Post Tagged with: "phòng ngừa ung thư"

NƯỚC  DỪA VỚI  HORMONE CHỐNG UNG THƯ

NƯỚC DỪA VỚI HORMONE CHỐNG UNG THƯ

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/08/coconut_water_book.jpg

Trích : “Coconut Water for Health and Healing” by Dr. Bruce Fife

Kim Tuyến & Hoàng Đình Tứ chuyển ngữ

 

NƯỚC  DỪA VỚI  HORMONE CHỐNG UNG THƯ

 

       Tóm tắt: Trong nước dừa có một loại hormone mang tên cytokinin, có tác dụng giống như hormone cytokine trong cơ thể con người. Hormone này có liên quan tới các chức năng sinh sản, tăng trưởng và phát triển, điều hòa cơ thể cho thích nghi với môi trường, tác dụng chữa trị và phục hồi, đông máu, và tính miễn nhiễm . Nó cũng có tác động trong việc phòng chống ung thư.

Vì cytokinins là những hormone tăng trưởng và kích thích sự phân chia tế bào, người ta có thể hỏi: Vậy chúng có thể qúa-kích-thích sự phát triển tới mức tế bào trở thành ung thư chăng? Thực sự điều này xảy ra ngược lại. Nghiên cứu trong thập niên 1960 chứng tỏ rằng khi cytokinins được thêm vào mô bị ung thư, sự phát triển bất bình thường đã chậm lại.

Nhiều nghiên cứu ban đầu về cytokinins được Hội Ung Thư Hoa Kỳ tài trợ. Vì cytokinins có những tính chất tương tự như cytokines nơi con người, là chất có hiệu qủa chống ung thư, các nhà nghiên cứu lý giải rằng cytokinins nơi thực vật cũng có khả năng hữu dụng trong việc chiến đấu chống ung thư. Sau đó, cytokinins đã được tường trình là có hiệu tính chống ung thư ở tế bào của người và loài vật.

Trong khi cytokinins kích thích sự phân chia tế bào, điều rất đáng chú ý là chúng không làm tăng  đáng kể tuổi thọ của tế bào hay tổng số tế bào phân chia đó. Đây là đặc tính rất đáng chú ý bởi với đặc tính này cytokinins có khả năng trì hoãn khả năng tăng dân số của mô ung thư.

Các tế bào trong cơ thể chúng ta có nguồn gốc từ một tế bào duy nhất. Khi chúng ta phát triển trong lòng mẹ, các tế bào phân chia thành các chức năng riêng biệt,  như tế bào xương, tế bào da, tế bào máu, v.v.. Mỗi tế bào có một nhiệm vụ và mục đính riêng. Từng tế bào mang mật mã di truyền chung nhưng nhiệm vụ và khả năng thì khác nhau. Sự khác biệt này rất cần thiết cho sự phát triển, sống còn, và truyền giống của cơ thể. Một khối tế bào giống nhau hay những tế bào không có chức năng riêng biệt thì vô dụng.

Một trong những đặc tính của ung thư là khi các tế bào không phát triển những chức năng khác biệt. Khi các tế bào trở thành ung thư, chúng mất khả năng thi hành chức vụ đặc biệt của chúng. Vi dụ: tế bào gan bị ung thư không còn thi hành chức vụ của tế bào gan nữa. Chúng thay đổi bản chất, trở thành vật ăn bám, đã vô dụng lại vẫn tiêu thụ những chất dinh dưỡng cần cho sự sống nữa. Những tế bào ung thư tăng nhanh chóng, chúng phân chia và nhân lên mãi không ngừng. Khi bướu phát triển, chúng gây trở ngại cho nhiệm vụ của các mô và cơ quan khác. Nếu trở ngại này trở nên trầm trọng sẽ có thể dẫn đến tử vong.

Để điều hòa sự phân chia tế bào, cytokinins cũng điều hòa tính cá biệt của tế bào. Nói cách khác, chúng giúp tế bào không cá biệt phát triển thành loại tế bào đặc biệt có mục đích hữu ích. Ở thực vật, cytokinins làm cho chỗ vỏ sần (nơi mà những tế bào không cá biệt của cây phát triển trên vết cắt) thành cá biệt trở lại để mọc chồi non. Vì những đặc tính tương tự ở ung thư và tế bào chai sần này, các nhà nghiên cứu đã dùng cytokinins trong việc làm tăng tiến tính cá biệt trong các mô của con người. Cytokinins đem lại sự thay đổi , từ đó các tế bào ung thư trở thành cá biệt trở lại.

Cytokinins cũng đem lại sự hữu hiệu trong việc lập chương trình cho các tế bào tự chết trong tế bào ung thư. Hiện tượng tế bào chết là một tiến trình tự nhiên, rất quan trọng vì nó giới hạn tuổi thọ  của tế bào. Khi tế bào gìa cỗi đi, chúng chết. Bình thường tế bào sẽ tự hủy sau một tuổi thọ giới hạn nào đó. Bằng cách này, tế bào mới sẽ thay thế tế bào cũ già cỗi. Riêng đối với tế bào ung thư thì, là những tế bào bị bệnh và đã mất thông tin lập trình để giới hạn tuổi thọ của nó, nên khi có đủ chất dinh dưỡng, chúng có thể hầu như sống mãi, cứ tiếp tục nhân lên và phát triển. Cytokinins có tác dụng  phục hồi lại tiến trình tự hủy của tế bào ung thư, để chúng chết đi và loại trừ ra khỏi cơ thể như các tế bào bình thường khác.

Cytokinins còn giúp bảo vệ chúng ta chống ung thư qua tính chống oxy hóa của chúng. Chất chống oxy hóa ngăn cản những gốc tự do có thể gây ung thư bởi đột biến DNA. Cytokinins được chứng minh có tác động trong việc chống ung thư và khi được thêm vào trong thức ăn sẽ giúp phòng ngừa ung thư.

ĐI ỀU KỲ DIỆU CỦA NHỮNG HÓA CHẤT THỰC VẬT

     Trong chữ Phytochemical – hay hóa chất thực vật, thì phyto có nghĩa là thực vật, cây cỏ. Phytochemical chỉ những hóa chất tồn tại tự nhiên trong thực vật, bao gồm thảo và mộc. Có tới hàng ngàn  hóa chất thực vật trong loài thảo mộc. Một số chất được phân loại là chất dinh dưỡng, như sinh tố (vitamin), và carotenoid (sắc tố); một số khác có tác dụng tạo màu cho loài thảo mộc, như chlorophyll (màu xanh lục), lycopene (màu đỏ), và beta-carotene (màu vàng), Một số khác nữa như phytohormone, thì lại liên quan tới sự sinh trưởng và phát triển của cây. Tất cả những thứ này ít nhiều đều có tác động tới con người.

Cả thực vật lẫn động vật đều có hormone. Hormone là những hóa chất truyền tin, giúp điều hòa sự sinh trưởng, các chức năng hoạt động và sự trao đổi chất. Trong cơ thể con người, hormone tạo ra từ tuyến giáp ở cổ, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể và sự trao đổi chất. Hormone sinh trưởng của con người điều hòa sự sinh trưởng và phát triển. Hormone do tuyến tụy tạo ra giúp cân bằng lượng đường. Hormone sinh dục kiểm soát sự phát triển phái tính, chức năng sinh dục. Các hormone kiểm soát, điều phối hầu như mọi lãnh vực của sự sống.

Các hormone thực vật kiểm soát sự phân chia tế bào, phát triển rễ, nẩy mầm, đơm bông. Nhiều hormone  có thành phần hóa học tương tự động vật và con người. Do đó, hormone thực vật có tác động tương tự đối với các chức năng trong cơ thể con người.

Lấy thí dụ, phytoestrogens, là những hóa chất trong thực vật, giống như những hormone sinh dục estrogen của con người. Isoflavones trong đậu nành và lignan trong hạt lanh là hai loại phytoestrogen phổ biến.

Estrogen là loại hormone cần thiết cho sự phát triển những đặc điểm nữ tính, là một loại hormone không thể thiếu trong việc sinh sản, cũng liên quan tới việc điều hòa lượng cholestorol, và duy trì mật độ (độ dầy đặc) của xương. Phytoestrogen trong thực vật cũng có tác dụng sinh học tương tự. Vì lý do này mà phytoestrogen đã được nghiên cứu để trị ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, chứng loãng xương, các triệu chứng mãn kinh, và giúp giảm nguy cơ đau tim.

Thông thường khối lượng những hóa chất này trong thực vật khá nhỏ và có ít tác động tới con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiêu thụ một số lượng lớn những thực phẩm giàu phytoestrogen trong một khoảng thời gian dài, nó có thể tạo một tác động sinh lý học đáng kể.

Những hormone thực vật nổi bật là những yếu tố sinh trưởng. Có ba loại hormone sinh trưởng thực vật chính: auxin, gibberellin, và cytokinin. Các hormone sinh trưởng thực vật được đầu tiên vào thập niên 1800. các nông gia Nhật bản đã quan sát thấy rằng lúa của họ mọc rất cao khi nó bị nhiễm một loại bệnh nấm gọi là bệnh bakanae (dịch là ‘hạt giống quái gở’) Loại nấm này sau này được đặt tên là gibberellin. Gibberellin, và sau này cả auxin nữa, có thể tìm thấy ở nhiều loại cây. Cytokinin là chất cuối cùng được tìm thấy.

Sự tăng trưởng được thực hiện qua hai cách: tăng số lượng bằng cách phân chia tế bào hoặc tăng độ lớn tế bào. Việc tăng số lượng tế bào tự thân nó không làm tăng trưởng – mà những tế bào mới được phân chia nhất thiết phải tăng kích tấc nữa. Nhìn chung, auxin và gibberellin  giúp tăng kích thước tế bào, trong khi đó cytokinin giúp phân chia tế bào. Những hormone này tạo ra nhiều tác động, và tương tác với nhau và với môi trường,  một cách phức tạp, khiến chúng ta chưa thể tìm hiểu hết được.

Hormone tăng trưởng được tạo ra ngay tại những mô đang phát triển, như rễ, mầm chồi, lá non, và hạt. Hormone tăng trưởng đặc biệt quan trọng trong các hạt, bởi vì chính từ nơi này, những tế bào mầm được nhân lên, phân chia chức năng, và phát triển thành cây trưởng thành. Trong khi cả ba loại loại hormone kể trên đều quan trong trong sự tăng tưởng và phát triển của thực vật, riêng cytokinin lại quan trọng đối với con người chúng ta.

CYTOKININ TRONG DỪA

     Không nên lẫn lộn chất cytokinin có trong dừa với cytokine có trong cơ thể con người. Cytokine là những chất giống như hormone do bạch cầu sản sinh. Chúng có liên quan tới việc sinh sản, tăng trưởng và phát triển, điều hòa sự cân bằng sinh lý học trong cơ thể  để đối phó với những thay đổi bên ngoài, tác động chữa trị và phục hồi, làm máu đông, tạo miễn nhiễm. Việc hai tên na ná giống nhau không phải là một sự tình cờ. Mỗi hormone có một chức năng hơi giống nhau, trong môi trường hoạt động của chúng. Cytonkinin chính là một loại cytokine của cây cối. Chúng ta sẽ nói về cytonkine sau. Cách viết của hai chữ này gần giống nhau nên dễ bị lẫn lộn. Chúng ta hãy bỏ ra vài phút để nhớ phân biệt hai chữ: cytokinin ở cây và cytokine ở người.

Nước dừa rất quan trọng trong ngành thực vật hiện đại, vì nó là chìa khóa dẫn tới sự khám phá chất cytokinin và kiến thức về sự tăng trưởng và sự phân chia chức năng.

Từ những thập niên 30 và 40 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đâ biết rằng thực vật có thể tự tái sinh. Có những nhánh cây và lá cây, dù bị cắt rời khỏi rễ, cũng có thể tự mọc rễ và phát triển thành một cây trọn vẹn. Nhưng chúng đã làm thế nào thì vẫn còn là một bí mật. Để hiểu được hiệu quả này, các nhà thực vật học đã nghiên cứu những tế bào được cấy trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, những mô tạo được, hoặc là không tăng trưởng được, hoặc chỉ phát triển trong một thời gian ngắn. Cấy được một cây phát triển trọn vẹn là một chuyện hy hữu.

Các nhà nghiên cứu biết tầm quan trọng của vitamin và chất khoáng trong mẫu tế bào và đã cố gắng kết hợp nhiều thứ. Một phát minh quan trọng đã được thực hiện vào năm 1941 khi Johannes Van Overbeek và các đồng nghiệp khám phá ra rằng nếu chúng ta thêm nước dừa vào phôi thực vật, nó sẽ kích thích tốt sự tăng trưởng của tế bào. Thí nghiệm với phôi cà-rốt, Van Overbeek cấy chúng trong nước dừa rồi sau đó đem trồng xuống đất. Các phôi lớn lên như thổi, cứ như một phép thần. Chỉ trong vòng 4 ngày, các phôi đã tăng thể tích lên tới hơn 300 lần. Trong mười ngày, tăng tới 8000 lần. So sánh với các mẫu phôi không cấy trong nước dừa, chúng không thấy có sự phát triển nào cả. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các tế bào cấy ghép đã tăng trưởng trở thành một cây phát triển trọn vẹn. Các nghiên cứu của Van Overbeek đã chứng minh rằng tế bào thực vật mang ADN giúp phát triển được một cây trọn vẹn. Tất cả những thứ cần có là chất dinh dưỡng và hormone sinh trưởng của cây.

Van Overbeek nhìn nhận rằng nước dừa cung cấp những yếu tố sinh trưởng còn thiếu, cần thiết cho cây tăng trưởng tới độ trưởng thành. Ngay từ lúc đó ông và các nhà nghiên cứu khác đã gọi tên nước dừa là “sữa dừa” (coconut ‘milk’) và tên này vẫn còn tồn tại tới nay (Thực tế, coconut milk là tên gọi của nước cốt dừa, còn cùi dừa là coconut meat, ND). Trong những tài liệu nghiên cứu họ đã xuất bản thì ‘sữa dừa’ có nghĩa là nước dừa.

Nước dừa chứa tất cả những chất dinh dưỡng cần thiết để các bộ phận bị cắt rời của cây tiếp tục phát triển thành một cây trọn vẹn, vì vậy nó trở thành một chuẩn mực được sử dụng trong các nghiên cứu cấy ghép trong phòng thí nghiệm. Nước dừa cũng dùng như một chất kích thích tăng trưởng, giống như chất bổ sung làm phân bón, trong các vườn ương cây hoặc các nghiên cứu thực vật. Trong nhiều trường hợp, nó cũng giúp rau cải tăng trưởng, gia tăng năng suất, và nguồn vitamin. Trồng rau cải có bổ sung nước dừa, sẽ tăng đáng kể lượng vitamin A (beta-carotene), B6 và C, cũng như chlorophyll.

Việc tìm kiếm các yếu tố tăng trưởng đặc biệt trong nước dừa đã dẫn tới việc khám phá ra chất cytokinin. Mãi tới năm 1955 chất cytokinin lần đầu tiên được tách biệt và nhận diện. Hợp chất này được đặt tên là kinetin, vì khả năng của nó là kích thích sự phân chia tế bào (cytoninesis, nghĩa là phân chia tế bào). Cytokinin hiện là tên gọi của tất cả các hormone thực vật có chức năng kích thích sự tăng trưởng giống như kinetin.

Có một điều lạ là, việc khám phá ra kinetin, không phải là nhờ vào dừa hoặc bất cứ loại thực vật nào khác, mà nhờ vào cá. Nó đã được tìm thấy trong ADN của tinh trùng cá trích. Trong khi các nhà nghiên cứu đang cố gắng nhận diện các yếu tố tăng trưởng trong nước dừa, họ tình tờ phát hiện ra là tinh trùng cá trích cũng kích thích sự phát triển của cây, như nước dừa. Điều này khiến họ tìm hiểu kỹ thêm và cuối cùng đã khám phá ra chất kinetin.

Cho tới năm 1961 người ta mới tìm được chất cytokinin lấy từ thực vật. Nó được gọi là zeatin và rất giống kinetin  về hình thức cấu tạo và chức năng. Kể từ đó người ta đã nhận diện được nhiều hormone sinh trưởng tự nhiên và tổng hợp (nhân tạo). Mặc dù kinetin ban đầu được tìm thấy trong tinh trùng cá, nhưng sau này nó được tìm thấy trong thực vật. Tất cả các loại cytokinin dều mang cấu trúc hóa học và chức năng điều hòa tăng trưởng tương tự.

Thực vật chứa một hỗn hợp tất cả ba loại hormone tăng trưởng (auxin, gibeerellin, và cytokinin). Độ cô đặc của mỗi loại hormone khác biệt trong bản thân từng cây. Các hạt rất giàu cytokinin vì chúng cần thiết cho sự phát triển và phân chia chức năng của cây non. Dừa là một loài thực vật có hạt to nhất, chứa một lượng cytokinin cao nhất. Cho nên nước dừa là một nguồn phong phú hormone thực vật. Nó chứa ít nhất 9 loại cytokinin khác nhau, kể cả kinetin. Nó cũng chứa những chất điều hòa sự tăng trưởng như gibberellin, auxin, ethylene và acid abscissic. Đó là lý do nó thành công trong việc kích thích và điều hòa sự tăng trưởng trong các mô cấy trong phòng thí nghiệm.

Hạt thực vật còn chứa một loại mô mang tên endosperm. Mô này rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của cây con. Endosperm là một chất giàu chất tinh bột và chất bổ dưỡng, được tìm thấy trong các loại hạt, đậu. Nó cung cấp cho phôi thực vật các chất bổ và hormone cần thiết để phát triển thành cây. Endosperm cung cấp nguồn thức ăn cho đến khi nó mọc rễ, thân và lá để có thể tự thân phát triển.

Nước dừa là một loại endosperm dạng lỏng. Cùi dừa là loại endosperm dạng cứng. Khi trái dừa trưởng thành thì nước dừa biến thành cơm dừa, rồi cùi dừa (cứng đặc hơn). Một trái dừa già có thể sống được trên 12 tháng, bằng hai thứ endosperm lỏng và đặc đó. Với khoảng thời gian dài đó, nó có thể lang thang chu du trên biển cả, cuối cùng tìm một bến đậu và bám rễ.

Endosperm chính là nguồn thức ăn nuôi dưỡng những cây non. Nó như sữa mẹ nuôi dưỡng trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu tiên của cuộc sống, cho tới khi cai sữa. Nước dừa, vốn là một endosperm dạng lỏng, về cơ bản, là một loại sữa nuôi cây non. Điều này cũng giải thích tại sao trong tiếng Anh có nhiều người gọi nước dừa là sữa dừa (coconut milk). Tuy nhiên, coconut milk thực ra là tên gọi nước cốt dừa, và tất nhiên, về mặt đặc điểm vật lý, rất khác với nước dừa.

 

 

 

 

by Tháng Tám 11, 2012 Comments are Disabled Nước Dừa