Post Tagged with: "Thánh Kinh"

Thánh Kinh Kitô, bức thư tình Thiên Chúa gửi cho nhân loại

Thánh Kinh Kitô, bức thư tình Thiên Chúa gửi cho nhân loại

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/08/thanh-kinh-kito.jpg

THÁNH KINH KITÔ, CUỐN SÁCH KỂ LẠI CUỘC TÌNH

CỦA THIÊN CHÚA VỚI NHÂN LOẠI

    Trong mục Tìm hiểu Thánh Kinh này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá môi trường địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo làm nảy sinh ra Thánh Kinh, tiến trình hình thành các tác phẩm, việc truyền tụng ghi chép và dịch thuật, cũng như nội dung các tác phẩm cựu ước và tân ước và một số vấn đề đặc biệt như sự linh hứng.

I. THÁNH KINH KITÔ, MỘT CUỐN SÁCH KỲ LẠ

     1. Thánh Kinh kitô là cuốn sách bán chạy nhất thế giới

     Trong tất cả mọi tác phẩm văn chương trên toàn thế giới Thánh Kinh Kitô là tác phẩm được in ấn, bán và mua nhiều nhất. Trong các năm 1814-1984 đã có tất cả 2,7 tỷ cuốn Thánh Kinh toàn phần hay một phần được xuất bản. Trong 25 năm qua, đặc biệt kể từ khi chế độ cộng sản liên xô và đông âu sụp đổ hồi thập niên 1990, đã có thêm hàng chục triệu ấn bản Thánh Kinh khác được phổ biến trong các nước cựu cộng sản để đáp ứng nhu cầu khát khao Lời Chúa của các tín hữu, từng bị kìm kẹp dưới chế độ cộng sản vô thần đằng đẵng trong suốt 70 năm trời.

     Theo thống kê năm 2009 của Hiệp Hội Thánh Kinh Anh quốc, Liên Hiệp Thánh Kinh Quốc Tế và Hiệp Hội Thánh Kinh Italia, sách Thánh Kinh, toàn bộ hay một phần, đã được dịch ra 2.508 ngôn ngữ khác nhau trên tổng số hơn 6.000 thứ tiếng trên thế giới.

     Bên Phi châu một phần sách Thánh Kinh đã được dịch ra 223 thứ tiếng, trong khi Thánh Kinh Cựu Ước hay Tân Ước đã được dịch ra 335 thứ tiếng. Thánh Kinh toàn thư đã được dịch ra 173 thứ tiếng: tổng cộng là 731 ngôn ngữ khác nhau. Thánh Kinh toàn thư cũng đã được phát hành bằng CD trong 34 ngôn ngữ phi châu.

     Tại Á châu và vùng Thái Bình Dương một phần sách Thánh Kinh đã được dịch ra 354 thứ tiếng, trong khi Thánh Kinh Cựu Ước hay Tân Ước đã được dịch ra 516 thứ tiếng. Thánh Kinh toàn thư đã được dịch ra 182 thứ tiếng: tổng cộng là 1.052 ngôn ngữ. Thánh Kinh toàn thư còn được phát hành bằng CD trong 38 ngôn ngữ á châu và thái bình dương.

     Bên Âu châu và Vùng Trung Đông một phần sách Thánh Kinh đã được dịch ra 109 thứ tiếng, trong khi Thánh Kinh Cựu Ước hay Tân Ước đã được dịch ra 40 thứ tiếng. Thánh Kinh toàn thư đã được dịch ra 61 thứ tiếng: tổng cộng là 210 ngôn ngữ. Thánh Kinh toàn thư cũng được phát hành bằng CD trong 50 ngôn ngữ âu châu và vùng trung đông.

     Tại Mỹ châu một phần sách Thánh Kinh đã được dich ra 148 thứ tiếng. Thánh Kinh Cựu Ước hay Tân Ước được địch ra 322 thứ tiếng. Thánh Kinh toàn thư đươc dịch ra 42 thứ tiếng: tổng cộng là 512 ngôn ngữ. Thánh Kinh toàn thư cũng được phát hành bằng CD trong 10 ngôn ngữ mỹ châu.

     Ngoài ra một phần sách Thánh Kinh cũng được dịch ra 2 thứ tiếng được chế ra, và Thánh Kinh toàn thư được dịch ra 1 thứ tiếng được chế ra: tổng cộng là 3.

     Như thế tổng cộng có 836 thứ tiếng có bản dịch một phần của sách Thánh Kinh, 1.213 thứ tiếng có bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước hay Tân Ước, 459 thứ tiếng có bản dịch Thánh Kinh toàn thư: tất cả là 2.508 thứ tiếng. Thế rồi cũng có 132 thứ tiếng có Thánh Kinh toàn thư phát hành bằng CD.

     Liên Hiệp Thánh Kinh Quốc Tế quy tụ 150 Hiệp Hội Thánh Kinh quốc gia; và các tổ chức dịch Thánh Kinh, hằng năm đều cập nhật danh sách, vì Thánh Kinh được liên tục dịch ra các thứ tiếng mới khác.

     Tính trung bình phải mất 12 năm để hoàn thành bản dịch toàn bộ Thánh Kinh trong một thứ tiếng. Mục đích công trình dịch thuật là cho phép các dân tộc trên thế giới tiếp xúc với Lời Chúa và thực thi Lời Chúa mỗi ngày, cũng như đặt nền cho cuộc sống của các Giáo Hội và đức tin của các kitô hữu.

     2. Thánh Kinh là Lời Chúa và là kho tàng giáo lý của Kitô giáo

     Không có gì và không có ai có thể ngăn cản được việc phổ biến và sức lôi cuốn của Thánh Kinh, bởi vì Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa và là kho tàng giáo lý của Kitô giáo. Thánh Kinh là lương thực thiêng liêng hằng ngày của Giáo Hội. Nó là suối nguồn nước hằng sống mà Giáo hội kín múc mỗi ngày và phân phát cho các tín hữu. Vì thế Giáo Hội yêu mến, học hỏi, suy gẫm, đào sâu và khuyến khích việc cộng tác với các Giáo Hội hay cộng đoàn kitô anh em để phiên dịch Thánh Kinh ra các thứ tiếng khác nhau, nhiều chừng nào có thể (MK 10, 12, 21-23. 25). Tất cả mọi kitô hữu, cách riêng các linh mục, phó tế, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, các thừa sai và các giáo lý viên cũng như tất cả những ai có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, đều phải siêng năng đọc, suy gẫm, học hỏi và sống Lời Chúa (MK 25; GH 29… ).

     Đây là lý do giải thích tại sao Thánh Kinh lại có một chỗ quan trọng trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội như vậy: trong kinh thần vụ, trong các buổi cử hành Lời Chúa hay bí tích Thánh Thể (GH 6-7, 24, 35, 48, 50, 92; MK 21, 25-26 … ) cũng như trong các bộ môn thần học khác nhau. Thánh Kinh là nền tảng của mọi loại thần học (MK 24; GM 16; LM 16; TG 22).

     3. Thánh Kinh là cuốn sách gối đầu giường của mọi kitô hữu

     Tất cả các lý do kể trên giải thích tại sao Thánh Kinh phải là cuốn cẩm nang, phải là cuốn sách gối đầu giường của mọi kitô hữu. Nhưng rất tiếc thực tế không phải như vậy. Trên bình diện này so sánh với các anh chị em tin lành, tín hữu công giáo ở trong thế yếu kém. Để diễn tả vị trí ”tụt hậu” này của tín hữu công giáo có người nói đùa một cách rất nghiêm chỉnh như sau: ”Giáo Hội công giáo đi tới đâu thì phân phát sách Giáo Luật tới đó, trong khi Giáo Hội tin lành phân phát Thánh Kinh”. Thật thế, theo kết qủa cuộc thăm dò đăng trên tuần san ”Gia đình kitô” số 39 năm 1991 và nguyệt san ”Jesus” số tháng 10 năm 1991, sự hiểu biết Thánh Kinh của tín hữu công giáo Italia rất thấp kém. Tín hữu biết rất ít hay hầu như không biết gì về Thánh Kinh. Nhưng rất tiếc đây cũng là tình trạng chung của tín hữu công giáo toàn thế giới.

     Ngày nay, đứng trước hiện tượng các giáo phái kitô lan tràn, khi phải đối diện với tín đồ các giáo phái, điển hình như giáo phái Giêhôva, tín hữu công giáo sợ hãi. Các tín hữu giáo phái Giêhôva tìm tới gõ cửa từng nhà một, với Thánh Kinh trong tay, để truyền đạo và trích Thánh Kinh ”vanh vách”, mặc dù họ chỉ trích các văn bản thích hợp với quan điểm của họ hay bị họ lèo lái để chứng minh cho giáo lý của họ, tín hữu công giáo ”khớp”, và bất chợt khám phá ra rằng mình hầu như không biết gì về Thánh Kinh là kho tàng nền tảng của giáo lý kitô.

      Dĩ nhiên, Thánh Kinh là Lời Chúa, và mọi người dù tin hay không tin khi dọc vẫn có thể hiểu được nội dung, tùy theo các soi sáng, linh hứng của Thiên Chúa, tùy theo mức độ của việc kết hiệp với Chúa hay sự cởi mở tâm trí hoặc tầm hiểu biết mà từng người nhận được hay có về Thánh Kinh. Nhưng bởi vì Thánh Kinh chứa đựng các sự thật đã được vén mở cho một dân tộc sống trong một bối cảnh địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo xác định, nên nó cũng mang dấu vết của các yếu tố đó. Bối cảnh đa diện ấy được các học giả kinh thánh gọi bằng một cụm từ tiếng Đức là ”Sitz im Leben”. Từ này đã trở thành quốc tế và thường được để nguyên, vì không có kiểu dịch tương đương nào có khả năng diễn tả tất cả sáu yếu tố kể trên.

      4. Một cuốn sách gây kinh ngạc

     Thánh Kinh, nhất là Thánh Kinh Cựu Ước, là cuốn sách gây kinh ngạc. Tuy không đọc nó người ta cũng biết đó là sách thánh của các tín hữu do thái và kitô, và người ta trông chờ tìm thấy trong đó ”Lời Chúa” trong trạng thái tinh tuyền thánh thiện, như một loại sách giáo lý hay cẩm nang luân lý. Nhưng khi mở ra, người ta tìm thấy các biến cố thường khi không có gì hấp dẫn. Lại có các câu chuyện gây gương mù gương xấu như chuyện vua Đavít phạm tội ngoại tình, chiến tranh, giết người, các bài thơ có nội dung nguyền rủa, báo thù, khó mà cầu nguyện, cho dù được gọi là ”thánh vịnh” đi nữa…

     5. Một thư viện gồm 73 tác phẩm thuộc nhiều loại khác nhau

     Thật ra, tuy là một cuốn sách nhưng Thánh Kinh là một thư viện gồm 73 tác phẩm, 46 tác phẩm cựu ước và 27 tác phẩm tân ước, được sáng tác dọc dài thời gian hơn 1.000 năm, thuộc nhiều văn thể khác nhau, trong nhiều bối cảnh khác nhau và nhắm nhiều mục đích khác nhau.

    6. Câu chuyện tình của một cặp vợ chồng già mừng 50 năm thành hôn

     Để dễ hiểu nội dung và ý nghĩa của Thánh Kinh, chúng ta hãy lấy thí dụ câu chuyện tình của một cặp vợ chồng già mừng kim khánh thành hôn.

      Sau khi khách được mời tới dự tiệc đã dần dà ra về hết, còn lại mình bạn với hai ông bà cụ trong căn nhà vắng lặng. Bên tách trà nóng, cụ ông mới lôi trong hộc bàn ra một cái hộp cũ, bên trong chứa đựng nhiều thứ: các hình kỷ niệm đã ngả sang mầu vàng với nếp gấp nhăn nheo, một ít lá thư, hình gia đình với các con cháu, mấy cảnh đi nghỉ hè hay dạo mát đó đây, các tấm cạc kỷ niệm, vài tấm hình nhầu nát với thời gian vì đã được bỏ vào ví đem theo trong các năm chiến tranh. Ông cụ chậm rãi cầm từng kỷ niệm lên, giải thích và kể cho bạn nghe. Qua lời kể và các giải thích của cụ, những đồ vật vô tri vô giác ấy trở thành các kỷ niệm sống động ghi dấu con đường tình 50 năm của họ. Chúng là các chứng tích diễn tả các vui buồn sướng khổ trong nửa thế kỷ chung sống, kể từ khi họ quyết định thành hôn với nhau, cột buộc cuộc đời vào nhau và sống cho nhau.

      Từ các mảnh vụn kỷ niệm ấy bạn nhận ra cả gia phả gia đình của ông bà cụ. Danh sách các tên gọi tầm thường nhàm chán trở thành niềm hãnh diện tùy thuộc một gia đình và một dòng tộc. Tờ giấy mua nhà, tình cờ còn giữ lại được, không chỉ là một giao kèo mua bán, mà nó diễn tả tất cả giấc mộng của đôi vợ chồng trẻ và bao nhiêu năm vất vả làm việc và dành dụm để có một mái ấm gia đình, một căn nhà cho riêng mình và cho con cái. Thế rồi trong các thư cũ cũng còn có một vài thư trao đổi qua lại thời mới quen nhau và thời đính hôn nữa.

      Ông cụ già cầm lên một tờ giấy và nheo mắt hóm hỉnh nói: ”Đây là bức thư tình đâu tiên của chúng tôi”. Bạn kinh ngạc mở lớn mắt và thắc mắc, vì thấy đó chỉ là một bài toán đại số bên dưới có ghi hàng chữ gì đó. Ông cụ hứng chí giải thích: ”Vâng, đây là bức thư tình đầu tiên của chúng tôi. Chả là hồi đó tôi và nhà tôi học cùng lớp. Một hôm, vì bị đau không đi học được nên bà ấy mới xin cô bạn nhắn với tôi là chép hộ bài tập đại số cho bà ấy. Tôi theo lời chép lại bài tập đại số và viết mấy chữ bên dưới chúc bà ấy mau khỏi bệnh. Thế là từ ngày ấy chúng tôi quen thân nhau, trở thành bạn và yêu nhau, rồi quyết định lấy nhau”.

      Mảnh giấy ấy chỉ là một bài toán đại số, nhưng tình cờ giữ lại được, dưới ánh sáng của cuộc tình dài 50 năm bài toán đại số năm xưa đã thực sự trở thành một lá thư tình, vì nó đã là đầu dây mối nhợ để hai người quen nhau, chơi thân với nhau, yêu nhau, lấy nhau và sánh bước trên con đường tình dài 50 năm, mà hôm nay họ mừng kỷ niệm.

      Có lẽ bạn tưởng đã biết đôi bạn già, nhưng chỉ trong buổi chiều hôm đó bạn mới thực sự khám phá ra ý nghĩa cuộc sống của họ và hiểu biết họ. Tất cả các vật kỷ niệm cũ kỹ, các tấm hình, các mảnh giấy tầm thường không có giá trị ấy bỗng chốc trở thành qúy báu, vô giá. Chúng không phải là các đồ vật vô tri vô giác nữa, nhưng là các chứng tích của một cuộc tình dài 50 năm, được soi sáng và giải thích. Và mỗi một đồ vật khiêm tốn ấy trở thành một câu chuyện, trao ban ý nghĩa cho cuộc tình của hai người tình già đã chung vai sánh bước bên nhau suốt 50 năm trời.

      7. Một cuộc sống trở thành văn bản

     Các đồ vật kỷ niệm nói trên của hai vợ chồng già tự chúng không có gì hay ho hấp dẫn. Nhưng chúng giúp chúng ta bước vào trong cuộc mạo hiểm tình yêu của họ, hiểu biết và chia sẻ con đường tình đời họ. Cũng thế, trong các tác phẩm khác nhau của Thánh Kinh có những điều xem ra tầm thường và vô nghĩa, nhưng chúng giúp khám phá ra cuộc mạo hiểm của một dân tộc có đức tin, và cho phép chúng ta bước vào trong thế giới đức tin đó.

      Trong cuộc sống chúng ta có những biến cố tự chúng không có ý nghĩa gì, nhưng chúng chỉ có ý nghĩa khi được đặt để vào trong lịch sử. Và nếu một biến cố thực sự quan trọng, chúng ta được thúc đẩy suy tư nó trở lại, và khi đó chúng ta khám phá ra ý nghĩa phong phú của nó. Càng tiến tới nó càng trở thành phong phú.

      Như thế, kể lại một biến cố không có nghĩa là viết một bài tường thuật chính xác, hay chụp hình điều đã xảy ra, nhưng là nêu bật ý nghĩa mà nó có đối với chúng ta trong lúc này đây. Sau này, khi kể lại biến cố ấy, chúng ta lại khám phá ra các điều mới mẻ khác.

      8. Chính xác hay là thật

      Đôi khi chúng ta tự hỏi: ”Điều Thánh Kinh nói có thật không? Phép lạ ấy có thật không?”. Trước hết cần phải hiểu thế nào là thật, vì từ này có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn khi chúng ta nói: ”Câu chuyện này thật, cuốn tiểu thuyết này thật, bài thơ này thật”, chúng ta không ám chỉ cùng một điều như nhau. Trong một cuốn tiểu thuyết mọi sự đều được tạo ra, tuy nhiên có thế nói nó là thật, nếu nó diễn tả đúng thực tại của con người: không có gì trong tiểu thuyết là chính xác hay lịch sử cả, nhưng tất tả đều thật.

      Chính xác là điều đã xảy ra trong lịch sử, người ta có thể quay phim hay thu thanh và ghi nhận được với các máy móc. Bức thư tình đầu tiên của hai vợ chồng già sẽ luôn luôn chỉ là một bài toán đại số với lời chúc mau lành bệnh, nhưng nó thật là bức thư tình đầu tiên, và kiểu tôi lập lại lời ông cụ nói với tôi sẽ thật hơn là chính xác. Thánh Kinh có thật không? Có, nhưng trong nghĩa thứ hai này. Trong Thánh Kinh chúng ta sẽ tìm thấy nhiều điều không chính xác, kiểu kể lại các biến cố hay các lời nói sẽ không chính xác, nhưng vẫn thật, bởi vì chúng bao gồm ý nghĩa đã được khám phá ra trong đó.

       Điển hình như câu chuyện các phụ nữ Israel đón tiếp vua Saul và Đavít. Chương 18 sách Samuel I kể lại rằng Đavít đã giết được Gôliát khiến cho quân Philitinh chạy trốn tán loạn và bị người Israel và dân Giuđa truy nã và giết vô số. Khi nhà vua và Đavít trở về, ”phụ nữ từ hết mọi thành của Israel kéo ra, ca hát múa nhảy đón vua Saul với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Phụ nữ vui đùa ca hát rằng: Vua Saul hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn”. Vua Saul giận lắm và bắt đầu ghen tức với Đavít (1 Sm 18,6-8).

       Lời ca ấy của phụ nữ Israel ”không diễn tả chính xác” số quân Philitinh bị Đavít hạ sát, nhưng nó ”thật”, vì nói lên cái tài của Đavít, là một tướng trẻ có mưu lược và được Thần Khí Chúa hướng dẫn, nên đánh đâu thắng đó, khiến cho quân Philitinh phải ”khiếp đảm kinh hồn”.

      9. Tin để hiểu

      Thực tại nòng cốt của một biến cố là điều đôi con mắt không thể thấy được: tôi phải đoán ra dựa trên các khía cạnh lịch sử của chính biến cố đó, qua những gì tôi trông thấy. Chẳng hạn tôi trông thấy một đôi nam nữ hôn nhau. Đó là một sự kiện lịch sử, chính xác. Nhưng tôi không thể kết luận gì cả, bởi vì nụ hôn đó chưa chắc đã diễn tả tình yêu của họ đối với nhau. Lý do dễ hiểu, vì cũng có khi người ta bị bắt buộc hôn một người mà họ không yêu. Nếu có ai đó nói với tôi là đôi nam nữ ấy yêu nhau, thì cái hôn ấy có ý nghĩa, nó trở thành dấu chỉ tình yêu của họ.

       ”Nếu có ai nói với tôi… ”, điều này có nghĩa là tôi tin điều người ta nói với tôi. Bởi vì tôi tin người đó, nên tôi có thể hiểu nụ hôn này như cử chỉ của tình yêu. Như vậy, để hiểu cần phải tin, và để tin cần phải hiểu: sự kiện hiểu biết củng cố niềm tin của tôi. Nó giống như một vòng tròn xoáy trôn ốc: người ta xoay theo vòng tròn, nhưng mỗi vòng lại khiến cho tiến tới hay tiến lên cao hơn.

       Đây cũng là điều xảy ra với Thánh Kinh, đối với những người biên soạn nó: họ kể lại các biến cố, và các biến cố ấy có ý nghĩa, bởi vì họ tin. Điều này cũng có giá trị đối với chúng ta là những người đọc Thánh Kinh ngày nay: chúng ta có thể học Thánh Kinh như là các tín hữu, tức những người có đức tin hay như là những người không có đức tin. Khi đọc Thánh Kinh, chúng ta hiểu ý nghĩa các văn bản. Nhưng chúng ta sẽ hiểu chúng một cách khác, nếu chúng ta chia sẻ cùng niềm tin của những người đã viết ra nó, nếu chúng ta cùng họ bước vào trong cùng cuộc tìm kiếm.

      10. Ý nghĩa của một văn bản

       Khi đứng trước một văn bản, đặc biệt là các văn bản cổ xưa, chúng ta thường tự động lý luận như sau: tác giả có một điều gì đó để nói với chúng ta, một ý nghĩa nào đó để thông truyền cho chúng ta; ông đã mặc cho ý nghĩa đó với các lời và nền văn hóa riêng của ông; điều chúng ta phải làm ngày nay là cởi cái áo đó ra với các lời của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta nghĩ rằng trong văn bản có một cái ”nhân cứng” cần phải lôi ra ngoài.

       Nhưng các điều này không đơn giản như vậy. Khi nghe đôi vợ chồng già kể lại cuộc tình của họ, dĩ nhiên là tôi tìm cách hiểu những điều họ muốn nói, nhưng khi tiếp nhận chúng, tôi biến đổi chúng. Kể từ buổi chiều lễ kim khánh thánh hôn ấy của họ, tôi đã có một hình ảnh về họ, không giống như họ có về họ và cũng không giống hình ảnh mà một người khác có về họ.

       Cũng thế, khi đọc một văn bản, chúng ta soạn nó lại theo những gì chúng ta là. Đây là điều bình thường: chúng ta tiếp tục thêm vào văn bản đó ý nghĩa mà chúng ta khám phá ra trong đó. Đọc là làm chủ được một văn bản và khiến cho nó nói lên điều gì đó đối với chúng ta ngày nay, điều gì đó làm cho chúng ta sống.

 II. THÁNH KINH LÀ CUỐN SÁCH CỦA CẢ MỘT DÂN TỘC

       Tất cả những gì đã trình bầy cho tới đây cung cấp cho chúng ta vài chỉ dẫn qúy báu liên quan tới Thánh Kinh.

      1. Thánh Kinh là một cuốn sách của tất cả một dân tộc

        Ngoài một số các tác giả được biết đến, có rất nhiều tác giả vô danh. Qua họ cả một dân tộc đã viết ra những gì họ sống, những gì họ đã suy gẫm về lịch sử riêng. Việc suy gẫm qúa khứ đó đã được truyền lại bằng miệng từ lâu đời trước khi được viết thành văn bản. Các truyền thống này đã được truyền lại từ đời cha sang đời con bên trong các chi tộc Israel, và bắt đầu dưới thời vua Salomon chúng được biên soạn thành các văn bản.

      2. Thánh Kinh là một cuốn sách gắn liền với lịch sử

       Thánh Kinh không phải là một cuốn sách đã được biên soạn ra một lần rồi thôi; trái lại, nó đã được biên soạn ra dọc dài trong hơn 900 năm lịch sử của dân tộc Israel. Các thế hệ đến sau đã thêm vào các văn bản mới. Thường khi họ đã sửa chữa lại các văn bản của các thời kỳ trước để đáp ứng các tình trạng sống lúc đó. Thánh Kinh ghi chép lại các biến cố đáng lưu ý nhất của dân Israel, các chiến thắng, các thất bại, các vui buồn sướng khổ của họ.

     3. Thánh Kinh là một cuốn sách suy tư về lịch sử cuộc sống

      Trong các thời điểm định đoạt dân Israel đọc lại kinh nghiệm qúa khứ của mình và khám phá ra sự phong phú của gia tài do các thế hệ cha ông truyền lại. Họ đối chiếu đức tin và các xác tín của họ đối với các điều kiện sống mới và với các nền văn hóa của các dân tộc khác. Gia tài qúa khứ, được suy tư và và nghiền gẫm, trao ban cho họ khả năng chấp nhận hiện tại.

      Các sách của Thánh Kinh nhiều, vì việc đọc lịch sử đã không bao giờ kết thúc một lần cho luôn mãi. Có các tình hình mới bắt buộc tín hữu phải trở về qúa khứ một cách hoàn toàn khác, và có dịp suy tư trở lại ý nghĩa cuộc sống và cái chết cũng như nhiều vấn đề mà con người không ngớt đặt ra cho chính mình. Chẳng hạn, cuộc giải phóng khỏi kiếp sống nộ lệ bên Ai Cập không được kể lại theo cùng một cách thức: khi dân Israel định cư trong một nước mãnh mẽ và tự do, như dưới thời vua Đavít và vua Salomon, thì khác với khi họ sống kiếp lưu đầy, sau khi bị vua Nabucodonosor bóc lột mọi sự và đầy sang Babilonia, cũng như trong thời ngôn sứ Edekiel.

      Các sách cũng khác nhau, vì được biên soạn trong nhiều môi trường khác nhau: các tư tế không luôn luôn giải thích các biến cố như giáo dân hay các ngôn sứ; người giầu cũng không nhìn sự việc với con mắt của người nghèo. Kết qủa là trong Thánh Kinh có thể có các giải thích khác nhau liên quan tới cùng một biến cố, trong các tác phẩm được xuất bản trong cùng một giai đoạn lịch sử. Sự khác biệt này là một trong các khó khăn của sách Thánh Kinh, nhưng đàng khác cũng diễn tả sự phong phú của nó. Thật thế, vì Thánh Kinh là tác phẩm của cả một dân tộc có nhiều gương mặt và phản ánh một lịch sử dài và đầy giao động.

      4. Thánh Kinh là một cuốn sách đọc lại lịch sử và cuộc sống của dân Israel dưới ánh sáng đức tin

       Dân Israel đã luôn luôn xác tín rằng Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong lịch sử của họ. Và với sự hiện diện tích cực đó Thiên Chúa khiến cho con người biết Ngài. Dân Israel đã nhìn thấy trong các biến cố lịch sử của mình các dấu chỉ chính xác sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa đối với việc giải phóng họ. Và từ từ họ ý thức rằng Thiên Chúa đã có một chương trình đối với con người, một chương trình nhằm giải phóng, ký kết giao ước và làm bạn với con người.

       Đức tin của dân Israel được xây dựng từ đó, một đức tin được lãnh nhân như món qùa trong nõi tủy của một kinh nghiệm sống tập thể và riêng tư với Thiên Chúa của lịch sử và của vũ trụ.

      Đối với dân Chúa ngày nay, việc đọc Thánh Kinh là một lời mời gọi nhận biết Thiên Chúa hoạt động trong thế giới và luôn viết ra lịch sử của sự can thiệp ấy, mà không ngừng hoạt động để xây dựng một thế giới đáp ửng chương trình của Thiên Chúa đối với con người.

Linh Tiến Khải


by Tháng Tám 28, 2012 Comments are Disabled Thánh Kinh Tân Ước
Giới thiệu mục THÁNH KINH

Giới thiệu mục THÁNH KINH

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/08/Cuon-Kinh-Thanh-DoThai.jpg

       Tất cả các bài Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước trong mục này đã được phát trong mục ”Tìm Hiểu Kinh Thánh” của chương trình Việt Ngữ đài phát thanh Chân Lý Á châu (Veritas Manila) từ năm 1983, và trong mục ”Thần Học Kinh Thánh” của chương trình Việt Ngữ đài phát thanh Vaticăng từ năm 1997, nhân ba năm chuẩn bị Năm Thánh 2000, cũng như trong một vài Nguyệt San công giáo.

       Chúng bao gồm nhiều đề tài khác nhau, liên quan tới các tác phẩm Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, đặc biệt là phần chú giải các thư của thánh Phaolô. Chúng cũng gồm các bài trình bầy khung cảnh địa lý, lịch sử, khảo cổ của đất Palestina và vùng Trung Đông Cổ.

       Hy vọng mục Thánh Kinh này giúp các bạn độc giả say mê đọc Thánh Kinh, để hiểu biết, yêu mến, sống và thực hành Lời Chúa một cách sốt sắng, hăng say, xác tín và sâu đậm hơn.

       Cùng với việc đọc lại và học hiểu các Tài Liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II đây là nỗ lực sống Năm Đức Tin 2012 một cách cụ thể và nhiều dấn thân hơn.

       Roma 26-8-2012
       Linh Mục Giuse Linh Tiến Khải

       Nguyên giáo sư Thánh Kinh  Học viện “Regina Mundi” trực thuộc Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana,
Học viện quốc tế giấo lý viên truyền giáo “Mater Ecclesiae”,
và Phân khoa Truyền Giáo Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana Roma (1991-2011)

by Tháng Tám 26, 2012 Comments are Disabled Thánh Kinh Cựu Ước, Thánh Kinh Tân Ước