Post Tagged with: "bệnh răng"

Liên quan giữa bệnh răng và bệnh toàn thân (Nhai súc dầu 3)

Liên quan giữa bệnh răng và bệnh toàn thân (Nhai súc dầu 3)

Trích “Oil Pulling Therapy (Liệu Pháp Súc dầu)” by Dr. Bruce Fife.

                                                                                                Chuyển ngữ: Kim Tuyến

 LI ÊN QUAN GIỮA BỆNH RĂNG VÀ BỆNH TOÀN THÂN


BỆNH TIM MẠCH

BỆNH VIÊM  KHỚP

BỆNH NHIỄM TRÙNG PHỔI VÀ CUỐNG PHỔI

NHỮNG BIẾN CHỨNG TRONG THAI NGHÉN

BỆNH TIÊU HÓA

BỆNH LOÃNG XƯƠNG

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

BỆNH VỀ HỆ THẦN KINH

NHIỄM TRÙNG VÀ BỆNH KINH NIÊN

************

       Sau đây là những bằng chứng cho thấy sự tương quan giữa sức khỏe của miệng và những bệnh thường gặp.

BỆNH TIM MẠCH

     Hệ thống tim mạch bao gồm tim và các động mạch. Các nghiên cứu cho biết 20% trong số những người đang có bệnh tim sau khi đi chữa răng (kể cả việc tẩy sạch răng thường lệ) bị nhiễm vi khuẩn làm viêm màng trong tim. Nhiễm trùng có thể hủy hoại van tim, dẫn đến suy tim.

      Vi khuẩn gây bệnh ở tim mạch cũng được tìm thấy ở miệng. Có thể nào vi khuẩn ở miệng là nguồn gây bệnh tim không? Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tim mạch có tỉ số răng sâu và viêm lợi cao hơn gấp 3 lần so với những người khác.

      Steptococcus sanguis, loại vi khuẩn thường sống ở bựa răng, cũng là vi khuẩn gây bệnh tim. Chúng bám vào răng để kết thành bựa rồi thành vôi răng. Nơi thành động mạch chúng có khuynh hướng tương tự là đóng thành lớp xơ vữa và cục máu đông.

      Steptococcus sanguis làm cho máu dính đặc lại và tạo ra cục máu đông, là nguyên nhân của chứng nhồi máu cơ tim (heart attack), đột qụy (stroke). Khi máu trở nên đặc hơn, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Huyết áp tăng. Khi huyết áp tăng, tim phải gắng sức hơn nữa nên gây sức ép vào thành động mạch. Việc này có thể làm nứt động mạch vành. Những vết nứt này được hàn lại bằng cholesterol, máu đông, chất đạm và calcium. Nơi đây sẽ bị viêm. Nếu viêm trở nên kinh niên do bị cao máu kinh niên thì hình thành mảng xơ vữa . Calcium sẽ làm cứng động mạch. Khi xơ vữa được hình thành, động mạch vành bị hẹp lại.

      Nhồi máu cơ tim hay đột qụy xảy ra không phải do động mạch vành bị hẹp, nhưng chính là do cục máu đông được hình thành ngay chính nơi mạch máu hẹp này, làm nghẽn máu lưu thông.

BỆNH VIÊM  KHỚP

     Viêm khớp làm cho bệnh nhân đau đớn ở các khớp xương. Nó làm biến dạng các khớp và dẫn đầu nguyên nhân gây khật khiễng cho người trên 55 tuổi. Bệnh này không chữa được và thường tăng dần lên. Thuốc điều trị chỉ giúp giảm triệu chứng. Đối với những trường hợp nặng, phải mổ thay khớp nhân tạo.

      Những xét nghiệm nhiều nơi khác nhau trên thế giới cho thấy rằng bệnh viêm khớp và bệnh về răng xuất hiện cùng thời. Thú vị hơn nữa, nơi nào con người có hàm răng tốt, hiếm có răng sâu, thì nơi đó họ không bị viêm khớp, cũng như rất hiếm hoặc không xảy ra bệnh vữa xơ động mạch và những bệnh thoái hóa thông thường khác.

      Một trong phần lớn các kết quả thường được tường trình về việc điều trị răng là hiệu quả về viêm khớp. Khi răng sâu được nhổ, triệu chứng của viêm khớp cũng biến mất. Sự tương quan này đã được ghi nhận vào thế kỷ thứ bảy trước Chúa Giáng Sinh bởi người Assyrians. Ba trăm năm sau Hippocrates cũng có ghi nhận tương tự. Vào thế kỷ thứ 16 bác sĩ Benjamin Rush, người ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập, báo cáo rằng một số bệnh nhân của ông sau khi nhổ răng sâu đã hết bị viêm khớp. Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, các nha sĩ cũng báo cáo kết quả tương tự, và báo chí đã đăng các kết quả này. Rồi đến bác sĩ Price và các nhà nghiên cứu sau này tiếp nối công việc trên như chúng ta đã đọc.

     Vi khuẩn ở miệng, khi đã vào máu, có khuynh hướng chọn và gây nhiễm trùng những nơi yếu nhất của cơ thể. Khớp xương bị suy yếu do bệnh hay do chấn thương là vị trí đầu tiên cho nhiễm trùng chuyển biến. Chân tay giả hoặc khớp xương nhân tạo cũng là nơi chính dễ bị nhiễm trùng. Vi khuẩn ở miệng sẵn sàng tấn công những chỗ này. Vì vậy, bác sĩ thường cho bệnh nhân uống trụ sinh trước và sau khi chữa răng.

 BỆNH NHIỄM TRÙNG PHỔI VÀ CUỐNG PHỔI

     Nhổ hết răng có thể tốt cho phổi! Tại sao? Tự vì nhiễm trùng phổi hiếm xảy ra nơi người không có răng. (Bs Fife không có ý nói phải nhổ hết răng, chỉ đưa ra sự kiện liên quan đến răng và phổi).

      Vi khuẩn ở miệng được tìm thấy thường gây bệnh ở cuống phổi và phổi: Streptococcus pneumoniae, Chlamydia, Mycoplasma và Neisseria. Chúng không luôn gây phiền toái khi ở miệng hay cuống phổi. Thông thường hệ miễn dịch kháng cự  lại chúng. Nhưng khi bị stress, dinh dưỡng kém hay bị các nhiễm trùng khác làm suy yếu hệ miễn dịch, chúng tấn công tức thời. Cuống phổi bị nhiễm trùng, phổi có nước làm khó vận chuyển oxygen vào máu.

      Suyễn là một bệnh kinh niên ảnh hưởng tới ống dẫn khí ra vào phổi. Đường dẫn khí này dần dần co lại , bị viêm, và chứa đầy chất nhày, làm cho khó thở. Người ta tin rằng đây là bệnh không chữa được.

 NHỮNG BIẾN CHỨNG TRONG THAI NGHÉN

     Viêm lợi không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn cả thai nhi nữa. Mẹ bị nha chu có thể sanh non và con nhẹ cân khoảng 5.5pounds= 2,500g hay nhẹ hơn nữa.

      Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn gây nha chu ở miệng có thể đi vào trong nước ối , làm nhiễm nước ối, có thể gây nguy hiểm cho mẹ và con.

      Vi khuẩn ở miệng cũng có thể gây tiền sản giật ở nửa chu kỳ sau của thai nghén. Triệu chứng của bệnh là cao máu và bí tiểu, ngoài ra có thể bị nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, rối loạn thị giác. Nếu không điều trị sẽ dần dần bị sản giật, có thể nguy hiểm đến tính mạng vì nhiễm độc dẫn đến bị co giật trầm trọng, thận hư, ngay cả tử vong cho cả mẹ lẫn con.

      Khoảng 60%-75% phụ nữ có thai bị viêm lợi. Phụ nữ đang mang thai hoặc muốn mang thai, nên chú trọng đặc biệt đến răng miệng để chắc chắn cả mẹ con có sức khỏe tốt nhất.

 BỆNH TIÊU HÓA

     Vi khuẩn và nấm trong miệng theo đường ăn uống có thể vào dạ dày. Ở đây chúng bị acid và enzymes tiêu diệt, những con còn sống sẽ đi vào ruột. Trong ruột, thường thì chúng không gây hại. Nếu gây bệnh thì trụ sinh được dùng để diệt vi khuẩn. Tuy nhiên trụ sinh không có ảnh hưởng gì trên nấm. Nấm candida là vi sinh vật một tế bào có mặt trong mọi nơi ở đường tiêu hóa. Khi trụ sinh tiêu diệt vi khuẩn thì nấm không còn bị ai cạnh tranh sẽ sẽ gia tăng dân số rất nhanh, gây nhiễm nấm cục bộ hay toàn thân.

      Vi khuẩn H.pylori có trong bựa răng khi xuống dạ dày có thể ăn những lỗ nhỏ ở màng gây đau loét và có thể gây ung thư dạ dày. Nếu dạ dày của bạn tốt, chúng chỉ nhẹ nhàng dọa thôi. Thuốc tây dùng thường xuyên như: Aspirin, Advil, Motrin, Aleve…làm giảm chức năng bảo vệ màng bao tử; Antacids giảm độ acid của dạ dày , sẽ cho phép vi khuẩn sống lâu đủ để đục màng dạ dày hay đi vào ruột.

      Uống nhiều rượu có thể kích thích và ăn mòn màng dạ dày dễ bị vi khuẩn tấn công. Stress, thiếu dinh dưỡng, và bệnh làm hệ miễn dịch suy yếu, gia tăng cơ hội nhiễm trùng H. pylori.

 BỆNH LOÃNG XƯƠNG

     Tế bào mới của xương luôn tiếp tục được tạo thành để thay cho những tế bào mất đi. Tuổi trẻ, tế bào mới được sản xuất nhanh hơn tế bào cũ hư hoại.

     Tiến trình tạo xương này được điều hòa bởi nhiều yếu tố khác nhau trong đó có hormones và cytokines. Cytokines được sản xuất bởi tế bào của hệ miễn dịch để kích thích viêm. Viêm cần thiết để chống nhiễm trùng. Nếu bị nhiễm trùng kinh niên, sẽ bị viêm kinh niên.  Không may nếu viêm xảy ra ở gần xương sẽ ngăn cản tiến trình tạo xương , kết quả là mất xương. Nha chu có liên quan đến mất xương. Răng nhiễm trùng gây viêm làm yếu xương hàm. Xương giữ răng bắt đầu mất dần đi làm răng lung lay. Nhiễm trùng ở đâu sẽ loãng xương ở đó như hàm, sọ, hông. Nếu nhiễm trùng toàn thân, nha chu sẽ dẫn đến loãng xương trầm trọng.

     Sự thay đổi hormone nơi phụ nữ trong thời mãn kinh thường tác động đến những nhóm vi khuẩn ở miệng, có thể tăng cường viêm toàn thân, làm gia tăng loãng xương.

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

     Khi vi khuẩn và độc tố của nó từ miệng vào trong máu, chúng làm cho hệ miễn dịch tiết cytokines để tạo viêm chống lại vi khuẩn. Nếu bị viêm toàn thân kinh niên sẽ làm giảm tác động chuyển đường vào tế bào của insulin, nên đường trong máu cao hơn. Cytokines cũng có thể làm thương tổn tế bào của tuyến tụy- sản xuất insulin, vì vậy giảm khả năng của cơ thể tiết insulin .

      Các nghiên cứu cho thấy điều trị nha chu có thể cải thiện insulin resistance và làm tốt hơn việc điều hòa lượng đường trong máu. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng bệnh nha chu kinh niên có thể gây tiểu đường.

      Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường. Đường làm tăng lượng glucose trong máu, cũng giúp cho vi khuẩn trong miệng mạnh thêm lên gây nhiễm trùng và viêm.

 BỆNH VỀ HỆ THẦN KINH

     Hệ thần kinh gồm não, tủy sống và dây thần kinh. Vi khuẩn ở miệng thường tìm đường đi vào mô thần kinh. Vi khuẩn gây bệnh giời leo, sau lần đầu gây nhiễm trùng, sẽ trú ngụ ở mô thần kinh, nằm im đó, chờ cơ hội để trổi dậy như stress hay hệ miễn dịch bị thương tổn.

      Áp-xe răng có thể kích thích áp-xe não.

      Viêm màng não xảy ra khi vi khuẩn hay siêu vì khuẩn vào trong tủy sống và màng chung quanh não và tủy sống. Nếu tình trạng này trầm trọng, đôi khi có thể gây tử vong, bệnh gây nhức đầu, sốt, nôn mửa, và cổ bị cứng. Viêm màng não do vi khuẩn từ nhiều nguồn gây ra, bao gồm cả vi khuẩn ở miệng.

      Nếu hệ miễn dịch đủ mạnh, nó sẽ trấn áp, kìm hãm những nhiễm trùng nặng ở mô thần kinh và não.

      Bệnh ở răng miệng ngày nay được xem là nhân tố nguy hiểm cho bệnh Alzheimer (mất trí nhớ). Vì vậy gìn giữ răng của bạn có thể gìn giữ trí óc của bạn. Súc dầu giúp bạn việc này. Rất đơn giản mà phòng ngừa được tình trạng lão hóa nhanh theo thời gian.

 NHIỄM TRÙNG VÀ BỆNH KINH NIÊN

     Hệ miễn dịch là sức mạnh chính chống lại nhiễm trùng. Nếu sức khỏe tốt và hệ miễn dịch mạnh, bệnh không thể sống chung với chúng ta.

     Tuy nhiên nếu bị nha chu hay răng sâu thì đây là môi trường tốt cho vi khuẩn có hại không ngừng đi vào máu. Do đó hệ miễn dịch luôn phải chiến đấu với đoàn quân xâm lược vô số ngày càng tăng. Cộng thêm với stress, ma túy, thuốc lá, rượu…hệ miễn dịch bị áp đảo không đủ sức chống lại nhiễm trùng. Chuyện gì xảy ra thì hẳn là bạn có thể đoán được. Bệnh!

      Để chống lại nhiễm trùng, hệ miễn dịch sản xuất cytokines gây viêm. Trong thời gian ngắn, viêm có ích trong nhiệm vụ này và vô hại. Tuy nhiên trong trường hợp nhiễm trùng kinh niên, viêm cũng kinh niên và có thể gây hư hại cho các mô, tế bào. Viêm kinh niên có thể làm thay đổi hóa chất trong máu, gây ra hoặc làm gia tăng một số bệnh như ung thư, thiếu máu, nhức nửa đầu, suy thận, lupus, rối loạn hormon, mệt mỏi kinh niên, bệnh gan, vô sinh, v.v…

      Trụ sinh được dùng để diệt vi khuẩn ở nhiều nơi trong cơ thể, nhưng thường không thành công ở răng sâu. Trụ sinh thường không thể tiến sâu vào bên trong răng hay chỗ nhiễm trùng nằm sâu trong lợi. Vì vậy sau một đợt điều trị bằng trụ sinh làm tạm yên nhiễm trùng, vi khuẩn mới sản sinh từ răng nhiễm trùng lại bùng dậy tấn công đợt khác.

      Bạn không thể dùng trụ sinh mãi để trị nhiễm trùng liên tiếp, vì biến chứng có hại của trụ sinh, vì khi vi khuẩn lờn thuốc, trụ sinh trở thành vô dụng; và nó chỉ diệt được vi khuẩn mà không diệt được vi rút, nấm.

     Cho nên tốt nhất là nên súc dầu hàng ngày để bảo vệ sức khỏe.

 

CHẾT VÌ ĐAU RĂNG

     Thông thường những vấn đề về răng như răng sâu hoặc nhức răng không được xem là quan trọng, mặc dù  có thể đau đớn khổ sở, chỉ việc đi nha sĩ thì sẽ được giúp giảm đau rất nhanh. Tuy nhiên răng sâu hay viêm lợi không thể xem thường; đó là nhữnh bệnh kinh niên. Chúng có thể là nguồn gốc cho bệnh nhiễm trùng toàn thân hay tình trạng suy thoái có thể dẫn đến tử vong. Thật vậy, một cái răng nhức đơn giản có thể gây ra cái chết. Nếu hệ miễn dịch yếu do thiếu dinh dưỡng , do lối sống không lành mạnh, hậu quả của nhiễm trùng cục bộ có thể bi thảm chết người.

     Thật hiếm có một giấy khai tử lại ghi rằng nhức răng là nguyên nhân gây cái chết. Mọi lỗi được đổ cho nhiễm trùng chuyển biến  đâu đó trên cơ thể.

    

     1- Cậu bé Deamonte Driver 12 tuổi phớt lờ một cái răng đau. Mẹ cậu thì bận rộn việc gia đình với 5 người con. Đi nha sĩ phải chờ lâu quá nên thôi. Một thời gian sau, cái nhức chạy lên đầu, đến khi cậu chịu không nổi thì người mẹ phải chở vào nhà thương cấp cứu ở Southern Maryland Hospital.

     Deamonte nhức đầu do áp-xe não. Chính nhiễm trùng răng đã gây ra nhiễm trùng não này. Cái răng trở nên bị áp-xe và vi khuẩn vào máu, chạy lên não và gây nhiễm trùng chuyển biến  ở não cậu bé.

     Deamonte trải qua 2 cuộc giải phẫu và nhổ răng nhiễm trùng. Áp-xe não và giải phẫu đã làm suy yếu tay chân phải của cậu. Vài tuần sau, cậu có vẻ hồi phục, thực hành vật lý trị liệu cho tay chân bình thường trở lại.

     Mặc dù đã hoàn toàn khử trùng hố chân răng và uống trụ sinh, một phần nhiễm trùng vẫn còn lại và tiếp tục lan truyền. Trong vòng vài tuần nhiễm trùng não tái trở lại dữ dội hơn. Cậu được đưa đi cấp cứu, nhưng đã quá trễ. Cái chết của Deamonte được quy cho nhiễm trùng não, nhưng thủ phạm chính là cái răng bị nhiễm trùng.

 

     2- Bệnh viện nhận một người đàn ông 57 tuổi có một cái răng nhức đến phát sốt, làm bị sưng ở má và cổ. Ông bị tiểu đường và xơ gan vì uống rượu quá nhiều. Hệ miễn dịch của ông hiển nhiên làm việc quá sức. Mặc dù được trị liệu bằng thuốc trụ sinh, tình trạng của ông ngày càng tệ hơn. Nhiễm trùng từ răng chạy xuống phổi (sưng phổi), thận và gan. Sau 35 ngày ở bệnh viện bệnh nhân chết vì hư nhiều cơ quan. Trụ sinh đã vô dụng. Nhiễm trùng ở miệng cứ tiếp tục nuôi nhiễm trùng toàn thân cho tới lúc giết ông. Mặc dù cơ thể bị suy nhược do những vấn đề về sức khỏe, cái chết của ông cũng như Deamonte thật sự bởi răng nhiễm trùng gây ra.

 

     3- Một cô 19 tuổi không có vấn đề về sức khỏe trầm trọng đi nhổ một răng bị nhiễm trùng. Chẳng bao lâu sau, cô có triệu chứng đau ngực thắt. Mặc dù bác sĩ cho cô uống trụ sinh trước và sau khi nhổ răng, vi khuẩn từ răng vẫn lan truyền vào tim. 13 ngày sau khi nhổ răng, cô chết vi bệnh nhồi máu cơ tim do hệ quả nhiễm trùng.


     Trong khi hiếm có trường hợp chết vì răng nhiễm trùng, chúng thật sự xảy ra nhiều hơn chúng ta nghĩ. Đa số, chúng không được báo cáo, hoặc không được nhận ra, hoặc đổ lỗi cho nhiễm trùng chuyển biến . Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân do ăn uống thiếu dinh dưỡng, hệ miễn dịch kém, hoặc có những bệnh làm tình trạng trầm trọng thêm. Nếu một răng nhiễm trùng có thể gây tử vong, thì nó có thể gây nhiều bệnh khác nữa. Ngay cả khi ăn uống đầy đủ và chăm sóc sức khỏe tốt, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của răng mình.

                                   

 

 

by Tháng Bảy 14, 2012 Comments are Disabled Súc miệng với Dầu Dừa