https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/12/bibbia.jpg

THÁNH KINH: MỘT CUỐN SÁCH HAY MỘT THƯ VIỆN? (2)

  Khi nói tới Thánh Kinh, chúng ta thường chỉ nghĩ tới một cuốn sách. Nhưng thật ra, Thánh Kinh là một thư viện, vì nó bao gồm 73 tác phẩm khác nhau, do nhiều soạn giả biên soạn, trong các thời đại khác nhau, với các sứ điệp nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của dân Israel. Còn hơn thế nữa, Thánh Kinh là cả một thế giới cần được khám phá, tìm hiểu và đào sâu. Lý do là vì nó không chỉ liên quan tới dân Israel, mà cũng liên quan tới các dân tộc khác sống trong vùng Trung Đông Cổ, mà các học giả gọi là ”Nửa vành trăng phì nhiêu”, chạy từ Ai Cập cho tới vùng Mêdôpôtamia, tức vùng Lưỡng Hà hay Iran và Irak ngày nay.

  I. THÁNH KINH LÀ MỘT THƯ VIỆN

 1. Tên gọi

  Thánh Kinh (Bibbia tiếng Latinh và tiếng Ý, Bible tiếng Pháp và tiếng Anh, Bibel tiếng Đức, Biblia tiếng Tây Ban Nha vv… ) bắt nguồn từ chữ hy lạp ”biblia”, số nhiều của từ trung tính ”biblion”, có nghĩa là cuốn sách nhỏ, là từ giảm thiểu của từ ”biblos” là cuốn sách. Như thế Thánh Kinh ”Biblia” có nghĩa là ”các cuốn sách nhỏ”. Thật thế, vì các sách dài nhất của Thánh Kinh, thí dụ như sách ngôn sứ Isaia có 66 chương, cũng không thể so sánh với các sách tiểu thuyết ngắn nhất trong nền văn chương Italia thuôc thế kỷ XX. Dịch ra tiếng Latinh từ ”Biblia” trở thành giống cái số ít ”Bibbia”.

 Hơn là một cuốn sách, Thánh Kinh là một thư viện bao gồm nhiều tác phẩm, rất khác nhau, và chia thành hai cuốn lớn: Thánh Kinh Cựu Ước dài gồm 46 tác phẩm, viết tắt là AT (Antico Testamento tiếng Ý, Ancien Testament tiếng Pháp) hay OT (Old Testament tiếng Anh); và Thánh Kinh Tân Ước ngắn hơn gồm 27 tác phẩm, viết tắt là NT (Nuovo Testamento tiếng Ý, Nouveau Testament tiếng Pháp, New Testament tiếng Anh).

 Từ ”Testamento” không có nghĩa ”di chúc” như trong từ vựng của chúng ta ngày nay, nhưng là từ bắt chước từ ”Testamentum” tiếng Latinh, dịch từ do thái ”berith”, ”giao ước ”, hay hiệp ước, công ước, khế ước hoặc giao kèo giữa hai bên, ở đây là giữa Thiên Chúa và dân Israel. Như thế Thánh Kinh là các sách nói về giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Israel qua trung gian ông Môshê trong thời Cựu Ước, và đã thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô trong thời Tân Ước.

 Thánh Kinh thường được gọi là ”la Scrittura” Sách, ”le Scritture” Các Sách (Rm 15,4; Ga 10,34-36), hay ”le Sacre Scritture” Các Sách Thánh. Đây là điều quan trọng và ít nhất nó có hai nghĩa hay ám chỉ hai điều: đây là Lời Chúa đã được viết ra thành văn bản; như vậy, có thể có một Lời Chúa không được viết ra. Đàng khác, điều đối với chúng ta là Lời Chúa là các bút tích chứ không phải các biến cố hay các lời đã được nói ra trước khi được biên soạn thành văn bản. Đây là vấn đề của truyền thống viết và truyền thống chuyền miệng, mà chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu.

  2. Các sách

  Phần thứ nhất của Thánh Kinh là Thánh Kinh Cựu Ước chung cho tín hữu do thái cũng như tín hữu kitô.

 Các tín hữu do thái, được các tín hữu tin lành theo, chỉ thừa nhân các sách đã được biên soạn bằng tiếng do thái, tức 39 cuốn. Trong khi các tín hữu công giáo thừa nhận 7 cuốn khác được biên soạn bằng tiếng hy lạp. Đó là các sách: Giuđitha, Tobia, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và Thư Giêrêmia.

 Các tín hữu tin lành gọi 7 cuốn này là ”apocrifi” và các tín hữu công giáo gọi chúng là ”deuterocanonici”.

  Từ ”canone” có nghĩa là ”quy luật”. Một cuốn sách được gọi là ”canonico” ”hợp quy”, nếu đựơc thừa nhận như là quy luật đức tin. Quy luật các sách thánh là danh sách các tác phẩm được thừa nhận như là luật đức tin. Tuy nhiên, phải chú ý tới hai danh sách khác nhau. Cho tới thế kỷ thứ I trước công nguyên, các tín hữu do thái đã không đặt vấn đề liên quan tới 7 tác phẩm biên soạn bằng tiếng hy lạp nói trên. Nhưng vào năm 90 sau công nguyên các rabbi sống tại Palestina đã nhóm Công Nghị tại Jamnia, và dưới ảnh hưởng của phe bảo thủ mạnh hơn, họ chỉ thừa nhận các sách được biên soạn bằng tiếng do thái.

 Các tín hữu kitô đọc Thánh Kinh tiếng hy lạp theo danh sách của tín hữu do thái sống tại Alessandria bên Ai Cập, nơi Thánh Kinh do thái đã được dịch ra tiếng hy lạp gọi là Bản Dịch Bẩy Mươi hay Thánh Kinh hy lạp LXX. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ thứ V khi dịch Thánh Kinh Do thái ra tiếng Latinh, gọi là bản Vulgata thánh Girolamo đã theo danh sách Thánh Kinh Do thái.

 Trong thời Cải Cách hồi thế kỷ XVI, các tín hữu tin lành theo thánh Girolamo và in 7 tác phẩm Thánh Kinh Cựu Ước nói trên vào cuối sách và gọi chúng là ”apocrifi”, ”apocryphos” trong tiếng hy lạp có nghĩa là ”bị giấu đi”, ”bí mật ”. Nhưng trong các ấn bản thuộc thế kỷ XIX các tác phẩm này bị loại bỏ luôn khỏi Thánh Kinh Tin lành.

 Trong Công Đồng Chung Trento, tín hữu công giáo thừa nhận 7 tác phẩm kể trên (Giuđitha, Tobia, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và Thư Giêrêmia) là được linh hứng giống như các sách khác của Thánh Kinh Cựu Ước, và gọi chúng là các sách ”deuterocanonici”, nghĩa là được chấp nhận trong danh sách hợp quy đợt hai.

 Thánh Kinh Tân Ước giống nhau đối với tất cả mọi kitô hữu và gồm 27 tác phẩm.

 Như thế, ”thư viện kitô” hay Thánh Kinh Kitô gồm 66 (Tin Lành) hay 73 (Công Giáo) tác phẩm, đã được liệt kê trong các danh sách cổ xưa, chẳng hạn như danh sách của Công Đồng Phi châu nhóm tại thành phố Ippona năm 393 sau công nguyên, danh sách Công Đồng nhóm tại thành phố Cartagine năm 397 và 419.

  3. Việc sắp xếp các tác phẩm

  Việc sắp xếp thứ tự các tác phầm của Thánh Kinh Tân Ước giống nhau trong mọi sách Thánh Kinh. Trái lại, đối với Thánh Kinh Cựu Ước có hai loại sắp xếp.

  Thánh Kinh Do thái gồm 3 phần:

 1) Torah hay Lề Luật (chúng ta gọi là Pentateuco Ngũ Thư hay Ngũ Kinh) bao gồm 5 cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước. Người Do thái lấy từ đầu tiên hay một từ trong câu đầu tiên để gọi tên sách

 1/ Bereshit (Từ khởi nguyên: Sáng Thế ); 2/ Shemốt (Các tên: Xuất Hành); 3/ Wayiqra (Và người gọi: Lêvi); 4/ Bemidbar (Trong sa mạc: Dân Số); 5/ Debarim (Các lời: Đệ Nhị Luật).

  2) Nebiim hay Ngôn Sứ , chia thành hai nhóm:

 các ngôn sứ trước (profeti anteriori) mà chúng ta gọi là các sách ”Sử Ký” và

các ngôn sứ sau (Profeti posteriori)

 – Nebiim rishonim (Các ngôn sứ trước: các Sách Sử Ký)

 6/ Yehoshua (Giôsua); 7/ Shofetim (Các Thủ Lãnh); 8/ Samuel (Samuel I-II); 9/ Sefer malchim (sách Các Vua I-II);

 – Nebiim aharonim (Các ngôn sứ sau: các Sách Ngôn Sứ)

 10/ Yeshaiyahu (Isaia); 11/ Yirmeyahu (Giêrêmia); 12/ Yekhezeqel (Êdêkien) 13/ Hoshea (Hôsê); 14/ Yoel (Giôen); 15/ Amos (Amốt); 16/ Obadiya (Ôvađia); 17/ Yonah Giôna); 18/ Mikah (Mika); 19/ Nakhum (Nahum); 20/ Khabaqquq (Khabacúc); 21/ Zephanyah (Xôphônia): 22/ Khaggay (Khácgai); 23/ Zekaryah (Dacaria); 24/ Malaki (Malakhi).

  3) Ketubim hay các Sách khác

  25/ Tehillim (Thánh Vịnh); 26/ Iob (Gióp); 27/ Mishley (Châm Ngôn); 29/ Shir hashirim (Diễm Ca); 30/ Kohelet (Giảng Viên); 31/ Ester (Étte); 32/ Daniel (Đanien); 33/ Ezra (Étra); Nekhemyah (Nơkhemia); 34/ Debarey hayomim I-II (Sử Biên I-II).

  Tín hũu do thái lấy ba chữ đầu tiên của ba nhóm sách nói trên (Torah, Nebiim, Ketubim) ghép lại với nhau thành từ Tanakh để gọi Thánh Kinh Do thái ”ha Tanakh”.

 Bản dịch Thánh Kinh đại Kết tiếng Pháp (TOB) theo kiểu sắp xếp này của Thánh Kinh Do thái, và để vào cuối 7 tác phẩm chỉ được các kitô hữu thừa nhận.

 Đa số các bản dịch Thánh Kinh khác đều theo cách sắp xếp của Bản dịch Thánh Kinh Hy lạp Bẩy Mươi, là Bản Thánh Kinh tín hữu Do thái Alessandria bên Ai Cập dùng, theo đó các sách được chia thành 4 nhóm: Ngũ Thư hay Ngũ Kinh, các Sách Sử Ký, các Sách Khôn Ngoan và Thơ Phú, các Sách Ngôn Sứ.

  4. Các thứ tiếng

  Thánh Kinh Cựu Ước được biên soạn bằng tiếng do thái và có vài đoạn bằng tiếng aramây. Hai thứ tiếng này (cũng như tiếng A rập) chỉ được viết với các phụ âm. Người đọc phải thêm các nguyên âm vào theo nghĩa họ hiểu. Bắt đầu từ thế kỷ thứ VII một số các hiền nhân do thái gọi là ”masoreti” đã thêm các phụ âm vào bên trên hay bên dưới các nguyên âm của văn bản để duy trì ý nghĩa chính xác của nó. Đây là lý do tại sao đôi khi người ta gọi bản văn kinh thánh do thái là ”Bản văn Masoretico”.

  Thánh Kinh Cựu Ước đã được dịch ra tiếng hy lạp bắt đầu vào thế kỷ thứ III trước công nguyên tại Alessandria bên Ai Cập. Theo truyền thuyết đã có 70 ký lục dịch Thánh Kinh do thái ra tiếng hy lạp. Họ làm việc riêng rẽ, nhưng bản dịch của họ lại giống nhau. Ý nghĩa của truyền thuyết này quan trọng: nó có nghĩa là một bản dịch như thế chỉ có thể được linh hứng bởi Thiên Chúa. Chính vì vậy bản dịch này được gọi là Bản Dịch của Bẩy Mươi Ký lục (la traduzione dei Settanta) hay Bản Dịch Bẩy Mươi (La Settanta), viết tắt là LXX.

 Cũng có các bản dịch hy lạp khác như các bản dịch của Aquila, của Simmaco, của Teodozione.

 Thánh Kinh Tân Ước đã được biên soạn bằng tiếng hy lạp, loại hy lạp bình dân được nói thời đó, không còn tương đương với tiếng hy lạp cổ điển nữa. Nó được gọi là tiếng hy lạp ”koine”, ”chung, thông dụng, thông thường”.

 Các chuyên viên dịch Thánh Kinh từ bản văn gốc, nghĩa là từ tiếng do thái cho các sách Thánh Kinh Cựu Ước, và từ tiếng hy lạp cho các sách Thánh Kinh Tân Ước.

 Trong số các bản dịch Thánh Kinh cổ xưa phải kể tới Bản dịch tiếng Siriac, tiếng Copte (tức ngôn ngữ cổ ai Cập) và tiếng Latinh. Bản văn Latinh cổ có trước thời thánh Girolamo gọi là Bản Vetus Latina . Trong khi bản văn Latinh do thánh Girolamo dịch gọi là Bản Vulgata . Hồi cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ thứ V thánh Girolamo đã sống trong một phòng gần hang đá Bếtlêhem để hoàn thành bản dịch Latinh phổ thông này.

  5. Cách phân chia thành chương và câu

  Để dễ tìm và trích các bản văn kinh thánh năm 1226 Đức Hồng Y Stephen Langton (1150-1228), Tổng Giám Mục Cantebury, Anh quốc, nảy ra ý tưởng chia các sách Thánh Kinh thành các chương. Sau đó năm 1551 nhà ấn loát Robert Etienne, người Pháp, chia các chương thành các câu.

 Tuy việc phân chia các sách kinh thánh thành các chương và câu không luôn luôn tương xứng với ý nghĩa của văn bản, nhưng nó rất thực tế và ích lợi, nên mọi ấn bản kinh thánh đều sử dụng. Như thế, để tìm một văn bản kinh thánh chỉ cần nói tên sách, chương và câu là có thể tìm ra ngay.

  – Trước hết là tên sách viết tắt, rồi số đầu tiên là chương, số theo sau là câu. Thí dụ: St 1,2 có nghĩa là sách Sáng Thế chương 1 câu 2; Đnl 30,11-14 có nghĩa là sách Đệ Nhị Luật chương 30 câu 11 tới 14.

 – Nếu muốn trích nhiều chương thì để một gạch nối giữa các chương. Thí dụ Xh 3-5; 6-13 có nghĩa là sách Xuất Hành chương 3 tới chương 5 và chương 6 tới chương 13.

 – Nếu muốn trích dẫn nhiều câu khác nhau trong cùng một chương, thì để gạch nối giữa các câu liền nhau, và để một chấm cho câu tiếp theo. Thí dụ Tv 37,1-2.8-10.12.14 có nghĩa là Thánh vịnh 37 các câu 1 tới 2, 8 tới 10, và các câu 12 và 14.

 – Nếu muốn trích dẫn một văn bản với các câu chính xác gồm nhiều chương khác nhau thì để một gạch ở giữa. Thí dụ Is 52,13-53,12 có nghĩa là sách ngôn sứ Isaia chương 52 câu 13 cho tới chương 53 câu 12.

 – Nếu muốn trích một văn bản với các câu tiếp theo thì viết tt. Thí dụ St 2,4-6.8; 3,5 tt.; 4,1-6,8 có nghĩa là sách Sáng Thế chương 2 các câu từ 4 tới 6, câu 8; chương 3 câu 5 và tiếp theo; chương 4 câu 1 tới chương 6 câu 8.

  II. DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM KINH THÁNH, NỘI DUNG VÀ THỜI GIAN BIÊN SOẠN

  Sau đây là danh sách theo các ấn bản Thánh Kinh Công Giáo. Tuy chưa phải là danh sách lý tưởng chính xác, nhưng để cho thống nhất, tên các sách và kiểu viết tắt được lấy theo bản dịch Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước của Nhóm phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ.

  1. Thánh Kinh Cựu Ước

 1) Ngũ Thư hay Ngũ Kinh:

  1/ Sáng Thế (St): bao gồm các trình thuật tiền lịch sử tạo dựng vũ trụ và loài người và lịch sử các tổ phụ từ đầu cho tới khoảng năm 1.700 trước công nguyên.

 2/ Xuất Hành (Xh): gồm các trình thật cuộc giải phóng dân Israel khỏi Ai Cập và các luật lệ khoảng năm 1.250 trước công nguyên.

 3/ Lêvi (Lv): thu thập các luật lệ hướng đẫn cuộc sống của dân Israel

 4/ Dân Số (Ds): gồm các trình thuật lịch sử và luật lệ các thuộc các năm 1.250-1.200 trước công nguyên.

 5/ Đệ Nhị Luật (Đnl): gồm các luật lệ giao thoa với lịch sử.

 Bộ Ngữ thư bao gồm chất liệu do 4 truyền thống Giavít, Êlôhít, Đệ Nhị Luật và Tư Tế biên soạn trong các thế kỷ IX-V trước công nguyên. Bốn truyền thống này được viết tắt là: J, E, D, P (Priestercodex).

  2) Các sách Sử Ký:

  1/ Giôsuê (Gs): kể lại cuộc đánh chiếm Đất Hứa Canaan năm 1.200 trước công nguyên.

2/ Thủ Lãnh (Tl): kể lại cuộc định cư trong đất Canaan giữa các năm 1.200-1.000. Lần biên soạn cuối cùng trong các thế kỷ VI-IV trước công nguyên.

 3) Rút (R): chuyện bình dân

 4/ Samuel I (1 Sm): kể lại lịch sử của thủ lãnh và ngôn sứ Samuel, khởi đầu chế độ quân chủ với vua Saul năm 1.050 trước công nguyên.

 5/ Samuel II (2 Sm): các trình thuật đời vua Đavít năm 1.000 trước công nguyên. Nhân tố quan trọng nhất thuộc thế kỷ X, nhưng việc biên soạn cuối cùng thuộc thế kỷ VI trước công nguyên.

 6/ Các Vua I (1 V): trình thuật cuộc đời vua Salomon và các vua kế vị.

 7/ Các Vua II (2 V): trình thuật lịch sử các vua của vương quốc Israel miền Bắc và vương quốc Giuđa miền Nam cho tới thời lưu đầy, tức các năm 930-587 trước công nguyên. Chúng được biên soạn hồi thế kỷ VI, nhưng dùng các tài liệu cổ xưa hơn.

 8/ Sử Biên I-II (1 Sb; 2 Sb): bao gồm lịch sử từ thời Ađam cho tới sắc lệnh Vua Ciro ký năm 538 trước công nguyên cho phép dân Israel bị đầy bên Babilonia hồi hương. Chúng được biên soạn trong các thế kỷ V-IV trước công nguyên.

 9/ Étra (Er): trình thuật biến cố hồi hương từ Babilonia, năm 530.

 10/ Nơkhêmia (Nk): trình thuật việc tái thiết thành Giêrusalem và Đền Thờ sau khi dân Israel hồi hương (537-398 trước công nguyên). Chúng được biên soạn trong các thế kỷ V-IV trước công nguyên.

 11/ Tôbia (Tb): chuyện bình dân

 12/ Giuđitha (Gd): chuyện bình dân

 13/ Étte (Et): tiểu thuyết lich sử, được biên soạn giữa các thế kỷ IV-II trước công nguyên.

 14/ Macabê I-II (1 Mcb; 2 Mcb): trình thuật chiến tranh giành độc lập do nhà Macabê khởi xướng và lãnh đạo (các năm 175-134; 180-160) được biên soạn giữa các năm 135-63 trước công nguyên.

  3) Các sách Khôn Ngoan và Thơ Phú:

  1/ Gióp (G): đề cập tới vấn đề khổ đau của người công chính, được biên soạn hồi thế kỷ thứ V trước công nguyên.

 2/ Các Thánh Vịnh (Tv): gồm 150 sáng tác thơ thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, một số rất cổ xưa, và việc biên soạn vĩnh viễn hoàn thành trước thế kỷ thứ IV trước công nguyên.

 3/ Châm Ngôn (Cn): đa số thuộc các thế kỷ VIII-VII trước công nguyên, nhưng một số được thêm vào sau này.

 4/ Giảng Viên (Gv): được biên soạn giữa các thế kỷ IV-III trước công nguyên.

 5/ Diễm Ca (Dc): thi ca trữ tình thuộc thế kỷ V-IV trước công nguyên.

 6/ Khôn Ngoan (Kn): do một tín hữu do thái biên soạn tại Alessandria bên Ai Cập khoảng năm 50 trước công nguyên.

 7/ Huấn Ca (Hc): của ông Giêsu con Sirak biên soạn vào thế kỷ thứ II trước công nguyên.

  4) Các Sách Ngôn Sứ

  1/ Isaia (Is): phần I (các chương 1-39) của ngôn sứ Isaia thuộc thế kỷ thứ VIII trước công nguyên; phần II (các chương 40-55) và phần III (các chương 56-66) là của các môn sinh thuộc các thế kỷ VI-V trước công nguyên.

2/ Giêrêmia (Gr): phần nòng cốt thuộc ngôn sứ Giêrêmia hoạt động từ năm 602 tới sau 587 trước công nguyên và được biên soạn trong các thế kỷ VII-VI trước công nguyên.

 3/ Ai Ca (Ac): thuộc thế kỷ thứ VI trước công nguyên.

 4/ Barúc (Br): thuộc thế kỷ thứ VI trước công nguyên.

 5/ Êdêkien (Ed): phần lớn do ngôn sứ biên soạn vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên.

 6/ Đanien (Đn): gồm hai phần được biên soạn vào hai thế kỷ III-II trước công nguyên.

 7/ Hôsê (Hs): thi hành sứ vụ và biên soạn giữa các năm 750-725 trước công nguyên.

 8/ Giôen (Ge): thuộc thế kỷ thứ V trước công nguyên

 9/ Amốt (Am): thuộc thế kỷ thứ VIII trước công nguyên.

 10/ Ôvađia (Ov): sách ngắn nhất của Thánh Kinh Cựu Ước, thuộc thế kỷ VI trước công nguyên.

 11/ Giôna (Gn): biên soạn giữa các thế kỷ V-III trước công nguyên.

 12/ Mikha (Mk): thuộc thế kỷ thứ VIII trước công nguyên.

 13/ Nahum (Nh): thuộc thế kỷ VII-VI trước công nguyên.

 14/ Khabacúc (Hb): thuộc thế kỷ VII-VI trước công nguyên.

 15/ Xôphônia (Xp): hoạt động và biên soạn sách vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên.

 16/ Khácgai (Kg): thuộc thế kỷ VI-V trước công nguyên  

 17/ Dacaria (Dc): phần I (các chương 1-8) thuộc thế kỷ thứ VI trước công nguyên; phần II (các chương 9-14) thuộc thế kỷ thứ V trước công nguyên.

 18/ Malakhi (Ml): thuộc thế kỷ thứ V trước công nguyên.

  2. Thánh Kinh Tân Ước

 1) Gồm 4 Phúc Âm

  Ba Phúc Âm đầu tiên gọi là Nhất Lãm, vì có cùng cách sắp xếp lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu, được biên soạn giữa các năm 43-70. Thánh sử Luca là tác giả của Phúc Âm và sách Công Vụ Tông Đồ.

 1/ Mátthêu (Mt)

2/ Máccô (Mc)

3/ Luca (Lc)

4/ Gioan (Ga) được biên soạn giữa các năm 90-100.

  2) Công Vụ Tông Đồ (Cv) được biên soạn giữa các năm 63-70 và 80-90.

 3) 13 thư của thánh Phaolô được viết giữa các năm 57-70 gồm các thư gửi gín hữu các giáo đoàn: Roma (Rm); 1 Côrintô (1 Cr); 2 Côrintô (2 Cr); Galát (Gl); Êphêxô (Ep); Philiphê (Pl); Côlôxê (Cl; 1 Thêxalônica (1 Tx); 2 Thêxalônica (2 Tx); 1 Timôthê (1 Tm); 2 Timôthê (2 Tm); Titô (Tt); Philêmôn (Plm); Do thái (Dt).

 Thư gửi tín hữu Do thái hay Diễn từ về chức Linh Mục của Chúa Giêsu được biên soạn sau này, nhưng được gán cho thánh Phaolô.

 4) Thư thánh Giacôbê (Gc)

5) Hai thư của thánh Phêrô: 1 Phêrô (1 Pr), 2 Phêrô (2 Pr)

6) Ba thư của thánh Gioan: 1 Gioan (1 Ga); 2 Gioan (2 Ga); 3 Gioan (3 Ga).

7) Thư Giuđa (Gđ)

8) Khải Huyền (Kh).

  3. Danh sách Thánh Kinh Cựu Ước, Bản Dịch Đại Kết (TOB)

  Có kiểu sắp xếp theo Thánh Kinh Do thái gồm 4 nhóm:

 1) Ngũ Thư

2) Các Ngôn Sứ:

     – 1/ Các Ngôn Sứ trước:

     – 2/ Các Ngôn Sứ sau:

 3) Các Sách khác

 4) Các sách ”Deuterocanonici” hay ”apofrifi”, tức 7 tác phẩm được biên soạn bằng tiếng hy lạp: Giuđitha, Tobia,, 1 Macabê, 2 Macabê, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc và thư của Giêrêmia.

 Để đầy đủ phải thêm vài đoạn bằng tiếng hy lạp của sách Đanien và sách Étte.

  III. MỘT VÀI DANH SÁCH THÁNH KINH KHÁC

 1. Thánh Kinh Samaritano

  Cộng đoàn tín hữu do thái ly khai sống tại Samaria thủ đô vương quốc Israel miền Bắc chỉ chấp nhận phần I của Thánh Kinh Do thái, tức Ngũ Thư gồm 5 cuốn đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước, cộng thêm sách Giôsuê. Đôi khi Thánh Kinh Samaritano cũng được gọi là ”Esateuco samaritano” tiếng hy lạp có nghĩa là ”6 hộp” đựng các cuộn sách viết trên giấy làm bằng da thuộc, hay ”Pentateuco samaritanio” ”5 hộp”. Ngoài số sách hạn chế Thánh Kinh Samaritano còn có 2.000 chỗ dịch khác nhau.

  2. Thánh Kinh Chính Thống

  Các Giáo Hội Chính Thống theo danh sách Thánh Kinh Hy Lạp Bẩy Mươi, được dịch tại Alessandria bên Ai Cập giữa các thế kỷ III-I trước công nguyên. Thứ tự các sách khác với Thánh Kinh Do thái.

 Trong Công Nghị nhóm tại Giêrusalem năm 1672 các Giáo Hội chính thống vĩnh viễn chấp nhận danh sách Thánh Kinh Cựu Ước sau đây, trong khi danh sách Thánh Kinh Tân Ước giống danh sách của Giáo Hội công giáo và các Cộng Đoàn Kitô khác.

  1) Pentáteukhos (Ngũ Thư):

  Ghenesis (Sáng Thế); Hexodos (Xuất Hành); Levitikon (Lêvi); Arithmoi (Dân Số); Deuteronómion (Đệ Nhị Luật).

  2) Istoriká (Sách Sử Ký):

  Iesus tou Navé (Giosuê Ngôn Sứ); Kritai (Thủ Lãnh); Ruth; A Samuel hay Basiléon A (1 Basiléon = Vua 1 = 1 Samuel 1); B Samuel hay Basiléon B (2 Basiléon = Vua 2 = Samuel 2) A Basiléon hay Basiléon Gamma (3 Basiléon = Vua 3 = 1 Vua); B Basiléon hay Basiléon Delta (4 Basiléon = Vua 4 = 2 Vua); A Kronikón hay Paraleipoménon A (1 Paraleipoménon = Các điều được thêm vào = Sử Biên 2); B Kronikòn hay Paraleipoménon B (2 Paraleipoménon = Các điều được thêm vào = Sử Biên 2); A Esdras ( 1 Esdras = Esdra hy lap); B Esdras (2 Esdras = Esdra); Neemías; Esther với các phần thêm; Iudith (Giuditha); Tobít; Makkabáion A (1 Macabê); Makkabáion B (2 Macabê); Makkabáion Gamma (3 Macabê); Makkabáion Delta (4 Macabê).

 Khi đọc một số các sách cũ, chúng ta có thể gặp các trích dẫn theo Kinh Thánh Hy Lạp Bẩy Mươi trên đây: I-II-III-IV Vua; I-II Étra; I-II-III-IV Macabê.

  3) Poietiká (Các Sách Thơ):

  Psalmoi (Các Thánh Vịnh + Tv 151); Odài (Các Thánh Thi); Paroimíai (Châm Ngôn); Ekklesiastes (Ecclesiates : người tụ họp = Giảng Viên hay Qohelet); Asma Asmatón (Diễm Ca); Iob; Sofia Solomóntos (Sự Khôn Ngoan của Salomon); Sofia Seirach (Sự Khôn Ngoan của Sirach = Huấn Ca hay Ben Sira); Psalmòi Solomòntos (Các Thánh Vịnh của Salomon)

  4) Profetikà (Các Ngôn Sứ):

  – Mikroi profétes (Các Ngôn Sứ Nhỏ):

 Oseé; Amós; Michaías; Ioel; Obdiú; Ionas; Naúm; Abbakùm; Sofonìas; Aggaíos; Zakarías; Malachías;

 – Megàloi profétes (Các Ngôn Sứ Lớn):

 Esaias; Ieremías; Barúch; Thrénoi (Ai Ca); Epistolé Ieremíou (Thư Giêrêmia); Iezekiél; Sosànna (Susanna); Danièl bao gồm Proseuches tou Azarìa (Lời cầu của Azaria), Ton triòn paìdon aìnesis (Thánh thi của ba người trẻ); Bel kai dràgon (Bel và con rồng).

 So sánh với danh sách Thánh Kinh Chính thống, Thánh Kinh Công giáo không có các tác phẩm: Các Thánh Thi, Các Thánh Vịnh Salomon; sách Étra 1, Macabê 3, Macabê 4.

  3. Thánh Kinh Tin Lành

  Vào thế kỷ XVI Martin Luther, cha đẻ của phong trào cải cách, cũng đặt vấn nạn liên quan tới các Sách Thánh. Cho tới thời đó, Kitô giáo tây phương đã thừa nhận 73 tác phẩm như được liệt kê trong Bản Vulgata tiếng Latinh, dựa trên sự chỉ dẫn uy tín của Đức Giáo Hoàng Damaso I năm 382 và được Công Đồng Firenze tái khẳng định năm 1442.

 Trong bối cảnh việc phản đối các ân xá có được nhờ các việc bác ái, nhất là dâng cúng tiền bạc với ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội mau lên thiên đàng, Martin Luther coi thư của thánh Giacôbê, đặc biệt Gc 2,14-26, đề cao các việc lành phúc đức trong cuộc sống kitô, là không được linh hứng và xếp nó vào loại ”apocrifo”.

 Martin Luther cũng phê bình một vài văn bản của các sách ”deuterocanonici” đề cao tầm quan trọng của lời cầu nguyện và các việc bác ái đối với các người đã qua đời, mà truyền thống công giáo coi là nền tảng của giáo lý ân xá, đặc biệt là các văn bản: 2 Mcb 12,43-45; Tb 4,7-12; 14,10-11; Hc 3,30; 35,2.

 Martin Luther công nhận 39 tác phẩm của Thánh Kinh Cựu Ước Do thái trong bản dịch tiếng đức theo thứ tự của Bản vulgata. Trong Thánh Kinh Tân Ước ông coi thư Giacôbê, thư Giuđa, thư Do thái, sách Khải Huyền là các tác phẩm ”apocrifi” và xếp chúng vào cuối.

 Trong các thế kỷ sau đó, có hai trào lưu trong thế giới tin lành. Trào lưu Luther và Anh giáo tiếp tục duy trì các tác phẩm bị Luther coi là không hợp quy (non canonici), và trình bầy 7 tác phẩm ”deuterocanonici” vào phần cuối, nhưng lại coi thư Giacôbê, thư Giuđa, thư Do thái và sách Khải Huyền là các tác phẩm hợp quy.

 Tất cả các cộng đoàn tin lành khác chỉ coi 66 tác phẩm là hợp quy, và chỉ loại trừ 7 tác phẩm ”deuterocanonici” mà thôi.

  4. Danh sách Thánh Kinh Copte

  Thánh Kinh Etiopica bao gồm danh sách của Bản Dịch Hy Lạp Bẩy Mươi, cộng thêm vài tác phẩm bị các cộng đoàn kitô khác coi là ”apocrifi” như: Sách Giubilê, Sách Ênốc, 1 Macabê, 2 Macabê, 3 Macabê.

 Trong Thánh Kinh Tân Ước thì có thêm: hai thư I-II Clêmentê.

  5. Danh sách Thánh Kinh Siriac

  Bản dịch Thánh Kinh tiêng siriac gọi là Bản ”Peshitta” là bản Thánh Kinh chính thức của các Giáo Hội Siri.

 – Thánh Kinh Cựu Ước gồm vài văn bản ”apocrifi” như: Thánh vịnh 151; các Thánh Vịnh 152-155; sách Barúc 2.

 – Thánh Kinh Tân Ước thuộc thế kỷ thứ V chỉ có 22 tác phẩm thay vì 27, vì thiếu thư Phêrô 2, thư Gioan 2, 3; thư Giuđa, sách Khải Huyền.

 – Từ các thế kỷ VI-VII trở đi các ấn bản tân ước có đủ 27 tác phẩm. Nhưng Thánh Kinh Tân Ước gồm 22 tác phẩm vẫn tiếp tục được dùng bởi vài cộng đoàn siri bên Ấn Độ như:

  – Giáo Hội chính thống siro-malankara có trụ sở tại Kottayam trong bang Kerala;  

– Giáo Hội công giáo Siro-malabar có trụ sở tại Trichur trong bang Kerala.

  6. Danh sách Thánh Kinh Armeni

  Giáo Hội Tông Truyền Armeni có các nghi ngờ, khi đưa ”Di chúc của Mười Hai Tổ Phụ” vào danh sách các tác phẩm Thánh Kinh Cựu Ước. Liên quan tới Thánh Kinh Tân Ước họ nghi ngờ việc đưa thư Côrintô 3 và sách Khải Huyền vào danh sách.

  LM Giuse Linh Tiến Khải


Comments are closed.