CÁC BẢN DỊCH THÁNH KINH TÂN ƯỚC TIẾNG KHÔNG LATINH

VÀ CÁC BẢN DỊCH TIẾNG LATINH

      Thánh Kinh Tân Ước đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Bên cạnh các bản dịch tiếng Hy lạp như chúng ta đã tìm hiểu còn có các bản dịch tiếng Latinh và tiếng không Latinh.

I. Các bản dịch Thánh Kinh Tân Ước không Latinh

      1. Bản dịch tiếng Siriac

      Trong số các bản dịch cổ của Thánh Kinh Tân Ước có các bản dịch tiếng Siriac. Đó là bản dịch ”Diatessaron” của học giả Taziano. Từ ”Diatessaron” bắt nguồn từ kiểu gọi Hy lạp ”tò dia tessarôn euanghélion” có nghĩa là ”Tin Mừng từ 4 Tin Mừng”.

           1) Bản ”Diatessaron”

      Đây là bản văn hòa hợp 4 sách Phúc Âm. Học giả Taziano, qua đời năm 180 sau công nguyên, biên chép 4 Phúc Âm tiếng Hy lạp rồi dịch ra tiếng Siriac. Bản dịch ”Diatessaron” rất thông dụng, nhưng nguyên bản Siriac đã bị mất. Chỉ còn lại vài bản dịch và nhiều lời trích. Năm 1933 người ta đã tìm thấy một mảnh văn bản Hy lạp viết trên da thuộc vào khoảng năm 220 sau công nguyên, tại Dura Europos trên sông Euphrate. Vì nó cổ xưa như thế, nên giới học giả rất chú ý đến bản dịch Diatessaron trong việc phê bình bản văn Tân Ước.

      Vào thế kỷ thứ ba người ta đã dịch 4 Phúc Âm riêng rẽ. Hiện bản dịch này còn được giữ trong Codice Curetoniano và Codice Sinaitico Siriaco, được trích dẫn trong phần phê bình của Thánh Kinh Tân Ước.

           2) Vào thế kỷ thứ V có thêm bản văn Pescitta Tân Ước bao gồm mọi tác phẩm Tân Ước, trừ 5 tác phẩm Deuterocanonici, tức thư thứ II thánh Phêrô, thư thứ II và thứ III thánh Gioan, thư thánh Giuđa và sách Khải Huyền.

          3) Vào đầu thế kỷ thứ VI Đức Giám Mục Filosseno cho soạm một bản dịch tiếng Siriac khác bao gồm toàn Kinh Thánh Tân Ước, kể cả các tác phẩm Deuterocanonici. Bản văn này không còn được bao nhiêu, nhưng có một bản tái duyệt do Ông Tommaso Arclense hay Tommaso thành Eraclea biên soạn vào thế kỷ thứ VII. Vì thế người ta gọi bản dịch Tân Ước tiếng Siriac này là bản Filosseniana hay Arclense.

          4) Vào khoảng năm 600 sau công nguyên có thêm bản dịch ”Siriac Palestine”, là thứ tiếng Aramây vùng Galilea. Từ bản dịch này chỉ còn lại các phần dùng trong phụng vụ.

      2. Bản dịch tiếng Copte

      Ngoài các bản dịch tiếng Siriac kể trên Thánh Kinh Tân Ước cũng được dịch ra tiếng Copte, là thổ ngữ Ai Cập. Sau đây là các bản dịch chính:

          1) Bản ”Copte Bohairica”, là loại thổ ngữ thông dụng tại miền bắc Ai Cập.

         2) Bản ”Copte Sahidica”, là thổ ngữ thông dụng tại miền nam Ai Cập. Gần với bản dịch Copte Sahidica còn có các bản dịch: “Achmimica”, ”Subachmimica” và ”Fayumica”.

      Các bản dịch Copte của Thánh Kinh Tân Ước khá cổ xưa, ít nhất là một phần thuộc thế kỷ thứ II và chúng có tầm quan trọng rất lớn đối với ngành phê bình văn bản Tân Ước.

      3. Bản dịch tiếng Armeni

      Cũng có bản dịch Thánh Kinh Tân Ước tiếng Armeni, thuộc thế kỷ thứ V. Nó chứa đựng vài kiểu đọc văn bản đặc biệt và gần với bản văn Hy lạp Koridethi.

      4. Bản dịch tiếng Giorgia

      Sau cùng vào khoảng năm 500 có thêm bản dịch tiếng Giorgia, có lẽ dịch từ bản văn Armeni, vì nó rất giống bản văn tiếng Armeni. Sau đó nó được sửa lại dựa trên các thủ bản Hy lạp.

II. Các bản dịch Tân Ước tiếng Latinh

      Trên đây là các bản dịch Kinh Thánh Tân Ước không Latinh. Bây giờ chúng ta tìm hiểu các bản dịch Thánh Kinh tiếng Latinh. Trước hết là bản ”Vetus Latina”.

      1. Bản ”Vetus Latina”

     ”Vetus Latina” là một kiểu gọi quy ước. Nó ám chỉ tất cả các bản dịch Kinh Thánh Latinh cổ xưa, có trước bản Vulgata của thánh Giêrolamo. Phần Cựu Ước của bản Vetus Latina được dịch từ một bản văn Bẩy Mươi, và phần Tân Ước được dịch từ một bản văn Hy lạp tái duyệt thuộc nhóm thủ bản D.

      Tình trạng hiện nay của bản Vetus Latina không cho phép chúng ta biết một cách chắc chắn đã có bao nhiêu bản dịch Kinh Thánh tiếng Latinh trước thánh Giêrolamo. Việc nghiên cứu khá phức tạp, vì đã có nhiều trao đổi lẫn lộn giữa các bản dịch khác nhau, cả giữa các bản tái duyệt của cùng một bản văn. Ngoài ra, các bản dịch hay bản tái duyệt đã được sửa chữa nhiều lần.

       2. Hai bản dịch La tinh chính: bản Phi châu và bản Âu châu

       Như giả thiết tìm hiểu chúng ta có thể nói đến hai bản dịch chính, vì các bản dịch khác có tính cách phụ thuộc hay phiến diện: một bản dịch phát xuất từ Phi châu, bản dịch thứ hai có nguồn gốc Âu châu, có thể là Roma hay Lyon. Lý do chính khiến cho giới nghiên cứu giả thiết hai bản dịch La tinh này là các khác biệt từ ngữ và kiểu hành văn tìm thấy trong các lời trích Kinh Thánh Latinh của các tác gỉa Phi châu như thánh Cipriano và các lời trích của các tác giả Âu châu, đặc biệt là các tác gỉa gốc Italia như Novaziano. Bằng chứng là có các thủ bản Codici Vetus latina phần Tân Ước có các bản văn giống các lời trích của các tác giả Italia và Âu châu; trong khi phần Cựu Ước có ít chứng tích hơn và không đầy đủ. Dầu sao đi nữa, cả việc phân biệt hai bản văn Latinh này ngay trong các sách Kinh Thánh có chứng tích cũng không đáng kể cho lắm. Có lẽ bản dịch Latinh Âu châu được soạn thảo theo bản dịch Latinh Phi châu.

      Ngoài ra cũng còn phải giả thiết rằng đã có nhiều dịch giả, xét vì có sự khác biệt giữa từ vựng và kiểu hành văn giữa các sách và các nhóm sách thánh. Nhiều tác phẩm Kinh Thánh có nhiều dịch giả khác nhau, trái lại cũng có khi một dịch giả dịch nhiều tác phẩm khác nhau. Từ nhiều bản dịch từng phần chắp lại với nhau người ta đi đến chỗ có toàn văn bản. Hai bản văn Latinh chính là bản Phi châu và bản Âu châu. Xem ra đã không có bản dịch trọn vẹn toàn bộ Thánh Kinh nào bằng tiếng Latinh. Các phần dịch, dài ngắn tùy theo, cũng đã bị sửa chữa rất nhiều vì nhiều lý do: như viết lầm, ước muốn loại bỏ các kiểu nói sai thật, hay tuy đúng nhưng bị dịch giả coi là sai, khuynh hướng sửa đi chữa lại một bản văn Latinh dựa trên bản văn Hy lạp, tìm hòa đồng các kiểu dịch khác nhau vv… Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao vào khoảng năm 400, thánh Agostino và thánh Giêrolamo than phiền vì có qúa nhiều khác biệt giữa các bản dịch Kinh Thánh Latinh.

      Bản Vetus Latina, ít nhất là một phần, đã được dịch hồi thế kỷ thứ II. Thật thế, Kitô giáo đã được phổ biến và gặt hái nhiều thành công giữa nhiều dân tộc nói tiếng Latinh. Mặc dù trong các thành phố lớn giới ăn học cũng nói và hiểu tiếng Hy lạp, nhưng dân chúng chỉ hiểu và nói tiếng Latinh. Sự kiện này khiến cho việc dịch Thánh Kinh ra tiếng Latinh là điều cần thiết.

      Tuy nhiên, chúng ta cũng có các lý chứng trực tiếp cho biết bản Vetus Latina đã được dịch hồi thế kỷ thứ II. Vào tháng 7 năm 180 tại Scillium bên Phi châu có xảy ra vụ xử án các Kitô hữu. Quan lãnh sự hỏi các tín hữu: ”Trong hộp có những gì vậy?”. Một tín hữu trả lời ”Các sách và thư của Phaolô người công chính”. Dựa trên chứng từ đó chúng ta biết được là các Kitô hữu đem theo mình ít nhất là một phần các tác phẩm Kinh Thánh. Và bởi vì các vị tử đạo tại Scillium là những người dân thường đến từ một làng nói tiếng Latinh, nên có thể suy luận rằng ngay từ thời đó họ đã có một bản dịch Kinh Thánh tiếng Latinh.

      Cũng tại vùng lãnh sự Phi châu vào khoảng năm 200, trong các bút tích của mình Giáo Phụ Tertulliano có đề cập tới các bản dịch hay bản ”giải thích” Thánh Kinh. Cũng tại đây vào khoảng năm 250 thánh Cipriano đã nhiều lần trích dẫn Thánh Kinh La tinh và một cách luôn luôn đồng nhất. Từ đó có thể biết rằng vào năm 250 đã có bản dịch Thánh Kinh tiếng La tinh được sử dụng một cách thông thường. Như thế nguồn gốc đầu tiên của bản dịch đó phải có từ trước nữa, vào khoảng năm 200.

      Tại Roma vào năm 250 tác giả Novaziano cũng trích một bản văn Kinh Thánh La tinh, khác với bản văn mà thánh Cipriano sử dụng. Như thế, chúng ta thấy ngay tại Italia cũng đã có một bản dịch La tinh thứ hai được sử dụng, hay ít nhất đó là một bản văn La tinh tái duyệt bản dịch được phổ biến bên Phi châu.

      Bản Vetus Latina quan trọng đối với việc phê bình văn bản. Nó giúp dựng lại bản văn Hy Lạp Tân Ước dễ dàng hơn các bản dịch khác, vì nó dịch rất sát bản văn Hy lạp. Ngoài ra bản Vetus Latina còn rất hữu ích đối với việc phê bình bản văn Thánh Kinh Cựu Ước Hy lạp, vì nó được dịch từ một bản văn Bẩy Mươi khá tốt. Thế rồi, bản Vetus Latina đã được thánh Giêrolamo dùng để soạn bản dịch Latinh Vulgata. Tất cả những sách Deuterocanonici cựu ước mà thánh Giêrolamo đã không dịch, tức các sách Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc, Macabây I-II, đã được lấy lại từ bản Vetus Latina. Sách Thánh vịnh của bản văn Vulgata cũng lấy lại từ bản Vetus Latina. Thánh Giêrolamo đã tái duyệt nó, chứ không thay thế bằng bản dịch riêng. Cũng nên ghi nhận rằng bản dịch Tân Ước Latinh trong cuốn Vulgata cũng là bản dịch Vetus Latina được thánh Giêrolamo tái duyệt. Ngoài ra cũng không được quên rằng phụng vụ, các Giáo Phụ và các tác giả Latinh đã sử dụng rộng rãi bản Vetus Latina, cả sau này nữa, vì nó đã chỉ được thay thế từ từ bằng bản Vulgata.

      3. Các thủ bản Tân Ước tiếng Latinh

      Bản Vetus Latina được duy trì trong một số thủ bản Codici không đầy đủ và trong một số mảnh văn bản, bị ảnh hưởng bởi bản Vulgata. Bản văn Tân Ước được đánh dấu với mẫu tự Latinh viết thường. Đặc biệt quan trọng có:

            – Thủ bản Vodice k (hay Codice Bobbio), thuộc thế kỷ thứ V-VI, gồm một phần Phúc âm thánh Mátthêu và Máccô được lưu giữ tại Torino, trung bắc Italia.

            – Thủ bản Codice a (hay Codice Vercelli) thuộc thế kỷ IV-V, có lẽ là thủ bản các Phúc Âm Latinh cổ xưa nhất. Nó thuộc bản tái duyệt Âu châu.

           – Ngoài ra còn các có các thủ bản quan trọng khác như Codice e (Palatino) thuộc thế kỷ thứ V; Codice b (Verona) thuộc thế kỷ thứ V; Codice f (Brescia) thuộc thế kỷ thứ VI.

      Vì có ít tài liệu trực tiếp nên các lời trích của các Giáo Phụ Latinh như thánh Cirpiano, thánh Ambrogio, Giáo Phụ Ambrosiastro vv… cũng rất quan trọng đối với nghành phê bình văn bản.

      Các tu sĩ Biển Đức thuộc tu viện Beuren bên Đức đã tái duyệt bản Vetus Latina: ”Vetus Latina. Die Reste der altlatainishen Bibel nach Petrus Sabatier neu gesammelt und herausgegeben von der Erzabteil Beuron”. Để thực hiện công tác này các tu sĩ đã thu tập tất cả các thủ bản Codici, các Lezionari, tức sách bài đọc gồm các bản văn dùng cho phụng vụ, và mọi lời trích của các tác giả Kitô dọc lên cho tới thời hoàng đế Carlo Cả, tức khoảng năm 800. Trước đó đã có học giả Pietro Sabatier, là người đã cho ấn hành tất cả các văn bản và lời trích Kinh Thánh Vetus Latina, được biết cho tới thời đó. Bản văn tái duyệt cũng bao gồm danh mục giúp nghiên cứu sự phát triển tư tưởng thần học, sự hình thành của từ vựng giáo hội học và sự hình thành của bản Vulgata. Nó cũng quan trọng đối với việc nghiên cứu tiếng Latinh hậu cổ điển và tân thời.

       Linh Mục Giuse Hoàng Minh Thắng

 

Comments are closed.