Câu Chuyện Phục Sinh: Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma

Câu Chuyện Phục Sinh: Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma

Câu Chuyện Phục Sinh về Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma là một câu chuyện kể về cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài đã hiện ra với các môn đệ để ban bình an và sai họ ra đi loan báo Tin Mừng. Trong số đó, câu chuyện về Tôma là người từng nghi ngờ nhưng rồi đã tuyên xưng đức tin mạnh mẽ. Qua biến cố này, Giáo Hội mời gọi chúng ta biết cách nhận ra Chúa, tin tưởng vào Người dù không nhìn thấy, và can đảm thốt lên như Tôma năm xưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ tìm hiểu về biến cố này qua bài viết dưới đây nhé!

Mục lục

    Bối cảnh câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma

    Sau khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá và được mai táng trong mồ, Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba như Ngài đã tiên báo. Mặc dù vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, một vài môn đệ đã được báo tin từ Maria Mađalêna và các phụ nữ rằng mồ trống và Chúa đã sống lại, nhưng sự nghi ngờ và chưa hiểu rõ Kinh Thánh khiến các ông còn hoang mang (x. Ga 20,9).

    Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ tụ họp trong phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Chính trong khung cảnh ấy, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện đến giữa các ông, Tuy nhiên, ông Tôma là một trong nhóm mười hai môn đệ, vắng mặt trong lần hiện ra đầu tiên và ông đã không tin lời chứng của các môn đệ. Ông cần một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Chúa để có thể tin thật vào mầu nhiệm Phục Sinh.

    Câu Chuyện Phục Sinh: Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma

    Chúa Giêsu hiện ra và chúc bình an

    Chúa hiện đến trong phòng kín, bất chấp cánh cửa bị khóa, chứng tỏ thân xác phục sinh của Chúa mang tính thiêng liêng. Câu chào “Bình an cho anh em” không chỉ là lời chào thân mật, nhưng là một ân sủng, bình an của Thiên Chúa, đến từ sự phục sinh và chiến thắng tội lỗi, sự chết.

    Ngài cho các môn đệ xem dấu đinh ở tay và cạnh sườn, để minh chứng rằng chính Ngài đã phải chịu đóng đinh trên cây Thập giá mà nay đã phục sinh vinh hiển. Người thổi hơi vào các ông và ban Thánh Thần, chuẩn bị cho các ông lãnh nhận sứ mạng tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (c.23)

    Sau khi cho các ông xem tay và cạnh sườn, những dấu tích Thương Khó, Chúa khẳng định Người thật sự đã sống lại, không phải là một ảo ảnh. Các môn đệ “vui mừng vì được thấy Chúa” – một niềm vui Phục Sinh tràn ngập, vượt lên mọi buồn phiền và hoang mang. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

    Tôma – biểu tượng của sự hoài nghi và niềm tin 

    Khi Chúa hiện ra lần đầu, Tôma một trong Nhóm Mười Hai người không có mặt ở đó. Khi các môn đệ kể lại việc gặp Chúa, ông phản ứng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh nơi tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.” (c.25)

    Lời nói của Tôma đã thể hiện một thái độ hoài nghi rõ ràng, không dễ chấp nhận điều mình chưa cảm nghiệm. Tôma không hoàn toàn từ chối đức tin, nhưng mong mỏi một cuộc gặp gỡ cá nhân thật sự với Đấng Phục Sinh.

    Tôma đại diện cho nhiều người tín hữu trong hành trình đức tin của những người từng bị thử thách, đau khổ, không dễ dàng tin vào mầu nhiệm vượt quá hiểu biết. Nhờ Tôma, người tín hữu hôm nay được mời gọi can đảm mang những nghi ngờ, vấp ngã và yếu đuối của mình đến với Chúa, để từ đó có thể đứng lên và tuyên xưng niềm tin. Chính nhờ Tôma mà chúng ta có được lời tuyên xưng đức tin rõ ràng và sâu sắc nhất trong Tin Mừng Gioan và là một trong những lời tuyên xưng mạnh mẽ nhất của Tân Ước.

    Câu Chuyện Phục Sinh: Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma

    Chúa Giêsu hiện ra lần nữa vì Chúa yêu thương ông Tôma

    Một tuần lễ sau lần hiện ra đầu tiên, các môn đệ lại tụ họp trong nhà kín, Tôma cũng có mặt ở đó. Chúa Giêsu lại một lần nữa hiện đến, một cách âm thầm nhưng đầy quyền năng. Người đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,26).

    Chúa không trách móc Tôma, Ngược lại, Chúa Giêsu tỏ ra vô cùng thấu hiểu và nhân từ. Chính Người đã chủ động nhắc lại điều kiện mà Tôma từng đưa ra, cho thấy Người luôn lắng nghe, luôn dõi theo từng tâm tình của mỗi môn đệ: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy; hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27), Việc Người để cho Tôma thấy và chạm vào những dấu thương nơi tay và cạnh sườn chính là một lời mời gọi đầy yêu thương: “Hãy đến mà cảm nghiệm lòng thương xót của Thầy.” Qua đó , Tôma chỉ có thể thốt lên một lời tuyên xưng mạnh mẽ và trọn vẹn nhất trong toàn bộ Tin Mừng Gioan: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28)

    Chúa Giêsu sau đó kết thúc bằng một lời dạy quý giá: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Đây như là một lời mời gọi và một lời hứa hạnh phúc cho tất cả chúng ta sống trong thời đại không được thấy Chúa bằng mắt thường, nhưng tin bằng con tim, bằng kinh nghiệm sống đạo, bằng lời Kinh Thánh và chứng từ của Giáo Hội.

     

    Lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ của Tôma

    Sau khi được Chúa Giêsu hiện ra và mời gọi đặt tay vào cạnh sườn Ngài, Tôma đã không còn đòi hỏi thêm bất cứ bằng chứng nào nữa. Trước sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, ông thốt lên một câu ngắn gọn mang sức mạnh vô cùng lớn lao: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Đây là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ và rõ ràng nhất về thần tính của Chúa Giêsu trong toàn bộ Tin Mừng Gioan.

    Mỗi tín hữu chúng ta hôm nay được mời gọi lặp lại lời tuyên xưng ấy mỗi ngày trong đời sống đức tin nhất là khi tham dự Thánh Lễ, khi đối diện thử thách và khi đứng trước Mình Thánh Chúa:“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

    Tôma sau biến cố này đã hoàn toàn đổi mới. Theo truyền thống Công Giáo, Tôma trở thành một nhà truyền giáo can đảm, mang Tin Mừng đến tận Ấn Độ chính là nơi ngài được tin là đã tử đạo vì đức tin. Từ một người hoài nghi, không tin vào Chúa đã sống lại và hiện ra với ông mà nay Tôma lại trở thành chứng nhân không thể lay chuyển của Chúa Phục Sinh.

    Câu Chuyện Phục Sinh: Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma

    Ý nghĩa cho người tín hữu

    Đức Tin không dễ dàng

    Có những lúc trong đời, người tín hữu phải đối diện với sự mỏi mệt, thất vọng, thậm chí là khủng hoảng đức tin giống như các môn đệ trong căn phòng đóng kín cùng với Chúa Giêsu hiện ra. Nhưng chính trong những lúc ấy, Chúa vẫn đến âm thầm và đầy yêu thương để trao ban bình an và mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Ngài.

    Đức tin cần đến sự gặp gỡ cá nhân

    Tôma không tin, ông muốn gặp Chúa cách cá nhân và trực tiếp. Đây cũng là điều người Kitô hữu hôm nay được mời gọi rằng không sống đạo chỉ dựa trên thói quen hay lời nói của người khác, mà cần một kinh nghiệm cá nhân với Chúa Giêsu Phục Sinh qua cầu nguyện, hy sinh, suy niệm Lời Chúa, các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải.

    Thiên Chúa không bỏ rơi người yếu đuối

    Nét đẹp sâu sắc nhất trong câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với Tôma chính là lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Chính vì Tôma đang hoài nghi, vì ông đang yếu đuối và lung lay trong đức tin, nên Chúa đã đích thân hiện ra để gặp gỡ ông một cách cá nhân và yêu thương.

    Thiên Chúa chủ động bước đến, đi vào sự hoài nghi và lo lắng của ông Tôma để chạm vào vết thương nơi tâm hồn ông, giống như Thiên Chúa cho ông chạm vào những vết thương trên thân thể Phục Sinh của Ngài.

    Câu chuyện là một lời khẳng định mạnh mẽ cho tất cả mỗi người Kitô hữu chúng ta, Thiên Chúa không bỏ rơi những ai yếu đuối trong đức tin và đang hoang mang giữa cuộc đời đầy rẫy những thử thách. Ngài không xa lánh, rời bỏ, nhưng luôn ở gần, lắng nghe và đến với chúng ta trong những căn phòng đóng kín của tâm hồn.

    “Phúc thay ai không thấy mà tin” ( Ga 20,29)

    Sau khi Tôma thốt lên lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Lời tuyên bố cuối cùng của Chúa Giêsu với Tôma và là lời hứa cho mọi tín hữu thuộc các thế hệ mai sau: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29)

    Chúa không trách Tôma nhưng là một lời khen dành cho ông, đồng thời là một lời chúc phúc cho tất cả những ai sẽ tin vào Chúa qua lời rao giảng của các Tông Đồ, qua Kinh Thánh, Bí tích, và chứng tá sống động của Hội Thánh. 

    Những tín hữu hôm nay chính là những người được Chúa Giêsu nhắc đến trong câu nói ấy. Dù không thấy Chúa bằng mắt, chúng ta vẫn tin Ngài hiện diện trong Thánh Thể, trong Lời Chúa. Và chính niềm tin đó là nguồn mạch của một mối phúc thật sự, bởi tin là bước vào một mối tương quan yêu thương và cứu độ với Thiên Chúa. Tin Mừng nhắc chúng ta ngay cả khi không thấy, chúng ta vẫn có thể đặt trọn niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Tin khi không thấy là một hành động can đảm, là một chọn lựa yêu thương, và là một lời đáp trả trọn vẹn của con tim dành cho Thiên Chúa trung tín.

    Câu Chuyện Phục Sinh: Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma

    Kết luận

    Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và đặc biệt với Tôma (x. Ga 20,19–29) là một mặc khải về lòng thương xót, sự kiên nhẫn đầy yêu thương và quyền năng Phục Sinh của Thiên Chúa. Qua hình ảnh Tôma là một người từng hoài nghi nhưng cuối cùng lại thốt lên lời tuyên xưng đức tin sâu sắc: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”Người tín hữu hôm nay được mời gọi can đảm nhìn nhận sự yếu đuối của mình, khi ta thành thật mở lòng với Chúa, Ngài sẽ đến, hiện diện trong đời sống ta. Lời Chúa Giêsu kết lại trình thuật: “Phúc thay những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29) là mối phúc cho tất cả chúng ta.

    Ước gì mỗi người chúng ta, qua lời cầu nguyện, qua Lời Chúa và các Bí tích có thể gặp gỡ Chúa như ông Tôma và tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  để rồi mỗi chúng ta đều sống và bước đi trong ánh sáng của Chúa Phục Sinh.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *