Thánh Giuse Thợ là ngày lễ được Giáo hội Công giáo mừng kính vào ngày một tháng năm hàng năm, người cha trần thế của Chúa Giêsu và là bạn trăm năm của Đức Maria như là mẫu gương tuyệt vời của người lao động công chính và thánh thiện. Đây là dịp để người Kitô hữu nhìn lại ý nghĩa của lao động trong đời sống đức tin, noi gương Thánh Giuse trong sự trung thành, âm thầm và khiêm hạ. Cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ khám phá về ngày lễ Thánh Giuse thợ qua bài viết dưới đây!
Thánh Giuse thợ là ai ?
Thánh Giuse thợ là một vị thánh của Kitô giáo. Ông thường được người Việt gọi là Thánh Giuse Thợ hoặc Thánh Cả Giuse hay Giuse thành Nazareth. Thánh Giuse xuất hiện đầu tiên trong các bản Phúc âm Luca và Matthew, Ông là chồng của Maria và là cha nuôi (ở trần thế) của Chúa Giêsu. Trong các nhà thờ đều có lập toà kính ông đối ngang với tòa Đức Mẹ.
Bối cảnh và ý nghĩa ngày lễ Thánh Giuse Thợ
Lễ Thánh Giuse Thợ được Đức Giáo hoàng Piô XII thiết lập vào năm 1955, như một cách để Kitô giáo hóa ngày Quốc tế Lao động 01/5, đồng thời khẳng định vai trò và phẩm giá của người lao động trong đời sống xã hội.
Thánh Giuse, một người thợ mộc đơn sơ tại làng Nazareth, được chọn làm người cha nuôi của Con Thiên Chúa, lao động với nghề thợ mộc để kiếm sống, nuôi gia đình chính là phương thế để Thánh Giuse chu toàn bổn phận nuôi dưỡng Đức Giêsu và Đức Mẹ. Lao động không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là hành động cộng tác với Thiên Chúa trong việc gìn giữ và phát triển công trình sáng tạo.
Hình ảnh Thánh Giuse trong Kinh Thánh
Người công chính và vâng phục thánh ý Thiên Chúa
Thánh Giuse được Thánh sử Mátthêu giới thiệu là “người công chính” (Mt 1,19) – một danh xưng cao quý, dành cho những ai sống trong sự ngay chính và kính sợ Thiên Chúa. Khi biết Maria mang thai mà chưa về chung sống, ông không muốn tố giác bà, nhưng dự định âm thầm lìa bỏ.
Tuy nhiên, khi sứ thần Chúa hiện đến báo mộng, ông vâng theo thánh ý Thiên Chúa, rước Maria về làm vợ (Mt 1,20-24) và đón nhận vai trò cha nuôi của Chúa Giêsu.
Người bảo vệ và chăm sóc gia đình Thánh
Thánh Giuse là người được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành người cha trần thế của Chúa Giêsu và là bạn thanh sạch của Đức Maria.
Sau đó, Thánh Giuse đã đưa cả gia đình trốn sang Ai Cập để tránh sự truy sát của vua Hêrôđê (Mt 2,13-15), rồi lại vâng lời Thiên Chúa đưa họ về Nazareth sinh sống (Mt 2,19-23). Trong mọi biến cố, Giuse luôn là người che chở, hướng dẫn và nuôi dưỡng cả về thể lý lẫn tinh thần cho Đấng Cứu Thế và Mẹ Maria.
Thánh Giuse chính là gương mẫu cho các người cha và người chồng trong các gia đình Kitô giáo, là biểu tượng của sự tận tụy, khiêm nhường và yêu thương không điều kiện.
Thánh Giuse là mẫu gương lao động cần cù
Thánh Giuse đã chấp nhận một công việc, một nghề tay chân: nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì phục vụ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình.
Chính trong mái nhà Nazareth, Chúa Giêsu được lớn lên, học biết nhân đức, học nghề và sống tình cha con với Thánh cả Giuse. Thánh Giuse đã im lặng để phục vụ, để làm việc. Sự thinh lặng nội tâm của Ngài luôn có một ý nghĩa quan trọng. Ngài đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm: làm việc với đức tin, với lòng yêu mến.
Qua việc làm, qua nghề thợ mộc, thánh cả Giuse đã âm thầm chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống nhờ nghề thợ mộc của Ngài.
Vì sao lại có tên là Thánh Giuse thợ?
Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu và Thánh Marcô, Chúa Giêsu được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) hay chính Người cũng bị gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Chính Thánh Giuse, với đôi tay cần cù lao động, đã nuôi sống Thánh Gia và dạy Chúa Giêsu nghề mộc, giúp Người lớn lên trong môi trường của sự chăm chỉ, lương thiện và âm thầm phục vụ.
Ngày 01 tháng 5 được Giáo Hội cử hành là Lễ Thánh Giuse Thợ, do Đức Giáo hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 à cũng nhằm mục đích tôn vinh ngày Quốc tế Lao Động, giá trị của lao động chân chính trong đời sống con người, đề cao gương sống lao động của Thánh Giuse, một người công chính, khiêm nhường, tận tụy với công việc và gia đình.
Tên gọi “Thánh Giuse Thợ” không chỉ nhấn mạnh đến nghề nghiệp, mà còn nói lên ơn gọi và sứ mạng thánh thiêng của lao động, giá trị cứu độ ngay trong công việc hằng ngày thực hiện bằng đức tin và sự công chính.
Giáo huấn của Giáo Hội về lao động
Ngay từ khởi đầu, sách Sáng Thế đã mô tả con người được Thiên Chúa đặt vào vườn Ê Đen “để canh tác và giữ gìn” (St 2,15). Nghĩa là lao động không phải hệ quả của tội lỗi, mà là một phần trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
Giáo Hội Công Giáo luôn dạy rằng lao động là một ơn gọi và là cách để con người cộng tác với Thiên Chúa trong việc chăm sóc thế giới. Giáo Hội luôn nhấn mạnh lao động không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn mang chiều kích thiêng liêng. Vì thế, ngày lễ Thánh Giuse Thợ là cơ hội để toàn thể Giáo Hội suy tư về giá trị lao động và công bằng xã hội trong ánh sáng Tin Mừng.
Khi người Kitô hữu làm việc với tinh thần công bằng, yêu thương và phục vụ, họ đang cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và thánh hóa bản thân qua công việc hằng ngày.
Qua mẫu gương của Thánh Giuse Thợ, Giáo Hội dạy rằng ngay cả những công việc âm thầm, tay chân, nếu được thực hiện với lòng yêu mến và trung tín, cũng trở nên con đường nên thánh.
Bài học thiêng liêng từ ngày lễ Thánh Giuse Thợ
Sống đức tin trong lao động thường ngày: Noi gương Thánh Giuse, người Kitô hữu được mời gọi sống trung tín với bổn phận mỗi ngày, dù đơn sơ, nhỏ bé nhưng luôn làm với tình yêu và tinh thần trách nhiệm.
Trân trọng phẩm giá lao động, dù là công việc trí óc hay tay chân, sang trọng hay khiêm tốn, mỗi nghề nghiệp đều mang trong mình giá trị cao quý khi được thực hiện trong đức tin và công lý.
Thánh Giuse sống đời lao động trong tinh thần nội tâm kết hiệp với Thiên Chúa. Ngày lễ này nhắc chúng ta: hãy làm việc với đôi tay và cầu nguyện bằng trái tim, để mỗi ngày sống trở nên lời ngợi khen Thiên Chúa.
Sự thánh thiện nơi đời sống gia đình và lao động: Thánh Giuse cho thấy con đường nên thánh không chỉ nơi nhà thờ hay đan viện, mà ngay trong mái ấm gia đình, xưởng mộc hay văn phòng khi ta sống đời công chính và yêu thương.
Kết luận
Ngày lễ Thánh Giuse Thợ là lời nhắc nhớ sâu sắc rằng lao động không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là con đường thánh hóa và hiệp thông với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Noi gương Thánh Giuse mỗi Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần trách nhiệm, siêng năng và kết hợp lao động với cầu nguyện.
Ngày lễ này là dịp để ta tôn vinh lao động lương thiện và tái khám phá ý nghĩa Kitô giáo của công việc: phục vụ Thiên Chúa, xây dựng gia đình, xã hội và Giáo Hội theo tinh thần Tin Mừng. “Dù làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3,23). Cầu xin Thánh Giuse Thợ gìn giữ và chuyển cầu cho chúng ta biết sống đời lao động trong khiêm nhường, công chính và tín thác vào Thiên Chúa.