Nghi thức Rửa Chân là một cử chỉ yêu thương và phục vụ đỉnh cao trong Thánh lễ Tiệc Ly là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu cúi mình trước các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, nghi thức này không chỉ nhắc nhớ mầu nhiệm Tình Yêu của Thầy Chí Thánh mà còn mời gọi người tín hữu bước vào hành trình phục vụ tha nhân bằng con tim khiêm tốn. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ tìm hiểu về nghi thức đặc biệt qua bài biết dưới đây
Nghi thức Rửa Chân là gì?
Nghi thức Rửa Chân là một cử hành phụng vụ trong Thánh lễ Tiệc Ly được diễn ra vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, tái hiện hành động khiêm nhường và yêu thương của Chúa Giêsu khi rửa chân cho các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc Thương Khó của Ngài.
Đôi nét về Nghi thức Rửa chân
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh là một trong những ngày trọng đại nhất trong Năm Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo, mở đầu Tam Nhật Thánh – tưởng niệm cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Trong Thánh lễ Tiệc Ly cử hành vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, một nghi thức đặc biệt và giàu ý nghĩa được thực hiện: nghi thức Rửa Chân. Đây là một cử chỉ đầy yêu thương và khiêm hạ mà chính Chúa Giêsu đã thực hiện
Nguồn gốc Kinh Thánh của nghi thức Rửa Chân
Bắt nguồn từ đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan.Trong bữa Tiệc Ly cuối cùng, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và cũng đã Rửa chân cho cả Giuđa – người sẽ phản bội Đức Chúa.
Sau khi Rửa chân cho các môn đệ, Chúa phán: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’ và là ‘Chúa’ thì phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,13-14).
Bản chất của Nghi Thức Rửa Chân ngày Thứ Năm Tuần Thánh
Bắt nguồn từ chính hành động của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly, được thuật lại trong Tin Mừng Gioan(13,1-15). Khi “Người biết rằng giờ của mình đã đến”.
Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ, rồi lau bằng khăn Người thắt ngang lưng
Là một nghi thức tượng trưng nhưng sâu sắc, diễn tả tình yêu phục vụ mà Chúa Giêsu đã thực hiện và truyền lại cho các tín hữu.
Theo Tin Mừng Gioan 13,1-15, Chúa Giêsu – là Thầy và là Chúa – đã đích thân rửa chân cho các môn đệ, rồi nói: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
Nghi thức Rửa Chân trong Phụng Vụ Thánh lễ
Tiến trình thực hiện nghi thức như sau:
- Sau bài giảng, linh mục chủ tế cởi áo lễ ngoài (casula), mặc tạp dề hoặc khăn choàng đơn giản.
- Mười hai người được chọn trước ( đại diện cho mười hai môn đệ của Chúa lúc xưa ) có thể là nam, nữ, người già, trẻ em, hoặc đại diện các thành phần dân Chúa tiến lên vị trí dành sẵn.
- Linh mục lần lượt rửa chân cho từng người: quỳ xuống, đổ nước, lau chân bằng khăn, như Chúa Giêsu đã làm với các môn đệ.
- Sau khi rửa chân xong, linh mục mặc lại áo lễ và Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu, phần dâng lễ và Phụng vụ Thánh Thể như thường lệ.
- Cuối Thánh lễ, Mình Thánh Chúa được kiệu long trọng sang Nhà Tạm phụ để chầu, mở đầu giờ canh thức với Chúa tại vườn Cây Dầu bằng việc Chầu Thánh thể trọng thể hoặc chầu theo lượt, phiên.
Ý nghĩa phụng vụ của nghi thức Rửa Chân
Ý nghĩa của nghi thức Rửa Chân trong phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh không thể tách rời khỏi mầu nhiệm Tình Yêu của Đức Kitô
Nghi thức diễn tả cách sống tình yêu theo gương Chúa Giêsu. Việc linh mục cúi mình rửa chân là một hành động thiêng liêng, nói lên bản chất của người lãnh đạo trong Hội Thánh: là người phục vụ.
Sự hiệp nhất và tha thứ khi Chúa rửa chân cho các môn đệ, kể cả Giuđa, diễn tả một tình yêu vượt qua ranh giới tội lỗi và chia rẽ.
Hành động rửa chân báo trước việc Chúa Giêsu hiến thân trọn vẹn vì nhân loại, là sự phục vụ đến mức tự hủy như thánh Phaolô nói: “Người đã tự hủy mình ra không, lãnh lấy thân phận tôi đòi” (Pl 2,7).
Kết luận
Nghi thức Rửa Chân trong Thánh lễ Tiệc Ly không chỉ là một hành vi phụng vụ đầy cảm xúc, mà còn là một mặc khải cụ thể về trái tim yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu, phục vụ, yêu thương cách vô vị lợi và đón nhận nhau trong tình huynh đệ.
Cử hành nghi thức này trong phụng vụ là một cách tái hiện và sống lại bài học Tin Mừng. Qua đó, Hội Thánh không ngừng mời gọi con cái mình bước vào con đường khiêm hạ và để chính đời mình trở nên khí cụ của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Đó là cách người Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm Thập Giá và phục sinh.