Sự phân ly vợ chồng trong hôn nhân Công giáo ngày nay vẫn còn là những khủng hoảng mà không ít gia đình Công giáo gặp phải trong xã hội hiện nay. Hôn nhân trong Giáo Hội Công Giáo không chỉ là một cam kết dân sự, mà là một bí tích nơi đôi vợ chồng trở thành dấu chỉ sống động của tình yêu trung tín giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy, Giáo hội Công giáo xem chuyện phân ly vợ chồng như thế nào ? Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ khám phá bài viết dưới đây!
Hôn nhân Công Giáo là gì?
Hôn nhân là giao ước bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, được thiết lập với sự ưng thuận tự do và có chủ ý, hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn trong tình yêu, và cùng nhau trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân Công Giáo không chỉ là một sự liên kết tự nhiên mà còn là bí tích, nghĩa là có sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong mối dây hôn phối.vì trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu phán rằng:“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)
Những trường hợp Hội Thánh có thể tháo gỡ dây Hôn Phối
Trường hợp không thể tháo gỡ
Giữa hai người nam và nữ đã chịu bí tích Rửa tội, “hôn nhân đã ký kết và hoàn hợp thì Hội Thánh không thể tháo gỡ bởi bất cứ quyền lực nào khác, ngoài trừ cái chết”. Bởi vậy, Hội Thánh không có quyền cho phép ly dị các cuộc hôn nhân đã trọn vẹn. Hôn nhân trọn vẹn tức là: Hôn nhân đã thành sự, là bí tích, đã ăn ở với nhau. Không trọn vẹn là khi thiếu một trong ba điều trên.
Trường hợp có thể tháo gỡ
Hôn nhân giữa hai người Công giáo, hoặc một người Công giáo và một người không Công giáo, đã thành sự nhưng chưa ơn với nhau.
Hôn nhân giữa hai người chưa được rửa tội, đã thành hôn và đã ơn ở với nhau, sau đó một người trở lại đạo và người kia không muốn chung sống. Đây là trường hợp thuộc “đặc ân thánh Phaolô” (1Cr 7,15). Hôn nhân chỉ được tháo gỡ khi người mới theo đạo lấy một người khác.
Đối với những cuộc hôn nhân không thành sự ngay từ đầu như mắc một hoặc nhiều ngăn trở Hôn phối thì Hội Thánh có quyền tháo gỡ
Ngoài ra, còn những yếu tố khác như: Bạo hành thể lý hoặc tinh thần nghiêm trọng, nghiện ngập nặng (rượu, ma túy, cờ bạc) gây tổn hại đến gia đình và ngoại tình không hối cải và kéo dài. Một trong hai bên gây nguy hiểm đến đức tin hoặc đời sống thiêng liêng của người kia hoặc con cái.
Sự phân ly vợ chồng trong hôn nhân Công giáo: Ly dị – Ly thân – Hủy tiêu hôn nhân – Tái hôn
Ly dị
Theo giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, ly dị không có giá trị trong đời sống bí tích, bởi vì bí tích Hôn phối là sự kết hợp bất khả phân ly nếu được cử hành thành sự giữa hai người đã lãnh nhận Phép Rửa. Vì thế, dù người Công Giáo có thể ly dị theo pháp luật để bảo vệ quyền lợi dân sự, nhưng họ không được phép tái hôn, vì vẫn còn bị ràng buộc bởi dây hôn phối trước mặt Thiên Chúa.
Hội Thánh trung thành với lời dạy của Đức Kitô: “Ai bỏ vợ mình mà lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình. Nên vì vậy, Hội Thánh Công Giáo không chấp nhận việc ly dị.
Ly thân
Đây là việc vợ chồng không sống chung, nhưng dây hôn phối vẫn còn hiệu lực. Giáo Hội có thể chấp thuận sự phân ly này trong những hoàn cảnh nghiêm trọng như: Bạo hành gia đình, ngoại tình kéo dài và không ăn năn, nguy cơ cho sức khỏe thể lý hoặc tinh thần và nguy hiểm cho đức tin hoặc luân lý của người phối ngẫu hay con cái
Phân ly không giải thoát khỏi dây hôn phối, nên cả hai vẫn không được tái hôn hoặc sống như vợ chồng với người khác. Trong thời gian ly thân, Giáo Hội khuyến khích cầu nguyện, hoán cải và nếu có thể, hòa giải.
Trong những trường hợp này, các Giám mục hoặc các Đấng bản quyền chấp nhận cho đôi bạn ly thân. Tuy vậy, họ vẫn là vợ chồng trước mặt Thiên Chúa, không được kết hôn với người khác. Cộng đoàn tín hữu được mời gọi giúp đỡ trong đời sống Kitô Hữu trong hoàn cảnh ấy, trung thành với dây liên kết mà Thiên Chúa trao cho họ.
Hủy tiêu hôn nhân
Khác với ly dị, tuyên bố vô hiệu hay còn gọi là huỷ tiêu hôn nhân là việc Tòa án Giáo hội xác nhận rằng hôn nhân đó chưa bao giờ thành sự ngay từ đầu, do một hoặc nhiều điều kiện căn bản không được thỏa mãn: Thiếu sự tự do thực sự trong việc ưng thuận. Không có ý định sống trung thủy, sinh sản, hay bền vững. Bị cưỡng ép hay sợ hãi khi kết hôn. Thiếu khả năng tâm lý sống đời hôn nhân và những ngăn trở hôn phối không được tháo gỡ trước khi kết hôn. Khi hôn nhân bị tuyên bố vô hiệu, hai người không còn bị ràng buộc, và được phép kết hôn lại trong Giáo Hội, nếu hội đủ điều kiện.
Tái hôn
Nếu những người đã ly dị, tái hôn theo luật đời, họ rơi vào tình trạng khát quan đi ngược lại luật Thiên Chúa. Đôi nam nữ hiện đang sống trong tình trạng này, họ không được rước lễ, đồng thời cũng không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh
“Đối với những tín hữu đang sống trong hoàn cảnh như vậy, mà vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái theo tinh thần Công giáo, linh mục và cộng đoàn phải có thái độ ân cần đặc biệt. Không tạo cảm giác đã bị tách lìa khỏi Hội Thánh và nếp sống đạo mà họ có thể và phải giữ vì đã được rửa tội: ‘Họ được mời gọi nghe Lời Chúa, tham dự hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và các sáng kiến của cộng đoàn để phục vụ công lý, giáo dục con cái trong đức tin công giáo.
Giáo Hội nói gì với những người đang đau khổ vì tan vỡ hôn nhân?
Dù hôn nhân đổ vỡ là một thử thách lớn, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ rời xa những ai đau khổ. Giáo Hội luôn nhấn mạnh rằng: “Những người ly thân hoặc ly dị mà vẫn trung thành với dây hôn phối là một chứng tá trung thành với ân sủng Chúa.”
Giáo Hội không khuyến khích việc tái hôn dân sự nếu dây hôn phối còn hiệu lực, nhưng Giáo Hội luôn mời gọi người tín hữu bước theo Chúa trong sự trung tín và cầu nguyện.
Đồng hành mục vụ và chữa lành, qua các nhóm mục vụ cho người ly thân, ly dị, Giáo Hội: Lắng nghe không phán xét, giúp họ hiểu đúng về ơn gọi hôn nhân và sự thật trong hoàn cảnh cá nhân và giúp họ sống đời sống đức tin phong phú, qua các bí tích, lời Chúa và cộng đoàn
Hy vọng phục hồi và tái hòa giải, Giáo Hội luôn hy vọng có sự hòa giải, nếu điều đó có thể và lành mạnh cho các bên. “Đừng mất niềm tin vào lòng thương xót của Chúa. Ngài có thể làm những điều tưởng chừng không thể.” (x. Mt 19,26)
Hy vọng và con đường hòa giải trong ánh sáng Tin Mừng
Mầu nhiệm hôn phối bắt nguồn từ tình yêu trung tín và bất diệt của Thiên Chúa. Dù con người yếu đuối, thất tín, thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi ai, nhưng Ngài vẫn đồng hành và mời gọi quay trở về.
Lời Chúa luôn là nguồn soi sáng và hướng dẫn Tin Mừng không chỉ là lời an ủi, mà còn là kim chỉ nam giúp vợ chồng nhận ra thánh ý Chúa trong khủng hoảng.
Cầu nguyện không chỉ là phương tiện giao tiếp với Thiên Chúa, mà còn là nơi đôi vợ chồng tìm lại sự hiệp nhất trong Chúa. Khi cùng nhau cầu nguyện, tha thứ và phó thác, họ đang để Chúa Giêsu trở thành trung tâm và vị thủ lãnh của gia đình mình.
Kết luận
Hôn nhân trong Giáo Hội Công Giáo là một ơn gọi thiêng liêng và là giao ước vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, được Chúa chúc phúc và nâng đỡ bằng ân sủng bí tích. Việc hiểu đúng các khái niệm sẽ giúp người Công Giáo tránh ngộ nhận trong đời sống đức tin và ý thức hơn về sự thánh thiêng và trách nhiệm của đời sống gia đình
Vì thế, mỗi gia đình được mời gọi trở nên trường học của lòng thương xót, tha thứ và hiệp nhất, nơi tình yêu Thiên Chúa được sống và lan tỏa giữa đời thường. Và khi cần, đừng ngần ngại chạy đến với Giáo Hội sẽ luôn giang tay đón nhận và đồng hành với mọi người con của mình trong hành trình sống ơn gọi hôn nhân.