Thánh Kinh Cựu Ước

Nền văn chương khôn ngoan trong Thánh kinh Cựu ước: Sách Châm Ngôn, Sách Ông Gióp, Sách Giảng Viên, Sách Huấn Ca, Sách Khôn Ngoan, Sách Thánh Vịnh

Nền văn chương khôn ngoan trong Thánh kinh Cựu ước: Sách Châm Ngôn, Sách Ông Gióp, Sách Giảng Viên, Sách Huấn Ca, Sách Khôn Ngoan, Sách Thánh Vịnh

Giới thiệu nền văn chương khôn ngoan
trong Thánh kinh Cựu ước
 https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2013/07/nen-van-chuong-khon-ngoan-trong-Thanh-Kinh-Cuu-Uoc.jpg
   Loạt bài về nền văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh Cựu Ước gồm các bài viết đã được phát cho mục ”Tìm hiểu Kinh Thánh” của Chương Trình Việt Ngữ Đài Chân Lý Á châu Manila.
   Tài liệu chính được sử dụng là phần dẫn nhập các sách khôn ngoan của bộ chú giải Kinh Thánh tiếng Ý ”La Bibbia. Nuovissima versione dai testi originali”, Vol. II, Antico Testamento, Ed. Paoline Milano 1991. Đây là một trong các bộ chú giải phổ thông nổi tiếng của các chuyên viên kinh thánh Italia.
   Cầu mong loạt bài này giúp chúng ta lãnh hội được các giáo huấn tinh túy trong kho tàng khôn ngoan của Thánh Kinh Cựu Ước và đặc biệt trở nên giống Chúa Giêsu Kitô, hiện thân sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.
 Roma 26-7-2013
LM Giuse Hoàng Minh Thắng

 

MỤC LỤC
NỀN VĂN CHƯƠNG KHÔN NGOAN
TRONG THÁNH KINH CỰU ƯÓC

QUYỂN I
DẪN NHẬP, SÁCH CHÂM NGÔN, SÁCH ÔNG GIÓP
Chương I: Nền văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh Cựu Ước

  1. Nền văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh Cựu Ước
  2. Một số tác phẩm trong nền văn chương khôn ngoan Ai Cập
  3. Tương quan giữa sự khôn ngoan đông phương và sự khôn ngoan do thái
  4. Sự khôn ngoan trong lịch sử tư tưởng do thái
  5. Trào lưu khôn ngoan bên trong các trào lưu thần học do thái thời hậu lưu đầy
  6. Trào lưu khải huyền
  7. Các tác phẩm khôn ngoan được biên soạn sau năm 200 trước công nguyên

Chương II: Sách Châm Ngôn: kết cấu, nội dung, từ vựng

       8. Sách Châm Ngôn
       9. Hai sưu tập chính của sách Châm Ngôn
     10.Các sưu tập còn lại của sách Châm Ngôn

  1. Cấu trúc các sưu tập sách Châm Ngôn
  2. Thế giới khôn ngoan của sách Châm Ngôn
  3. Từ ngữ và kiểu hành văn của sách Châm Ngôn
  4. Các bức chân dung nhỏ và việc nhân cách hóa sự khôn ngoan
  5. Bản văn sách Châm Ngôn

Chương III: Các giáo huấn của sách Châm Ngôn

  1. Các đề tài và giáo huấn của sách Châm Ngôn: sự khôn ngoan
  2. Người khôn ngoan, kẻ khờ dại
  3. Lời nói theo sách Châm Ngôn
  4. Sự giận dữ và tự chế. Gìn giữ nội tâm và tiết độ, Đức khiêm nhường và tính kiêu căng
  5. Gương mặt của phụ nữ
  6. Tương quan giữa cha mẹ và con cái
  7. Một nền giáo dục mạnh mẽ
  8. Sự tai hại của tật nghiện rượu. Tính siêng năng và lười biếng
  9. Của cải giầu sang và sự nghèo túng
  10. Tình bạn, lòng tốt và sự liêm chính
  11. Cãi vả, kiện tụng, công lý và làm chứng
  12. Thương mại và các nguy cơ, các bảo đảm. Đừng lấy ác báo ác. Kín đáo trong lời ăn tiếng nói
  13. Vua chúa và chính quyền
  14. Thiên Chúa và con ngưòi
  15. Người khôn ngoan và người công chính
  16. Sự thưởng phạt

Chương IV: Sách ông Gióp: nội dung, ,cấu trúc, văn thể, tác giả và thời gian sáng tác

  1. Tên gọi, chỗ đứng trong Thánh Kinh và nội dung
  2. Cấu trúc
  3. Văn thể, ngôn ngữ và kiểu diễn tả
  4. Các nguồn tài liệu và tác giả
  5. Thời gian sáng tác các văn bản và mục đích     

Chương V: Sứ điệp thần học sách ông Gióp

  1. Quan niệm về Thiên Chúa
  2. Con người
  3. Khổ đau
  4. Sách ông Gióp trong sự phát triển của Mạc Khải và tính cách thời sự của nó

QUYỂN II
SÁCH GIẢNG VIÊN – SÁCH HUẤN CA

Chương I
Tên gọi, cấu trúc, thời gian sáng tác và bối cảnh lịch sử sách Giảng Viên

  1. Qohelet hay sách Giảng Viên
  2. Tên gọi và tính cách hợp quy của sách Giảng Viên
  3. Thời gian sáng tác và bối cảnh lịch sử
  4. Cấu trúc sách Giảng Viên

Chương II
Một số đề tài thần học trong sứ điệp sách Giảng Viên

  1. Tri thức luận theo sách Giảng Viên
  2. Thiên nhiên và vũ trụ
  3. Thiên Chúa sáng tạo và con ngưòi
  4. Giá trị cuộc sống con người
  5. Vấn đề thiện ích
  6. Tôn giáo theo quan niệm của Qohelet

Chương III
Tương quan giữa sách Giảng Viên và tư tường vùng Trung Đông Cổ

  1. Thế đứng của sách Giảng Viên trong tư tưởng vùng Trung Đông Cổ
  2. Tư tưởng của Qohelet trong tương quan với tư tưởng khôn ngoan Ai Cập
  3. Sự khôn ngoan trong các tác phẩm văn chương vùng Lưỡng Hà Mêsopôtamia
  4. Thế đứng của Qohelet trong lịch sử nên văn hóa Do thái
  5. Các quan niệm khác nhau về sự thưởng phạt trong thế giới Do thái
  6. Các quan niệm khác nhau trong quan niệm thưởng phạt của thế giới do thái
  7. Những vấn đề còn bỏ ngỏ trong sách Giảng Viên
  8. Qohelet và vấn đề bất tử của linh hồn
  9. Thứ từ ngữ Qohelet dùng trong văn bản
  10. Lích sử vấn đề sách Qohelet

Chương IV
Sách Huấn Ca hay Ben Sira. Tên gọi, kết cấu, nội dung

  1. Ben Sira hay sách Huấn Ca. Tên gọi và kết cấu
  2. Viễn tượng thần học và nội dung giáo lý của sách Huấn Ca
  3. Gương mặt của sự khôn ngoan
  4. Đức Khôn Ngoan theo chương 24
  5. Sự thưởng phạt theo giáo huấn sách Ben Sira
  6. Một vài giáo huấn luân lý: cẩn trọng trong lời nói và tiết độ trong cách sống
  7. Quan niệm về sự giầu có và nghèo túng
  8. Vai trò của phụ nữ

Chương V
Các hình thái văn chương, từ vựng, văn bản, các bản dịch và tính cách hợp quy

  1. Các hình thái văn chương khác nhau
  2. Một vài hình thái văn chương khác
  3. Từ ngữ tượng hình trong sách Huấn Ca
  4. Từ vựng tượng hình trong sách Huấn Ca
  5. Văn bản và các bản dịch sách Huấn Ca
  6. Tính cách hợp quy của sách Huấn Ca

QUYỂN III
SÁCH KHÔN NGOAN  –  SÁCH THÁNH VỊNH

Chương I
Tác giả, thời gian sáng tác, cấu trúc, văn bản

  1. Sách Khôn Ngoan: tác giả, nơi chốn và thời gian sáng tác
  2. Người nhận, mục đích, văn thể, cấu trúc, đơn vị văn chương và nội dung
  3. Sự linh ứng và tính cách hợp quy. Văn bản, các lần in ấn và các bản dịch

Chương II
Sứ điệp sách Khôn Ngoan

  1. Quan niệm về con người
  2. Số phận con người theo sách Khôn Ngoan
  3. Cái chết, sự thưởng phạt và sự sống lại
  4. Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa
  5. Vai trò của Đức Khôn Ngoan trong công trình tạo dựng và tương quan của Đức Khôn Ngoan với con cái loài người
  6. Phương pháp sư phạm của Đức Khôn Ngoan trong việc giáo huấn con người
  7. Thuyết độc thần theo giáo huấn sách Khôn Ngoan
  8. Tội tôn thờ thiên nhiên và tôn thờ các ngẫu tượng

Chương III
Tương quan giữa sách Khôn Ngoan và nền văn chương ngoài Thánh Kinh

  1. Tương quan giữa sách Khôn Ngoan và nền văn chương ngoài Thánh Kinh
  2. Tưong quan giữa sách Khôn Ngoan và nền văn chương Hy lạp
  3. Các ảnh hưởng kinh thánh trên sách Khôn Ngoan
  4. Vai trò của sách Khôn Ngoan trong tiến trình mạc khải. Ảnh hưởng của sách Khôn Ngoan trên tư tưởng của thánh Phaolô
  5. Ảnh hưởng của sách Khôn Ngoan trên thánh Gioan

Chương IV
Sách Thánh Vịnh. Việc hình thành, cấu trúc, tựa để, các tác giả, thời gian sáng tác

  1. Sách Thánh Vịnh
  2. Việc hình thành, cấu trúc và tựa đề các Thánh Vịnh
  3. Các tác giả và thời gian sáng tác
  4. Các Thánh Vịnh được sáng tác trước hay sau thời lưu đầy?

Chương V
Môi trường nguồn gốc phụng tự, văn thể. Tương quan với nền văn chương vùng Trung Đông Cổ

  1. Môi trường nguồn gốc của các Thánh Vịnh và các văn thể
  2. Nguồn gốc phụng tự của các Thánh Vịnh
  3. Tương quan giữa các Thánh Vịnh và nền văn chương vùng Trung Đông Cổ

Chương VI
Sứ điệp thần học của các Thánh Vịnh

  1. Ý niệm về Thiên Chúa
  2. Thiên Chúa thánh thiện và vinh quang
  3. Giavê Thiên Chúa đối với hạnh phúc của con người
  4. Thiên Chúa cứu độ và công trình của Người
  5. Thiên Chúa là Đấng yêu mến và thương xót con người
  6. Thái độ của con người đối với Thiên Chúa
  7. Các người đạo đức và các thánh theo sách Thánh Vịnh
  8. Kinh nghiệm về sự dữ
  9. Bốn dấu chỉ giúp con người hiệp thông với Thiên Chúa
  10. Kinh nghiệm kết hiệp thần bí
  11. Viễn tượng cánh chung
  12. Vấn đề thưởng phạt
  13. Thiên Chúa đánh phạt kẻ gian ác và báo oán các thù địch của Người

Download file audio: Độc Giả “Phải Chuột” vào từng đề tài trong playlist và chọn “Save Taget As” hoặc “Save Link As” tùy thuộc vào trình duyệt nào đang sử dụng.
Chúc Độc Giả thành công.

 

by Tháng Tư 20, 2017 1 comment Tâm Linh, Thánh Kinh Cựu Ước
Tóm tắt lịch sử Israel – Lịch sử biên soạn Thánh Kinh

Tóm tắt lịch sử Israel – Lịch sử biên soạn Thánh Kinh

LỊCH SỬ BIÊN SOẠN THÁNH KINH CỰU ƯỚC, CÁC VĂN THỂ

      Thánh Kinh là cuốn sách kể lại cuộc tình của Thiên Chúa với dân Israel. Con đường tình ấy đã có lịch sử biên soạn dài 1.000 năm cho Thánh Kinh Cựu Ước và 100 năm cho Thánh Kinh Tân Ước.

I. TÓM TẮT LỊCH SỬ ISRAEL

       Israel là một trong các dân tộc sống trong vùng mà giới học giả kinh thánh gọi là ”Nửa vành trăng phì nhiêu”, trải dài từ Ai Cập sang tới Mêdôpôtamia, tức vùng Lưỡng Hà là Iran Irak ngày nay. Trước thời các tổ phụ mấy ngàn năm, đã có nhiều nền văn minh phát triển trong vùng này. Ai Cập là nền văn minh đã đạt tột đỉnh sự cường thịnh của nó vào năm 3.500 trước công nguyên. Ngoài ra còn có nền văn minh Híttít, Sumero-Accadic, Babilonia, và nền văn minh Minoica trên đảo Creta

 1. Thời các Tổ phụ (1850-1500)

      Lịch sử dân Israel bắt đầu với ơn gọi của tổ phụ Abraham vào khoảng năm 1850 trước công nguyên. Từ thành Ur trong vùng Mêdôpôtamia, ông Abraham đã lắng nghe tiếng Thiên Chúa mời gọi từ bỏ nếp sống định cư, để lang thang sống đời du mục, và đi đến miền đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông là đất Canaan. Abraham đến Haran, đi dọc đất Canaan và cùng các đoàn vật của mình dừng chân nay đây mai đó, tại những nơi có đồng cỏ, có nước và chỗ dựng lều, đặc biệt tại Hebron, mạn bắc sa mạc Negheb.

       Thiên Chúa hứa ban cho Abraham dòng dõi đông đúc (St 15; 17). Nhưng vì đợi mãi mà không thấy có con, trong khi hai vợ chồng ngày càng gìa, bà Sara để cho tổ phụ Abraham ăn nằm với nữ tỳ là Haga để có người nối dõi tông đường (St 16). Ismael là đứa con Haga sinh cho bà Sara. Sau đó khi có con riêng là Igiaác, bà Sara sợ Ismael giành quyền của Igiaác nên yêu cầu Abraham đuổi Haga và Ismael đi (St 21). Ismael sẽ là tổ phụ các dân tộc A Rập.

      Igiaác sinh ra Edau và Giacóp. Nhờ mẹ là bà Rebecca giúp, Giacóp lừa được Edau để cướp chức trưởng nam của anh và được phúc lành của cha, nhưng ông phải chạy trốn về Haran để khỏi bị Edau báo thù. Tại Haran Giacóp làm việc cho ông Laban. Ông Laban có hai con gái là Lea và Rakhel. Giacóp yêu Rakhel là cô em xinh đẹp hơn chị, và bằng lòng làm rể 7 năm, chăm chỉ làm việc cho ông Laban để lấy Rakhel. Nhưng ông Laban đánh lừa Giacóp, thay vì gả Rakhel thì ông gả Lea. Sáng ra Giacóp mới khám phá ra không phải Rakhel mà là Lea. Giacóp khiếu nại, nhưng ông Laban cho biết tập tục không gả cô em trước cô chị. Vì thế để lấy được người mình yêu là Rakhel, ông phải làm rể thêm 7 năm nữa… Sau khi bà Rakhel sinh Giuse cho ông, thì Giacóp xin ông Laban cho ông hồi hương. Ông Laban muốn trả công cho Giacóp vì những năm phục vụ, khiến cho đàn vật của ông gia tăng rất nhiều. Giacóp đã dùng mưu để gầy cho mình các đoàn chiên dê khỏe mạnh nhất, trong khi các con yếu là của ông Laban. Ông Laban đổi thái độ đối với Giacóp. Tiếng Thiên Chúa bảo ông Giacóp trở về quê cha đất tổ. Thế là lợi dụng lúc ông Laban bận đi xén lông chiên, Giacóp cùng các vợ con trốn đi. Được tin báo, ông Laban cùng các con trai và đầy tở đuổi theo kịp và trách móc Giacóp xử tệ với ông. Giacóp nổi nóng trách móc bố vợ: ” Suốt 20 năm con đã ở với cha, chiên cái dê cái của cha của cha không hề sẩy thai, con không hề ăn con chiên đực nào trong đàn vật của cha. Con vật bị cắn xé con không đưa về cho cha, chính con chịu đền; con bị mất trộm vào ban ngày hay ban đêm cha đều đòi con phải trả. Ban ngày con bị nắng thiêu, ban đêm con bị lạnh buốt, không sao chợp mắt ngủ được. Con ở nhà cha đã được 20 năm, con đã phục vụ cha được 14 năm để được hai cô con gái của cha, 6 năm để được chiên của cha, cha đã đổi công xá của con 10 lần. Giả như Thiên Chúa của cha con, là Thiên Chúa ông Abraham thờ và là Đấng ông Igiaác khiếp sợ, đã không ở với con, thì bây giờ hẳn cha đã để con về tay không. Thiên Chúa đã thấy cảnh khổ cực và công lao vất vả của con, và đêm qua Người đã phán xử” (St 31,38-42).

      Ông Laban và Giacóp ký kết giao ước với nhau. Sáng hôm sau, ông Laban dậy sớm, hôn các con các cháu và chúc phúc cho chúng, rồi lên đường về nhà. Ông Giacóp sai các sứ giả đi trước gặp Edau để dọ ý. Khi biết Edau cùng 400 người cũng đang tiến đến gặp ông, Giacóp liền chia người và đoàn vật của ông làm hai trại. Rồi ông lấy một phần của cải tay ông đã làm ra để làm tặng phẩm biếu ông Edau: 200 dê cái và 20 dê đực, 200 chiên cái và 20 chiên đực, 30 lạc đà cái đang cho con bú và con của chúng, 40 bò cái và 10 bò đực, 20 lừa cái và 20 lừa con. Ông giao từng đàn vật riêng rẽ cho các đầy tớ và dặn họ nói với Edau rằng đây là tặng phẩm ông ấy gửi biếu ngài Edau.

      Giacóp cũng chia đoàn người thành 3 nhóm: các nữ tỳ với con của họ đi đầu, tiếp đến là Lea và các con của bà, sau cùng la Rakhel và Giuse. Giacóp vượt lên phía trước sụp xuống đất lậy 7 lần trước khi đến gần anh mình. Ông Edau chạy lại đón em, ôm chầm lấy, bá cổ mà hôn, rồi cả hai cùng khóc. Giacóp giới thiệu mọi người với anh, và năm nỉ anh nhận qùa biếu. Edau muốn hộ tống Giacóp nhưng Giacóp không muốn, rồi hai hên người chia tay…

      Giacóp có 12 người con là nguồn gốc của 12 chi tộc Israel. Vì ghen ghét với Giuse các anh của ông ban đầu muốn giết ông, nhưng sau đó họ bán ông cho các lái buôn người Madian (St 37) Giuse bị dẫn sang Ai Cập và bị bán làm đầy tớ cho quan thái giám của Pharaông Ai Cập là Potipha. Vợ quan thấy Giuse đẹp trai nên say mê ông và quyến rũ ông, nhưng Giuse nhất mực từ chối, vì không muốn phạm tội mất lòng Thiên Chúa và phản bội lòng tin tưởng của quan Potipha. Khi thấy không tài nào quyến rũ được Giuse, bà vợ quan vu khống cho ông tội sàm sỡ với bà. Quan tin lời vợ bỏ tù Giuse. Nhưng vì luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng nên trong tù ông Giuse lại được lòng quan cai ngục. Quan đặt ông cai quản các người tù. Trong số các tù nhân có cả quan chước tửu và quan chánh ngự thiện của Pharaông. Hai ông nằm mơ và được Giuse giải thích các giấc mộng: quan ngự thiện bị xử tử, quan chước tửu được phục chức. Nhưng ông quên lời Giuse xin ông bầu cử Pharaông trả tự do cho Giuse. Mãi cho đến một hôm Pharaông nằm mơ thấy ông đứng bên bờ sông Nil và trông thấy 7 con bò cái hình dáng đẹp đẽ béo tốt đi lên, rồi 7 con bò xấu xí đa thịt gầy còm đi lên đứng bên cạnh, và chúng ăn thịt 7 con bò hình dáng đẹp đẽ và béo tốt.

      Rồi Pharaông lại chiêm bao lần thứ hai: vua thấy 7 bông lúa đâm lên trên cùng một cọng, mẩy và tốt. Rồi có 7 bông lúa lép và nám cháy vì gió đông mọc lên sau chúng. Bẩy bông lúa lép nuốt chửng 7 bông lúa mẩy và chắc. Sáng ra Pharanog cho vời tất cả các phù thủy và hiền sĩ Ai Cập đến, rồi kể cho họ nghe giấc mộng. Nhưng không ai giải thích được, lúc ấy quan chước tửu mới sực nhớ tới Giuse và kể lại tài giải thích các giấc mộng của ông. Pharaông cho vời Giuse đến và ông đã giải thích các giấc mộng của vua: Bẩy con bò cái béo tốt là 7 năm, bẩy bông lúa tốt là 7 năm. Bẩy con bò cái ốm nhom xấu xí là 7 năm, bẩy bông lúa còi và cháy nám vì gió đông là 7 năm. Sắp tới là 7 năm rất sung túc trong toàn cõi Ai Cập. Tiếp sau những năm đó là 7 năm đói kém, nạn đói rất trầm trọng sẽ làm cho xứ kiệt quệ. Ông Giuse xin vua xem có người nào thông minh và khôn ngoan, thì đặt người ấy cai quản xứ Ai Cập, rồi đặt các quản đốc lo việc trong xứ, đánh thuế một phần năm trên thóc lúa trong 7 năm sung túc. Rồi thu tích mọi lương thực của 7 năm được mùa, chất chứa lúa mì trong thành, để Pharông toàn quyền xử dụng trong 7 năm đói kém.

      Thế là Pharông đặt ông Giuse làm Tể tướng cai quản toàn nước Ai Cập. Năm ấy ông Giuse được 30 tuổi. Trong 7 năm đói kém các con của ông Giacóp cũng phải sang Ai Cập mua lúa mì. Giuse nhận ra các anh, nhưng họ không nhận ra ông. Ông giả vờ không biết họ và nói chuyện với họ qua người thông ngôn. Sau cùng không dằn lòng được nữa ộng tỏ mình ra cho các anh. Giuse gửi qùa cáp về cho cha và gia đình ông Giacóp sang sống bên Ai Cập, được Pharông qúy trọng. Đó là vào khoảng thế kỷ XVI trước công nguyên, khi Ai Cạp do người Hyksos cai trị (1750-1550). Và dân Israel đã sống 400 năm bên Ai Cập.

 2. Thời xuất hành (1300-1250)

      Dân Israel sống 400 năm bên Ai Cập và sinh sôi nảy nở đông đúc khiến cho Pharaông Seti I lo sợ nên ra lệnh sát hại các con trai người Do thái. Khi không giấu được con nữa, bà mẹ ông Môshê bỏ con vào trong một cái thúng rồi bỏ trôi trên sông Nil. Thúng giạt vào nơi công chúa Ai Cập thường xuống tắm sông, và Môshê được công chúa cứu sống, nhận làm con, rồi giao cho chính mẹ của ông đem về nuôi hộ. Sau đó bà đem Môshê lại cho công chúa để công chúa giáo dục ông. Môshê trở thành hoàng tử trong triều đình Ai Cập.

      Hồi đó Pharaông Ramses II bắt dân Do thái làm lụng vất vả để xây thành phố Pi Ramses. Một hôm Môshê đi xem người do thái làm việc. Khi thấy đốc công Ai Cập đánh đập dân mình tàn bạo, ông giết tên cai Ai Cập rồi vùi xác vào cát. Nhưng câu chuyện vỡ lở tới tai Pharaông Ramses II và Pharaông tìm cách giết Moshê. Môshê bỏ trốn vào trong sa mạc và tới sống tại Madian. Tại đây, ông trở thành con rể của tư tế Giêtrô và chăn đoàn vật cho ông. Một hôm khi ông tới núi Horeb trong bán đảo Sinai, Thiên Chúa đã kêu gọi ông lãnh đạo cuộc giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập (Xh 3-15).

      Trong cuộc hành trình qua sa mạc Sinai, dân Israel đói khát kêu ca lẩm bẩm than trách Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho họ nước uống, bánh và thịt để ăn. Nhưng tại Rơphiđim, vì không có nước uống họ lại gây sự với ông Môshê và muốn ném đá ông. Thiên Chúa đã truyền cho ông cầm gậy đập vào tảng đá để vọt nước ra cho dân uống. Nhưng thay vì đập một lần là đủ, ông đã đập hai lần. Vì thế ông và anh ông là thầy cả Aharon bị phạt không được vinh dự dẫn dân Israel vào Đất Hứa (Ds 20,1-13).

      Khi tới gần Đất Hứa, ông Môshê sai ông Giôsuê và một số người khác vào thám thính đất Caaan. Nhưng khi nghe một vài người trong đội thám thính xuyên tạc tường thuật và miêu tả các dân sống trong vùng, con cái Israel lo sợ không muốn vào Đất Hứa. Họ nổi loạn đòi ném đá ông Môshê và bầu một thủ lãnh khác dẫn họ trở về Ai Cập. Giavê Thiên Chúa nổi giận đánh phạt các người xuyên tạc và truyền cho ông Môshê dẫn toàn dân trở vào trong sa mạc, và Người phạt họ lang thang 40 năm trời, để cho thế hệ các người phản loạn chết hết trong sa mạc, và chỉ có con cháu họ đươc vào Đất Hứa mà thôi.

 Trước khi qua đời, ông Môshê đặt tay trên Giôsuê phong Giôsuê làm thủ lãnh thay ông dẫn đưa dân Israel vào Đất Hứa (1230-1220).

 2. Thời các Thủ lãnh (1200-1020)

      Sau khi hoàn tất cuộc vào Đất Hứa, các chi tộc sống hầu như độc lập trong vùng đất của mình. Chỉ khi nào bị đàn áp hay hiểm nguy các chi tộc mới huy động và liên minh với nhau để chống lại các thù địch. Trong suốt thời gian này Thiên Chúa đã chọn các Thủ Lãnh hướng dẫn dân Israel, đặc biệt khi phải chống lại các dân tộc khác đàn áp ước hiếp họ, nhất là người Philitinh. Sách thủ Lãnh kể lại chuyện của 12 Thủ Lãnh trong đó có bà Deborah và ông Samson (Tl 1-16).

      Năm 1050, khi nghe quân Philitinh cướp Hòm Bia Thiên Chúa và hai con đã bị giết, thầy cả Eli té ngửa ra sau, đầu đập vào cạnh cửa giập gáy mà chết. Vào khoảng năm 1040 Samuel được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ kiêm Thủ Lãnh dân Israel.

 3. Thời quân chủ (1030-587)

       Khi Samuel già ông đặt các con ông làm thủ lãnh, nhưng họ ngả theo lợi lộc, nhận qùa hối lộ và làm sai lệch công lý. Vì thế toàn thể các kỳ mục tụ tập nhau lại và xin ông Samuel lập cho họ một vi vua để xét xử và lãnh đạo họ, giống như các dân tộc khác.

      Samuel bất bình, nhưng Thiên Chúa bảo ông cứ nghe lời họ xin, vì họ gạt bỏ Người cứ không gạt bỏ ông. Thiên Chúa cũng truyền cho ông nói cho họ biết các hậu qủa tiêu cực sẽ xẩy ra cho họ và cho con cái của họ, khi sống dưới quyền cai trị của các vua. Nhưng dân chúng không chịu nghe tiếng ông Samuel. Thiên Chúa truyền cho Samuel xức dầu tấn phong Saul làm vua đầu tiên của dân Do thái (1030-1010 trước công nguyên).

      Trong cuộc chiến với người Philitinh vua Saul đã tự ý dâng tế lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa, mà không chờ ngôn sứ Samuel tới để ông làm điều đó. Vì thế, ông sẽ bị phế bỏ và Thiên Chúa sẽ chọn một người khác. Thiên Chúa sai ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương cho Đavít. Tuy nhiên, trong những ngày còn sống Saul được sự trợ giúp của Đavít. Chiến thắng của Đavít trên Goliát đã khiến cho quân Philitinh tán đởm kinh hồn, và từ đó trở đi Đavít là ngôi sao sáng trong triều đình của vua Saul, đánh đâu thắng đó. Nhưng vua Saul ghen tức với Đavít, và mấy lần tìm cách sát hại Đavít, khiến cho Đavít phải bỏ trốn và trở thành thủ lãnh của những người sống ngoài vòng pháp luật (1 Sm 17-24). Có dịp để trả thù và sát hại vua Saul, nhưng Đavít tôn trọng đấng được xức dầu của Thiên Chúa, mà không ra tay hạ sát vua Saul (1 Sm 26). Trong thời gian 2 năm Đavít và các quân binh của ông phục vụ vua Akhis người Philitinh, nhưng các vương hầu Philitinh khác không muốn ông cùng họ đánh nhau với người Do thái, vì sợ ông làm phản.

      Sau khi vua Saul qua đời trong trận đánh tại núi Gilboa năm 1010, Đavít lên làm vua Giuđa và toàn cõi Israel (1010-970 trước công nguyên), đánh đông dẹp bắc và thành lập một vương quốc rộng lớn, khiến cho mọi dân tộc chung quanh phải vị nể (2 Sm 8).

      Năm 972 vua Salomon lên ngôi thế vua cha cai trị vương quốc cho tới năm 933 trước công nguyên, và xây Đền Thờ Giêrusalem nguy nga lộng lẫy trong vòng 4 năm để dâng kính Thiên Chúa (1 V 6,1).

      Sau khi vua Salomon qua đời năm 933 trước công nguyên, vương quốc bị chia đôi thành vương quốc Israel miền Bắc và vương quốc Giuđa miền Nam.

           1) Vương quốc miền Bắc được cai trị bởi 18 vua sau đây:

      Gieroboam I (933-911), Nađáp (911-919), Baesha (910-887) Ela (887-886), Zimri (7 ngày), Omri (886-875) người xây cất thủ đô Samaria, Akhab (875-853), Akhazias (853-852), Gioram (852-841), Giehu (841-814), Gioakhaz (820-803), Gioas (803-787),m Gieroboam II (787-747), Dakharia (747), Shallum (747-746), Menahem (746-737), Pekahya (736-735), Pekah (735-732), Hosea (732-724).

      Ngôn sứ Elia hoạt động dưới thời vua Akhab, ngôn sứ Eliseo hoạt động dưới thời vua Gioram, hai ngôn sứ Amos và Hosea hoạt động dưới thời vua Gieroboam II.

      Năm 722 trước công nguyên vua Sargon II vua Assiria đánh chiếm vương quốc miền Bắc, đốt phá thủ đô Samaria bình địa, và đầy dân Do thái sang Ninive. Vương quốc miền Bắc biến khỏi lịch sử.

           2) Vương quốc Giuđa miền Nam được cai trị bởi các vua:

      Roboam (933-916), Abiyam (915-913), Asa (912-871) Giosaphat (870-846), Gioram (848-841), Akhazias (*41) Athalia (841-835), Gioas (835-796), Amasias (811-782), Azarias (= Ozias 781-740), Giotam (740-735), Akhaz (735-716), Ezekias (716-687), Manasse (687-642), Amon (642-640), Giosias (640-609), Gioakhaz (609), Giogiakim (609-598), Giogiakin (598-597), Sedecias (597-587).

      Ngôn sứ Nakhum hoạt động dưới thời vua Manasse, hai ngôn sứ Sophonia và Giêrệmia hoạt động dưới thời vua Giosias, hai ngôn sứ Giêrêmia và Khabacuc hoạt động dưới thời vua Giogiakim, ngôn sứ Edekien hoạt động dưới thời vua Sedecias.

      Năm 598 trước công nguyên vua Nabucodonosor của Babilonia bao vây thành Giêrusalem; thành đầu hàng, nhà vua và dân Do thái bị đi đầy đợt đầu tiên, trong số các người bị đi đầy có ngôn sứ Edekiel. Năm 589 trước công nguyên vua Sedecias nổi loạn chống đế quốc Babilonia. Năm 587 thành Giêrusalem bị chiếm và Đền Thờ bị đốt phá. Dân Do thái bị đi đầy bên Babilonia đợt thứ hai. Và năm 582-581 bị đi đầy đợt thứ ba.

 4. Thời đế quốc Ba Tư (538-333 trước công nguyên)

      Năm 538 vua Ciro cho phép người Do thái hồi hương dưới sự hướng dẫn của ông Shesbazar. Giữa các năm 520-515 người Do thái tái thiết Đền Thờ Giêrusalem. Hai ngôn sứ Khacgai và Dacaria hoạt động trong thời gian này.

      Năm 458 ông Esdra hoạt động tại Giêrusalem. Năm 445 ông Nehemia hiện diện tại Giêrusalem xúc tiến việc tái thiết tường thành. Năm 432 ông Nehemia hiện diện tại Giêrusalem lần thứ hai và đề ra các cải cách khác nhau.

      Giữa các năm 440-400 cộng đoàn Do thái Palestina liên lạc với các người do thái sống trong vùng Ai Cập Thượng.

      Khoảng năm 400 hoàn thành việc biên soạn toàn bộ Ngũ Thư.

 5. Thời đế quốc Hy Lạp (333-63)

      Năm 333 Aláchxăng Đại đế, con vua Philiphê của Macedonia, bắt đầu đánh chiếm các nước vùng Tiểu Á, Siria, Ai Cập, Ba Tư cho tới biên giới Ấn Độ và thành lập một đế quốc rộng mênh mông. Trước khi qua đời năm 323, ông chia đế quốc cho các tướng lãnh cai trị.

     Nhà Lagid cai trị Ai Cập, nhà Seleucid cai trị Siria và Babilonia. Vào thế kỷ thứ III Thánh Kinh Do thái được dịch ra tiếng Hy Lạp bên Alessandria: đó là bản dịch Septanta hay Bản Dịch Bẩy Mươi viết tắt là LXX. Giữa các năm 320-200 Palestina nằm dưới quyền cai trị của nhà Lagid. Nhưng sau đó giữa các năm 200-142 Palestina nằm dưới quyền cai trị của nhà Seleucid. Chương trình hy lạp hóa Palestina khiến cho dân Do thái gặp rất nhiều khó khăn với các vua nhà Seleucid.

      Năm 167 trước công nguyên, vua Antioco Epifane IV ra sắc lệnh cấm Do thái giáo và dâng kính Đền Thờ Giêrusalem cho thần Zeus. Cuộc bách hại Do thái giáo khiến cho thầy cả Mattathias nổi loạn. Ông và các con cùng các tín hữu trung thành với Lề Luật vùng dậy tổ chức phong trào kháng chiến. Cuộc kháng chiến do Giuđa con của ông lãnh đạo. Năm 164 trước công nguyên quân kháng chiến tái chiếm thành Giêrusalem và thanh tẩy Đền Thờ. Năm 160 Giuđa Macabei tử trận.

      Gionathan anh của Giuđa lên lãnh đạo (160-143) và đánh chiếm mở rộng đất của người Do thái. Gionathan được chỉ định làm thượng Tế năm 152.

      Simon, một người anh khác của Giuđa, tiếp nối sự lãnh đạo của nhà Macabei (143-134).

      Dân Do thái được độc lập (142-63). Gioan Hyrcano con của Simon cai trị giữa các năm 134-104. Aristobulo I con ông cai trị giữa các năm 104-103 lấy tước hiệu là vua. Tiếp đến là Alessandro Janné, em của Aristobulo, cai trị giữa các năm 103-76 trước công nguyên. Rồi tới phiên Alessandra vợ ông cai tri giữa các năm 76-67. Sau đó hai con của Alessandra là Hyrcano II và Aristobulo II tranh giành quyền bính và chức Thượng Tế. Năm 63 trước công nguyên Pompeo tướng Roma đánh chiếm Giêrusalem.

 6. Thời đế quốc Roma (từ năm 63 trở về sau)

      Năm 50 trước công nguyên đất Palestina sống trong rối loạn: Hyrcano II là thượng tế, nhưng tướng Antipater lãnh đạo quốc gia.

     Năm 40 Palestina bị người Parthe xâm lăng. Antigone con vua Aristobulo II là vua và là Thượng tế. Xảy ra các tranh chấp nội bộ giữa các phe phái khác nhau.

      Năm 37 trước công nguyên, Hêrôđê, con vua Antipater, chiếm thành Giêrusalem và cai trị nó cho tới năm thứ 4 trước công nguyên, là năm Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể làm người và chào đời, khai mào công trình cứu độ con người.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH THÁNH KINH CỰU ƯỚC

       Thánh Kinh Cựu Ước đã thành hình từ từ dọc dài 1.000 năm theo các chặng chính sau đây:

 1. Dưới thời vương quốc Giêrusalem (vua Đavít 1010-970, và vua Salomon 972-933 trước công nguyên)

      Vua Salomon đã thừa hưởng được từ vua Đavít một vương quốc rộng lớn, hùng mạnh và thịnh vượng chưa từng thấy trong lịch sử dân Israel. Nhà vua tổ chức triều chính theo kiểu tổ chức của Pharaô Ai Cập với giới ký lục có bổn phận biên chép mọi sự. Bầu khí hòa bình và sự thịnh vượng chính trị, kinh tế cũng giúp cho nền văn hóa nở hoa. Người ta bắt đầu biên soạn các truyền thống. Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại hai tác phẩm bị mất: ”Sách của người công chính”, và ”Sách các cuộc chiến của Giavê”.

      Dưới thời vua Salomon người ta cũng biên soạn: lịch sử Hòm Bia Thánh (1 Sm 2-5) lịch sử kể vị vua Đavít (2 Sm 9-20). Thế rồi người ta cũng thu thập các bài thơ như Thánh thi của Hòm Bia và Điếu văn khóc Abner, chắc chắn là do chính vua Đavít biên soạn (2 Sm 1; 3). Có lẽ vài thánh vịnh và các câu nói, sau này sẽ được gom lại trong sách các Châm Ngôn, cũng đã được sáng tác trong thời này.

      Nhưng nhất là người ta biên soạn Lịch sử thánh của vương quốc Giuđa miền Nam, cũng gọi là Truyền Thống Giavít (viết tắt là J).

 2. Trong thời vương quốc miền Bắc (935-721)

      Sau khi vua Salomon băng hà, vương quốc thống nhất bị chia đôi thành vương quốc Israel miền Bắc, và vương quốc Giuđa miền Nam. Năm 722 trước công nguyên Vương quốc miền Bắc bị vua Sargon II của đế quốc Assiria đánh chiếm. Thủ đô Samaria bị phá hủy và thiêu rụi hoàn toàn.

      Vào thế kỷ thứ IX người ta biên soạn các truyền thống liên quan tới ngôn sứ Elia (1 V 17-19; 21; 2 V 1-2); và vào khoảng năm 750 ”Hạnh ngôn sứ Elidêô” (2 V 3-9) hay các trang đẹp của lịch sử như trình thuật cuộc cách mạng của ông Giêhu (2 V 9-10).

      Một vài lời sấm của ngôn sứ Amos và Hosê cũng được ghi chép. Chắc hẳn vào năm 750 người ta cũng biên soạn Lịch sử vương quốc miềm Bắc, mà chúng ta gọi là Truyền thống Êlôhít (viết tắt là E).

      Sau cùng người ta cũng thu thập các luật lệ để thích ứng luật cũ với tình trạng mới của xã hội. Chúng mang nặng ảnh hưởng sứ điệp của các ngôn sứ, nhất là của ngôn sứ Hosê. Các tập luật lệ này được gọi là Truyền Thống Đệ Nhị Luật (viết tắt là D) và sẽ là nhân tố của sách Đệ Nhị Luật.

 3. Trong thời vương quốc Giuđa (721-587)

      Trước khi vương quốc Israel miền Bắc bị đế quốc Assiria xâm lăng và tàn phá vào năm 722 trước công nguyên, một số thầy Lêvi chạy trốn về Giêrusalem, đem theo các tác phẩm văn chương biên soạn tại miềm Bắc như Lịch sử miền Bắc, tức Truyền Thống Êlôhít, các sưu tập luật lệ, sấm ngôn của các ngôn sứ đã rao giảng tại vương quốc miền Bắc vv… Các Luật Lệ xem ra qúa in dấu tinh thần miền Bắc, vì thế chúng bị ”kỳ thị” và lãng quên trong một thế kỷ, vì bị để nằm mốc meo trong thư viện của Đền Thờ. Năm 622 trước công nguyên, tình cờ trong một lần tu sửa Đền Thờ vua Giosia khám phá ra các Luật Lệ này và dựa trên đó để phát động cuộc canh cải tôn giáo. Một số các ký lục bắt đầu trộn lẫn hai tài liệu với nhau: Lịch sử miềm Nam hay Truyền Thống Giavít và Lịch sử miền Bắc hay Truyền Thống Êlôhít, và làm thành một tài liệu thứ ba gọi là Truyền Thống Giêhôvít (viết tắt là JE). Việc hòa nhập hai truyền thống khéo đến độ khó có thể phân biệt được chúng trong văn bản Giêhôvít. Nó là gia tài chung của các chi tộc miền Bắc và miền Nam.

      Cuộc cải các tôn giáo do vua Giôsia phát động sẽ đưa ra ánh sáng các Luật Lệ bắt nguồn từ miền Bắc. Chúng sẽ được bổ túc và trở thành sách Đệ Nhị Luật.

      Dưới ánh sáng giáo huấn của sách Đệ Nhị Luật người ta bắt đầu tổ chức các truyền thống liên quan tới Giôsuê, các Thủ Lãnh, Samuel và các Vua. Được biên soạn lại các sách này sẽ trở thành một minh giải bằng hình những gì soạn giả Đệ Nhị Luật tìm diễn tả bằng các diễn văn.

      Sau cùng người ta cũng biên chép ra các sấm ngôn của các ngôn sứ: Xôphônia, Nakhum, Habakkúc, Giêrêmia. Nhiều Thánh Vịnh chắc chắn đã được sáng tác trong thời gian này, trong khi các nhà khôn ngoan tiếp tục các suy tư của họ liên quan tới nhiều vấn đề cuộc sống, đặc biệt về cái chết của vua Giôsia.

 4. Trong thời lưu đầy bên Babilonia (587-538)

      Năm 587 trước công nguyên Nabucodonosor vua Babilonia thống lãnh đại binh tiến đánh vương quốc Giuđa, triệt hạ Giêrusalem và đốt phá bình địa Đền Thờ và thành thánh. Dân Do thái mất hết mọi sự bị đầy sang Babilonia và chỉ còn lại các Truyền Thống. Vì thế họ đọc lại các Truyền Thống đó với tất cả sự đam mê. Hai ngôn sứ Êdêkien và Isaia II đã rao giảng trong thời gian này, một vị vào ban đầu vị kia vào cuối thời lưu đầy.

      Các tư tế thu thập các luật lệ đã biên soạn tại Giêrusalem vào cuối thời vương quốc Giuđa: Luật lệ sự thánh thiện (Lv 17-26). Được khai triển sau thời lưu đầy nó sẽ trở thành sách Lêvi.

      Để nâng đỡ niềm tin và lòng hy vọng của dân Israel, một lần nữa các tư tế tìm dẫn đưa họ trở về nguồn. Việc đọc lại lịch sử này được gọi là Truyền Thống Tư Tế và là truyền thống thứ 4 làm thành chất liệu của Bộ Ngũ Thư hay Ngũ Kinh, tức 5 cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước. Như thế các yếu tố của Bộ Ngữ Thư đã sẵn sàng, chỉ cần thu thập chúng vào một tác phẩm duy nhất. Điều này sẽ được thực hiện vào năm 400 trước công nguyên.

      Các tai ương, khổ đau khốn khó phải chịu cũng như việc tiếp xúc trước hết với tư tưởng Babilonia và sau đó với tư tưởng Ba Tư, sẽ dẫn đưa các nhà khôn ngoan tới chỗ đào sâu suy tư về các vấn đề cuộc sống con người. Sự kiện này sẽ dẫn đưa tới chỗ biên soạn các tác phẩm như sách ông Gióp trong các thế kỷ sau thời lưu đầy.

      Một cách dễ dàng người ta cũng có thể tưởng tượng được rằng lời cầu nguyện của các tín hữu cũng sẽ có một giọng điệu khác. Một Thánh Vịnh, chẳng hạn thánh vịnh 137 hay 44; 80; 89 có thể nảy sinh ra như lời kêu cầu lên Thiên Chúa tín trung. Tại Giêrusalem, một số tín hữu Do thái không bị đi đầy đã than van khóc lóc với các lời được thu góp trong sách Ai Ca, được gán một cách sai lầm cho ngôn sứ Giêrêmia.

  5. Trong thời thống trị của đế quốc Ba Tư (538-333)

      Năm 538 vua Ciro ký sắc lệnh cho dân Do thái hồi hương chấm dứt 50 năm lưu đầy bên Babilonia. Trong thời gian này có nhiều ngôn sứ đã rao giảng như: Khácgai, Dacaria, Malakhi, Ôvađia, và nhất là Isaia III.

      Nhưng nhất là thời đại này bị ảnh hưởng của các ký lục và các nhà khôn ngoan. Các ký lục như Étra đọc lại các tác phẩm và thu thập chúng lại như bộ Ngũ Thư, hay bổ túc chúng như các sách Sử Biên, Étra, Nơkhêmia.

      Các nhà khôn ngoan cũng thu thập các suy tư đã có từ trước và bắt đầu biên soạn các tác phẩm lớn như sách Rút, Giôna, Châm Ngôn, Gióp.

       Các Thánh Vịnh bắt đầu được hiệp nhất thành các tập và mau chóng trở thành sách Thánh Vịnh.

 6. Dưới thời đô hộ của Người Ky Lạp (333-63) và của người Roma (từ sau năm 63 trước công nguyên)

      Năm 333 Aláchxăng Đại đế bắt đầu đánh chiếm khắp nơi và thành lập một đế rộng mênh mông trải đài từ Ai Cập sang toàn vùng Medopotamia cho tới sát biên giới Ấn Độ. Năm 63 trước công nguyên Pompeo thống lĩnh đạo binh Roma đánh chiếm Palestina. Sau khi nằm đưới ách thống trị của đế quốc Hy Lạp, nước Palestina rơi vào tay đế quốc Roma.

      Trong thời gian này có ngôn sứ Dacaria II rao giảng. Tiến trình hy lạp hóa Palestina khơi dậy các phản ứng khác nhau phò hay chống. Các tác phẩm của nền văn chương khôn ngoan được sáng tác trong thời gian này như các sách: Giảng Viên (Qohelet), Huấn Ca (Ben Sira), Tobia, Diễm Ca, Barúc, Khôn Ngoan. Thánh Kinh Do thái được dịch ra tiếng Hy Lạp tại Alessandria bên Ai Cập, gọi là bản dịch Hy Lạp Bẩy Mươi (viết tắt LXX).

      Các cuộc bách hại người Do thái do vua Antioco IV Epifane phát động năm 167 trước công nguyên làm nảy sinh ra nền văn chương kháng chiến với các tác phẩm như: sách Étte, Giuđitha, Macabê I-II. Nó cũng khiến cho một trào lưu văn chương, thần học phát triển với một loại văn thể đặc biệt là trào lưu khải huyền. Tác phẩm điển hình nhất là sách ngôn sứ Đanien.

      Các Thánh Vịnh cuối cùng được sáng tác và làm thành sách Thánh Vịnh.

      Trong lịch sử hình thành kéo dài 1.000 năm đó tác phẩm cuối cùng của Thánh Kinh Cựu Ước là sách Khôn Ngoan, được biên soạn ra vào năm 50 trước công nguyên.

      Tuy nhiên, nhiều chất liệu của Thánh Kinh Cựu Ước đã có từ nhiều thế kỷ trước và đã hiện hữu trong truyền thống chuyềm miệng và các anh hùng ca. Các biến cố, các câu chuyên hay giai thoại được kể lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các chi tộc. Chẳng hạn như cuộc đời của các tổ phụ (St 12-50), hay biến cố xuất hành, cuộc giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, lịch sử đánh chiếm Đất Hứa, những chuyện xảy ra thời các thủ lãnh, các luật lệ vv… Tất cả là các chất liệu đã có từ thế kỷ XIX tới thế kỷ XI trước công nguyên, đa số trong hình thái chuyền miệng, và nói chung đã được biên soạn ra sau đó, bắt đầu từ thời quân chủ, đặc biệt dưới triều đại của vua Salomon.

III. CÁC VĂN THỂ TRONG THÁNH KINH

       Để kể lại lịch sử hay miêu tả các kinh nghiệm của Israel dân được tuyển chọn, các soạn giả kinh thánh dùng nhiều văn thể khác nhau.

      Văn thể là các kiểu diễn tả khác nhau nhằm kể lại các biến cố hay miêu tả các thực tại. Chẳng hạn khi kể lại bệnh tình của một người thân cho một bác sĩ hay cho một nhân viên của văn phòng bảo hiểm sức khỏe, chúng ta dùng các giọng văn khác nhau. Và khi kể, chúng ta cũng dùng các giọng điệu khác nhau tùy theo mức độ thân quen với vị bác sĩ hay nhân viên bảo hiểm sức khỏe. Thế rồi việc kể lại đó cũng còn tùy thuộc tình trạng của người bệnh đang giở sống giở chết hay đã khỏi bệnh nữa vv…

      Tiến sâu hơn một chút, các kiểu trình bầy sự vật hay các văn thể tương ứng với các nhu cầu khác nhau trong cuộc sống của một nhóm người. Mỗi nhóm xã hội đều có một số văn bản nào đó. Thí dụ một hiệp hội câu cá có nội quy riêng đưa ra các điều luật của hội mà mọi thành viên đều phải tuân giữ (nội quy là văn bản có tính cách luật pháp). Thế rồi hội cũng có các khẩu hiệu hay các câu ngắn gọn đánh động tiêu biểu (Hãy di nghỉ hè và câu cá!”), các giai thoại câu cá hi hữu, được thêm mắm thêm muối, thêu thùa, phóng đại trở thành một loại ”anh hùng ca” của hội, trong đó người ta kể lại vụ câu một con kình ngư, hay một con cá mập, hoặc vụ đuổi theo một con cá gươm, như là một cuộc mạo hiểm với các tình tiết nguy hiểm, kỳ bí hấp dẫn đến độ mọi người ta phải há miệng ra mà nghe vv… Ngoài ra, hội còn tổ chức các buổi tranh giải, các lễ kỷ niệm, các buổi gặp gỡ, các bữa tiệc vui vv…

      Như thế, để hiện hữu, mỗi xã hội, mỗi hiệp hội đều tạo ra một nền văn chương riêng. Một dân tộc có các luật lệ, các biến cố và trình thuật lich sử, các buổi lễ, các kỷ niệm, các anh hùng ca, các bài thơ phú, cũng như các bài hát riêng của mình.

 1. Các câu chuyện

      Cần phải nhớ lại qúa khứ và trao ban cho mọi người một tâm thức chung. Chính khi nghe các bô lão kể chuyện mà người ta ý thức được mình thuộc về một gia đình, một chi tộc, một chủng tộc, một vùng miền, một quốc gia. Các câu chuyện kể lại cuộc đời các tổ phụ trong sách Sáng Thế thuộc loại này.

2. Anh hùng ca

      Anh hùng ca cũng là một văn thể kể lại những chuyện qúa khứ, nhưng với mục đích khơi dậy lòng hăng say, hãnh diện và ca ngợi các vị anh hùng của dân tộc, vì thế chúng thường được thêu dệt bằng nhiều chi tiết đặc biệt hay đẹp, đáng khâm phục. Nhiều trang trong sách Xuất Hành và đặc biệt sách Thủ Lãnh thuộc loại này.

3. Các luật lệ

      Các luật lệ giúp tổ chức cuộc sống chung của một dân tộc. Tất cả các văn bản nói về luật lệ trong sách Xuất Hành, Lêvi, đặc biệt là Đệ Nhị Luật đều thuộc loại văn thể này.

4. Phụng vụ, các việc cử hành, các lễ nghi

      Chúng diễn tả cuộc sống chung của một dân tộc, chẳng hạn các hiến tế, các bữa ăn trong một ngày lễ nối kết và gắn chặt các liên hệ trong gia tộc. Như là các hành động tôn giáo chúng biểu lộ tương quan của con người với Thiên Chúa. Sách Lêvi và sách Đệ Nhị Luật thuộc loại này.

5. Các bài thơ, các thánh thi và thánh vịnh

      Chúng diễn tả các tâm tình đức tin của dân Chúa. Tín hữu cầu nguyện với Thiên Chúa, giải bầy các ưu tư, lo lắng, phiền muộn, khổ đau, hay nỗi vui sướng, hạnh phúc, hoặc tâm tình tri ân cảm mến đối với Thiên Chúa, hay sự uất ức trước các bất công tàn ác ủa con người, và đôi khi cả lời nguyền rủa thù địch và giao phó chúng cho sự công thẳng của Thiên Chúa.

6. Các sấm ngôn

      Đây là văn thể các ngôn sứ thường dùng. Chúng là các lời phán trang trọng của Thiên Chúa nhằm tố cáo các tội lỗi và cung cách sống phản bội của dân Israel, mời gọi họ bỏ đường tội lỗi để ăn năn hoán cải, trở về với Ngài, hay những lời đe dọa đánh phạt tội lỗi của họ, hoặc các khích lệ họ sống thánh thiện tốt lành.

 7. Giáo huấn

      Đây là văn thể thông thường của các ngôn sứ, của hàng tư tế. Nó thường được trình bầy trong hình thái dậy dỗ, nhưng cả trong các trình thuật và các câu chuyện hay các dụ ngôn nữa.

 8. Các suy tư khôn ngoan

      Các suy tư khôn ngoan liên quan tới các vấn nạn ngàn đời của con người như: tại sao có sự sống, cái chết, sự dữ và khổ đau vv… Đây là các đề tài được các sách khôn ngoan của Thánh Kinh nói tới.

 9. Huyền thoại

      Huyền thoại là một văn thể có tính cách khôn ngoan, đặc biệt phong phú và sâu sắc. Nó không phải là sản phẩm của óc tượng tượng, chống đối tôn giáo hay phản lịch sử, mà nó là một khả năng nắm bắt được một cách trực giác các thực tại tôn giáo, vô hình và siêu việt.

      Mười một chương đầu sách Sáng Thế chứa đựng rất nhiều yếu tố huyền thoại là kiểu diễn tả chung của các dân tộc vùng Trung Đông Cổ ngày xưa như hình ảnh cặp vợ chồng Adam Eva, vườn Eden hay vườn Địa Đàng, con Rắn, lụt hồng thủy, tháp Babel vv… Các soạn giả kinh thánh lấy lại các hình ảnh biểu tượng, các kiểu diễn tả chung của các dân tộc khác và sử dụng chúng cho các trình thuật của mình, nhưng thanh tẩy chúng khỏi quan niệm đa thần và trao ban cho chúng sứ điệp thần học.

     Mỗi kiểu diễn tả, mỗi loại văn thể, có sự thật của nó. Chúng ta không thể trách chuyện bằng hình Asterix là không chính xác như một cuốn sách lịch sử. Cũng thế, không được đọc trình thuật tạo dựng trong chương 1 và chương 2 sách Sáng Thế như một khảo luận khoa học nhằm giải thích nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc con người. Chương 1 là một bai thơ phụng vụ. Chương 2 là một câu chuyện. Cũng không được đọc trình thuật dân Do thái vượt qua Biển Đỏ sách Xuất Hành chương 14 như là một bài phóng sự trực tiếp biến cố xảy ra, vì nó là một anh hùng ca.

      Như thế, mỗi lần có thể, đều phải hỏi xem văn bản chúng ta đang đọc có văn thể nào và đâu là loại sự thật mà nó muốn nhắn gửi chúng ta.

       Linh mục Giuse Linh Tiến Khải

 

by Tháng Mười Hai 29, 2012 2 comments Tâm Linh, Thánh Kinh Cựu Ước
Lịch sử Thánh Kinh 2

Lịch sử Thánh Kinh 2

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/12/bibbia.jpg

THÁNH KINH: MỘT CUỐN SÁCH HAY MỘT THƯ VIỆN? (2)

  Khi nói tới Thánh Kinh, chúng ta thường chỉ nghĩ tới một cuốn sách. Nhưng thật ra, Thánh Kinh là một thư viện, vì nó bao gồm 73 tác phẩm khác nhau, do nhiều soạn giả biên soạn, trong các thời đại khác nhau, với các sứ điệp nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của dân Israel. Còn hơn thế nữa, Thánh Kinh là cả một thế giới cần được khám phá, tìm hiểu và đào sâu. Lý do là vì nó không chỉ liên quan tới dân Israel, mà cũng liên quan tới các dân tộc khác sống trong vùng Trung Đông Cổ, mà các học giả gọi là ”Nửa vành trăng phì nhiêu”, chạy từ Ai Cập cho tới vùng Mêdôpôtamia, tức vùng Lưỡng Hà hay Iran và Irak ngày nay.

  I. THÁNH KINH LÀ MỘT THƯ VIỆN

 1. Tên gọi

  Thánh Kinh (Bibbia tiếng Latinh và tiếng Ý, Bible tiếng Pháp và tiếng Anh, Bibel tiếng Đức, Biblia tiếng Tây Ban Nha vv… ) bắt nguồn từ chữ hy lạp ”biblia”, số nhiều của từ trung tính ”biblion”, có nghĩa là cuốn sách nhỏ, là từ giảm thiểu của từ ”biblos” là cuốn sách. Như thế Thánh Kinh ”Biblia” có nghĩa là ”các cuốn sách nhỏ”. Thật thế, vì các sách dài nhất của Thánh Kinh, thí dụ như sách ngôn sứ Isaia có 66 chương, cũng không thể so sánh với các sách tiểu thuyết ngắn nhất trong nền văn chương Italia thuôc thế kỷ XX. Dịch ra tiếng Latinh từ ”Biblia” trở thành giống cái số ít ”Bibbia”.

 Hơn là một cuốn sách, Thánh Kinh là một thư viện bao gồm nhiều tác phẩm, rất khác nhau, và chia thành hai cuốn lớn: Thánh Kinh Cựu Ước dài gồm 46 tác phẩm, viết tắt là AT (Antico Testamento tiếng Ý, Ancien Testament tiếng Pháp) hay OT (Old Testament tiếng Anh); và Thánh Kinh Tân Ước ngắn hơn gồm 27 tác phẩm, viết tắt là NT (Nuovo Testamento tiếng Ý, Nouveau Testament tiếng Pháp, New Testament tiếng Anh).

 Từ ”Testamento” không có nghĩa ”di chúc” như trong từ vựng của chúng ta ngày nay, nhưng là từ bắt chước từ ”Testamentum” tiếng Latinh, dịch từ do thái ”berith”, ”giao ước ”, hay hiệp ước, công ước, khế ước hoặc giao kèo giữa hai bên, ở đây là giữa Thiên Chúa và dân Israel. Như thế Thánh Kinh là các sách nói về giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Israel qua trung gian ông Môshê trong thời Cựu Ước, và đã thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô trong thời Tân Ước.

 Thánh Kinh thường được gọi là ”la Scrittura” Sách, ”le Scritture” Các Sách (Rm 15,4; Ga 10,34-36), hay ”le Sacre Scritture” Các Sách Thánh. Đây là điều quan trọng và ít nhất nó có hai nghĩa hay ám chỉ hai điều: đây là Lời Chúa đã được viết ra thành văn bản; như vậy, có thể có một Lời Chúa không được viết ra. Đàng khác, điều đối với chúng ta là Lời Chúa là các bút tích chứ không phải các biến cố hay các lời đã được nói ra trước khi được biên soạn thành văn bản. Đây là vấn đề của truyền thống viết và truyền thống chuyền miệng, mà chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu.

  2. Các sách

  Phần thứ nhất của Thánh Kinh là Thánh Kinh Cựu Ước chung cho tín hữu do thái cũng như tín hữu kitô.

 Các tín hữu do thái, được các tín hữu tin lành theo, chỉ thừa nhân các sách đã được biên soạn bằng tiếng do thái, tức 39 cuốn. Trong khi các tín hữu công giáo thừa nhận 7 cuốn khác được biên soạn bằng tiếng hy lạp. Đó là các sách: Giuđitha, Tobia, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và Thư Giêrêmia.

 Các tín hữu tin lành gọi 7 cuốn này là ”apocrifi” và các tín hữu công giáo gọi chúng là ”deuterocanonici”.

  Từ ”canone” có nghĩa là ”quy luật”. Một cuốn sách được gọi là ”canonico” ”hợp quy”, nếu đựơc thừa nhận như là quy luật đức tin. Quy luật các sách thánh là danh sách các tác phẩm được thừa nhận như là luật đức tin. Tuy nhiên, phải chú ý tới hai danh sách khác nhau. Cho tới thế kỷ thứ I trước công nguyên, các tín hữu do thái đã không đặt vấn đề liên quan tới 7 tác phẩm biên soạn bằng tiếng hy lạp nói trên. Nhưng vào năm 90 sau công nguyên các rabbi sống tại Palestina đã nhóm Công Nghị tại Jamnia, và dưới ảnh hưởng của phe bảo thủ mạnh hơn, họ chỉ thừa nhận các sách được biên soạn bằng tiếng do thái.

 Các tín hữu kitô đọc Thánh Kinh tiếng hy lạp theo danh sách của tín hữu do thái sống tại Alessandria bên Ai Cập, nơi Thánh Kinh do thái đã được dịch ra tiếng hy lạp gọi là Bản Dịch Bẩy Mươi hay Thánh Kinh hy lạp LXX. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ thứ V khi dịch Thánh Kinh Do thái ra tiếng Latinh, gọi là bản Vulgata thánh Girolamo đã theo danh sách Thánh Kinh Do thái.

 Trong thời Cải Cách hồi thế kỷ XVI, các tín hữu tin lành theo thánh Girolamo và in 7 tác phẩm Thánh Kinh Cựu Ước nói trên vào cuối sách và gọi chúng là ”apocrifi”, ”apocryphos” trong tiếng hy lạp có nghĩa là ”bị giấu đi”, ”bí mật ”. Nhưng trong các ấn bản thuộc thế kỷ XIX các tác phẩm này bị loại bỏ luôn khỏi Thánh Kinh Tin lành.

 Trong Công Đồng Chung Trento, tín hữu công giáo thừa nhận 7 tác phẩm kể trên (Giuđitha, Tobia, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và Thư Giêrêmia) là được linh hứng giống như các sách khác của Thánh Kinh Cựu Ước, và gọi chúng là các sách ”deuterocanonici”, nghĩa là được chấp nhận trong danh sách hợp quy đợt hai.

 Thánh Kinh Tân Ước giống nhau đối với tất cả mọi kitô hữu và gồm 27 tác phẩm.

 Như thế, ”thư viện kitô” hay Thánh Kinh Kitô gồm 66 (Tin Lành) hay 73 (Công Giáo) tác phẩm, đã được liệt kê trong các danh sách cổ xưa, chẳng hạn như danh sách của Công Đồng Phi châu nhóm tại thành phố Ippona năm 393 sau công nguyên, danh sách Công Đồng nhóm tại thành phố Cartagine năm 397 và 419.

  3. Việc sắp xếp các tác phẩm

  Việc sắp xếp thứ tự các tác phầm của Thánh Kinh Tân Ước giống nhau trong mọi sách Thánh Kinh. Trái lại, đối với Thánh Kinh Cựu Ước có hai loại sắp xếp.

  Thánh Kinh Do thái gồm 3 phần:

 1) Torah hay Lề Luật (chúng ta gọi là Pentateuco Ngũ Thư hay Ngũ Kinh) bao gồm 5 cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước. Người Do thái lấy từ đầu tiên hay một từ trong câu đầu tiên để gọi tên sách

 1/ Bereshit (Từ khởi nguyên: Sáng Thế ); 2/ Shemốt (Các tên: Xuất Hành); 3/ Wayiqra (Và người gọi: Lêvi); 4/ Bemidbar (Trong sa mạc: Dân Số); 5/ Debarim (Các lời: Đệ Nhị Luật).

  2) Nebiim hay Ngôn Sứ , chia thành hai nhóm:

 các ngôn sứ trước (profeti anteriori) mà chúng ta gọi là các sách ”Sử Ký” và

các ngôn sứ sau (Profeti posteriori)

 – Nebiim rishonim (Các ngôn sứ trước: các Sách Sử Ký)

 6/ Yehoshua (Giôsua); 7/ Shofetim (Các Thủ Lãnh); 8/ Samuel (Samuel I-II); 9/ Sefer malchim (sách Các Vua I-II);

 – Nebiim aharonim (Các ngôn sứ sau: các Sách Ngôn Sứ)

 10/ Yeshaiyahu (Isaia); 11/ Yirmeyahu (Giêrêmia); 12/ Yekhezeqel (Êdêkien) 13/ Hoshea (Hôsê); 14/ Yoel (Giôen); 15/ Amos (Amốt); 16/ Obadiya (Ôvađia); 17/ Yonah Giôna); 18/ Mikah (Mika); 19/ Nakhum (Nahum); 20/ Khabaqquq (Khabacúc); 21/ Zephanyah (Xôphônia): 22/ Khaggay (Khácgai); 23/ Zekaryah (Dacaria); 24/ Malaki (Malakhi).

  3) Ketubim hay các Sách khác

  25/ Tehillim (Thánh Vịnh); 26/ Iob (Gióp); 27/ Mishley (Châm Ngôn); 29/ Shir hashirim (Diễm Ca); 30/ Kohelet (Giảng Viên); 31/ Ester (Étte); 32/ Daniel (Đanien); 33/ Ezra (Étra); Nekhemyah (Nơkhemia); 34/ Debarey hayomim I-II (Sử Biên I-II).

  Tín hũu do thái lấy ba chữ đầu tiên của ba nhóm sách nói trên (Torah, Nebiim, Ketubim) ghép lại với nhau thành từ Tanakh để gọi Thánh Kinh Do thái ”ha Tanakh”.

 Bản dịch Thánh Kinh đại Kết tiếng Pháp (TOB) theo kiểu sắp xếp này của Thánh Kinh Do thái, và để vào cuối 7 tác phẩm chỉ được các kitô hữu thừa nhận.

 Đa số các bản dịch Thánh Kinh khác đều theo cách sắp xếp của Bản dịch Thánh Kinh Hy lạp Bẩy Mươi, là Bản Thánh Kinh tín hữu Do thái Alessandria bên Ai Cập dùng, theo đó các sách được chia thành 4 nhóm: Ngũ Thư hay Ngũ Kinh, các Sách Sử Ký, các Sách Khôn Ngoan và Thơ Phú, các Sách Ngôn Sứ.

  4. Các thứ tiếng

  Thánh Kinh Cựu Ước được biên soạn bằng tiếng do thái và có vài đoạn bằng tiếng aramây. Hai thứ tiếng này (cũng như tiếng A rập) chỉ được viết với các phụ âm. Người đọc phải thêm các nguyên âm vào theo nghĩa họ hiểu. Bắt đầu từ thế kỷ thứ VII một số các hiền nhân do thái gọi là ”masoreti” đã thêm các phụ âm vào bên trên hay bên dưới các nguyên âm của văn bản để duy trì ý nghĩa chính xác của nó. Đây là lý do tại sao đôi khi người ta gọi bản văn kinh thánh do thái là ”Bản văn Masoretico”.

  Thánh Kinh Cựu Ước đã được dịch ra tiếng hy lạp bắt đầu vào thế kỷ thứ III trước công nguyên tại Alessandria bên Ai Cập. Theo truyền thuyết đã có 70 ký lục dịch Thánh Kinh do thái ra tiếng hy lạp. Họ làm việc riêng rẽ, nhưng bản dịch của họ lại giống nhau. Ý nghĩa của truyền thuyết này quan trọng: nó có nghĩa là một bản dịch như thế chỉ có thể được linh hứng bởi Thiên Chúa. Chính vì vậy bản dịch này được gọi là Bản Dịch của Bẩy Mươi Ký lục (la traduzione dei Settanta) hay Bản Dịch Bẩy Mươi (La Settanta), viết tắt là LXX.

 Cũng có các bản dịch hy lạp khác như các bản dịch của Aquila, của Simmaco, của Teodozione.

 Thánh Kinh Tân Ước đã được biên soạn bằng tiếng hy lạp, loại hy lạp bình dân được nói thời đó, không còn tương đương với tiếng hy lạp cổ điển nữa. Nó được gọi là tiếng hy lạp ”koine”, ”chung, thông dụng, thông thường”.

 Các chuyên viên dịch Thánh Kinh từ bản văn gốc, nghĩa là từ tiếng do thái cho các sách Thánh Kinh Cựu Ước, và từ tiếng hy lạp cho các sách Thánh Kinh Tân Ước.

 Trong số các bản dịch Thánh Kinh cổ xưa phải kể tới Bản dịch tiếng Siriac, tiếng Copte (tức ngôn ngữ cổ ai Cập) và tiếng Latinh. Bản văn Latinh cổ có trước thời thánh Girolamo gọi là Bản Vetus Latina . Trong khi bản văn Latinh do thánh Girolamo dịch gọi là Bản Vulgata . Hồi cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ thứ V thánh Girolamo đã sống trong một phòng gần hang đá Bếtlêhem để hoàn thành bản dịch Latinh phổ thông này.

  5. Cách phân chia thành chương và câu

  Để dễ tìm và trích các bản văn kinh thánh năm 1226 Đức Hồng Y Stephen Langton (1150-1228), Tổng Giám Mục Cantebury, Anh quốc, nảy ra ý tưởng chia các sách Thánh Kinh thành các chương. Sau đó năm 1551 nhà ấn loát Robert Etienne, người Pháp, chia các chương thành các câu.

 Tuy việc phân chia các sách kinh thánh thành các chương và câu không luôn luôn tương xứng với ý nghĩa của văn bản, nhưng nó rất thực tế và ích lợi, nên mọi ấn bản kinh thánh đều sử dụng. Như thế, để tìm một văn bản kinh thánh chỉ cần nói tên sách, chương và câu là có thể tìm ra ngay.

  – Trước hết là tên sách viết tắt, rồi số đầu tiên là chương, số theo sau là câu. Thí dụ: St 1,2 có nghĩa là sách Sáng Thế chương 1 câu 2; Đnl 30,11-14 có nghĩa là sách Đệ Nhị Luật chương 30 câu 11 tới 14.

 – Nếu muốn trích nhiều chương thì để một gạch nối giữa các chương. Thí dụ Xh 3-5; 6-13 có nghĩa là sách Xuất Hành chương 3 tới chương 5 và chương 6 tới chương 13.

 – Nếu muốn trích dẫn nhiều câu khác nhau trong cùng một chương, thì để gạch nối giữa các câu liền nhau, và để một chấm cho câu tiếp theo. Thí dụ Tv 37,1-2.8-10.12.14 có nghĩa là Thánh vịnh 37 các câu 1 tới 2, 8 tới 10, và các câu 12 và 14.

 – Nếu muốn trích dẫn một văn bản với các câu chính xác gồm nhiều chương khác nhau thì để một gạch ở giữa. Thí dụ Is 52,13-53,12 có nghĩa là sách ngôn sứ Isaia chương 52 câu 13 cho tới chương 53 câu 12.

 – Nếu muốn trích một văn bản với các câu tiếp theo thì viết tt. Thí dụ St 2,4-6.8; 3,5 tt.; 4,1-6,8 có nghĩa là sách Sáng Thế chương 2 các câu từ 4 tới 6, câu 8; chương 3 câu 5 và tiếp theo; chương 4 câu 1 tới chương 6 câu 8.

  II. DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM KINH THÁNH, NỘI DUNG VÀ THỜI GIAN BIÊN SOẠN

  Sau đây là danh sách theo các ấn bản Thánh Kinh Công Giáo. Tuy chưa phải là danh sách lý tưởng chính xác, nhưng để cho thống nhất, tên các sách và kiểu viết tắt được lấy theo bản dịch Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước của Nhóm phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ.

  1. Thánh Kinh Cựu Ước

 1) Ngũ Thư hay Ngũ Kinh:

  1/ Sáng Thế (St): bao gồm các trình thuật tiền lịch sử tạo dựng vũ trụ và loài người và lịch sử các tổ phụ từ đầu cho tới khoảng năm 1.700 trước công nguyên.

 2/ Xuất Hành (Xh): gồm các trình thật cuộc giải phóng dân Israel khỏi Ai Cập và các luật lệ khoảng năm 1.250 trước công nguyên.

 3/ Lêvi (Lv): thu thập các luật lệ hướng đẫn cuộc sống của dân Israel

 4/ Dân Số (Ds): gồm các trình thuật lịch sử và luật lệ các thuộc các năm 1.250-1.200 trước công nguyên.

 5/ Đệ Nhị Luật (Đnl): gồm các luật lệ giao thoa với lịch sử.

 Bộ Ngữ thư bao gồm chất liệu do 4 truyền thống Giavít, Êlôhít, Đệ Nhị Luật và Tư Tế biên soạn trong các thế kỷ IX-V trước công nguyên. Bốn truyền thống này được viết tắt là: J, E, D, P (Priestercodex).

  2) Các sách Sử Ký:

  1/ Giôsuê (Gs): kể lại cuộc đánh chiếm Đất Hứa Canaan năm 1.200 trước công nguyên.

2/ Thủ Lãnh (Tl): kể lại cuộc định cư trong đất Canaan giữa các năm 1.200-1.000. Lần biên soạn cuối cùng trong các thế kỷ VI-IV trước công nguyên.

 3) Rút (R): chuyện bình dân

 4/ Samuel I (1 Sm): kể lại lịch sử của thủ lãnh và ngôn sứ Samuel, khởi đầu chế độ quân chủ với vua Saul năm 1.050 trước công nguyên.

 5/ Samuel II (2 Sm): các trình thuật đời vua Đavít năm 1.000 trước công nguyên. Nhân tố quan trọng nhất thuộc thế kỷ X, nhưng việc biên soạn cuối cùng thuộc thế kỷ VI trước công nguyên.

 6/ Các Vua I (1 V): trình thuật cuộc đời vua Salomon và các vua kế vị.

 7/ Các Vua II (2 V): trình thuật lịch sử các vua của vương quốc Israel miền Bắc và vương quốc Giuđa miền Nam cho tới thời lưu đầy, tức các năm 930-587 trước công nguyên. Chúng được biên soạn hồi thế kỷ VI, nhưng dùng các tài liệu cổ xưa hơn.

 8/ Sử Biên I-II (1 Sb; 2 Sb): bao gồm lịch sử từ thời Ađam cho tới sắc lệnh Vua Ciro ký năm 538 trước công nguyên cho phép dân Israel bị đầy bên Babilonia hồi hương. Chúng được biên soạn trong các thế kỷ V-IV trước công nguyên.

 9/ Étra (Er): trình thuật biến cố hồi hương từ Babilonia, năm 530.

 10/ Nơkhêmia (Nk): trình thuật việc tái thiết thành Giêrusalem và Đền Thờ sau khi dân Israel hồi hương (537-398 trước công nguyên). Chúng được biên soạn trong các thế kỷ V-IV trước công nguyên.

 11/ Tôbia (Tb): chuyện bình dân

 12/ Giuđitha (Gd): chuyện bình dân

 13/ Étte (Et): tiểu thuyết lich sử, được biên soạn giữa các thế kỷ IV-II trước công nguyên.

 14/ Macabê I-II (1 Mcb; 2 Mcb): trình thuật chiến tranh giành độc lập do nhà Macabê khởi xướng và lãnh đạo (các năm 175-134; 180-160) được biên soạn giữa các năm 135-63 trước công nguyên.

  3) Các sách Khôn Ngoan và Thơ Phú:

  1/ Gióp (G): đề cập tới vấn đề khổ đau của người công chính, được biên soạn hồi thế kỷ thứ V trước công nguyên.

 2/ Các Thánh Vịnh (Tv): gồm 150 sáng tác thơ thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, một số rất cổ xưa, và việc biên soạn vĩnh viễn hoàn thành trước thế kỷ thứ IV trước công nguyên.

 3/ Châm Ngôn (Cn): đa số thuộc các thế kỷ VIII-VII trước công nguyên, nhưng một số được thêm vào sau này.

 4/ Giảng Viên (Gv): được biên soạn giữa các thế kỷ IV-III trước công nguyên.

 5/ Diễm Ca (Dc): thi ca trữ tình thuộc thế kỷ V-IV trước công nguyên.

 6/ Khôn Ngoan (Kn): do một tín hữu do thái biên soạn tại Alessandria bên Ai Cập khoảng năm 50 trước công nguyên.

 7/ Huấn Ca (Hc): của ông Giêsu con Sirak biên soạn vào thế kỷ thứ II trước công nguyên.

  4) Các Sách Ngôn Sứ

  1/ Isaia (Is): phần I (các chương 1-39) của ngôn sứ Isaia thuộc thế kỷ thứ VIII trước công nguyên; phần II (các chương 40-55) và phần III (các chương 56-66) là của các môn sinh thuộc các thế kỷ VI-V trước công nguyên.

2/ Giêrêmia (Gr): phần nòng cốt thuộc ngôn sứ Giêrêmia hoạt động từ năm 602 tới sau 587 trước công nguyên và được biên soạn trong các thế kỷ VII-VI trước công nguyên.

 3/ Ai Ca (Ac): thuộc thế kỷ thứ VI trước công nguyên.

 4/ Barúc (Br): thuộc thế kỷ thứ VI trước công nguyên.

 5/ Êdêkien (Ed): phần lớn do ngôn sứ biên soạn vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên.

 6/ Đanien (Đn): gồm hai phần được biên soạn vào hai thế kỷ III-II trước công nguyên.

 7/ Hôsê (Hs): thi hành sứ vụ và biên soạn giữa các năm 750-725 trước công nguyên.

 8/ Giôen (Ge): thuộc thế kỷ thứ V trước công nguyên

 9/ Amốt (Am): thuộc thế kỷ thứ VIII trước công nguyên.

 10/ Ôvađia (Ov): sách ngắn nhất của Thánh Kinh Cựu Ước, thuộc thế kỷ VI trước công nguyên.

 11/ Giôna (Gn): biên soạn giữa các thế kỷ V-III trước công nguyên.

 12/ Mikha (Mk): thuộc thế kỷ thứ VIII trước công nguyên.

 13/ Nahum (Nh): thuộc thế kỷ VII-VI trước công nguyên.

 14/ Khabacúc (Hb): thuộc thế kỷ VII-VI trước công nguyên.

 15/ Xôphônia (Xp): hoạt động và biên soạn sách vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên.

 16/ Khácgai (Kg): thuộc thế kỷ VI-V trước công nguyên  

 17/ Dacaria (Dc): phần I (các chương 1-8) thuộc thế kỷ thứ VI trước công nguyên; phần II (các chương 9-14) thuộc thế kỷ thứ V trước công nguyên.

 18/ Malakhi (Ml): thuộc thế kỷ thứ V trước công nguyên.

  2. Thánh Kinh Tân Ước

 1) Gồm 4 Phúc Âm

  Ba Phúc Âm đầu tiên gọi là Nhất Lãm, vì có cùng cách sắp xếp lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu, được biên soạn giữa các năm 43-70. Thánh sử Luca là tác giả của Phúc Âm và sách Công Vụ Tông Đồ.

 1/ Mátthêu (Mt)

2/ Máccô (Mc)

3/ Luca (Lc)

4/ Gioan (Ga) được biên soạn giữa các năm 90-100.

  2) Công Vụ Tông Đồ (Cv) được biên soạn giữa các năm 63-70 và 80-90.

 3) 13 thư của thánh Phaolô được viết giữa các năm 57-70 gồm các thư gửi gín hữu các giáo đoàn: Roma (Rm); 1 Côrintô (1 Cr); 2 Côrintô (2 Cr); Galát (Gl); Êphêxô (Ep); Philiphê (Pl); Côlôxê (Cl; 1 Thêxalônica (1 Tx); 2 Thêxalônica (2 Tx); 1 Timôthê (1 Tm); 2 Timôthê (2 Tm); Titô (Tt); Philêmôn (Plm); Do thái (Dt).

 Thư gửi tín hữu Do thái hay Diễn từ về chức Linh Mục của Chúa Giêsu được biên soạn sau này, nhưng được gán cho thánh Phaolô.

 4) Thư thánh Giacôbê (Gc)

5) Hai thư của thánh Phêrô: 1 Phêrô (1 Pr), 2 Phêrô (2 Pr)

6) Ba thư của thánh Gioan: 1 Gioan (1 Ga); 2 Gioan (2 Ga); 3 Gioan (3 Ga).

7) Thư Giuđa (Gđ)

8) Khải Huyền (Kh).

  3. Danh sách Thánh Kinh Cựu Ước, Bản Dịch Đại Kết (TOB)

  Có kiểu sắp xếp theo Thánh Kinh Do thái gồm 4 nhóm:

 1) Ngũ Thư

2) Các Ngôn Sứ:

     – 1/ Các Ngôn Sứ trước:

     – 2/ Các Ngôn Sứ sau:

 3) Các Sách khác

 4) Các sách ”Deuterocanonici” hay ”apofrifi”, tức 7 tác phẩm được biên soạn bằng tiếng hy lạp: Giuđitha, Tobia,, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và thư của Giêrêmia.

 Để đầy đủ phải thêm vài đoạn bằng tiếng hy lạp của sách Đanien và sách Étte.

  III. MỘT VÀI DANH SÁCH THÁNH KINH KHÁC

 1. Thánh Kinh Samaritano

  Cộng đoàn tín hữu do thái ly khai sống tại Samaria thủ đô vương quốc Israel miền Bắc chỉ chấp nhận phần I của Thánh Kinh Do thái, tức Ngũ Thư gồm 5 cuốn đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước, cộng thêm sách Giôsuê. Đôi khi Thánh Kinh Samaritano cũng được gọi là ”Esateuco samaritano” tiếng hy lạp có nghĩa là ”6 hộp” đựng các cuộn sách viết trên giấy làm bằng da thuộc, hay ”Pentateuco samaritanio” ”5 hộp”. Ngoài số sách hạn chế Thánh Kinh Samaritano còn có 2.000 chỗ dịch khác nhau.

  2. Thánh Kinh Chính Thống

  Các Giáo Hội Chính Thống theo danh sách Thánh Kinh Hy Lạp Bẩy Mươi, được dịch tại Alessandria bên Ai Cập giữa các thế kỷ III-I trước công nguyên. Thứ tự các sách khác với Thánh Kinh Do thái.

 Trong Công Nghị nhóm tại Giêrusalem năm 1672 các Giáo Hội chính thống vĩnh viễn chấp nhận danh sách Thánh Kinh Cựu Ước sau đây, trong khi danh sách Thánh Kinh Tân Ước giống danh sách của Giáo Hội công giáo và các Cộng Đoàn Kitô khác.

  1) Pentáteukhos (Ngũ Thư):

  Ghenesis (Sáng Thế); Hexodos (Xuất Hành); Levitikon (Lêvi); Arithmoi (Dân Số); Deuteronómion (Đệ Nhị Luật).

  2) Istoriká (Sách Sử Ký):

  Iesus tou Navé (Giosuê Ngôn Sứ); Kritai (Thủ Lãnh); Ruth; A Samuel hay Basiléon A (1 Basiléon = Vua 1 = 1 Samuel 1); B Samuel hay Basiléon B (2 Basiléon = Vua 2 = Samuel 2) A Basiléon hay Basiléon Gamma (3 Basiléon = Vua 3 = 1 Vua); B Basiléon hay Basiléon Delta (4 Basiléon = Vua 4 = 2 Vua); A Kronikón hay Paraleipoménon A (1 Paraleipoménon = Các điều được thêm vào = Sử Biên 2); B Kronikòn hay Paraleipoménon B (2 Paraleipoménon = Các điều được thêm vào = Sử Biên 2); A Esdras ( 1 Esdras = Esdra hy lap); B Esdras (2 Esdras = Esdra); Neemías; Esther với các phần thêm; Iudith (Giuditha); Tobít; Makkabáion A (1 Macabê); Makkabáion B (2 Macabê); Makkabáion Gamma (3 Macabê); Makkabáion Delta (4 Macabê).

 Khi đọc một số các sách cũ, chúng ta có thể gặp các trích dẫn theo Kinh Thánh Hy Lạp Bẩy Mươi trên đây: I-II-III-IV Vua; I-II Étra; I-II-III-IV Macabê.

  3) Poietiká (Các Sách Thơ):

  Psalmoi (Các Thánh Vịnh + Tv 151); Odài (Các Thánh Thi); Paroimíai (Châm Ngôn); Ekklesiastes (Ecclesiates : người tụ họp = Giảng Viên hay Qohelet); Asma Asmatón (Diễm Ca); Iob; Sofia Solomóntos (Sự Khôn Ngoan của Salomon); Sofia Seirach (Sự Khôn Ngoan của Sirach = Huấn Ca hay Ben Sira); Psalmòi Solomòntos (Các Thánh Vịnh của Salomon)

  4) Profetikà (Các Ngôn Sứ):

  – Mikroi profétes (Các Ngôn Sứ Nhỏ):

 Oseé; Amós; Michaías; Ioel; Obdiú; Ionas; Naúm; Abbakùm; Sofonìas; Aggaíos; Zakarías; Malachías;

 – Megàloi profétes (Các Ngôn Sứ Lớn):

 Esaias; Ieremías; Barúch; Thrénoi (Ai Ca); Epistolé Ieremíou (Thư Giêrêmia); Iezekiél; Sosànna (Susanna); Danièl bao gồm Proseuches tou Azarìa (Lời cầu của Azaria), Ton triòn paìdon aìnesis (Thánh thi của ba người trẻ); Bel kai dràgon (Bel và con rồng).

 So sánh với danh sách Thánh Kinh Chính thống, Thánh Kinh Công giáo không có các tác phẩm: Các Thánh Thi, Các Thánh Vịnh Salomon; sách Étra 1, Macabê 3, Macabê 4.

  3. Thánh Kinh Tin Lành

  Vào thế kỷ XVI Martin Luther, cha đẻ của phong trào cải cách, cũng đặt vấn nạn liên quan tới các Sách Thánh. Cho tới thời đó, Kitô giáo tây phương đã thừa nhận 73 tác phẩm như được liệt kê trong Bản Vulgata tiếng Latinh, dựa trên sự chỉ dẫn uy tín của Đức Giáo Hoàng Damaso I năm 382 và được Công Đồng Firenze tái khẳng định năm 1442.

 Trong bối cảnh việc phản đối các ân xá có được nhờ các việc bác ái, nhất là dâng cúng tiền bạc với ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội mau lên thiên đàng, Martin Luther coi thư của thánh Giacôbê, đặc biệt Gc 2,14-26, đề cao các việc lành phúc đức trong cuộc sống kitô, là không được linh hứng và xếp nó vào loại ”apocrifo”.

 Martin Luther cũng phê bình một vài văn bản của các sách ”deuterocanonici” đề cao tầm quan trọng của lời cầu nguyện và các việc bác ái đối với các người đã qua đời, mà truyền thống công giáo coi là nền tảng của giáo lý ân xá, đặc biệt là các văn bản: 2 Mcb 12,43-45; Tb 4,7-12; 14,10-11; Hc 3,30; 35,2.

 Martin Luther công nhận 39 tác phẩm của Thánh Kinh Cựu Ước Do thái trong bản dịch tiếng đức theo thứ tự của Bản vulgata. Trong Thánh Kinh Tân Ước ông coi thư Giacôbê, thư Giuđa, thư Do thái, sách Khải Huyền là các tác phẩm ”apocrifi” và xếp chúng vào cuối.

 Trong các thế kỷ sau đó, có hai trào lưu trong thế giới tin lành. Trào lưu Luther và Anh giáo tiếp tục duy trì các tác phẩm bị Luther coi là không hợp quy (non canonici), và trình bầy 7 tác phẩm ”deuterocanonici” vào phần cuối, nhưng lại coi thư Giacôbê, thư Giuđa, thư Do thái và sách Khải Huyền là các tác phẩm hợp quy.

 Tất cả các cộng đoàn tin lành khác chỉ coi 66 tác phẩm là hợp quy, và chỉ loại trừ 7 tác phẩm ”deuterocanonici” mà thôi.

  4. Danh sách Thánh Kinh Copte

  Thánh Kinh Etiopica bao gồm danh sách của Bản Dịch Hy Lạp Bẩy Mươi, cộng thêm vài tác phẩm bị các cộng đoàn kitô khác coi là ”apocrifi” như: Sách Giubilê, Sách Ênốc, 1 Macabê, 2 Macabê, 3 Macabê.

 Trong Thánh Kinh Tân Ước thì có thêm: hai thư I-II Clêmentê.

  5. Danh sách Thánh Kinh Siriac

  Bản dịch Thánh Kinh tiêng siriac gọi là Bản ”Peshitta” là bản Thánh Kinh chính thức của các Giáo Hội Siri.

 – Thánh Kinh Cựu Ước gồm vài văn bản ”apocrifi” như: Thánh vịnh 151; các Thánh Vịnh 152-155; sách Barúc 2.

 – Thánh Kinh Tân Ước thuộc thế kỷ thứ V chỉ có 22 tác phẩm thay vì 27, vì thiếu thư Phêrô 2, thư Gioan 2, 3; thư Giuđa, sách Khải Huyền.

 – Từ các thế kỷ VI-VII trở đi các ấn bản tân ước có đủ 27 tác phẩm. Nhưng Thánh Kinh Tân Ước gồm 22 tác phẩm vẫn tiếp tục được dùng bởi vài cộng đoàn siri bên Ấn Độ như:

  – Giáo Hội chính thống siro-malankara có trụ sở tại Kottayam trong bang Kerala;  

– Giáo Hội công giáo Siro-malabar có trụ sở tại Trichur trong bang Kerala.

  6. Danh sách Thánh Kinh Armeni

  Giáo Hội Tông Truyền Armeni có các nghi ngờ, khi đưa ”Di chúc của Mười Hai Tổ Phụ” vào danh sách các tác phẩm Thánh Kinh Cựu Ước. Liên quan tới Thánh Kinh Tân Ước họ nghi ngờ việc đưa thư Côrintô 3 và sách Khải Huyền vào danh sách.

  LM Giuse Linh Tiến Khải


by Tháng Mười Hai 9, 2012 Comments are Disabled chưa phân loại, Thánh Kinh Cựu Ước
Trọn bộ Kinh thánh Tân ước và Cựu ước (you tube)

Trọn bộ Kinh thánh Tân ước và Cựu ước (you tube)

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/11/tron-bo-Kinh-Thanh-youtube.jpg

 1-Tân Ước, sách: Gioan   (you tube )

2-Tân Ước sách: Luca (you tube )


3-Tân Ước sách: Máccô (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=3LouM32rnwo

4-Tân Ước sách:  Mátthêu  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=z8bqy8jEIPE

5-Tân Ước sách:  Tông Đồ Công Vụ (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=agg3_qvlTl4

6-Tân Ước sách: Thư Rôma (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=SVMRoYNh8UI

7-Tân Ước sách:  Thư Côrintô 1,2 (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=ngd9cZxrYNI

8-Tân Ước sách: Thư Timôthê 1,2 (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=1HiSexI6TN4

9-Tân Ước sách:Thư Galát (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=8A9uYl_vlW4

10-Tân Ước sách:  Thư Êphêsô  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=8lDKJGxLXPs

11-Tân Ước sách:  Thư Philípphê (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=RZSO1INBRv4

12-Tân Ước sách:  Thư Côlôxê  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=OoqaDtCqU8U

14-Tân Ước sách: Thư Thêxalônica 1,2  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=41AwbPOPfas

15-Tân Ước sách:  Thư Titô (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=mt6DsbHGGT0

16-Tân Ước sách: Thư Philêmon (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=HHgNl7L5oEw

17-Tân Ước sách: Thư Do thái (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=122g21lIg24

18-Tân Ước sách: Thư Giacôbê   (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=5G7HI0mkliI

19-Tân Ước sách: Phêrô 1,2  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=TZfePMrOGn8

20-Tân Ước sách: Thư Gioan 1,2,3  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=3G8gRnHTKto

21-Tân Ước sách: Giuđa  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=tqxgnjk4A9M

22-Tân Ước sách:  Khải Huyền (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=4aKY3kT5bY8

1-Cưu Ước sách : Sáng Thế Ký  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=Dx-hSje4tSo

2-Cựu Ước sách : Xuất Hành  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=yqNxADToTsg

3-Cựu Ước sách :  Lêvi  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=daFD4yKvSD0

4-Cựu Ước sách : Dân Số  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=f8PWIw38XbI

5- Cựu Ước sách :  Đệ Nhị Luật  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=7u_ssR7XLqs

6- Cựu Ước sách : Giô Suê (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=EtE7ZTd8exo

7- Cựu Ước sách : Thủ Lãnh  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=EFwbvCwWQrA

8- Cựu Ước sách : Rút  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=cQl3gmXHfZ0

9-Cựu Ước sách : Samuen 1  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=uP7OHeAu6Ks

10-Cựu Ước sách : Samuen 2  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=K3cAxuMgo6M

11-Cựu Ước sách : Các Vua 1 (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=THBggPRoB5A

12-Cựu Ước sách : Các Vua 2 (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=dqCan1_tdQg

13-Cựu Ước sách : Sử Biên 1 (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=dXBOO7_AFkg

14-Cựu Ước sách : Sử Biên 2  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=GkP1-2KX8W0

15- Cựu Ước sách :  Ét Ra  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=0dOBn69PtCc

16- Cựu Ước sách : Nơkhemia  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=MO2T4uSmTo4

17- Cựu Ước sách : Tôbia  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=vxC-eqV_2v0

18-Cựu Ước sách :  Giuđitha  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=Bf3k34QoQ8I

19- Cựu Ước sách : Étte  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=VoltTOzClD4

20- Cựu Ước sách : Macabê 1 (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=FHCwu0T71Ng

21- Cựu Ước sách :Macabê 2  (chương 1-9)  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=3q8rzfru1W8

22- Cựu Ước sách :Macabê 2  (chương 10-15)  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=pqPI57ZTi9Q

23- Cựu Ước sách : Gióp  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=ThIJhzWlEcQ

24-  Cựu Ước sách : Thánh Vịnh  (1-50)  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=YN7EGpOps9Y

25-  Cựu Ước sách : Thánh Vịnh  (51-150) (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=j4AZ2skVbYs

26- Cựu Ước sách : Châm Ngôn  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=fBLR1NBO3oo

27- Cựu Ước sách : Giảng Viên  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=Qpq1LlIUNSE

28- Cựu Ước sách : Diễm Ca  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=1WmrIiZdt4M

29- Cựu Ước sách : Khôn Ngoan  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=DPmavpMijok

30- Cựu Ước sách : Huấn Ca  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=aHOMW6W9vh0

31- Cựu Ước sách : Isaia  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=rUr8V89aaps

32- Cựu Ước sách : Giêrêmia  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=ywolF1RTeec

33- Cựu Ước sách : AiCa  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=FrTksGk3WwE

34- Cựu Ước sách : Barúc  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=gJYi5KD5Oow

35- Cựu Ước sách : Êdêkien  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=ZeX-xrudqXA

36- Cựu Ước sách : Đanien   (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=jUDGxkjx3wQ

37- Cựu Ước sách : Hôsê  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=aKc8wfr1WUE

38- Cựu Ước sách : Giôen  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=7aFtsHTOTTc

39- Cựu Ước sách : Amốt  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=c7z4vdv4sUc

40- Cựu Ước sách : Ovadia  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=3zuG9_lYYw4

41- Cựu Ước sách : Giôna  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=19FEboOjaFk

42- Cựu Ước sách : Mikha  (you tube )
https://www.youtube.com/watch?v=XJCmWsdpShk

by Tháng Mười Một 3, 2012 Comments are Disabled Tâm Linh, Thánh Kinh Cựu Ước, Thánh Kinh Tân Ước
Giới thiệu mục THÁNH KINH

Giới thiệu mục THÁNH KINH

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/08/Cuon-Kinh-Thanh-DoThai.jpg

       Tất cả các bài Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước trong mục này đã được phát trong mục ”Tìm Hiểu Kinh Thánh” của chương trình Việt Ngữ đài phát thanh Chân Lý Á châu (Veritas Manila) từ năm 1983, và trong mục ”Thần Học Kinh Thánh” của chương trình Việt Ngữ đài phát thanh Vaticăng từ năm 1997, nhân ba năm chuẩn bị Năm Thánh 2000, cũng như trong một vài Nguyệt San công giáo.

       Chúng bao gồm nhiều đề tài khác nhau, liên quan tới các tác phẩm Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, đặc biệt là phần chú giải các thư của thánh Phaolô. Chúng cũng gồm các bài trình bầy khung cảnh địa lý, lịch sử, khảo cổ của đất Palestina và vùng Trung Đông Cổ.

       Hy vọng mục Thánh Kinh này giúp các bạn độc giả say mê đọc Thánh Kinh, để hiểu biết, yêu mến, sống và thực hành Lời Chúa một cách sốt sắng, hăng say, xác tín và sâu đậm hơn.

       Cùng với việc đọc lại và học hiểu các Tài Liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II đây là nỗ lực sống Năm Đức Tin 2012 một cách cụ thể và nhiều dấn thân hơn.

       Roma 26-8-2012
       Linh Mục Giuse Linh Tiến Khải

       Nguyên giáo sư Thánh Kinh  Học viện “Regina Mundi” trực thuộc Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana,
Học viện quốc tế giấo lý viên truyền giáo “Mater Ecclesiae”,
và Phân khoa Truyền Giáo Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana Roma (1991-2011)

by Tháng Tám 26, 2012 Comments are Disabled Thánh Kinh Cựu Ước, Thánh Kinh Tân Ước