ơn gọi. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,2). Mỗi người trong Hội Thánh đều có vai trò trong việc cầu nguyện, khích lệ và đồng hành cùng những người đang phân định ơn gọi.

    Kết luận

    Ơn gọi là lời mời gọi yêu thương và phục vụ đến từ chính Thiên Chúa, dù là ơn gọi sống đời hôn nhân, tu trì, linh mục hay độc thân dâng hiến, tất cả đều là con đường nên thánh nếu được sống với tình yêu, đức tin và lòng trung thành với Chúa. Như Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ: “Hãy theo Thầy” (Mt 4,19)

    Vì thế, mỗi người được mời gọi sống tỉnh thức, khiêm tốn và cởi mở trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Đồng thời, gia đình và cộng đoàn cũng cần là nơi nâng đỡ, đồng hành và cầu nguyện để các ơn gọi được nhận ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong ân sủng. Hãy can đảm thưa lên như Samuel: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3,10).

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *