Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá, nhưng không phải bằng vinh quang trần thế nhưng là một hành động mang đầy sự khiêm nhường và sự hoà bình. Ngài cưỡi trên lưng lừa, một hành động đầy ẩn ý. Đám đông dân chúng đồng thanh: Hoan hô! Hoan hô con vua Đa-vít!” nhưng liệu họ có hiểu ý nghĩa thật sự của Đấng Mêsia mà họ chờ đợi? Cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ khám phá những bài học sâu sắc từ sự kiện này và câu chuyện đằng sau lời hoan hô của dân chúng.
Bối cảnh của sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá
Lễ Lá là ngày khởi đầu cho Tuần Thánh, đánh dấu việc Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem cách long trọng trước khi chịu khổ nạn và phục sinh. Sự kiện này được ghi lại trong cả bốn sách Tin Mừng (Mt 21:1-11; Mc 11:1-11; Lc 19:28-40; Ga 12:12-19), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu công khai bày tỏ sứ mạng cứu độ nhân loại.
Hình ảnh Chúa Giêsu vào thành trên lưng lừa
Theo Kinh Thánh thuật lại, trước khi vào Giêrusalem, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi chuẩn bị cho Người một con lừa để cưỡi vào thành thánh trên lưng lừa. Cho nên hai môn đệ đã mang một con lừa về cho Đức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng lừa và Chúa Giêsu cưỡi lên. Qua chi tiết này đã cho thấy thẩm quyền của Đức Giêsu vừa cho thấy sự nghèo khó của Người.
Cách thức Đức Giêsu đi vào Giêrusalem trên lưng lừa tương ứng một cách rõ ràng với những gì đã được loan báo trong Dcr 9,9-10: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”.
Bằng chính hành động mang tính biểu tượng của mình, Đức Giêsu muốn cho các đồ đệ và đám đông dân chúng biết Người là ai. Dân chúng cần phải ý thức rằng Người chính là vị vua đã được loan báo trái ngược với hình ảnh các vị vua trần thế thường cưỡi ngựa để thể hiện quyền uy và chiến thắng quân sự.
Tại sao Chúa Giêsu lại cưỡi trên lưng lừa vào Chúa Nhật lễ Lá
Mỗi năm chúng ta bắt đầu Tuần Thánh với câu chuyện và hình ảnh Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa vào Chúa Nhật Lễ Lá. Hành động này có đối với một số người sẽ thắc mắc, vì thật không thể hiểu tại sao Chúa Giêsu – Đấng đã đi khắp nơi thi hành sứ vụ – lại cưỡi lưng lừa một cách bình dân, đơn sơ?
Thay vì một con ngựa thể hiện quyền lực quân sự, lừa là biểu tượng của sự khiêm nhường và hòa bình. Qua đó, Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài không phải là một vị vua chính trị, mà là Đấng Mê-si-a đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Ngoài ra, trong Kinh Thánh, vị vua hay thủ lãnh dùng lừa trong thời bình, còn ngựa chiến chỉ dành cho chiến trận. Bằng cách cưỡi lừa vào thành, Chúa Giêsu ngầm tuyên bố rằng Ngài là Vua Hòa Bình, là Đấng đến không phải để trừng phạt bằng vũ lực mà là để ban ơn cứu độ và lòng thương xót đến cho nhân loại.
Đám đông dân chúng tung hô: “Hoan hô! Hoan hô con Vua Đa Vít”
Khi Chúa Giêsu tiến vào thành, dân chúng trải áo choàng xuống đường, chặt cành lá cây vẫy mừng và tung hô: “Hoan hô con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời!” (Mt 21:9)
Hành động này mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự công nhận của dân chúng đối với Chúa Giêsu như Đấng được Thiên Chúa sai đến. Việc họ trải áo xuống đường là dấu chỉ của lòng kính trọng và tôn vinh, tương tự như khi chào đón một vị vua. Những cành lá vẫy mừng cũng mang ý nghĩa chiến thắng và hy vọng của dân tộc Israel.
Hình ảnh lòng của dân chúng khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá
Lòng dân chúng đã thay đổi một cách chóng vánh và dễ dàng khi Chúa Giêsu bắt đầu tiến vào thành. Mới khi vào thành, họ trải áo choàng xuống đường, chặt cành lá cây để “hoan hô” chào mừng Chúa Giêsu với những lời lẽ, hành động và những lời tán tụng như “Hoan hô con Vua Đavít!”, “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!”.
Những người đã tung hô, reo hò Chúa Giêsu cũng chính là những người khi đối diện với toà án họ “đả đảo” với những lời lẽ và hành động cũng hạ đẳng nhất, như xé áo, phỉ nhổ Người, hô “đóng đinh nó, đóng đinh nó vào Thập Giá” và giết chết Người .
Qua những điều trên, đã cho thấy lòng người thay đổi rất nhanh chóng khi gặp khó khăn, thất vọng. Họ mong đợi một Đấng Mê-si-a theo ý họ, chứ không phải Đấng đến để hy sinh và phục vụ.
Xem thêm: Mười bốn chặng Đàng Thánh Giá: Tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
Bài học và ý nghĩa của sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá
Bài học thực tiễn từ sự kiện
- Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu: Đừng đam mê chạy đi tìm kiếm những danh lợi, phù phiếm trên trần thế mà hãy sống phục vụ và yêu thương và chu toàn phần hồn trong chính mỗi người Kitô hữu chúng ta.
- Sẵn sàng bước vào Tuần Thánh với sự hoán cải: Nhìn lại đời sống của từng người trong chúng ta và siêng năng sám hối, bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá để đạt đến sự vinh quang Phục Sinh muôn đời.
- Tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa: Dù đôi khi chúng ta không hiểu hết những gì Chúa đang thực hiện trong cuộc đời mình, có những lúc sẽ không được như mình mong muốn hoặc cầu xin mãi một chuyện nào đó nhưng Chúa không nhậm lời. Khi ấy điều đầu tiên, hãy luôn kiên trì tin tưởng và trung thành với Ngài vì Ngài đã có những kế hoạch và chương trình tốt đẹp nhất cho mỗi người chúng ta.
- Sống niềm vui và hy vọng Phục Sinh: Lễ Lá không chỉ nhắc nhớ chúng ta về sự đau khổ của Chúa Giêsu mà còn là khởi đầu của niềm vui Phục Sinh với niềm hân hoan và sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.
Ý nghĩa từ sự kiện
- Sự khiêm nhường của Đấng Cứu Thế: Chúa Giêsu không tìm kiếm vinh quang trần thế, không danh lợi cao sang mà đến để phục vụ và hy sinh vì nhân loại. Việc Ngài cưỡi lừa vào thành xác nhận Ngài chính là Đấng được tiên báo từ Cựu Ước và chứng tỏ được sự hoà bình Người đã mang đến cho nhân loại.
- Sự thay đổi lòng người: Dân chúng hoan hô Ngài hôm nay nhưng chỉ vài ngày sau đã kêu gào, đả đảo và xé áo, phỉ nhổ Người: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Lc 23:21), cho thấy sự dễ dàng thay đổi của lòng người và muốn những gì dễ dàng, thuận lợi đến mới bản thân.
Kết luận
Sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem trong ngày Lễ Lá là một dấu mốc quan trọng trong hành trình cứu độ của Ngài. Việc Chúa cưỡi trên lưng lừa không chỉ hoàn tất lời tiên tri trong Cựu Ước mà còn khẳng định sứ mệnh của Ngài: đến để cứu rỗi nhân loại, chứ không phải để thiết lập một vương quốc trần thế.
Ngày Lễ Lá mời gọi chúng ta không chỉ hoan hô Chúa trong những lúc thuận lợi mà còn giữ vững niềm tin với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Hãy để lòng chúng ta luôn đón nhận Chúa như Đấng Mêsia trong những lời tung hô những hành động cụ thể của cuộc sống. Qua đó, chúng ta trở thành những chứng nhân của tình yêu và ơn cứu độ mà Ngài mang đến cho thế giới.