Vì sao Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình?

Vì sao Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình?

Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình bởi hôn nhân trong niềm tin Kitô giáo không phải là hợp đồng xã hội tạm thời, mà là một giao ước thiêng liêng, vĩnh viễn và không thể tháo gỡ giữa hai người và Thiên Chúa. Nhưng làm trái với luật Chúa, các cặp vợ chồng trong xã hội hôm nay, ly hôn đã trở nên phổ biến, được pháp luật dân sự thừa nhận như một quyền cá nhân. Hãy cùng Tông đồ mục vụ sức khoẻ tìm hiểu thêm về luật đặc biệt này qua bài viết dưới đây!

Mục lục

    Hôn nhân Công Giáo là giao ước chứ không phải hợp đồng

    Chính Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng lập trường chống ly hôn trong Tin Mừng: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Người Pharisêu từng hỏi Chúa: “Vì sao ông Môsê cho phép ly dị?”.

    Chúa Giêsu đáp rằng: “Vì lòng các ông chai đá nên ông Môsê mới cho phép như vậy. Nhưng thuở ban đầu không phải thế…” (x. Mt 19,8). Chúa Giêsu không đến để theo luật cho dễ sống, mà để khôi phục phẩm giá ban đầu của con người, bao gồm phẩm giá của hôn nhân.

    Hôn nhân Công Giáo là bí tích của sự trung tín và hiệp nhất

    Theo Giáo Hội Công Giáo, hôn nhân không chỉ là cam kết giữa hai người, mà là một Bí tích, nơi hai vợ chồng trở thành dấu chỉ hữu hình cho tình yêu trung tín của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh.

    “Người chồng hãy yêu vợ như chính Đức Kitô yêu Hội Thánh…” (Ep 5,25). Đó là tình yêu không bao giờ bỏ rơi, không thay lòng, không từ chối khi khó khăn ập đến. Bởi vậy, khi một cặp vợ chồng Công Giáo thành hôn hợp lệ, họ được kết hợp trong ân sủng của Thiên Chúa và không thể bị con người phá bỏ.

    Vì sao Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình?

    Vì sao Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình?

    Vì tôn trọng sự thánh thiêng của Bí tích Hôn phối

    Bí tích hôn nhân là một ơn gọi. Không ai có quyền “hủy bỏ” một ân ban Thiên Chúa đã kết hợp, trừ khi chứng minh rằng nó chưa bao giờ thật sự thành sự (đó là lý do có thể xin Tòa án hôn phối điều tra và tuyên bố “vô hiệu” không phải là “ly dị”).

    Vì bảo vệ giá trị yêu thương, trung tín, hy sinh

    Xã hội ngày nay cổ vũ tự do cá nhân, nhưng tình yêu đích thực thì không dựa trên cảm xúc nhất thời, mà là chọn yêu mỗi ngày, kể cả khi khó khăn, thử thách.

    Vì trách nhiệm với con cái và xã hội

    Gia đình là tế bào của Hội Thánh và xã hội. Khi vợ chồng chia cắt, những vết thương để lại nơi con cái và cộng đồng không thể đo đếm bằng luật dân sự.

    Không chấp nhận ly hôn không có nghĩa là thiếu lòng thương xót

    Giáo Hội không bao giờ kết án người đã ly dị, mà luôn đồng hành, chữa lành và nâng đỡ những ai đang đau khổ vì đổ vỡ hôn nhân. “Giáo Hội giống như một người mẹ, không bỏ rơi con mình khi ngã xuống, nhưng cúi xuống, đỡ dậy, chăm sóc và giúp họ tiếp tục bước đi” (Tông huấn “Niềm vui của tình yêu”)

    Đối với những người ly thân vì hoàn cảnh nguy hiểm, hay không thể tiếp tục chung sống vì bạo hành, Giáo Hội khuyến khích sống trung tín với lời cam kết ban đầu, dù là trong cách riêng, bằng sự cầu nguyện và phó thác.

    Giáo Hội không kết án người ly hôn, nhưng không thể hợp thức hóa ly hôn

    • Những người ly thân vì bị bạo hành, đe dọa… thì có thể sống riêng, để bảo vệ bản thân và con cái.
    • Nhưng họ được mời gọi tiếp tục sống trung tín với giao ước hôn nhân ban đầu nếu chưa có lý do để tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
    • Giáo Hội đồng hành và nâng đỡ những người bị tổn thương trong hôn nhân, chứ không bỏ rơi họ
    • Giáo Hội mời gọi họ tiếp tục sống đức tin theo khả năng, đồng hành mục vụ để chữa lành tổn thương và khuyến khích tham gia đời sống cộng đoàn.
    • Nếu một hôn nhân đã thành sự, thì không ai kể cả Giáo Hội có thể “giải hôn” để người đó tái hôn trong khi người phối ngẫu còn sống.
    • Có những người bị phản bội, bị bạo hành, không được tôn trọng, hoặc đời sống chung trở nên quá sức chịu đựng hoặc bị bỏ rơi dù họ đã cố gắng gìn giữ hôn nhân thì khi ly hôn vẫn được xem là phá vỡ luật Chúa.

    Vì sao Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình?

    Tuyên bố hôn nhân vô hiệu của đạo Công Giáo: Khi nào được phép?

    Hôn nhân vô hiệu là gì?

    Là một quá trình xác minh và tuyên bố rằng cuộc hôn nhân đó chưa bao giờ thành sự ngay từ ban đầu, vì thiếu một yếu tố thiết yếu trong việc cử hành Bí tích Hôn phối.

    Ví dụ: Hai người có thể đã cưới nhau, sống chung, thậm chí có con cái, nhưng nếu khi kết hôn họ không có tự do, thiếu hiểu biết nghiêm trọng, hoặc không có ý định sống hôn nhân theo giáo huấn Công Giáo, thì hôn nhân đó có thể bị coi là vô hiệu.

    Khi nào có thể xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu?

    Thiếu tự do khi kết hôn

    • Bị ép buộc hoặc chịu áp lực quá lớn từ gia đình, xã hội.
    • Cưới để hợp thức hóa giấy tờ, nhập cư, hoặc tránh điều gì khác.
    • Cưới vì sợ hãi, không dám từ chối.

    Thiếu khả năng tâm lý để đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân

    • Người đó có bệnh tâm lý nặng, không đủ nhận thức và trách nhiệm để sống đời sống vợ chồng.
    • Thiếu trưởng thành cảm xúc, không thể gắn bó trung tín, hoặc không có khả năng xây dựng đời sống gia đình.

    Không có ý hướng sống hôn nhân theo đúng bản chất Kitô giáo

    • Không muốn con cái ngay từ đầu tiến đến hôn nhân.
    • Không chấp nhận sự chung thủy hoặc không có ý định kết hợp trọn đời.
    • Kết hôn không đúng hình thức phụng vụ mà Giáo Hội đòi buộc, ví dụ: người Công Giáo kết hôn dân sự mà không được miễn chuẩn.
    • Cưới với điều kiện, hoặc với dự tính chia tay khi thấy không hợp.

    Tòa án hôn phối làm gì?

    Tòa án hôn phối của Giáo phận sẽ tiếp nhận đơn xin, thẩm vấn hai bên và các nhân chứng, phân tích sự kiện theo giáo luật và đưa ra phán quyết cuối cùng rằng hôn nhân đó thành sự hay vô hiệu. Nếu tuyên bố vô hiệu, thì cả hai người được tự do kết hôn trong Giáo Hội, như thể cuộc hôn nhân ấy chưa từng có giá trị bí tích.

    Vì sao Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình?

    Giáo Hội đồng hành với người ly dị và tái hôn ra sao?

    Tình thương dành cho người ly dị

    Giáo Hội không kết án người ly dị, nhất là những ai đã cố gắng hết sức để giữ gìn hôn nhân nhưng không thành.

    Những người ly thân hay ly dị, nếu không tái hôn, vẫn có thể rước lễ, tham gia đầy đủ các bí tích, và sống trọn vẹn đời sống đạo.

    Giáo Hội khuyến khích họ tiếp tục sống trong đức tin, giáo dục con cái, và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô qua Thánh lễ, cầu nguyện, và bác ái.

    Trường hợp tái hôn dân sự sau ly dị

    Người Công Giáo đã kết hôn hợp lệ nhưng sau đó ly dị và tái hôn dân sự, mà không có tuyên bố hôn nhân vô hiệu, thì họ đang sống trong tình trạng “bất thường”, vì đang kết hợp với người khác khi người phối ngẫu đầu tiên còn sống.

    Do đó, họ không thể lãnh nhận các bí tích như Thánh Thể và Giải tội, vì trái với giao ước hôn nhân bất khả phân ly. Tuy nhiên, họ không bị loại trừ khỏi Giáo Hội. Họ vẫn được tham dự Thánh lễ, giáo dục con cái theo đức tin và gặp gỡ cha xứ để hướng dẫn thiêng liêng để phân định ơn gọi và con đường hoán cải.

    Giáo Hội phải dang tay đón nhận

    “Không ai bị kết án mãi mãi. Đó không phải là logic của Tin Mừng.” (Đức cố Thánh Cha Phanxico). Giáo Hội mời gọi các linh mục, mục tử và cộng đoàn giáo xứ không phán xét người ly dị hoặc tái hôn, luôn tạo không gian tiếp đón, đồng hành, lắng nghe và giúp họ từng bước trở về với Chúa.

    Đồng thời, Giáo Hội khuyến khích những người đang sống trong tình trạng “hôn nhân thứ hai”, xét lại cuộc hôn nhân đầu tiên để xem có thể xin tuyên bố vô hiệu không, sống như anh em, nếu không thể chia tay mà muốn rước lễ và cầu nguyện và phân định lương tâm sâu xa, dưới sự hướng dẫn của linh mục và Hội Thánh.

    Vì sao Giáo Hội Công Giáo cấm ly hôn trong đời sống gia đình?

    Kết luận

    Giáo Hội Công Giáo không cấm ly hôn vì khắt khe, mà vì trung thành với chính lời dạy của Chúa Giêsu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6). Hôn nhân không chỉ là giao ước giữa hai người, mà là một bí tích thiêng liêng, phản chiếu tình yêu trung tín và bất khả phân ly của Đức Kitô với Hội Thánh. Vì thế, Giáo Hội không có quyền giải gỡ điều Thiên Chúa đã thiết lập.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *