Tháng hoa dâng Mẹ của đạo Công Giáo là dịp đặc biệt để người Kitô hữu hướng lòng về Đức Maria với tất cả lòng biết ơn, tình con thảo và niềm tín thác. Chính vì thế, Giáo Hội đã dành trọn tháng năm để kính Đức Maria, người Nữ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mỗi người tín hữu tỏ lòng yêu mến Mẹ qua những bông hoa, lời kinh mân côi và là lời mời gọi bước theo Mẹ trên hành trình sống Tin Mừng. Cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ khám phá nhiều điều thú vị về tháng hoa qua bài viết dưới đây!
Tháng Hoa là gì?
Tháng Hoa là cách gọi thân thương và đầy tình cảm mà người Công Giáo dành cho tháng Năm, bởi đây là tháng đặc biệt để tôn kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Trong suốt tháng năm này, các tín hữu Công Giáo có thói quen dâng hoa, lần hạt Mân Côi, đọc kinh và cử hành các nghi thức phụng vụ để tôn vinh và tỏ lòng yêu mến Mẹ Maria.
Vì sao Tháng Năm được chọn là Tháng hoa dâng Mẹ của đạo Công Giáo?
Bày tỏ lòng yêu mến và biết ơn Mẹ Maria
Giáo Hội chọn tháng Năm để đặc biệt tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria là Đấng đã khiêm nhường đón nhận lời Thiên thần và cộng tác cách trọn vẹn trong chương trình cứu độ qua các hình thức đạo đức như kiệu hoa, dâng hoa, lần chuỗi Mân Côi và tham dự thánh lễ.
Qua đó, cho thấy rằng mỗi tín hữu luôn bày tỏ lòng tôn sùng, luôn thể hiện tâm tình yêu mến và gắn bó với Mẹ, như người mẹ thiêng liêng luôn cầu bầu và đồng hành với con cái mình.
Tháng của vẻ đẹp và sức sống
Tháng Năm là tháng của mùa xuân khi trời đất trở nên rực rỡ nhất biểu tượng cho sự sống, vẻ đẹp và hy vọng. Cho nên Giáo Hội đã dùng những biểu tượng đẹp nhất của thiên nhiên để tôn vinh Đức Mẹ, người “đầy ơn phúc” và là “Bông hoa tuyệt vời nhất trong vườn ân sủng của Thiên Chúa”.
Là truyền thống của Giáo Hội Công Giáo
Dành riêng tháng Năm để dâng hoa kính Đức Mẹ đã xuất hiện từ thế kỷ XIII tại châu Âu, khi các cộng đoàn Dòng Tên cổ võ việc tổ chức các buổi cầu nguyện và dâng hoa suốt tháng Năm. Truyền thống này được Đức Giáo hoàng Pius VII và Pius IX cổ võ, trở thành một thực hành thiêng liêng phổ biến trong toàn thể Giáo Hội. Và đến thời điểm hiện tại, các Giáo phận, giáo xứ và mỗi người Công Giáo đều luôn tôn trọng, gìn giữ và coi đây là một trong những ngày lễ trọng trong năm.
Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh
Tháng Năm cũng là thời điểm cận kề ngày lễ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, gợi lại hình ảnh Mẹ Maria hiện diện giữa các Tông đồ của Chúa trong căn phòng Tiệc Ly là căn phòng Chúa Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng trước khi chịu chết trên thập giá, cầu nguyện và chờ đợi Thánh Thần. Chính vì thế, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria như mẹ hiền của Hội Thánh, luôn chăm sóc, hướng dẫn, che chở và dạy dỗ các Kitô hữu sống thánh thiện, trung thành với Chúa Kitô và luôn mời gọi chạy đến cùng Mẹ khi đau khổ tất bạt, mẹ sẽ thường và cứu giúp.
Đức Maria là hình ảnh mẫu mực cho người tín hữu
Mẹ Maria là mẫu gương hoàn hảo về đức tin, sự vâng phục và lòng khiêm nhường cho mọi Kitô hữu. Mẹ là người đầu tiên đã tin vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và cộng tác trọn vẹn.
Đức Maria vẫn đáp lại tiếng “XIN VÂNG” khi Sứ thần Gabriel báo tin Mẹ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa. Mẹ không đòi hỏi dấu chỉ hay điều kiện, nhưng hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa. Đức tin ấy làm cho Mẹ trở thành “người có phúc” (Lc 1,45) và là mẫu gương tuyệt hảo của lời mời gọi của Chúa trong đời sống mình.
Mẹ Maria không chỉ hiện diện trong các biến cố vui mừng của Chúa Giêsu mà còn hiện diện trong cả những giờ phút đau thương nhất, Mẹ đã đứng dưới chân thập giá. Qua đó, Mẹ trở thành Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của mỗi Kitô hữu, đồng hành và cầu bầu không ngừng cho con cái mình.
Mẹ không chỉ sống đức tin bằng hành động, mà còn đào sâu và gẫm suy mầu nhiệm Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày. Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh rằng Maria là người biết ghi nhớ và suy niệm mọi sự trong lòng (Lc 2,19.51).
Sau biến cố Phục Sinh, Mẹ tiếp tục hiện diện cùng các Tông đồ để cầu nguyện và chờ đợi Chúa Thánh Thần. Mẹ Maria là người đầu tiên đi trọn hành trình đức tin, từ lời “XIN VÂNG” đến khi thấy Con mình được Phục Sinh vinh hiển và Mẹ là mẫu gương cho tất cả những ai muốn bước theo Chúa Giêsu cách trọn vẹn.
Những lời Kinh và bài hát dâng Mẹ trong Tháng Hoa
Những lời kinh dâng kính Mẹ
- Kinh Kính Mừng: Là kinh ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ lời ca ngợi, khẩn cầu và niềm hy vọng của người tín hữu nơi Mẹ
- Kinh Truyền Tin: Cầu nguyện cùng Mẹ theo biến cố Ngôi Lời nhập thể là lời nhắc nhớ về sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong từng khoảnh khắc đời sống.
- Kinh Cầu Đức Bà: Gồm nhiều tước hiệu của Mẹ như “Đức Mẹ nhân lành”, “Đức Bà là cửa thiên đàng”,… ngợi ca các nhân đức và vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ.
- Kinh Mân Côi: Là “bản tóm lược Tin Mừng” và nhiều giáo xứ tổ chức đọc chung kinh Mân Côi hằng ngày.
- Kinh Dâng Mình Cho Đức Mẹ: Những lời kinh giúp gắn bó và dâng cuộc sống, công việc và mọi dự định lên với Mẹ trông từng ngày, xin Mẹ đồng hành và hướng dẫn trong hành trình đức tin.
Các bài thánh ca dâng Mẹ trong Tháng Hoa
- “Ave Maria”: Là lời chào của thiên thần Gabriel dâng lên Mẹ, trở thành bài hát kinh điển trong mọi nghi thức
- Một số bài hát khác: “Lạy Mẹ Maria”, “Mẹ ơi đời con dâng Mẹ”, “Mùa Hoa Về”, “Dâng Mẹ”, “Bài Ca Dâng Mẹ”, “Tựa như hoa hồng”, Tung hô Nữ Vương…. Có rất nhiều bài về mẹ được các nhạc sĩ sáng tác để tôn vinh Mẹ và là bằng chứng về tầm quan trọng của mẹ trong đời sống chúng ta
Ý nghĩa thiêng liêng của việc dâng hoa kính Mẹ
Tôn vinh Mẹ là “Bông hoa tuyệt mỹ” của nhân loại
Đức Maria được ví như “Bông huệ giữa bụi gai” (Dc 2,2) luôn thanh khiết và thánh thiện giữa một thế giới đầy tội lỗi. Khi dâng hoa, các tín hữu dâng lên Mẹ những gì đẹp nhất, như một cách diễn tả lòng tôn kính, cảm tạ và chúc tụng Mẹ. Từ những bài hát, bài múa hoặc tràng hoa, người tín hữu được nâng tâm hồn lên Thiên Chúa, và ngày càng yêu mến Mẹ nhiều hơn.
Sống kết hiệp với Mẹ trong đời sống thiêng liêng
Dâng hoa là một dịp thuận tiện để người tín hữu suy ngắm các nhân đức của Mẹ Maria, học nơi Mẹ lòng tin tưởng, khiêm nhường, vâng phục, và tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Việc dâng hoa trở thành trường học thiêng liêng, nơi Mẹ dạy dỗ con cái cách sống đẹp lòng Chúa trong đời thường.
Dâng tâm hồn và đời sống cho Mẹ Maria
Việc dâng hoa là biểu tượng của việc dâng hiến bản thân mình cho Thiên Chúa qua tay Mẹ Maria. Mỗi cánh hoa, mỗi bài hát dâng Mẹ là lời nguyện xin, là lòng yêu mến, là quyết tâm sống thánh thiện theo gương Mẹ. Từ hành động dâng hoa bày tỏ lòng kính mến Đức mẹ, mỗi người tín hữu chúng ta được nhắc nhở luôn biết thánh hóa đời sống mình mỗi ngày, để trở nên “hoa thơm trái tốt” trong vườn ân sủng của Chúa.
Các hình thức dâng hoa kính Mẹ
Dâng hoa thiêng liêng
Người tín hữu dâng lên Mẹ những “đoá hoa thiêng liêng” là các việc lành, hy sinh, lời cầu nguyện, việc bác ái, sống khiêm nhường, vâng phục và quảng đại trong đời sống hằng ngày. Mỗi việc lành là một cánh hoa thiêng, góp lại thành bó hoa thiêng dâng kính Mẹ.
Dâng Hoa tươi
Dâng hoa bằng những bông hoa tươi là hành vi bên ngoài tượng trưng cho tâm tình của người Kitô hữu. Hoa tươi biểu hiện vẻ đẹp của tự nhiên biểu tượng của lòng yêu mến, của trái tim chân thành và trong sạch của Đức Mẹ dành cho chúng ta
Dâng hoa bằng tiếng hát
Lời ca dâng Mẹ mà mỗi người tín hữu luôn hát vào các dịp hành hương, các tuần trong các tháng từ tháng năm đến tháng mười là cách diễn tả lòng yêu mến bằng âm nhạc. Các bài hát về Mẹ trong Tháng Năm, từ kinh Mân Côi, các bài thánh ca truyền thống đến các bài hát mới đều là những đóa hoa thiêng đưa tâm hồn người tín hữu lên gần Mẹ hơn, từ đó gần Chúa hơn
Dâng hoa bằng kinh Mân Côi
Kinh Mân Côi là bó hoa đẹp nhất dâng kính Đức Mẹ và làm vui lòng Mẹ, đồng thời mời gọi Mẹ cầu bầu cho ta. Trong Tháng Hoa, nhiều gia đình, hội đoàn, giáo xứ tổ chức lần chuỗi Mân Côi chung, đây cũng là một cách thức dâng hoa lên cho Mẹ và là cơ hội học hỏi, suy gẫm mầu nhiệm cứu độ qua trái tim Mẹ.
Kết luận
Tháng Hoa dâng Mẹ là dịp đặc biệt để người Kitô hữu hướng lòng về Đức Maria với tất cả lòng biết ơn, tình con thảo với Mẹ. Giáo Hội tuyên xưng niềm tin vào vai trò chuyển cầu đầy yêu thương của Mẹ trong hành trình cứu độ. Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời của đức tin, khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa.
Sống Tháng Hoa không chỉ là cử hành phụng vụ hay tổ chức rước kiệu, nhưng còn là một lời mời gọi canh tân đời sống đức tin, noi gương Mẹ trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Tháng năm mở ra một mùa hoa thiêng liêng cho mỗi tín hữu bằng tình yêu, sự khiêm nhường và lòng cậy trông nơi Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Maria.