Post Tagged with: "Thánh Kinh Tân Ước"

Lịch sử hình thành Thánh kinh Tân Ước

Lịch sử hình thành Thánh kinh Tân Ước

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/12/lich-su-hinh-thanh-tan-uoc.jpg

       Nếu Thánh Kinh Cựu Ước đã mất mười thế kỷ để hoàn thành, thì Thánh Kinh Tân Ước đã chỉ được biên soạn trong khoảng một trăm năm và bao gồm 27 tác phẩm.

  1. Danh sách các tác phẩm tân ước

      Trước hết là 4 Phúc Âm của các thánh sử Mátthêu, Mạccô, Luca và Gioan kể lại cuộc đời Chúa Giêsu Kitô từ khi giáng sinh cho tới khi về Trời, cũng như các giáo huấn và các phép lạ Người làm trong ba năm rao giảng Tin Mừng. Thứ đến là sách Công Vụ các Tông Đồ, do thánh Luca biên soạn kể lại lich sử Giáo Hội thời khai sinh với hai gương mặt nổi bật của Tông Đồ Phêrô và Tông Đồ Phaolô. Rồi tới 14 thư của thánh Phaolô, kể cả thư gửi giáo đoàn Do thái được gán cho thánh nhân. Thực ra đây là Diễn từ về chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô do một tác gia vô danh sáng tác. Các thư thường được sắp xếp thành ba nhóm sau đây: nhóm thư nhất là các thư lớn gồm thư gửi giáo đoàn Roma (Rm), hai thư gửi giáo đoàn Côrintô (1-2 Cr), thư gửi giáo đoàn Galát (Gl), hai thư gửi giáo đoàn Thêxalônica (1-2 Tx); nhóm thứ hai là các thư viết trong tù gồm thư gửi giáo đoàn Philiphê (Pl), thư gửi giáo đoàn Côlôxê (Cl), thư gửi Philêmôn (Plm) và thư gửi giáo đoàn Êphêxô (Ep); nhóm thứ ba gồm các thư mục vụ liên quan tới kỷ luật trong cuộc sống cộng đoàn gồm hai thư gửi cho Timôthê (1-2 Tm) và thư gửi cho Titô (Tt).

        Các thư khác trong Thánh Kinh Tân ước gồm thư thánh Giacôbê (Gc), hai thư của thánh Phêrô (1-2 Pr), ba thư của thánh Gioan (1-3 Ga), thư của thánh Giuđa (Gđ). Tác phẩm sau cùng của Thánh Kinh Tân Ước là sách Khải Huyền (Kh).

  2. Tiến trình và thời gian biên soạn

        Nói chung giới học giả kinh thánh đều đồng ý cho rằng các tác phẩm tân ước đã thành hình trong vòng 100 năm. Riêng đối với các Phúc Âm, “eu-anghelion” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ”lời loan báo vui”, ”tin vui”, ”tin mừng” liên quan tới nội dung sứ điệp, là sự phục sinh của Chúa Kitô, tiến trình này gồm ba giai đoạn.

       Giai đoạn một là chứng tá của các Tông Đồ và các môn đệ thuộc thế hệ thứ nhất, tức thế hệ những người tai đã từng được lắng nghe các lời Chúa Giêsu giảng dậy và mắt đã từng trông thấy các phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Truyền thống chung quanh Đức Giêsu Kitô đã bắt đầu ngay trong giai đoạn này, nghĩa là trước biến cố phục sinh. Đây cũng là điều đễ hiểu, vì các Tông Đồ và các môn đệ lập lại các giáo huấn của Chúa Giêsu và kể lại những gì mắt thấy tai nghe cho những ai chưa biết Người. Sau khi Chúa Kitô về Trời, các Tông Đồ và các môn đệ truyền lại cho tín hữu các giáo huấn ấy một cách trung thực, nhưng với sự hiểu biết sâu xa hơn, nhờ được Chúa Kitô phục sinh và Thánh Thần chân lý soi sáng. Nhưng để trung thực hơn, phải nói rằng ngay khi Chúa Giêsu rao giảng cũng đã có người tìm cách ghi chép lại các giáo huấn của Chúa, nếu không đầy đủ thì một cách tóm gọn, để sử dụng và kể lại cho những người khác khi cần. Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi truyền thống viết đã manh nha ngay từ đầu.

        Giai đoạn hai là lời rao giảng của Giáo Hội. Mỗi Phúc Âm trước khi được ghi chép thành văn bản, đã có truyền thống chuyền miệng riêng, vì đã được rao giảng lâu trước đó. Truyền thống này không phải chỉ là truyền thống tông đồ, mà cũng là truyền thống của Giáo Hội nữa. Nó không chỉ do Giáo Hội làm và được làm trong Giáo Hội, mà nhất là được làm cho Giáo Hội. Nghĩa là các nhu cầu khiến cho cộng đoàn làm một việc lựa chọn, nhấn mạnh, và tổ chức các dữ kiện có được liên quan tới Chúa Giêsu Kitô, các giáo huấn và các việc Người làm. Như thế, thật là dễ hiểu bên cạnh các nhu cầu của Giáo Hội nói chung, còn có các nhu cầu của các giáo đoàn riêng rẽ nữa. Do đó, bên trong truyền thống chung có các truyền thống đặc biệt hay địa phương. Cả các truyền thống địa phương này cũng có thể được quy tụ lại, và như vậy đã nhào nặn ra cấu trúc của Phúc Âm. Trong số các nhu cầu đó có viêc truyền giáo, dậy giáo lý, phụng tự, hộ giáo, ước muốn hiểu biết và nhớ lại các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Ngoài ra còn có việc chú ý tới lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu Kitô nữa, vì hai lý do. Thứ nhất là nhu cầu cho các tín hữu thấy gương sống của Chúa Giêsu, và thứ hai là cho họ thấy Con Thiên Chúa đã tự đồng hóa với loài người như thế nào.

        Chúng ta cũng có thể hỏi việc đâm rễ sâu ấy nơi truyền thống liên quan tới Chúa Giêsu gây ra các hiệu qủa nào trong Giáo Hội thời các tông đồ. Theo học giả A. Voegtle nó có ba hiệu qủa: trước hết là sự kiện các kỷ niệm về Đức Giêsu phải phụ vụ cuộc sống Giáo Hội cống hiến một nguyện tắc lựa lọc trong đống các kỷ niệm. Thứ hai là sự kiện sử dụng các cử chỉ và lời nói của Đức Giêsu cho cuộc sống của các tín hữu miễn trừ sự bắt buộc phải đóng khung trong một bối cảnh thời gian chính xác cảc kỷ niệm trong khung cảnh cuộc sống của Đức Giêsu. Và sau cùng các nhu cầu của cộng đoàn cống hiến một nguyên tắc thời sự hóa các kỷ niệm ấy: nhớ lại điều Chúa Giêsu đã làm và nói không đủ, mà cần phải thời sự hóa nó nữa.

        Giới học giả kinh thánh thường cho rằng Phúc Âm thánh Mạccô được biên soạn giữa các năm 65-80, Phúc Âm thánh Mátthêu sau năm 70, Phúc Âm thánh Luca giữa các năm 80-90, và Phúc Âm thánh Gioan giữa các năm 95-110. Tuy nhiên, nhiều học giả nghĩ rằng vài thập niên trước đó truyền thống liên quan tới cuộc đời Chúa Giêsu đã được truyền miệng, hay qua các nguồn tài liệu viết đã bị thất lạc, chắng hạn như nguồn tài liệu gọi là ”Q” từ tiếng Đức ”Quelle”, có nghĩa là nguồn.

        Dựa trên sự kiện sách Công Vụ các Tông Đồ kết thúc một cách bất thình lình với sự kiện thánh Phaolô bị bỏ tù khoảng năm 62 cũng có giả thuyết cho rằng các văn bản Phúc Âm đã được biên soạn ra trước đó nữa. Theo trường phái kinh thánh Madrid, khi thánh Phaolô viết thư thứ II gửi tín hữu Côrintô giữa các năm 54-57 thánh Luca đã biên soạn Phúc Âm rồi và nó lưu hành trong ”tất cả mọi Giáo Hội”. Điều này bao hàm sự kiện một bản dịch tiếng Hy lạp của các nguồn tài liệu mà thánh Luca dùng để biện soạn Phúc Âm, trong đó có Phúc Âm thánh Mạccô đã lưu hành trong thập niên 40-50. Kết qủa là nếu càc nguồn tài liêu này đã lưu hành trong các cộng đoàn kitộ tiên khởi trong thập niêm 40-50, thì chúng đã phải được biên soạn ra trong thập niên 30-40, nghĩa là rất sớm hầu như ngay sau cái chết của Chúa Giêsu. Việc xác định thời gian biên soạn rất sớm này cũng dựa trên việc nhận diện các mảnh thủ bản Papiro 7Q4 và 7Q5, tức hai mảnh văn bản tìm thấy trong hang số 4 và hang số 5 tại Qumran gần Biển Chết. Các người Esseniêng đã cất dấu rất nhiều thủ bản kinh thánh và các tài liệu của cộng đoàn trong 11 hang núi đối diện với làng Qumran nơi họ sinh sống, trước khi quân Roma bao vây và đánh chiếm pháo đài Massada ở gần đó năm 70. Các chữ tìm thấy trên hai mảnh văn bản này liên quan tới văn bản Phúc Âm thánh Mạccô và thuộc. Nếu chấp nhận việc nhận diện này thì Phúc Âm thánh Mạccô đã được biên soạn ra trước năm 50. Như đã biết thánh sử Mạccô là thư ký và thông dịch viên của thánh Phêrô đã ghi lại các bài giảng của thánh Phêrô theo giọng văn nói. Trường phái Madrid cũng cho rằng các Phúc Âm đã được biên soạn bằng tiếng Aramây trong môi trường cộng đoàn kitô Giêrusalem, bị phân tán trước năm 70. Học giả Jean Carmignac cho rằng Phúc Âm thánh Mạccô được biên soạn giữa các năm 42-45, tức khoảng mươi năm sau khi Chúa Giêsu chết, sống lại và lên trời.

        Thánh Phaolô viết hai thư gửi tín hữu Thêxalônica năm 51 tại Côrintô, nơi thánh nhân sống từ mùa đông năm 50 tới mùa hè năm 52. Người viết hai thư gửi gửi tín hữu Côrintô và thư gửi tín hữu Galát giữa các năm 54-57 tại Êphêxô, nơi thánh nhân sống trong hai năm ba tháng. Thư gửi tín hữu Roma và Philiphê được viết giữa hai năm 57-58 tại Côrintô, nơi thánh nhân qua mùa đông. Năm 58 thánh Phaolô bị bắt tại Giêrusalem và bị nhốt tù tại Cesarea trong các năm 58-60. Năm 60 thánh nhân được giải về Roma và bị đắm tầu tại đảo Malta trong mùa đông. Trong thời gian bị quản thúc tại Roma giữa các năm 61-63 người viết các thư gửi tín hữu các giáo đoàn Colôxê, Êphêxô, và thư gửi Philêmôn. Các thư gửi Titô và hai thư gửi Tomôthê được viết khoảng năm 65.

        Hai thư của thánh Phêrô được viết khoảng năm 64. Thư gửi tín hữu Do thái được biên soạn khoảng năm 70. Thư thánh Giacôbê được biên soạn khoảng năm 80, thư thánh Giuđa được viết ra khoảng năm 85. Ba thư của thánh Gioan được viết vào khoảng năm 90. Và sách Khải huyền được biên soạn sau năm 95.

         Ngoài một số thời điểm chính xác có thể kiểm chứng, các thời gian biên soạn trên đây vẫn chỉ là các dự đoán, vì không có đủ các dữ kiện cần thiết giúp chứng minh một cách xác thực hơn. Thực ra cho tới nay một số thời điểm của việc biên soạn nhiều tác phẩm của Thánh Kinh Tân Ước vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ cho việc nghiên cứu của các học giả.

  3. Công viêc của các thánh sử

         Sau cùng mỗi Phúc Âm là tác phẩm của một thánh sử. Các thánh sử tỏ ra tôn trọng việc rao giảng đi trước. Tác giả Phúc Âm không như là một nhân chứng bỏ qua việc rao giảng của Giáo Hội đi trước tác phẩm của mình, mà quy chiếu trực tiếp về các kỷ niệm. Thánh sử viết Phúc Âm nhân danh Giáo Hội và vì nhu cầu của Giáo Hội.

        Tuy nhiên, việc tôn trọng truyền thống ấy không ngăn cản mỗi tác giả theo đuổi một công việc biên soạn với nhãn quan thần học riêng của mình. Có các lý lẽ để nói rằng mỗi tác giả phúc âm khai triển một nền thần học riêng, hay có một nhãn quan thần học riêng, có các chủ ý riêng và để đáp ứng các nhu cầu của cộng đoàn tín hữu.

        Sự khác biệt viễn tượng giữa một Phúc Âm với một Phúc Âm khác không chỉ được nhận ra trong các trình thuật riêng rẽ, mà nhất là trong tổng thể và kết cấu chung của mỗi Phúc Âm. Điển hình như phẫn dẫn nhập Phúc Âm thánh Luca 1,1-4.

        Trong mấy câu mở đầu thánh sử Luca miêu tả một cách rõ ràng hành trình của truyền thống, từ các nhân chứng đầu tiên cho tới Phúc Âm thánh nhân biên soạn.

       – Trước hết là ”Những người ngay từ đầu đã được chứng kiến và đã phục vụ lời Chúa”: Truyền thống khởi hành từ các nhân chứng đã mắt thấy tai nghe những điều Chúa Giêsu Kitô làm và nói, nghĩa là đã chứng kiến các sư kiện đã xảy ra ”giữa chúng ta”, các biến cố thật. Các chứng nhân này đươc miêu tả như là các người phục vụ Lời Chúa. Điều này có nghĩa trước hết rằng nhiệm vụ của họ là vâng phục Lời Chúa, chứ không phản bội nó. Nhiệm vụ của họ là thông truyền lại một cách trung thực, với ý thức trách nhiệm cao. Việc tôn trọng truyền thống này rất sống động trong cộng đoàn kitô tiên khởi. Nhưng nó cũng có nghĩa là các chứng nhân đó dấn thân trong các diễn văn họ nói: họ là các môn đệ của Chúa Giêsu, chứ không phải là các người trung lập. Họ phải thông truyền và sống Lời Chúa.

       – Giai đoạn thứ hai ”Nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật các biến cố đã được thực hiện giữa chúng ta”.

        Chúng ta đang ở mức độ hai của truyền thống. Không phải chỉ có các nhân chứng tai nghe mắt thấy, mà ”nhiều người”. Người ta không hạn chế ở việc thông truyền bằng miệng nữa. Truyền thống miệng giờ đầy được viết ra thành văn bản trong các tác phẩm đầu tiên. Có nhiều cố gắng khác nhau và chúng có tính cách vụn vặt.

       – Giai đoạn thứ ba: ”Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra”.

        Giai đoạn ba này là giai đoạn biên soạn phúc âm. Câu trên đây của thánh Luca cho thấy rõ sự lo lắng trung thành với nguồn gốc, cả khi đó không phải là một sự trung thành ”theo thứ tự thời gian” mà thánh nhân tìm kiếm, nhưng là một sư trung thành sâu xa hơn. Toàn Phúc Âm của thánh nhân chứng minh cho điều đó.

  4. Từ các Phúc Âm tới Đức Giêsu

        Trên đây là cuộc du hành của truyền thống đi từ Đức Giêsu tới các Phúc Âm. Nhưng chúng ta muốn làm một chuyến du hành ngược chiều: khởi hành từ các văn bản Phúc Âm hiện có, để từ từ đi ngược lên, qua từng lớp một, cho tới ngọn nguồn.

        Đây là một công việc khó khăn, phức tạp, không thể phân tích ở đây. Chỉ cần trả lời một câu hỏi thôi: đâu là các tiêu chuẩn giúp có thể đi qúa các văn bản, và qua cả giai đoạn truyền khẩu giả thiết lến cho tới Đức Giêsu?

        Có nhiều tác giả khác nhau đã tìm đưa ra các tiêu chuẩn cho phép vượt qúa các công thức đức tin của cộng đoàn kitô tiên khởi, và lên cho tới Đức Kitô của lịch sử. Chẳng hạn học giả Ignace. de la Potterie cho thấy bốn tiêu chuẩn xem ra có giá trị nhất và đươc ngành phê bình chấp nhận.

        – Thứ nhất là tiêu chuẩn của việc xác nhận nhiều, theo đó một dữ kiện tìm thấy trong tất cả hay hầu hết các nguồn phúc âm (tức nguồn Mạccô, nguồn Quelle, các nguồn đặc biệt của Mátthêu và Luca), và nói chung, trong các truyền thống của Tân Ước. Tuy nhiên tiêu chuẩn này qúa gắn liền với các nguồn tài liệu viết của các Phúc Âm, và hoàn toàn không biết tới giai đoạn truyền miệng trước đó. Nói cho cùng, một dữ kiện có thể được xác nhận trong nhiều văn bản không phải vì chúng nhất thiết phải lên cho tới Đức Giêsu, nhưng bởi vì nó có một nhiệm vụ quan trọng trong cộng đoàn kitô tiên khởi, và từ đó nó được ghi lại trong mọi mức độ của truyền thống tiếp theo. Như vậy tiêu chuẩn được xác nhận nhiều có giá trị của nó, nhưng để trở thành tiêu chuẩn chắc chắn cần phải có thêm các tiêu chuẩn khác nữa.

        – Thứ hai là tiêu chuẩn của sự không tiếp nối, theo đó cần phải coi là đích thật các dữ kiện của Phúc Âm (nhất là các lời Đức Giêsu nói) không thể giản lược vào các điều kiện của Do thái giáo cũng như các điều kiện sau này của Giáo Hội, đặc biệt trong các trường hợp, nơi truyền thống sau này đã khiến cho êm dịu hơn hay thay đổi các lời nói xem ra qúa táo bạo hoặc gây vấn đề.

        Tiêu chuẩn này hầu như được mọi học giả chấp thuận. Giá trị nền tảng của nó là điều không thể tranh luận. Tuy nhiên nó cũng qúa thu hẹp; vì dựa trên nó người ta chỉ coi là trung thực các cử chỉ ”độc đáo”, mới mẻ của Đức Giêsu, bẻ gẫy với qúa khứ. Nhưng hiển nhiên như thế là sai lầm, khi coi là không đích thật tất cả những gì trùng hợp với môi trường do thái hay vén mở cho thấy nó ích lợi cho các vấn đề của Giáo Hội sau đó. Dầu sao đi nữa, tiêu chuẩn này ích lợi vì giúp đưa ra ánh sáng tính cách độc đáo trong sứ điệp của Đức Giêsu. Chúng ta có thể nêu lên các thí dụ như: phép rửa của Đức Giêsu, các cám dỗ trong sa mạc, tương quan của Đức Giêsu với các môn đệ, kiểu Đức Giêsu thân thưa với Thiên Chúa Cha khi gọi Người là Abba Cha ơi vv…

      – Thứ ba là tiêu chuẩn của sự thích hợp, tiêu chuẩn này hệ tại việc xét xem một sự kiện của Phúc âm có tìm ra một ”Sitz im Leben”, tức có phù hợp với một môi trường chính xác trong cuộc sống của Đức Giêsu hay không. Trước hết là sự thích hợp với môi trường Palestina: tiếng nói, địa lý, tình trạng xã hội, chính trị, kinh tế, các khuynh hướng tôn giáo. Thứ hai là sự thích hợp với các đặc thái nền tảng sứ điệp của Đức Giêsu, sự độc đáo của nó, kiểu Đức Giêsu giải quyết các vấn đề và đưa ra các lập trường. Tiêu chuẩn này được dùng chẳng hạn như trong việc nghiên cứu các dụ ngôn, diễn văn trên núi, hay bài giảng Tám Mối Phúc Thật, kinh Lậy Cha.

      – Thứ tư là tiêu chuẩn liên quan tới các đặc thái chung của các lời nói và các hành động của Đức Giêsu. Tiêu chuẩn này cũng có thể xếp chung với tiêu chuẩn thứ ba. Nó nhằm minh nhiên các đặc tính nền tảng cung cách của Đức Giêsu, kiểu Người nói năng, làm các phép lạ, các tư tưởng thông thường của Người: sự hiện diện của các đặc tính này trong các văn bản khác trở thành chứng cớ sự trung thực của chúng.

  5. Một vài nét chính trong cuộc đời của Đức Giêsu

        Thứ tự thời gian cuộc đời Đức Giêsu vẫn còn được thảo luận, nhưng các thời điểm sau đây xem ra chắc chắn: Người sinh ra vào khoảng năm thứ 4 hay thứ 3 trước kỷ nguyên; năm 30 qua đời; năm 28 rời Nagiarét để bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Đối với các đám đông dân chúng tại Galilea Đức Giêsu xuất hiện trước nhất như là một ngôn sứ của Nước Thiên Chúa, theo kiểu ông Gioan Tẩy Giả, mà vua Hêrốt Antipa đã nhốt tù. Tuy nhiên từ từ, khi Người thành lập một nhóm môn đệ, Đức Giêsu có các đặc tính của một Rabbi, một vị thầy của Do thái giáo, mặc dù Người đã không theo học trường của thầy nào và không cảm thấy gắn bó với các truyền thống được chấp nhận thời đó. Trước các giáo phái, đặc biệt là phái Pharisêu và phái Esseniêng, xem ra Người tuyệt đối độc lập. Ban đầu các lời giảng dậy và các phép lạ của Người gây hứng khởi, nhưng các Ký lục thuộc phái Pharisêu nghi ngờ không tin tưởng. Sự không tin tưởng của họ từ từ biến thành sự công khai thù ghét, và qua ảnh hưởng của họ bầu khí tại Galilea thay đổi. Đồng thời vua Hêrốt Antipa, người đã ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả, bắt đầu lo âu đối với hiện tượng cứu thế len lỏi giữa dân chúng.

        Sau một cuộc khủng hoảng như được cả bốn Phúc Âm ghi nhận, Đức Giêsu sống một thời gian trong vùng biên giới với quê hương của Người, sau cùng qua vùng Perea Người hướng về Giêrusalem. Tại Giêrusalem Người phải đối phó với sự chống đối của các tiến sĩ Luật giáo dân và các môi trường tư tế, pharisêu, và sađuxê. Ngay trước lễ Vươt Qua Người bị bắt, bị xử và kết án tử đóng đanh trên thập giá, sau một phiên tòa tôn giáo và dân sự. Ba Phúc Âm Nhất Lãm xem ra trình bầy cuộc mạo hiểm này chỉ trong vòng một năm và vài tháng. Trong khi Phúc Âm thánh Gioan cho tin liên quan tới nhiều chuyến đi Giêrusalem và nhắc lại ba lễ Vượt Qua, vì thế cuộc sống công khai của Chúa Giêsu kéo dài hơn hai năm. Và hai năm rao giảng và hoạt động này của Người đã đã đủ để thay đổi hoàn toàn gương mặt tôn giáo của toàn thế giới.

 LM Giuse Hoàng Minh Thắng


by Tháng Mười Hai 1, 2012 Comments are Disabled Thánh Kinh Tân Ước