Phía sai cánh cửa khoá kín của Mật nghị Hồng Y trong Giáo hội Công Giáo hoạt động mỗi khi Tòa Thánh trống ngôi, ánh mắt toàn thế giới lại đổ dồn về Toà Thánh Vatican, nơi các Hồng y cử hành Mật nghị bầu chọn vị kế vị Thánh Phêrô là người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ. Phía sau cánh cửa được khóa kín của Nhà nguyện Sistina là một hành trình cầu nguyện, phân định và lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ bước vào những khía cạnh sâu xa của Mật nghị Hồng y, để khám phá điều gì sẽ diễn ra nơi thánh thiêng này?
Mật nghị Hồng Y là gì?
Mật nghị Hồng Y là một cuộc họp đặc biệt của các Hồng y trong Giáo Hội Công Giáo để bầu chọn Giáo hoàng mới thay thế cho vị Giáo Hoàng đang đương nhiệm qua đời là người sẽ kế vị Thánh Phêrô và là người lãnh đạo tối cao của Giáo Hội hoàn vũ. Quy trình này được diễn ra trong sự thinh lặng, cầu nguyện và hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, đúng như truyền thống được quy định từ hàng thế kỷ qua.
Biểu tượng cánh cửa khóa kín của Mật nghị Hồng Y
Khi các Hồng y tiến vào Nhà nguyện Sistina, một nghi thức long trọng diễn ra cánh cửa được khóa lại, và từ đó, mọi sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài đều bị cắt đứt.
Cử chỉ này không chỉ để bảo mật thông tin, mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng sâu xa: Các vị Hồng y từ bỏ ý riêng, quyền lực trần thế, để hoàn toàn mở lòng cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cánh cửa đóng kín bảo vệ tự do của mỗi Hồng y khi bỏ phiếu, là nơi tự do lương tâm và sự vâng phục Chúa Thánh Thần được đặt lên hàng đầu. Việc tách biệt khỏi thế gian không phải để lẩn tránh, nhưng là để các vị Hồng y lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và đưa ra quyết định chọn người kế vị Thánh Phêrô theo thánh ý Chúa
Từ thời Trung Cổ, việc “khóa cửa” tượng trưng cho sự nghiêm cẩn, tính bí mật, và tính trọng thể của biến cố. Mật nghị là một hành động thiêng liêng của toàn thể Giáo Hội, được thực hiện bởi các Hồng y dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Các tiến trình bầu Đức Giáo Hoàng mới
Ai có thể trở thành Giáo hoàng?
Người được chọn làm tân Giáo hoàng phải là nam giới và đã được rửa tội theo nghi thức Công giáo, hầu hết các Giáo hoàng đều từng là Hồng y trước khi được bầu làm Giáo hoàng.
Giáo hoàng mới sẽ do các Hồng y dưới 80 tuổi tại thời điểm Giáo hoàng tiền nhiệm mất hoặc từ chức mới được phép tham gia bỏ phiếu chọn tân Giáo hoàng.
Trước khi vào bầu, các ngài sẽ tham dự các cuộc họp tiền mật nghị để trao đổi cầu nguyện và lắng nghe nhau.
Quy trình bỏ phiếu
Ngày đầu tiên của mật nghị bắt đầu với thánh lễ đặc biệt. Sau đó, các Hồng y tuần tự tiến vào Nhà nguyện Sistine (Toà thánh Vatican). Mỗi Hồng y đặt tay lên sách Phúc âm và tuyên thệ “với lòng trung thành cao nhất” rằng sẽ không bao giờ tiết lộ bất kỳ chi tiết nào của mật nghị.
Người chủ trì nghi lễ phụng vụ của Giáo hoàng sẽ hô lớn “Extra omnes” ( Tất cả ra ngoài ). Sau đó, tất cả những người không phải Hồng y rời khỏi phòng và việc bỏ phiếu bắt đầu.
Quy trình bỏ phiếu được giữ bí mật tuyệt đối, các Hồng y có thể bị rút phép thông công nếu làm lộ thông tin.
Sau đó, mỗi Hồng y viết tên người mình chọn vào một tờ giấy có in sẵn dòng chữ Latinh: “Tôi bầu chọn người này làm Giáo hoàng tối cao”. Kế đó, các Hồng y lần lượt tiến đến bàn thờ, đọc lời tuyên thệ: “Con lấy Đức Kitô, Chúa con và là Đấng sẽ xét xử con, làm chứng rằng con bầu chọn người mà trước mặt Thiên Chúa, con tin là xứng đáng được chọn”.
Lá phiếu được gấp lại, rồi dùng một đĩa tròn để thả lá phiếu vào một hũ bằng bạc mạ vàng, có hình bầu dục, ba vị Hồng y kiểm phiếu sẽ lần lượt mở từng lá phiếu, ghi tên người được bầu và đọc to trước hội nghị.
Mật nghị kéo dài bao lâu?
Ngày đầu tiên chỉ có một vòng bỏ phiếu. Từ ngày thứ hai trở đi, mỗi ngày có thể có 2 đến 4 vòng bỏ phiếu Ứng viên cần đạt đa số 2/3 số phiếu để được bầu làm Giáo hoàng mới.
Khói đen – Chưa có Giáo hoàng
Khi chưa có kết quả bầu chọn đủ 2/3 số phiếu cần thiết, các lá phiếu sẽ được thiêu đốt cùng với hóa chất tạo ra khói đen (tiếng Ý: fumata nera). Đây là dấu hiệu cho biết chưa có Giáo hoàng mới, và cộng đoàn được mời gọi tiếp tục cầu nguyện cho Hồng y Đoàn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. “Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa đến và đổi mới mặt đất này!” (Tv 104,30)
Khói trắng – Habemus Papam! ( Chúng ta đã có Giáo Hoàng )
Khi một ứng viên được bầu làm Giáo hoàng với số phiếu hợp lệ và đã chấp nhận chức vụ, các lá phiếu sẽ được đốt với hóa chất tạo ra khói trắng (fumata bianca). Màu khói trắng chính là tín hiệu mừng vui báo cho toàn thể Giáo Hội biết rằng Giáo hoàng mới đã được chọn.
Ngay sau đó, chuông đại thánh đường Phêrô sẽ vang lên, và một thời gian ngắn sau, vị Hồng y Niên trưởng sẽ xuất hiện tại ban công đền thờ với công bố lịch sử: “Habemus Papam” – Chúng ta đã có Giáo hoàng!”
Lời vâng phục của vị Tân Giáo Hoàng khi kết thúc Mật nghị
Khi một Hồng y được bầu làm Giáo hoàng, người chủ trì nghi lễ phụng vụ của Tòa Thánh sẽ trở lại nhà nguyện. Trưởng Hồng y đoàn sẽ hỏi tân Giáo hoàng rằng: “Ngài có chấp nhận việc được bầu hợp lệ làm Giáo hoàng tối cao không?”
Nếu Hồng y trả lời “Tôi chấp nhận”, vị trưởng Hồng y tiếp tục hỏi: “Ngài muốn được gọi bằng tên nào?”, vị đó sẽ chọn tên Giáo hoàng, như dấu chỉ cho sứ mạng mới.
Người chủ trì nghi lễ ghi thông tin vào văn bản chính thức. Khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine và chuông đại thánh đường Thánh Peter vang lên báo hiệu đã có tân Giáo hoàng.
Đón nhận sứ mạng Phêrô của Đức Giáo Hoàng
Sau khi một Hồng y nhận đủ hai phần ba số phiếu cần thiết và được chọn làm Giáo hoàng, một khoảnh khắc đầy xúc động và thiêng liêng diễn ra. Vị Hồng y niên trưởng của Hồng y Đoàn thay mặt cộng đoàn hỏi vị được chọn một câu hỏi truyền thống: “Ngài có chấp nhận việc được bầu làm Giáo hoàng không?”
Nếu vị ấy trả lời “Chấp nhận với tâm hồn vâng phục trong đức tin vào Đức Kitô”, tiến trình chính thức kết thúc tại đây: ngài trở thành Giám mục Rôma và là Giáo hoàng của Giáo Hội hoàn vũ, kế vị Thánh Phêrô
Sau đó, vị tân Giáo hoàng được đưa vào “Phòng nước mắt” (Stanza delle Lacrime) – một căn phòng nhỏ ngay bên Nhà nguyện Sistina. Tại đây, Tân Giáo Hoàng cầu nguyện trong thinh lặng, mặc phẩm phục Giáo hoàng lần đầu tiên – chiếc áo trắng giản dị nhưng mang biểu tượng quyền bính phục vụ, khiêm hạ và thánh thiện.
Lời công bố “Habemus Papam” ( Chúng ta đã có Giáo Hoàng )
Tân Giáo hoàng sau đó mặc áo choàng trắng. Các Hồng y mặc áo đỏ lần lượt đến tuyên thệ vâng phục.
Trước khi ra mắt người dân, tân Giáo hoàng dành vài phút cầu nguyện trong Nhà nguyện Pauline, rồi xuất hiện trên ban công chính của Quảng trường Thánh Peter.
Một Hồng y phụ tá tiến ra ban công Đền thờ Thánh Phêrô, công bố: “Habemus Papam!” (Chúng ta đã có Giáo hoàng!)
Tân Giáo hoàng sau đó xuất hiện, ban phép lành “Urbi et Orbi” (cho Thành Rôma và toàn thế giới), mở ra một kỷ nguyên mới trong hành trình dẫn dắt đoàn chiên Chúa.
Hồng Y Nhiếp Chính – Người quản trị Tông Tòa trống ngôi
Khi Tòa Thánh rơi vào trạng thái trống ngôi, tức là khi Đức Giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm thì toàn bộ bộ máy hành chính của Giáo triều Rôma tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, để bảo đảm Giáo Hội tiếp tục vận hành trong trật tự thì Hồng Y Nhiếp Chính sẽ là người kế vị tạm thời và có vai trò quan trọng
Vai trò của Hồng Y Nhiếp Chính
Hồng Y Nhiếp Chính là người được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm trước khi trống ngôi, với trách nhiệm quản trị tài sản và điều hành các công việc hành chính tạm thời của Tòa Thánh trong thời gian chờ đợi bầu tân Giáo hoàng.
Nhiệm vụ cụ Hồng Y Nhiếp Chính:
- Xác nhận cái chết của Đức Giáo hoàng theo nghi thức truyền thống.
- Niêm phong các phòng làm việc và tư thất của Đức Giáo hoàng.
- Triệu tập Hồng y Đoàn để chuẩn bị cho Mật nghị
- Giám sát việc quản lý tài sản của Tòa Thánh trong thời gian trống ngôi.
- Bảo đảm tính trung lập và minh bạch trong suốt quá trình chuẩn bị mật nghị.
Niềm tin vào Chúa Thánh Thần
Khi các Hồng y tiến vào Nhà nguyện Sistina để bắt đầu mật nghị, họ không chỉ là những vị lãnh đạo họp bàn với nhau, mà là những người bước vào một cuộc phân định sâu xa trong cầu nguyện và lắng nghe, mọi quyết định sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Toàn thể Giáo Hội được mời gọi cầu nguyện tha thiết để Chúa Thánh Thần soi sáng cho các Hồng y, như lời cầu trong Thánh lễ: “Lạy Chúa, xin ban cho Hội Thánh một vị Giáo hoàng theo Thánh Tâm Chúa.”
Người tín hữu không lo sợ hay hoài nghi, nhưng vững vàng tin rằng Chúa không bỏ rơi Hội Thánh của Người. Chúa Giêsu đã hứa với Thánh Phêrô: “Con là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18).
Khi mật nghị diễn ra, người Kitô hữu không chỉ chờ đợi một vị lãnh đạo mới, mà còn đặt hy vọng vào Đức Tin làm khơi dậy bởi chính Thánh Thần Thiên Chúa. “Xin sai Thánh Thần Chúa đến, và Người sẽ đổi mới mặt đất này” (Tv 104,30).
Trong mọi biến cố lớn lao của Giáo Hội, nhất là khi chọn người kế vị Thánh Phêrô, những người Kitô hữu luôn đặt trọn niềm tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn và gìn giữ Hội Thánh theo thánh ý Thiên Chúa.
Kết luận
Mật nghị Hồng y không chỉ là một tiến trình bầu chọn lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, mà còn là một hành vi đức tin sâu xa và sống động. Sau cánh cửa khóa kín, không chỉ có những lá phiếu, mà còn có những lời cầu nguyện, sự phân định thiêng liêng và thao thức vì lợi ích chung của toàn thể Hội Thánh. Từ khói trắng bốc lên từ Nhà nguyện Sistina cho đến tiếng reo vang “Habemus Papam”, toàn thể tín hữu được mời gọi sống lại niềm hy vọng và lòng yêu mến Hội Thánh của mình, đồng thời cầu nguyện và nâng đỡ vị mục tử mới được trao phó trọng trách kế vị Thánh Phêrô. Cánh cửa kín đã mở ra một thời kỳ mới của ân sủng. Hãy để đức tin, niềm hy vọng và tình hiệp thông trở thành lời đáp của chúng ta trước hành trình thiêng liêng này của Giáo Hội.