Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Cuốn 4 – Phải Kính Cẩn Đến Sức Thánh Thể

Gương Chúa Giêsu Cuốn 4 – Phải Kính Cẩn Đến Sức Thánh Thể

by Tháng Hai 14, 2021 Comments are Disabled Cuộc đời Chúa Giê-su (Maria Valtorta), Tâm Linh
Gương Chúa Giêsu Cuốn 3 – Tâm Sự Chúa Giêsu Với Linh Hồn Trung Tín

Gương Chúa Giêsu Cuốn 3 – Tâm Sự Chúa Giêsu Với Linh Hồn Trung Tín

by Tháng Hai 14, 2021 Comments are Disabled Cuộc đời Chúa Giê-su (Maria Valtorta), Tâm Linh

Lời Chúa là nguồn mạch bất tận ban sự sống

Lời Chúa là nguồn mạch bất tận ban sự sống

Trích bài chú giải của thánh Ép-rem, phó tế, về sách Tin Mừng tổng hợp.

Lạy Chúa, ai nào hiểu nổi dù chỉ một lời trong các lời Chúa phán. Như những kẻ khát nước uống nơi mạch suối, chúng con bỏ đi nhiều hơn là thu vào, bởi lẽ lời Chúa có muôn màu muôn vẻ, tuỳ theo nhận thức khác nhau của những người học hỏi. Chúa tô điểm cho lời Người bằng nhiều màu sắc, để ai học hỏi đều tìm thấy ở đó điều mình ưa thích. Người thiết lập nhiều kho tàng châu báu trong lời của mình, để ai trong chúng ta khai thác ở đâu thì nên giàu ở đó.

Lời Chúa là cây sự sống cung cấp cho bạn quả phúc từ mọi phần cây, tựa như tảng đá xưa trong sa mạc đã nứt ra để ban nước thiêng cho mọi thành phần dân Chúa, như thánh Phao-lô tông đồ nói : Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, cùng uống một thức uống linh thiêng. Vậy ai lãnh được phần nào trong kho tàng của Chúa thì đừng tưởng trong lời Chúa chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng phải nghĩ rằng mình chỉ thấy được có một trong nhiều điều chứa chất ở đó. Cũng đừng vì chỉ gặp được và lãnh nhận có một phần đó thôi mà coi nhẹ và bảo rằng lời Chúa nghèo nàn và cằn cỗi, nhưng bởi không thể lãnh hội hết nên hãy cảm tạ vì sự phong phú của lời Chúa.

Bạn hãy thưởng thức món bạn ăn và đừng buồn vì bạn không ăn hết được. Kẻ khát thì vui khi được uống và chẳng buồn vì không uống cạn được suối. Hãy để suối làm cho bạn đã khát, chứ đừng để cơn khát của bạn uống cạn suối, vì nếu bạn hết khát mà suối không cạn thì khi bạn lại khát, bạn có thể uống nữa. Còn nếu như bạn hết khát mà suối cũng cạn luôn thì việc bạn uống cạn suối sẽ trở nên tai hoạ cho bạn.

Hãy cảm tạ vì những gì bạn đã nhận được và đừng buồn vì phần còn lại quá nhiều. Cái bạn đã lãnh và đã tìm được là phần của bạn ; ngoài ra cái còn lại là gia nghiệp bạn sẽ được hưởng. Điều mà trong một giờ bạn không lãnh được vì bạn yếu đuối thì bạn vẫn có thể lãnh nhận trong những giờ khác, nếu bạn kiên trì. Đừng vì tà ý mà cố gắng uống một hơi cho cạn cái không thể uống cạn một hơi, cũng đừng vì ngu dốt mà không uống cái bạn có thể uống từ từ.

Xướng đáp

Hoa trái của Thần Khí

Hoa trái của Thần Khí

Cuộc sống và hoạt động của người Ki-tô hữu không phải do nỗ lực riêng cho bằng nhờ Thần Khí hoạt động nơi họ. Càng sống theo Thần Khí, càng để cho Thần Khí hướng dẫn, người Ki-tô hữu càng nhận được ân sủng, nhờ đó có được một thứ bản năng mới giúp mình tránh được những việc do tính xác thịt gây ra và ngược lại gặt được kết quả của Thần Khí.

Trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

5 25 Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. 26 Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau.

6 1 Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy ; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. 2 Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô. 3 Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình. 4 Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác. 5 Quả thế, mỗi người phải mang gánh nặng của riêng mình.

6 Người được học Lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình.

7 Anh em đừng có lầm tưởng : Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu ! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. 8 Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. 9 Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. 10 Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin.

Tính ưu việt của Đức Ái

Tính ưu việt của đức ái

Trích bài giảng của chân phước I-xa-ác, viện phụ đan viện Sao Mai.

Thưa anh em, tại sao chúng ta lại ít quan tâm tìm dịp giúp đỡ lẫn nhau, tức là ở đâu chúng ta thấy cần hơn, thì chúng ta càng nâng đỡ nhau hơn và mang đỡ gánh nặng cho nhau ? Thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên bảo chúng ta điều ấy khi ngài nói : Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật của Đức Ki-tô ; và ở nơi khác ngài nói : Anh em hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Đó chính là luật của Đức Ki-tô.

Điều tôi thấy là bất trị nơi người anh em của tôi, hoặc vì hoàn cảnh khó khăn hoặc do sự yếu đuối thể xác hay tinh thần, tại sao tôi không kiên nhẫn chịu đựng, sẵn lòng an ủi theo như lời đã chép : Con cái của chúng sẽ được mang trên vai, nâng niu trên đầu gối ? Phải chăng vì trong tôi thiếu đức ái là sức chịu đựng tất cả, là sự kiên trì để nâng đỡ, là lòng nhân hậu để mến yêu ?

Đây đúng là luật của Đức Ki-tô là Đấng đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta nhờ cuộc Thương Khó, và gánh chịu những đau khổ của chúng ta nhờ sự thông cảm, vì Người yêu những kẻ Người chịu đựng và chịu đựng những kẻ Người yêu. Kẻ nào tấn công người anh em đang gặp khó khăn, kẻ nào âm mưu chống lại người anh em đang yếu đuối về bất cứ mặt nào, hẳn là kẻ đang tuân phục luật của Xa-tan và đang chu toàn luật đó. Vậy chúng ta hãy cảm thông với nhau, yêu thương nhau như anh em, chịu đựng những yếu đuối và chống lại những tật xấu.

Quả thật, đời tu nào giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân vì Người cách chân thành hơn, thì dù sống theo luật nào hay phong cách nào, đời tu ấy vẫn được Thiên Chúa chấp nhận hơn. Quả vậy, đức ái chính là tiêu chuẩn quy định tất cả : cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì được thay đổi, cái gì không được thay đổi. Chính đức ái là nguyên lý và là cùng đích : tất cả đều phải quy về đó. Không có gì là tội lỗi, khi chúng ta vì đức ái và theo tinh thần đức ái mà hành động một cách chân thành.

Xin Thiên Chúa khấng ban đức ái cho chúng ta, vì không có đức ái chúng ta không thể đẹp lòng Người và không có Người chúng ta chẳng làm gì được. Người hằng sống và hiển trị đời đời chẳng cùng. A-men.

by Tháng Hai 13, 2021 Comments are Disabled Chia sẻ kinh nghiệm, Giáo Phụ, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Nguyên lý của đời sống mới

Nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh

1 “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.6 Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục.7 Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy.8 Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thóa mạ, ăn nói thô tục.

9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi,10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu.11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3,1-17)

 

Hoa trái của cuộc sống theo Thần Khí

“Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa.17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.19 Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng,20 thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái,21 ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.22 Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,23 hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.24 Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.

25 Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.26 Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau.” (Gl 5,16-26)

Sống theo Thần Khí

Sống theo Thần Khí

1 “Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa.2 Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết.3 Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.4 Thiên Chúa làm như vậy, để sự công chính mà Luật đòi hỏi được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta, là những người không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí.

5 Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí.6 Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.7 Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.8 Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

12 Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt.13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.

Nhờ Thần Khí, chúng ta được làm con Thiên Chúa

14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!”16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Vinh quang dành cho ta

18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

26 Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8,1-27)

 

Cuộc chiến đấu nội tâm

Cuộc chiến đấu nội tâm

14 “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi.15 Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.16 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt.17 Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.18 Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.

21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.

24 Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.” (Rm 7,14-25)

Giới thiệu sách Gương Chúa Giêsu

SÁCH GƯƠNG PHÚC
(Toàn Tập)
Nguyên tác: The Imitation of Christ
Tác giả: Thomas à Kempis
Dịch giả: LM Lê Bá Tư
Thông tin bản quyền: Miễn phí
Nihil Obstat: Bùi-Chu die 9 -9 -1953
Jos. Maria Phạm-Châu-Diên Cens. del.
IMPRIMATUR: Saigon, 25-5-1965
F.X. Trần-Thanh-Khâm Vic. Gen.

LỜI DỊCH GIẢ

Tác giả “GƯƠNG CHÚA GIÊSU” đã không đề một lời tựa cho tác phẩm của mình.
Đáng lý vì tôn trọng cuốn sách tuyệt tác này, một cuốn sách mà nhiều học giả đã không ngần ngại đặt liền sau Bộ Phúc Âm Thư, tôi cũng không cần và cũng không dám viết gì thêm.

Nhưng với hy vọng phổ cập tới mọi tầng lớp quần chúng, tôi thấy không thể không có mấy lời giới thiệu. Phải chăng đây chỉ là cố gắng đặt tác phẩm vào địa vị xứng đáng của nó.

Trong khắp Giáo hội Âu Châu – nhất là mấy thế kỷ trước – GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã là cuốn sách thân yêu của giáo hữu, nhất là của giới tu sĩ. Nó đã được hân hạnh góp phần vào việc tác tạo nên những vị Thánh thời danh, như Inhaxiô, Phanxicô, Têrêsa….

Điều đó không có gì lạ.

Một đàng vì lúc ấy – cũng là hoàn cảnh hiện tại của giáo hữu Việt Nam – những sách tu đức còn ít phổ thông, những vị linh hướng chưa có đủ để cung cấp cho sở nguyện riêng của mỗi người. Trong hoàn cảnh đó, GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã xuất hiện, để trở nên cuốn Tu đức học phổ thông và là kim chỉ nam cho bất cứ những ai muốn và đang đi tìm đường trọn hảo.

Đàng khác – và đây là điểm đặc sắc nhất, vì GƯƠNG CHÚA GIÊSU hàm chứa một giáo lý đầy đủ, minh bạch và những phương pháp thực hành thích dụng cho mọi tầng lớp và mọi thời đại.

Điều đó thật dễ hiểu. Vì trong khi các sách tu đức học – với tính cách giáo khoa – chỉ chú trọng nhiều ở nguyên tắc mà ít lưu tâm giữ vững ngọn lửa sùng ái trong tâm hồn: điều mà hết thảy, nhất là những người phôi thai trong đường trọn lành, hằng mong ước. Còn các sách đạo đức khác, nhất là các sách chuyên cứu về những phong trào sùng mộ riêng trong khi hấp dẫn được linh hồn, thì hầu như lại thiếu hẳn tính cách hướng dẫn: một điều kiện tất yếu của mọi sách tu đức. Vì thế – cũng như loại sách trên – nó chỉ thỏa mãn được từng phương diện và từng lớp người.

Trái lại, ngoài sức hướng dẫn sẵn có, vì căn cứ trên những lời bất hủ của chính Đấng tự xưng là “Đường và Chân lý,” GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn có một sức hấp dẫn dồi dào, mãnh liệt và bền bỉ, một sức hấp dẫn hình như trào ra bởi chính ngọn lửa sốt mến của Tác giả và thấm nhuần vào từng trang từng chữ trong sách. Nó đã và còn đang có sức thiêu đốt và lôi kéo bất cứ những ai tin tưởng bước theo những lời chỉ dẫn của sách này.

Ngoài ra, nếu xét về phương diện xử thế, GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn là tất cả một khoa Triết học thực hành. Vì, không kể những lời Thánh Kinh – nguồn mạch mọi khôn ngoan thông thái – mà ta có thể gặp thấy trong hầu hết mọi trang sách, chính những kinh nghiệm của những người từng trải mà tác giả đã khéo thu thập, thêm vào những nghiệm xét bản thân của Tác giả, đã làm cho mỗi câu của GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên một bài học khôn ngoan vĩ đại có thể áp dụng cho bất cứ trường hợp nào của đời sống. Một cuốn sách như thế mà không được phổ thông nơi quần chúng, nhất là riêng trong giáo hữu Việt nam, quả là một sự thiếu sót và thiệt thòi khó có thể đền bù được.

Sự thực, trước đây đã có một vài bản dịch ra tiếng Việt Nam. Những bản dịch đó dầu sao cũng có mang lại lợi ích không phải nhỏ. Nhưng tiếc vì sách in có hạn, đàng khác hình như hiện nay các bản dịch ấy đã bị đặt vào một hoàn cảnh quá hẹp hòi, nên không còn đủ điều kiện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng thêm khẩn thiết.

Bản dịch GƯƠNG CHÚA GIÊSU đây hẳn chưa phải là bản dịch lý tưởng, vì nó ra đời trong một hoàn cảnh quá ngẫu nhiên. Thực, bất đắc dĩ nó phải thay thế cho những đàn anh nó đã vắng bóng mà chưa có người thế chân.

Mong những bản dịch mới mẻ và đầy đủ hơn, sẽ đến bổ khuyết và thay thế cho nó, nếu cần.

Tại Hà Nội, ngày 1 tháng XI, năm 1953
Dịch giả

ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT GỬI BẠN ĐỌC

Bạn muốn được nên thân tình với Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển I sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU. Đó là hành trang cho bạn lên đường.

Bạn muốn gặp Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển II sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để khi được gặp Thiên Chúa bạn biết tâm sự với Ngài.

Bạn muốn được Thiên Chúa tiếp thu làm bạn tâm giao, mời bạn đọc Quyển III sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để biết nên làm gì, phải làm gì để bảo vệ tình bạn với Thiên Chúa.

Bạn muốn nhờ Chúa Giêsu Kitô, với Chúa Giêsu, sống đời con thảo của Thiên Chúa, mời bạn đọc GƯƠNG CHÚA GIÊSU Quyển IV.

Nhưng xin lưu ý bạn: Con đường nên thánh không có bước nhảy vọt, mà phải là tiệm tiến. Phải vững bước thứ nhất, rồi mới tiến bước thứ hai, phải nắm chắc bí quyết rồi mới tiến bước thứ ba. Thuần thục giai đoạn ba, không cần mời, Chúa Giêsu sẽ đến với bạn, không chỉ dắt tay bạn mà còn cho bạn nhờ Ngài, với Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha.

GƯƠNG CHÚA GIÊSU là một tác phẩm đã có gần 500 năm nay mà vẫn hiện đại, vì được xây dựng trên nền tảng Phúc Âm.

Sách đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng, và đã trở thành sách gối đầu cho các thánh.

Việt Nam cũng đã có ba bản dịch, nhưng vì hoàn cảnh đất nước, sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên hiếm, nếu không nói là gần như bị mai một.

May mắn, chúng tôi gặp được một tập bản dịch của Linh mục Lê Bá Tư, tái bản từ năm 1965. Nhưng đối chiếu với nguyên bản La-văn thì có rất nhiều sai sót, có thể do kỹ thuật ấn loát, nhiều câu vì mất chữ hoặc dịch sát nghĩa quá nên khó hiểu; nhiều câu lại dài dòng quá nên ý nghĩa mất sắc bén…

Nhờ một Linh mục đọc đối chiếu với bản La-văn và sửa lại tới 5 lần, cốt ý là cho sách quý này không bị mai một, mà còn dễ đọc dễ hiểu hơn.

Nay tôi xin giới thiệu GƯƠNG CHÚA GIÊSU với bạn đọc.

GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Phaolô-Tịnh NGUYỄN BÌNH TĨNH
Nguồn: http://suyniemhangngay.net/2016/08/31/guong-chua-giesu/
——————————————
GHI CHÚ CỦA TÔNG ĐỒ MỤC VỤ SỨC KHỎE:
Đây là một tác phẩm tu đức hay và có giá trị, nhưng có thể rất nhiều người trong chúng ta chưa từng nghe hay đọc hết từ đầu tới cuối. Tuy được sáng tác trong môi trường đan tu cho những người sống đời thánh hiến, nhưng không phài vì thế mà nó không giúp ích cho con đường trọn lành của những ai muốn sống lý tưởng nên thánh giữa đời, trong dòng chảy giao động của cuộc sống xã hội. Điểm tác giả muốn nhắm tới là nói với tâm hồn của mọi người.
Liên quan tới tác giả đã có nhiều ý kiến khác nhau. Sử gia người Anh Brian McNeil cho rằng tác giả là Jean Gerson (1363-1429) , thần học gia kiêm triết gia người Pháp, chưởng ấn đại học Sorbone Paris. Người khác nghĩ Giovanni Gersen (1243-?) tu sĩ Biền Đức rất thông thái đã biết Thánh Phanxico thành Assisi và thánh Anton thành Padova. Người khác nữa cho rằng tác phẩm xuất phát từ môi trường của các tu sĩ Chartreux.
Tuy nhiên đa số các học giả thế kỷ XX chấp nhận Tommaso da Kempis (1380-1471) là tác giả.
Tuy được sáng tác cho hàng tu sĩ thời Trung Cổ, tức cách đây 5, 6 trăm năm, theo khuynh hướng thần học tu đức khổ hạnh thần bí có vẻ ra tiêu cực, nhưng các giáo huấn sách Gương Chúa Giêsu chứa đựng các lời khuyên thiêng liêng hữu ích có thể áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả những ai có cuộc sống hoạt động bon chen thường ngày giữa đời. Nó giúp chúng ta thanh lọc tâm trí và sàng gạn cung cách suy tư hành xử để chỉ giữ lại những gì thiết yếu nhất cho phần rỗi linh hồn.
Xin cám ơn chị Kim Hà và các anh các chị Chương trình Radio Giờ Của Mẹ và Website MeMaria.org đã bỏ công thu audio và phổ biến cho mọi người. Xin Chúa trả công cho các anh các chị qua lời bầu cử của Mẹ Maria.
TDMVSK

Tải