Post Tagged with: "Mười điều răn"

Dụ ngôn Mười Điều Răn

Dụ ngôn Mười Điều Răn

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/11/10-dieu-ran.jpg

DỤ NGÔN MƯỜI ĐIỀU RĂN

          Để làm cho các con hiểu rõ mười điều răn là gì và việc tuân giữ nó quan trọng chừng nào, Thầy nói cho các con dụ ngôn này:

          Một người cha của một gia đình kia có hai người con trai, ông yêu hai người như nhau, và ông muốn trở nên ân nhân của hai người theo cùng một cách. Người cha này, ngoài nơi mà ông ở với các con ông, ông còn là chủ những sở hữu khác, nơi ông dấu những kho tàng lớn lao. Hai người con biết là có kho tàng này, nhưng họ không biết con đường nào để tới đó. Qủa vậy, vì những lý do đặc biệt, người cha không tiết lộ với các con ông con đường để tới đó, và như vậy đã từ nhiều năm rồi. Nhưng vào một lúc kia, ông gọi hai con trai lại và nói với họ: “Bây giờ đã đến lúc thuận tiện để các con biết kho tàng mà cha các con để dành cho các con nó ở đâu, để các con tới đó khi cha bảo các con. Trong khi chờ đợi, các con hãy nghe cho biết con đường và các dấu hiệu mà cha đã đặt ở đó, để các con không bị lạc mất con đường trúng. Vậy hãy nghe cha đây: Các kho tàng không ở trong đồng bằng, nơi nước đọng, nơi đại nhiệt thiêu đốt, nơi bụi bặm làm hư tất cả, nơi gai góc và các cây mâm xôi làm ngộp rau cỏ thảo mộc, và là nơi kẻ trộm có thể tới ăn cắp cách dễ dàng. Các kho tàng ở trên đỉnh ngọn núi cao kia, cao và gập ghềnh. Cha đã để nó ở đó, tận trên đỉnh, và chúng đang chờ các con. Ngọn núi có nhiều lối đi, cả đến có rất nhiều, nhưng chỉ có một đường là tốt. Các đường khác, một số thì tận cùng ở một vực thẳm, số khác thì dẫn vào một cái hang không có lối ra, số khác nữa thì tới những hố sâu nước bùn, số thì tới các hang rắn độc, số thì tới miệng núi lửa đầy lưu huỳnh cháy nóng, số thì tới những thành lũy không thể vượt qua được. Trái lại, con đường trúng thì mệt nhọc, nhưng dẫn tới đỉnh, không bị gián đoạn bởi các vực thẳm hay các chướng ngại khác. Để các con có thể nhận ra nó, cha đã để suốt dọc đường, tại những khoảng cách đều nhau, mười cái bia đá trên đó có khắc các chữ này: ‘Tình yêu, Vâng phục, Chiến thắng’, để hướng dẫn các con. Hãy đi theo đường đó và các con sẽ tới chỗ kho tàng. Rồi cha, bởi một con đường khác mà chỉ một mình cha biết, cha sẽ đến để mở các cửa cho các con để các con được sung sướng”.

          Hai người con chào cha. Ông nhắc lại bao lâu hai con trai ông còn nghe thấy: “Hãy theo con đường mà cha chỉ cho các con, vì sự lành của các con. Đừng để mình bị lôi kéo bởi các con đường khác, dù nó có vẻ như tốt hơn. Các con sẽ mất kho tàng và mất cha cùng với nó…”

          Đây, họ ở chân núi. Một bia đá đầu tiên được dựng ở dưới thấp, đúng vào chỗ bắt đầu con đường, ở giữa một loạt những con đường để lên núi theo đủ mọi hướng. Hai anh em bắt đầu leo lên trên con đường tốt. Nó vẫn còn rất tốt lúc bắt đầu, mặc dầu không một chút bóng mát. Từ trên trời, mặt trời chiếu thẳng xuống và dìm ngập nó trong ánh sáng và sức nóng. Đá có mầu trắng ở nơi nó được đục vào. Bầu trời trong ở bên trên đầu họ. Sức nóng của bầu trời bao phủ các chi thể họ. Đó là những điều hai anh em nhìn thấy và cảm thấy. Nhưng vẫn còn được kích thích bởi thiện chí, bởi các kỷ niệm về người cha và về các lời dặn dò của ông, hai người vui vẻ đi lên phía đỉnh. Đây, cái bia đá thứ hai… rồi cái thứ ba. Con đường càng lúc càng mệt, đơn độc, cháy nóng. Họ cũng không nhìn thấy các con đường khác là những đường có cỏ, có cây, có nước trong, nhất là nó ít dốc, vì nó thoai thoải từ từ, và được làm trên nền đất không có đá.

          -Cha chúng ta muốn cho chúng ta đi tới chỗ chết! – một người con nói khi tới cái bia đá thứ bốn, và anh ta bắt đầu bước chậm lại. Người con kia khuyến khích anh ta tiếp tục cuộc hành trình bằng cách nói: “Người yêu chúng ta như các thứ ngã của người và còn hơn nữa, vì người đã bảo toàn cho chúng ta một kho báu tuyệt vời như vầy. Con đường ở trong đá, không có quẹo ngang, đi thẳng từ dưới lên tới đỉnh, là chính ông đã đẽo. Những bia đá này, chính ông đã làm để hướng dẫn chúng ta. Anh ơi, hãy suy nghĩ: chính ông, một mình ông đã làm tất cả những điều này vì tình yêu, để tặng cho chúng ta, để làm cho chúng ta tới nơi không thể sai lầm và không nguy hiểm”.

          Họ lại đi. Nhưng các con đường đã bị loại bỏ ở phía dưới tiến lại gần con đường đục vào đá, và chúng càng hay lại gần hơn khi con đường dẫn tới đỉnh núi trở nên hẹp hơn. Và ôi, chúng đẹp đẽ, mát mẻ, có vẻ mời mọc chừng nào!…

          -Tôi rất muốn đi một trong các con đường kia. Có bao nhiêu con đường khác với con đường này để lên đỉnh núi – người anh trai không hài lòng nói khi tới bia đá thứ sáu.

          -Anh không thể nói vậy… Anh đâu có nhìn thấy là nó lên hay xuống.

          -Kia kìa, nó ở trên đó mà!

          -Anh dâu có chắc chỗ đó có phải là con đường này không. Hơn nữa, cha đã bảo là đừng bỏ con đường đúng.

          -Kẻ uể oải tiếp tục một cách miễn cưỡng. Đây, bia đá thứ bảy.

          Ôi! Với tôi, tôi bỏ đi thực sự đây!

          -Anh ơi, đừng làm vậy!

          Họ đi lên. Từ đây con đường thực sự rất khó. Nhưng đỉnh núi đã gần rồi…

           Đây, bia đá thứ tám, và một con đường đầy hoa chạy quanh ngay bên cạnh nó.

          -Ôi! Em thấy không? Con đường đó có lẽ không phải là con đường thẳng, nhưng rõ ràng là nó đi lên.

          Anh đâu biết đây có phải con đường đó không.

          -Có chứ! Anh nhận ra nó mà!

          Anh lầm đó.

          -Không, anh đi đây.

          -Đừng làm vậy. Hãy nghĩ tới Cha, tới các nguy hiểm, tới kho tàng.

          -Nhưng cầu cho chúng tiêu ma hết đi! Kho tàng mà làm gì nếu anh chết khi lên tới đỉnh? Đâu có nguy hiểm nào lớn hơn con đường này? Và đâu có sự thù ghét nào lớn hơn sự thù ghét của người cha đã chế diễu chúng ta bằng con đường này để làm cho chúng ta chết? Chào! Anh sẽ tới nơi trước em mà vẫn còn sống… – Và anh ta nhảy vào con đường kế bên, rồi biến mất trong lúc phát ra những tiếng kêu vui mừng sau các cây cho bóng mát.

          -Người em tiếp tục cách buồn rầu… Ôi! Con đường ở đoạn cuối thực là dễ sợ! Người bộ hành hầu không kham nổi nữa. Anh ta tựa như người say vì mệt mỏi, vì mặt trời! Tại bia đá thứ chín, anh ta đứng lại, thở hổn hển, tựa vào bia đá, đọc một cách máy móc các chữ được khắc ở trên. Rất gần đó có một con đường với bóng mát, nước và hoa đẹp… “Tôi sẽ đi vào đường đó chăng?… Nhưng không!   Không. Ở đây đã viết, và chính cha tôi đã viết: ‘Tình yêu, Vâng lời, Chiến thắng’.   Tôi phải tin vào tình yêu của Người, vào sự thật của Người, và tôi phải vâng lời để chứng tỏ tình yêu của tôi… Nào!… Cầu cho tình yêu nâng đỡ tôi…” Đây, bia đá thứ mười… Người bộ hành kiệt quệ, bị cháy bởi mặt trời, gù xuống để bước như ở dưới một cái ách… Đó là cái ách yêu thương và thánh thiện của sự trung thành, là tình yêu, sự vâng lời, mạnh mẽ, cậy trông, chính trực, khôn ngoan, tất cả… Thay vì dựa vào bia đá, anh ta ngồi bệt bên một chút bóng mát của tảng đá dựng trên mặt đất.   Anh cảm thấy như hầu chết. Từ con đường bên cạnh bay tới tiếng động của dòng suối và mùi cây rừng… “Cha ơi! Cha ơi! Hãy giúp con trong cơn cám dỗ này bằng thần trí của cha… Hãy giúp con trung thành tới cùng!”

          Từ xa, giọng nói vui vẻ của người anh: “Tới đây đi, anh chờ em. Ở đây là Thiên Đàng… Tới đi…”

          -Nếu em tới đó?… – Và anh ta kêu rất lớn: “Có đúng là người ta lên đỉnh được không?”

          -Đúng mà. Tới đi. Có một cái hành lang mát mẻ dẫn lên đó. Tới đi! Anh đã nhìn thấy đỉnh núi ở bên kia hành lang, ở trong đá.

          -Tôi tới? Tôi không tới?… Ai đến cứu tôi?… Tôi tới… – Anh chống tay để đứng dậy, và khi làm như vậy, anh quan sát thấy rằng các chữ được khắc không còn rõ nét như ở các bia đá đầu tiên: “Ở mỗi bia đá, các nét chữ trở nên mờ hơn…   Tựa như cha tôi mệt mỏi, phải khó khăn để khắc… Và… Coi này!… Ở đây cũng vậy, có cái dấu mầu nâu đỏ này, tôi bắt đầu nhìn thấy rõ từ bia đá thứ năm…   Nhưng ở đây nó làm đầy trong các khe của các chữ, và nó chảy xuống, để lại vết trên đá như dòng nước mắt đậm, giống như… máu…” Và với ngón tay, anh ta cào vào chỗ có một vết lớn như hai bàn tay. Và cái vết biến đi, để lộ ra những lời này, rõ như mới viết: “Cha yêu các con như vậy đó, cho tới đổ máu ra để dẫn các con tới kho tàng”.

          -Ôi! Ôi! Cha tôi! Và tôi, tôi đã có thể nghĩ tới không tuân theo mệnh lệnh của Cha sao? Xin tha, cha của con ơi, xin tha! – Người con gục vào bia đá để khóc, và lằn máu ở đầy trong các khe chữ tự mới lại, tươi bóng như hồng ngọc, và nước mắt trở thành đồ ăn đồ uống cho người con tốt, và sức mạnh… Anh đứng dậy… Vì tình yêu, anh gọi người anh rất mạnh, rất mạnh… Anh ta muốn kể điều khám phá của anh cho ông anh… tình yêu của cha, để nói với anh: “Hãy trở lại”. Nhưng không ai trả lời cả.

          Người thanh niên lại lên đường, hầu như lết bằng đầu gối trên đá nóng. Vì kiệt sức, thân xác anh thực sự tới mức, nhưng tâm hồn anh trong sáng. Đây, đỉnh núi… Và kìa, Cha!

          -Cha của con!

          -Con cưng!

          Người thanh niên lao mình vào lòng thân phụ. Người cha đón nhận anh và bao phủ anh bằng những cái hôn.

          -Con có một mình?

          -Vâng… Nhưng anh con sắp tới…

          -Không. Anh ấy không tới nữa. Anh đã bỏ con đường của mười bia đá. Anh đã không trở lại sau những tỉnh ngộ đầu tiên đã loan báo cho anh. Con muốn nhìn thấy anh không? Anh kia kìa, trong hố lửa… Anh cứng đầu trong tội. Cha sẽ còn tha thứ và còn chờ anh nếu sau khi nhận ra lỗi lầm, anh biết quay trở lại, và nếu dù có chậm trễ, anh ta cũng đi qua nơi mà tình yêu đã đi qua trước, trong khi chịu đựng tới nỗi đổ ra cho các con những thứ tốt nhất của máu người, cái đắt gía nhất ở nơi Người.

          -Anh đã không biết.

          -Nếu anh con đã nhìn với tình yêu những lời được khắc trên mười bia đá, thì anh đã đọc được ý nghĩa thực sự của nó. Con đã đọc được từ bia đá thứ năm, và con đã lưu ý anh ta khi nói: “Chỗ này chắc cha bị thương!” Và con đã đọc được nó ở bia đá thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín… luôn luôn rõ hơn, cho tới lúc con có cái trực giác muốn khám phá điều gì ở dưới lớp máu của cha. Con biết tên của cái trực giác này không? Sự kết hợp thực sự của con với cha. Các thớ thịt của qủa tim con hòa lẫn với các thớ thịt của qủa tim cha đã nhảy mừng và nói với con: “Ở đây mày sẽ có sự đo lường về cách thế người cha yêu mày”. Bây giờ con, kẻ có Tình Yêu, Vâng Lời, Chiến Thắng, hãy vào chiếm lấy kho báu và chính Cha tới muôn đời.

          Đó là dụ ngôn.

          Mười bia đá là mười giới răn. Thiên Chúa của các con đã khắc nó và đặt nó trên con đường dẫn tới kho báu đời đời, và Người đã khổ cực để dẫn các con vào con đường này. Các con đau khổ ư ? Thiên Chúa cũng vậy. Các con phải gắng sức với chính mình ư ? Thiên Chúa cũng vậy, và các con biết tới điểm nào không? Tới mức chịu đựng sự chia lìa chính mình Người và tự cố gắng để biết thực thể của loài người với tất cả những khốn nạn mà nhân tính mang theo với nó: sinh ra, chịu giá lạnh, đói khát, mệt nhọc và những chua cay, những xúc phạm, những thù ghét, những cạm bẫy, và sau cùng là cái chết bằng cách đổ hết máu Thầy ra để cho các con kho báu. Đó là điều Thiên Chúa chịu đựng khi xuống trần để cứu các con. Đó là điều Thiên Chúa trên Trời chịu đựng khi tự cho phép mình chịu đau khổ như vầy.

          Thực vậy, Thầy bảo các con rằng không một người nào, dù con đường về trời của họ lao nhọc tới đâu, có thể là con đường lao khổ hơn, đau thương hơn con đường mà Con Người đi từ Trời xuống đất, từ đất tới Lễ Hy Sinh, để mở các cửa của kho báu cho các con.

          Máu Thầy đã ở trong các bản của Lề Luật. Máu Thầy đã ở trên con đường mà Thầy vạch ra cho các con. Chính dưới làn sóng của máu Thầy mà cửa của các kho tàng mở ra. Chính bởi máu Thầy mà tâm hồn các con được tẩy rửa, được nuôi dưỡng, và được trở nên trong sạch và mạnh mẽ. Nhưng để cho nó không đổ ra cách vô ích, thì các con phải theo Lề Luật bất di bất dịch của mười giới răn.

          (Quyển 6, đoạn 144)

 “Bài thơ của Con Người-Thiên Chúa”

Viết bởi Maria Valtorta

Chuyển ngữ: Nữ tu Phạm thị Hùng CMR

 

by Tháng Mười Một 29, 2012 Comments are Disabled Cuộc đời Chúa Giê-su (Maria Valtorta)