Những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima ở một miền quê nhỏ bé nơi đất nước Bồ Đào Nha đã trở thành điểm hẹn thiêng liêng giữa trời và đất khi Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba trẻ chăn chiên vào ngày 13 tháng 05 năm 1917. Những lần hiện ra ấy không chỉ là lời cảnh báo trong thời khủng hoảng, mà còn là sứ điệp tình yêu, mời gọi thế giới hoán cải, siêng năng lần hạt Mân Côi, và tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khỏe đi tìm hiểu về những lần Đức Mẹ hiện ra nhé!
Một huyền thoại mang tên Fatima
Tên gọi Fatima không chỉ gắn liền với các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, mà còn mang một chiều sâu lịch sử và huyền thoại đặc biệt. Theo truyền thống địa phương, thị trấn Fatima ở Bồ Đào Nha được đặt theo tên của một công chúa Hồi giáo Fatima, con gái của một nhà lãnh đạo Hồi giáo vùng này trong thời kỳ người Moors (Hồi giáo Bắc Phi) chiếm đóng bán đảo Iberia. Câu chuyện cải đạo của công chúa Fatima mang một biểu tượng thiêng liêng cho sự chuyển đổi từ bóng tối đến ánh sáng, từ bất tín đến đức tin vào Đức Kitô.
Khi Đức Maria Mẹ Thiên Chúa chọn hiện ra tại vùng đất này vào năm 1917, nhiều người tín hữu cảm nhận được một ý nghĩa sâu xa: nơi từng là biểu tượng của sự khác biệt tôn giáo, nay trở thành trung tâm của lời mời gọi hiệp nhất, sám hối và cầu nguyện cho hoà bình thế giới.
Bối cảnh các lần hiện ra của Đức Mẹ
Ba trẻ chăn cừu là Lucia (10 tuổi), và hai anh em họ là Phanxicô (9 tuổi) và Jaxinta (7 tuổi) – đã được Đức Mẹ hiện ra vào ngày 13 hằng tháng, từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917. Những cuộc hiện ra diễn ra của Mẹ trên cây sồi tại Cova da Iria, gần làng Fatima, trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang hoành hành và thế giới đang bị bạo lực, chia rẽ.
Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ
Lần thứ nhất vào ngày 13/5/1917
Đức Mẹ hiện ra trong ánh sáng rực rỡ, Mẹ xuất hiện trên cây sồi, tay cầm tràng chuỗi Mân Côi. Mẹ kêu gọi các em cầu nguyện mỗi ngày, đặc biệt là Kinh Mân Côi, để xin ơn hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Mẹ nói: “Hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày để đem hòa bình đến cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.” sống dâng mình hy sinh để đền tội thay cho những người xúc phạm đến Thiên Chúa. Mẹ mời gọi các em trở lại nơi đây vào ngày 13 mỗi tháng.
Lần thứ hai vào ngày 13/6/1917
Mẹ Maria mời gọi các em dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ chinh một phương thế Thiên Chúa muốn thiết lập để cứu rỗi các linh hồn. Mẹ nói rằng Chúa muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Mẹ trong thế giới để dẫn nhân loại về với Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, Mẹ cũng loan báo cho ba đứa trẻ rằng Phanxicô và Jaxinta sẽ sớm được về Trời, còn Lucia sẽ sống lâu để truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Mẹ.
Lần thứ ba vào ngày 13/7/1917
Đức Mẹ ban cho các trẻ thị kiến về hỏa ngục chính là nơi các linh hồn tội lỗi phải chịu. Mẹ nhấn mạnh đến việc lần hạt Mân Côi hằng ngày để cầu cho thế giới hoà bình, chấm dứt chiến tranh, và công bố ba phần của “bí mật Fatima”. Đức Mẹ nói: “Các con vừa thấy hỏa ngục nơi các linh hồn tội lỗi phải sa vào… Để cứu các linh hồn ấy, Thiên Chúa muốn thiết lập trong thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ.”
Lần thứ tư vào ngày 19/8/1917
Vì các trẻ bị chính quyền bắt giữ vào ngày 13/8, nên Đức Mẹ đã hiện ra trễ vào ngày sau đó là ngày 19/8 tại một nơi khác. Sứ điệp Mẹ mang đến chính là tiếp tục mời gọi hy sinh và cầu nguyện, nhất là cho những người xúc phạm đến Thiên Chúa.
Lần thứ năm vào ngày 13/9/1917
Đức Mẹ nhắc nhở tiếp tục lần hạt và chuẩn bị tâm hồn cho một dấu lạ vĩ đại sẽ xảy ra vào lần hiện ra cuối cùng để mọi người tin vào Mẹ.
Lần thứ sáu vào ngày 13/10/1917: Phép lạ lớn từ Mặt Trời
Trong lần hiện ra cuối cùng, Đức Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi”, mời gọi nhân loại đừng xúc phạm đến Thiên Chúa vì Người đã bị xúc phạm quá nhiều. Sau đó, một phép lạ vĩ đại đã xảy ra trước khoảng 70.000 người chính là Mặt Trời quay tròn trên bầu trời, phát sáng rực rỡ rồi như sắp lao xuống Trái Đất, trời trở nên tối lại và mọi người chạy tán loạn, trước khi trở lại vị trí bình thường nên được gọi là “phép lạ Mặt Trời”. hay “Mặt trời nhảy múa”. Phép lạ này là sự xác nhận cho những gì Đức Mẹ đã tiên báo và sứ điệp Mẹ gửi đến nhân loại.
Ba bí mật Fatima mà Đức Mẹ đã tiên báo
- Thị kiến hỏa ngục: Mẹ cho các trẻ thấy nơi hình phạt của các linh hồn tội lỗi, mời gọi nhân loại ăn năn, hoán cải, lần chuỗi mân côi và siêng năng đến với Mẹ. Thị kiến này nhắc nhớ về thực tại của sự trừng phạt đời đời – điều mà Kinh Thánh và Giáo Hội luôn xác nhận.
- Tiên báo chiến tranh và sự hoán cải của nước Nga: Nếu loài người không hoán cải, sẽ xảy ra chiến tranh lớn hơn (Thế chiến II), và chủ nghĩa vô thần sẽ lan tràn. Tuy nhiên, Mẹ hứa: Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ thắng.” Việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cùng các giám mục toàn cầu dâng hiến nước Nga năm 1984 được Giáo Hội nhìn nhận là sự ứng nghiệm lời mời gọi này.
- Cuộc bách hại Giáo Hội và hình ảnh vị Giáo hoàng tử đạo: Phần thứ ba, được giữ kín trong nhiều thập kỷ và chỉ được công bố vào năm 2000, là một thị kiến biểu tượng về cuộc khổ nạn của Giáo Hội, đỉnh điểm là cuộc ám sát Đức Gioan Phaolô II năm 1981 nhưng cũng là dấu chỉ sự chiến thắng của ơn thánh và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sứ điệp Fatima
Đức Giêsu trong Tin Mừng đã mở đầu rao giảng với lời: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Mẹ nhắc lại lời đó với sự khẩn thiết trong thời đại đầy tội lỗi.
Lời mời gọi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là cách suy niệm về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô được Thánh Gioan Phaolô II gọi là “kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội”.
Thánh Phaolô đã viết: “Tôi vui mừng vì được chịu đau khổ vì anh em, và bù đắp nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong cuộc thương khó của Đức Kitô” (Cl 1,24) cho thấy sự cần thiết của đền tạ và hy sinh.
Giáo Hội Công Giáo và sự công nhận Fatima
Giáo Hội Công Giáo đã điều tra nghiêm ngặt về các hiện tượng tại Fatima và chính thức công nhận sự kiện này vào năm 1930 là xác thực và phù hợp với đức tin. Các Giáo hoàng từ Đức Piô XII đến Đức Phanxicô đều thể hiện lòng yêu mến sâu sắc đối với Đức Mẹ Fatima
Năm 2017, nhân kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho hai em Phanxicô và Giaxinta. Và các em sau khi được phong thánh đã trở thành những vị thánh nhỏ tuổi nhất không tử đạo được tuyên thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Lời kêu gọi hoán cải và sám hối, Đức Mẹ khẳng định rằng “nhiều linh hồn sẽ phải sa vào hỏa ngục vì không có ai cầu nguyện và đền tội cho họ.” Điều này nhắc nhở các tín hữu về sự nghiêm trọng của tội lỗi và tác động của việc sống trái ngược với ý muốn Thiên Chúa. Mẹ mời gọi tất cả mọi người quay về với Thiên Chúa, từ bỏ tội lỗi
Sự hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima còn gắn liền với việc kêu gọi sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Mẹ Maria mời gọi các tín hữu dâng mình cho Trái Tim Mẹ và thực hiện các việc tôn kính để đạt được ơn cứu rỗi và đền bù cho những tội lỗi. Mẹ luôn bảo vệ và dẫn dắt con cái của Mẹ đi trong đường lối của Thiên Chúa.
Cảnh báo về tương lai từ ba bí mật mà Đức Mẹ tiết lộ cho ba trẻ chăn chiên ở Fatima không chỉ là những mạc khải về những sự kiện cụ thể, mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng. Tuy nhiên, bí mật này cũng khẳng định rằng, dù thế giới có khó khăn, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi Giáo Hội và cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ chiến thắng.
Một yếu tố quan trọng trong sứ điệp Fatima là việc cầu nguyện và hy sinh vì các linh hồn. Đức Mẹ kêu gọi các tín hữu cầu nguyện, đặc biệt là kinh Mân Côi, và làm các việc hy sinh để đền bù cho những tội lỗi và cứu vớt các linh hồn khỏi hỏa ngục.
Trong các lần hiện ra, Đức Mẹ cũng hứa rằng nếu con cái Mẹ đáp lại lời kêu gọi của Mẹ về cầu nguyện, hoán cải và đền tội, hòa bình sẽ được ban tặng cho thế giới. Đức Mẹ đặc biệt nói đến nước Nga, kêu gọi Giáo Hội và các tín hữu dâng hiến nước này cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.
Kết luận
Đức Mẹ hiện ra tại Fatima không chỉ kêu gọi nhân loại hoán cải, cầu nguyện, và đền tội, mà còn mời gọi tất cả chúng ta sống trong sự sùng kính và tin tưởng vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Những lời Mẹ Fatima nhắc nhở chúng ta sống đời sống đức tin kiên vững, giữ vững hy vọng vào sự bảo vệ của Mẹ và Thiên Chúa, và không ngừng cầu nguyện vì sự hòa bình.
Sự kiện Fatima cũng giúp chúng ta nhận ra sức mạnh của cầu nguyện, đặc biệt là kinh Mân Côi, Mẹ là người dẫn dắt chúng ta đến với Chúa, bảo vệ chúng ta trong mọi khó khăn. Với niềm tin vào sự che chở của Mẹ, mỗi Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần hoán cải và đức tin vững mạnh, luôn cầu nguyện và hành động vì hòa bình, công lý và sự cứu rỗi của tất cả mọi người.