https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2013/10/cham-soc-rang.jpg

Trích “Oil Pulling Therapy: Detoxifying and Healing the Body Through Oral Cleaning”
by Dr. Bruce Fife
Người dịch: Hoàng Đình Tứ , chuyên viên thảo dược

TẨY ĐỘC KIM LOẠI NẶNG

1-CHẤT KHOÁNG

2-LÁ NGÒ / RAU MÙI

3-CHẤT XƠ TRONG CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG

4-CHẤT CHỐNG OXY-HÓA

DƯỢC PHẨM – RƯỢU – THUỐC LÁ

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CHẤT A-XÍT và CHẤT KIỀM

CHƯƠNG TRÌNH TẦY ĐỘC

THỰC PHẨM VÀ KHẢ NĂNG LÀM SÂU RĂNG

  • Khả năng làm sâu răng cao
  • Khả năng làm sâu răng trung bình
  • Khả năng làm sâu răng thấp
  • Khả năng giúp chống sâu răng

SÚC DẦU: LIỆU PHÁP – DUY TRÌ 

  • ĐỂ DUY TRÌ :
  • ĐỂ CHỮA BỆNH:
  • CÁCH BÀO CHẾ DẦU DỪA THUỐC:
  • YẾU TỐ AN TOÀN

TÓM TẮT CHƯƠNG TRÌNH

  • Chế độ ăn uống – dinh dưỡng tốt
  • Dầu bổ sung
  • Việc uống nước
  • Vitamin và chất khoáng
  • Chăm sóc răng
  • Tẩy độc thủy ngân (trường hợp có trám răng bằng amalgam):
  • Thuốc tây – thuốc lá – rượu
  • Duy trì độ pH tốt
  • Chương trình tẩy độc
  • Liều lượng duy trì và liều lượng chữa trị

THÀNH CÔNG

CHĂM SÓC RĂNG

 Cùng với việc súc miệng bằng dầu, bạn vẫn phải duy trì công việc vệ sinh răng. Đánh răng mỗi ngày sau các bữa ăn. Dùng kem đánh răng không có fluor. J.E. Phillips, bác sĩ giải phẫu răng, nhà sáng chế kỹ thuật Blotting Phillips, lại cho rằng không nên đánh răng hơn một lần trong ngày, lý do là sợ là chà quá nhiều răng bị mòn. Nhưng nếu bạn súc dầu thường xuyên, sẽ không cần thiết phải chà răng mỗi lần sau khi ăn. Súc dầu vài phút vào cuối ngày trước khi đi ngủ là cách tốt nhất để lấy ra các chất cặn bã còn dính lại trong răng.

 Thường xuyên đi khám răng để bảo đảm răng không bị bám vôi và không bị nhiễm trùng. Nếu bạn thường xuyên súc miệng bằng dầu, bạn sẽ không gặp vấn đề trong việc giữ cho răng khỏe, đẹp.

 Lúc bắt đầu súc dầu, bạn có thể vẫn còn những vấn đề cần nha sĩ chăm sóc, như răng bị áp-xe /sưng mủ, sâu răng, hoặc vôi răng. Một số người bị chất vôi kết tụ bám vào răng cần có thời gian để có thể làm tan nó đi. Nhưng nếu có nha sĩ điều trị thì sẽ nhanh chóng hơn. Vôi răng có thể tạo nên chứng viêm lợi kinh niên.

 Bạn có thể phải giải quyết những vấn đề có thể xảy ra khác nữa, như trám răng bằng amalgam  hoặc lấy gân máu. Tốt hơn hết là hãy lấy tất cả các chất kim loại ra khỏi miệng. Nếu như phải dùng một loại kim loại nào đó, thì nó phải là vàng hoặc một loại kim loại nào đó tương thích với bạn. Nếu mục đích của bạn là một sức khỏe tối ưu, thì  amalgam dùng để trám răng cần phải được thay thế bằng chất composite, và răng lấy gân máu cần được nhổ đi. Tuy nhiên, như đã nói, bạn cần nghiên cứu kỹ các vấn đề có liên quan và tự quyết định.

 Chất liệu dùng trong việc điều trị răng rất tốn kém và có thể gây tổn thương. Bạn có thể tạm hoãn một việc điều trị thêm nào đó và chờ cho tới lúc cần thiết hơn. Trong trường hợp này bạn cần có những biện pháp tự bảo vệ mình khỏi những độc hại của những chất liệu này. Có một số thức ăn và chất bổ dưỡng rất hiệu quả trong việc tương tác với các kim loại nặng bị thải ra trong miệng. Những thức này có khả năng trung hòa, hóa giải các tác dụng của kim loại nặng, hoặc tác dụng trên nó để tránh không cho hấp thụ vào trong cơ thể. Chương sau đây sẽ mô tả cách thức để giảm thiểu nguy cơ bị phơi nhiễm chất thủy ngân và các kim loại nặng khác.

TẨY ĐỘC KIM LOẠI NẶNG

Bạn hãy làm theo những lời khuyên trong chương này nếu như răng bạn được trám bằng amalgam hoặc một loại kim loại nặng khác.

 1-CHẤT KHOÁNG

Các khoáng chất  như kẽm và selenium được sử dụng trong việc cấu tạo các enzyme rất cần thiết cho hàng trăm các phản ứng hóa học giúp có một sức khỏe tốt – và cho sự sống. Khi trong người có sẵn các loại kim loại nặng như thủy ngân, nickel, thì chúng sẽ được dùng thay cho các chất khoáng khác để tạo enzyme. Đây chính là vấn đề. Ví dụ, khi thủy ngân được dùng thay cho kẽm, thì enzyme được tạo ra biến thành vô dụng. Sự có mặt của quá nhiều enzyme vô dụng này sẽ cản trở những phản ứng hóa học trong cơ thể, dẫn tới bịnh hoạn. Nếu thức ăn của bạn thiếu chất kẽm, selenium hoặc các khoáng chất cần thiết khác, các kim loại nặng độc hại sẽ chiếm chỗ.

 Để bảo vệ cơ thể chống lại những hậu quả tai hại của kim loại nặng, cần phải bảo đảm rằng bạn đủ thức ăn chứa các khoáng chất cần thiết. Ít nhất nó cũng làm giảm tác hại của các kim loại nặng chứa trong người. Với đầy đủ khoáng chất cần thiết, kim loại nặng không còn cơ hội được sử dụng để tạo ra các enzyme.

 Nếu bạn có thủy ngân hoặc nickel trong miệng, bạn cần bổ sung những khoáng chất ít nhất là theo liều lượng bác sĩ khuyên dùng (RDA). Đó là 12g chất kẽm cho phụ nữ và 15g cho đàn ông. Đối với selenium, 55mcg cho phụ nữ và 70mcg cho đàn ông. Bạn cũng cần 2g chất đồng (copper)  mỗi ngày. Một chế độ ăn uống tốt sẽ giúp bổ sung các khoáng chất cần thiết.

 Vitamin C và chất béo giúp gia tăng lượng chất khoáng tiết ra từ thực phẩm trong quá trình tiêu hóa và tăng tốc độ hấp thu của chúng. Chế độ ăn uống quá ít chất béo thực sự làm cơ thể thiếu chất khoáng. Chẳng hạn, nếu bạn ăn món rau trộn với nước sốt ít chất béo hoặc không có chất béo, thì bạn chỉ hấp thu được một phần các khoáng chất từ món thực phẩm này. Một lượng chất béo “tốt” có thể làm tăng gấp đôi, gấp ba hoặc gấp tư lượng khoáng chất hấp thu được. Nguồn chất béo tốt có thể lấy được từ trái bơ, hạt đậu (phộng..), dầu ô-liu, dầu dừa.

 Tôi khuyên bạn nên dùng ít nhất là 1000mg vitamin C cùng với các viên thuốc bổ sung nhiều vitamin, và chất khoáng mỗi ngày vào sáng sớm. Dùng các loại thực phẩm bổ sung này vào các bữa ăn sáng, cùng với một loại chất béo tốt như nói ở trên, để bảo đảm cơ thể hấp thu được các chất khoáng.

2-LÁ NGÒ / RAU MÙI

 Thiên nhiên cung cấp cho chúng ta nhiều cách để điều trị bệnh tật, và khử độc. Có nhiều loại thảo dược vốn từ lâu có tiếng về khả năng chữa lành nhiều chứng bệnh, trong đó có cây ngò, có khả năng tẩy độc kim loại nặng trong cơ thể. Lá ngò dùng để tạo mùi và trang trí trong nghệ thuật nấu ăn châu Á và Mexico.

 Khám phá ra lá ngò là một chất có khả năng tẩy độc mạnh là công lao của bác sĩ Yoshiaki Omura, Chủ tịch và sáng lập viên trường đại học quốc tế về Châm cứu và Điện tử Liệu pháp therapeutics, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y khoa của Viện Tim, Mỹ.

 Bác sĩ Omura đã khám phá ra rằng chất kháng sinh dùng để điều trị thường tỏ ra không hiệu quả khi có mặt các lớp tích tụ kim loại nặng như thủy ngân, chì, nhôm. Các phương pháp điều trị tích cực với thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác chỉ có tác dụng tạm thời làm lắng dịu các triệu chứng trong một khoảng thời gian, và vài tháng sau lại bị tái nhiễm. Khám kỹ các bệnh nhân, thì thấy rằng nơi vẫn còn nhiễm trùng chính là những chỗ tích tụ những kim loại nặng. Những lớp tích tụ kim loại nặng cùng tồn tại với vi khuẩn và siêu vi. Ông lập luận rằng những kim loại nặng, bằng cách nào đó, đã làm giảm hiệu quả của thuốc, cho phép nhiễm trùng tồn tại. Tóm lại, tẩy độc kim loại nặng cùng với việc dùng kháng sinh là cần thiết để việc chữa trị đạt được kết quả tốt.

Đặc điểm tẩy độc của lá ngò được khám phá một cách tình cờ. Vào năm 1995 bác sĩ Omura thấy các bệnh nhân của mình ăn phở Việt nam, trong đó có bỏ lá ngò, và thấy trong nước tiểu của họ, chất thủy ngân giảm đi rõ rệt. Khi dùng ngò với chất kháng sinh, nhiễm trùng bị tiêu tán vĩnh viễn. Nghiên cứu của ông được các nhà chuyên môn y khoa nhìn nhận, và khám phá của ông đã được xuất bản trong các ấn phẩm chuyên đề y khoa.

 Chỉ cần khoảng một muỗng canh / một nhúm lá ngò, như khi dùng để chế biến thức ăn thông thường, ăn vào trong vòng ba tuần lễ, là đủ để tẩy độc các kim loại nặng tích tụ trong người, và cho phép các loại thuốc phát huy tác dụng. Hiệu quả của lá ngò không giới hạn trong đường tiêu hóa, trái lại có thể tẩy sạch kim loại nặng trong khắp cơ thể, kể cả phổi, thận, gan, các cơ quan nội tiết, và tim.

 Khi lấy đi các chỗ trám amalgam các nha sĩ thường cẩn thận tránh cho bệnh nhân không phải nuốt vào hoặc hít phải những hơi và bụi thủy ngân. Một miếng ngăn được đặt vào trong miệng cùng với một ống hút hơi mạnh. Thường thì nước miếng được hút ra để ngăn thủy ngân rơi xuống họng.  Mặc dù có những biện pháp ngăn ngừa như vậy, nhưng lượng thủy ngân trong người thông thường vẫn tăng lên sau mỗi lần điều trị. Bác sĩ Omura cho thấy nếu bệnh nhân ăn ngò từ hai tới ba tuần sau khi lấy amalgam, thủy ngân sẽ bị loại trừ ngay. Khi bị phơi nhiễm nhiều thủy ngân, thí dụ trường hợp lấy đi vết trám amalgam bác sĩ Omura khuyên nên ăn ngò nhiều hơn, nhiều lần trong ngày. Trong những nghiên cứu của ông về amalgam bác sĩ kê toa dùng bột ngò trong viên con nhộng 100mg mỗi ngày bốn lần.

 Những nghiên cứu của bác sĩ Omura về đặc tính tẩy độc của ngò cũng được độc lập khẳng định bởi các nhà nghiên cứu khác. Các nhà nghiên cứu tại bộ Năng Lượng Nguyên Tử ở Ấn Độ đã khám phá ra rằng ngò còn có thể được dùng để lọc nước bị ô nhiễm. Ngò có tác dụng hấp thụ thủy ngân có trong nước. Các nhà nghiên cứu đã quan sát và thấy rằng ngò đã làm biến mất chất vô cơ và menthylmercury trong nguồn nước lấy từ lòng đất.

 Thêm ngò vào thức ăn là cách dễ dàng giúp bạn bảo vệ bạn tránh khỏi ngộ độc thủy ngân, đặc biệt là khi bạn trám răng amalgam thủy ngân. Ngò có mùi thơm đặc biệt, có thể dùng thay thế  cho mùi tây (parsley) để thêm hương vị và trang trí món ăn, có thể ăn sống giúp hơi thở thơm tho.

 Ngò có tiềm năng loại trừ nhiều thủy ngân ra khỏi cơ thể hơn cả chính cơ thể của chúng ta. Mật được tiết ra và chảy vào đường tiêu hóa, là một trong những đường thoát chính yếu của thủy ngân. Ăn thức ăn có nhiều chất xơ và uống những viên thuốc bổ sung chlorella  cũng giúp loại trừ chất thủy ngân ra khỏi đường tiêu hóa.

3-CHẤT XƠ TRONG CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG

 Chất xơ là một phần của thức ăn có nguồn gốc thực vật, không thể tiêu hóa được bởi nhũng enzyme tiêu hóa của con người. Nó vào trong cơ thể rồi bị thải ra ngoài, hầu như còn nguyên vẹn. Mặc dù chất xơ không đóng góp gì nhiều vào dinh dưỡng của cơ thể, nhưng nó có một giá trị lớn trong việc duy trì chức năng tiêu hóa tốt. Chất xơ còn mang nhiều lợi ích khác. Một trong những số đó là khả năng hấp thụ những chất độc và kim loại nặng trong đường tiêu hóa và thải chúng ra khỏi cơ thể. Chất xơ giúp gia tăng thời gian thức ăn di chuyển trong ruột, giảm nguy cơ chất độc bị bị hấp thu lại trước khi tống ra ngoài. Các thức ăn mang nhiều chất xơ thường là thức ăn tốt, như rau cải, củ, hạt, ngũ cốc chưa chế biến, trái cây. Chế độ thức ăn của bạn cần phải có tất cả những thứ này.

 Một số chất xơ có hiệu quả hơn trong việc tẩy độc hoặc hấp thu kim loại nặng và các chất độc khác. Có hai loại chất xơ chính, xét về chế độ ăn uống: có thể hòa tan và không thể hòa tan. Pectin và guar , những thứ thường được để làm đông đặc trong chế biến thức ăn, là những thí dụ về chất xơ hòa tan. Chất xơ không hòa tan là một phần của thực phẩm gốc thực vật, thí dụ như cám. Những chất xơ không hòa tan có tác dụng tẩy độc cao nhất. Tác nhân chính trong chức năng tẩy độc của chất sợi là inositol hexaphosphate, gọi tắt là IP6.

IP6 là một chất có khả năng tẩy độc hiệu quả và là chất chống ô-xy-hóa hiệu nghiệm.

 Hầu hết các cuộc nghiên cứu hiện đại về IP6 là về khả năng tăng cường hệ miễn nhiễm và chống lại ung thư. Nó cũng chứng tỏ là có khả năng chống lại việc hình thành sạn thận.

 Ngũ cốc chưa chế biến (grain), các hạt đậu, hạt (giống) và rau củ đều có chứa từ 1-6 gam IP6 cho mỗi 100g hạt. Những sản phẩm làm chế biến từ bột hoặc gạo trắng thường không còn IP6 và xem như không có giá trị trong việc tẩy độc kim loại nặng. Hạt bắp chưa chế biến chứa 6g, mè chứa 5g, lúa mì 4g, gạo lức 2g cho mỗi 100g khẩu phần. Tiến sĩ y khoa Abulkalam Shamsuddin, giáo sư môn bệnh lý học thuộc Đại học Y khoa Maryland, chuyên gia hàng đầu về IP6, khuyên nên dùng từ 1-2g IP6 cho liều lượng duy trì. Bạn có thể có được lượng này trong thức ăn như các loại đậu hạt chưa chế biến và rau củ, lúa mì và cám gạo, các loại thuốc bổ sung. Một chén nhỏ gạo lức trong bữa ăn có thể đủ cho liều lượng cần dùng.

 Chlorella là một loại tảo nước ngọt được dùng như một loại thức ăn bổ sung nhằm mục đích tẩy độc kim loại nặng.  Chlorella và cám giống nhau ở nhiều điểm. Chính phần xơ của chlorella là nhân tố thu hút những kim loại nặng và các chất độc khác trong đường tiêu hóa và thải nó ra khỏi cơ thể. Giống như IP6, chlorella được cho là có tác dụng tăng cường hệ miễn nhiễm và chống ung thư.

 Chlorella có mặt trên thị trường dưới dạng viên nén, bột hoặc chất lỏng. Liều lượng duy trì chuẩn hàng ngày cho người lớn là 3g hoặc 30ml nếu ở dạng chất lỏng. Mỗi muỗng canh chất bột chứa khoảng 5g. Bạn có thể bắt đầu bằng phân nửa liều lượng bác sĩ khuyên dùng. Tuy nhiên có một số người bị dị ứng với chlorella, và gặp một số hiện tượng như khó thở, tức ngực, da nổi mẩn đỏ. Nếu gặp những triệu chứng này, bạn nên ngưng dùng.

 Bạn nên dùng phối hợp sợi thực phẩm, chất cám, IP6 và chlorella để loại trừ thủy ngân ra khỏi cơ thể. Dầu vậy cũng không nhất thiết phải có tất cả mọi thứ trên. Ăn thức ăn có đầy đủ chất xơ là điều bạn luôn luôn phải nhớ như một phần của chế độ ăn uống tốt. Các loại thuốc bổ sung chỉ nên xem là phần phụ thêm mà thôi.

 Cũng không nên ăn qua nhiều thức ăn giàu IP6 hoặc thuốc bổ sung chlorella với nhiều chất khoáng vào sáng sớm. Tác dụng tấy độc của IP6 và chlorella có thể làm giảm lượng chất khoáng cơ thể hấp thu được. Tốt nhất là nên uống thuốc bổ sung IP6 và chlorella vào trước bữa ăn hay trong bữa cơm trưa hoặc tối.

4-CHẤT CHỐNG OXY-HÓA (19)

 Các chất kim loại nặng có thể can thiệp hoặc làm nguy hại đến các hệ sinh học trong cơ thể. Một trong những tác hại của chúng gây nên bởi thủy ngân và các loại kim loại nặng khác là sự phát sinh các gốc tự do (free radical) có hại. Gốc tự do trong cơ thể là những phân tử oxy bị mất một điện tử và tự ổn định bằng cách chiếm điện tử của một nguyên tử kế cận.  Thủy ngân là một chất rất độc hại đối với tế bào sống. Chúng tác dụng như một chất xúc tác, biến đổi những chất a-xít béo  không no đa liên kết (polyunsaturated fatty acids) bên trong màng tế bào thành những gốc tự do. Kết quả là tế bào sống bị hủy hoại, chết đi hoặc biến thành tế bào ung thư.

           Khi các gốc tự do được hình thành, nó tấn công các nguyên tự kề cận, khiến cho những nguyên tử này cũng biến thành gốc tự do. Hoạt động ngày tiếp diễn không ngừng, tạo nên càng ngày càng nhiều những gốc tự do. Số lượng gốc tự do càng nhiều thì càng nguy hại. Cũng may là chúng ta còn có một tuyến phòng ngự để chế ngự những tên khủng bố cực kỳ nguy hiểm này: chất chống oxy-hóa. Chất chống oxy-hóa hy sinh thân mình trong cuộc chiến trung tính hóa những gốc tự do. Vì lý do này mà các chất chống oxy-hóa bị sử dụng hết. Do đó chất oxy-hóa cần phải được bù lại đều đặn để đặt các gốc tự do trong vòng kiểm soát.

 Chúng ta có thể tìm chất chống oxy-hóa ở đâu? Trong thức ăn. Một số những chất dinh dưỡng mang chất chống oxy-hóa bao gồm vitamin A, C, E, a-xít lipoic và CoQ10. Cơ thể chúng ta cũng dùng một số khoáng chất cần thiết như kẽm và selenium để tạo ra chất chống oxy-hóa. Vitamin C là chất chống oxy-hóa tự nhiên được dùng để chống ngộ độc thủy ngân. Một trong những lý do là nó có thể được hấp thu một lượng khá lớn mà không gây nguy hại gì cho cơ thể. Người ta có thể tiêm một lượng rất lớn vào cơ thể bệnh nhân chữa răng khi họ được gỡ bỏ những amalgam thủy ngân. Việc này giúp họ tránh sự độc hại của thủy ngân khi nó bị nhiễm vào trong máu.

 Đa số các chất chống oxy-hóa có thể hòa tan hoặc trong nước hoặc trong chất béo (như vitamin A, E, CoQ10). A-xít lipoic độc đáo hơn ở chỗ phạm vi hoạt động rộng hơn trong các loại mô của cơ thể, bởi vì nó hòa tan được cả trong nước lẫn chất béo. Kích tấc nhỏ của nó giúp nó thâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng hơn các chất khác. Thí dụ, chúng có thể vào trong cả nhân tế bào và ngăn cản không cho các gốc tự do làm hại đến DNA. A-xít lipic phối hợp với vitamin C và E  bằng cách tái tạo chất chống oxy-hóa sau khi đã bị cạn kiệt vì phải chống lại với các gốc tự do. Không giống như các chất chống oxy-hóa khác, a-xít lipoic còn có khả năng khử độc nữa.

 Bạn không bao giờ có thể loại trừ hoàn toàn những gốc tự do. Chúng thường trực trong cơ thể chúng ta, được tạo nên bởi các loại hóa chất và chất độc, và là kết quả tự nhiên của tiêu hóa và chuyển hóa. Nhưng cho dù nguồn gốc của chúng từ đâu đi nữa, chúng cũng rất nguy hại, và cần phải được trung hòa. Bao lâu thủy ngân còn tồn tại trong cơ thể, bấy lâu nó vẫn còn tạo ra các gốc tự do và làm tiêu hao nguồn chất chống oxy-hóa.

 Nếu như bạn trám răng bằng amalgam thủy ngân, nhất thiết bạn phải cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất chống oxy-hóa qua thức ăn. Nếu chế độ ăn uống của bạn không cung cấp đủ thì bạn cần uống thêm thuốc bổ sung, bởi vì chúng không những có mặt ở trong miệng, mà còn có thể tích tụ trong não, gan, thận.

 Liều lượng bác sĩ khuyên dùng, tại Mỹ, vitamin A là 1,000 RE  và vitamine E là 30 IU. Hiện tại, chưa xác định được lượng a-xít lipoic cần thiết mỗi ngày, nhưng để làm chất dinh dưỡng bổ sung thì nên dùng khoảng 50-100mg. Chúng ta có thể thấy hai loại a-xít lipoic trên thị trường: loại a-xít alpha R và loại a-xít alpha S. Loại R lấy từ nguồn gốc thiên nhiên, loại S là sản phẩm tổng hợp. Loại tự nhiên R có tác dụng tốt gấp đôi loại tổng hợp S.

 Nếu bạn bị tiểu đường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng chất bổ sung có a-xít lipoic.  Những chất bổ sung này có thể làm giảm mức đường glucose và insulin trong máu, cho nên bạn phải kiểm soát mức đường và điều chỉnh thuốc uống cho thích hợp.    

DƯỢC PHẨM – RƯỢU – THUỐC LÁ

 Một số thuốc dùng trong chữa trị bệnh toàn thân có thể gây những biến chứng răng miệng, từ chứng bị khô miệng cho đến tác dụng làm thay đổi cấu tạo bề mặt của men rằng hoặc màng nhầy. Hơn 400 loại thuốc bày bán tự do đều có tác dụng làm khô miệng (như aspirin, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm nhiễm, đau nhức…)

Ngay cả những sản phẩm dùng chăm sóc cơ thể như thuốc chống đổ mồ hôi, cũng có tác dụng làm mất nước, gây nên tình trạng giảm bài tiết nước miếng. Thuốc kháng sinh tetracyline cũng có thể gây cản trở cho việc cấu tạo men răng khi uống thuốc vào thời kỳ mang thai hoặc lúc trẻ đang mọc răng.

 Một loại thuốc khác cũng có liên hệ tới sự phát triển bất thường của lợi là cyclosporine, một loại thuốc chống miễn nhiễm được dùng để tránh trường hợp cơ thể không chấp nhận  tạng được cấy ghép, hoặc tủy sống. Nó cũng được dùng để điều trị tiểu đường loại 2, viêm khớp, thấp khớp, bệnh vảy nến,  sơ cứng mạch máu…Thuốc kháng sinh và liệu pháp dùng hormone cũng làm thay đổi môi trường miệng và cả đường tiêu hóa.

 Các bệnh nhân ung thư dễ nhạy cảm với các biến chứng trong miệng, do khả năng chống nhiễm trùng thấp và do tác động của thuốc và các liệu pháp chống ung thư. Các loại thuốc hóa trị có thể tạo nên những viêm nhiễm đau nhức và các màng nhầy trong miệng và đường tiêu hóa bị loét, khiến các mô dễ bị nhiễm trùng. Liệu pháp xạ trị làm gián đoạn sự phân chia tế bào ở các mô khỏe mạnh cũng như bướu, và ảnh hưởng tới cấu trúc các tuyến nước miếng cũng như các mô khác trên mặt và trong miệng. Những biến chứng trong miệng rất phổ biến sau khi bệnh nhân được xạ trị. Một báo các về sức khỏe miệng và liệu pháp chống ung thư do Bộ Y tế và Dịch vụ Con người đưa ra, nói rằng phóng xạ có thể tạo ra những thiệt hại không cứu chữa được cho các tuyến nước miếng, cuối cùng sẽ gây sâu răng (do mục chất xương). Báo cáo còn cho rằng sự thay đổi chất nhờn trong miệng sẽ biến miệng thành cửa ngõ tiếp nhận các mầm bệnh.

Dùng thuốc trong điều trị  tạo nhiều tác dụng phụ tai hại đối với sức khỏe răng miệng. Nếu bất đắc dĩ phải dùng thuốc thì tốt nhất ta nên kết hợp với liệu pháp súc miệng bằng dầu, giúp cho hệ miễn nhiễm hoạt động tốt và kiểm soát được những vi sinh vật nguy hại.

 Các loại thuốc làm mất nước trong cơ thể, đồng thời khiến cho khô miệng:

Thuốc giảm đau

Thuốc chống tăng áp huyết

Thuốc chống nôn mửa

Thuốc chống đổ mồ hôi

Thuốc chống thèm ăn

Thuốc thông mũi

Thuốc lợi tiểu

Thuốc làm long đờm

Thuốc an thần…

Thuốc tây, rượu, thuốc lá, tất cả đều làm suy yếu hoạt động của hệ miễn nhiễm, khiến vi khuẩn có thể hoành hành. Rượu và thuốc lá làm hư màng nhầy trong miệng, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu. Tốt nhất là nên tránh tất cả các loại thức uống có cồn, thuốc lá, và các loại thuốc tây không cần thiết.

 Bình thường khi sức khỏe được cải thiện, chúng ta không cần phải uống thuốc nữa. Khi không còn đau, chúng ta không uống thuốc đau nhức nữa; khi vết thương không còn sưng, không cần thuốc viêm nhiễm nữa. Nhưng cũng có người cứ tiếp tục dùng thuốc vì thói quen. Xin hãy nhớ rằng cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn khi đã đủ thuốc, và đừng lạm dụng. Nếu bạn đang dùng thuốc theo toa bác sĩ, hãy uống thuốc cho đủ, hội ý với bác sĩ, và từ từ bớt đi. Nhiều người mang những chứng bệnh có nguy cơ tàn phế như viêm khớp, tiểu đường, có thể bớt thuốc lần lần cho tới khi không còn cần đến thuốc nữa. 

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CHẤT A-XÍT và CHẤT KIỀM

 Miệng của bạn có thể mang tính a-xít, tính kiềm (alkaline)  hoặc cả hai. Miệng là một môi trường năng động, trong đó độ pH thường xuyên thay đổi. Có lúc nó mang tính a-xít (độ pH nhỏ hơn 7), có lúc nó mang tính kiềm (độ pH lớn hơn 7). Mỗi vị trí trong miệng cũng có độ pH thay đổi khác nhau.

 Nước miếng có độ pH dao động từ 5,0 – 8,0.

Từ 6,0 – 7,4 là độ dao động khỏe mạnh.

Miệng của người khỏe mạnh có mức độ pH dao động 0,4 hoặc ít hơn. Khoảng pH dao động của người bệnh rộng hơn người khỏe mạnh.

Độ pH của nước miếng người bệnh thấp,   nhiều axit.

Ban ngày độ pH cao hơn ban đêm. Lúc chúng ta ngủ,  nước miếng tạm ngưng hoạt động.

 Thức ăn làm thay đổi độ pH tùy vào mức độ a-xít hay kiềm của nó. Khi ăn một trái cam chẳng hạn, sẽ làm cho miệng tăng độ a-xít. Các chất carbonhydrates tác động tới độ pH vì nó làm thức ăn cho các vi khuẩn sản xuất a-xít. Nước miếng làm giảm độ đậm của a-xít, và làm tăng độ pH. Nhưng nếu đường máu cao thì đường trong nước miếng cũng cao, do đó nó thành thức ăn tốt cho vi khuẩn. Độ pH ở chót lưỡi hoặc khu vực chung quanh răng hàm có thể thấp hơn phía sau răng cửa, kế bên tuyến nướt bọt. Sau khi ăn, độ pH thường cao hơn do tác động hỗ trợ của nước miếng, và rồi giảm xuống khi vi khuẩn ăn thức ăn và sản xuất ra a-xít. Cần đến một giờ sau khi ăn thì độ pH mới tăng trở lại mức bình thường. Khi chúng ta ngủ, tuyến nước miếng ngưng hoạt động và do đó độ pH vào ban đêm và sáng sớm thấp hơn ban ngày.

 Độ pH trong miệng rất quan trọng vì nó quyết định mức độ khoáng-hóa của răng. Chất khoáng trong miệng kết tinh và giúp quá trình khoáng hóa khiến răng chắc khi độ pH cao (nhiều kiềm), và bị ăn mòn khi độ pH thấp (nhiều a-xít). Vì vậy răng thường xuyên được bồi đắp hay ăn mòn. Do đó răng của chúng ta có chắc khỏe hay dễ bị sâu, tùy thuộc môi trường miệng thường xuyên có độ pH cao hay thấp .

 Thói quen ăn uống ăn hưởng lớn tới mức độ tỉ lệ a-xít/kiềm trong miệng. Chất carbonhydrates là nguồn thức ăn nuôi vi khuẩn trong miệng.  Chúng bao gồm đường sucrose, glucose, fructose, si-rô bắp, đường vàng, đường tinh luyện, mật ong, mật mía, ngay cả tinh bột trong các loại hạt ngũ cốc, rau củ, trái cây. Sau khi ăn, vi khuẩn sẽ sản xuất ra a-xít trong khoảng 30 phút.  Nếu các mẩu thức ăn dính trong kẽ răng hoặc nếp da trong miệng, vi khuẩn có thể ăn trong vài giờ, và luôn luôn tiết ra a-xít. Vì thế, giữ cho miệng sạch sẽ là bước quan trọng giúp đề phòng sâu răng và các bệnh về lợi.

 Các loại thức ăn dẻo có thể bám lâu trong kẽ răng sẽ càng là mối nguy hiểm.  Kẹo đường thắng (caramel), kẹo dẻo, bánh bột thường nguy hại hơn rượu trái cây hoặc nước trái cây. Những sản phẩm bột tinh luyện như bánh mì trắng nguy hại cũng không kém gì kẹo caramel. Bánh mì trắng khi nhai sẽ trở nên dẻo và bám vào răng.

 Nhiều bậc phụ huynh thường cho con cái ăn kẹo dẻo trái cây hoặc nho khô, vì cho rằng các món ăn vặt này bổ dưỡng. Kỳ thực, những món này cũng rất dính răng và nguy hại cho răng không kém gì kẹo đường.

 Nước soda cũng không tốt. Ngoài việc nó cũng bám vào răng, nó còn có cả a-xít mà các vi khuẩn ưa thích, và làm mòn răng.

 Trong khi vitamin C bổ sung, các bác sĩ khuyên dùng, nhưng viên C dạng nhai thì lại không nên. Vitamin C, còn gọi là a-xít ascorbic, có độ a-xít rất cao. Ở dạng nhai, vitamin C đủ độ đậm đặc để ăn mòn men răng. Người ta thử nghiệm, hòa tan một viên vitamin C vào trong nước, rồi đặt vào một cái răng tốt. Sau vài ngày dung dịch giảm dần, tới ngày thứ 8, bề mặt răng trở nên mềm đến độ có thể lấy móng tay cạo đi được.

 Nếu bạn ăn những thức ăn có a-xít acedic, như cà chua, trái cây chua, dấm, bạn nên dùng trong bữa ăn, để nó bị pha loãng và kéo trôi đi.

 Rau sống không dính vào răng và đòi hỏi phải nhai kỹ, điều này kích thích sự bài tiết nước miếng. Nước miếng tăng giúp miệng sạch sẽ và làm giảm nồng độ a-xít. Thêm rau tươi vào trong các món ăn là một cách tốt để đắp lại  những thực phẩm không nên ăn vì có hại cho răng.

 Nhiều nghiên cứu về thú vật và con người cho thấy sữa và các chế phẩm từ sữa có ít khả năng tạo nên sâu răng, thậm chí còn có tác dụng bảo vệ răng. Sữa tươi đặc biệt tốt, vì nó chứa những kháng thể và enzyme giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Mặc dù sữa có chứa loại đường sữa (lactose) nhưng vi khuẩn không dễ sử dụng chúng như các loại đường khác. Chế phẩm từ sữa giúp kiềm-hóa miệng chúng ta, và với nhiều chất vôi và phốt-pho, giúp cho răng cứng khỏe hơn. Phó-mát là một chất kích thích sự bài tiết nước miếng tốt, giúp cân bằng độ pH và do đó hiệu quả trong việc bảo vệ răng. Khả năng chống sâu răng của sữa tươi sẽ bị mất đi nếu khi uống chúng ta thêm đường. Kem và yaourt ngọt cũng mất đi khả năng bảo vệ răng.

Đậu phọng muối cũng có tác dụng kích thích nước miếng và giúp tránh sâu răng. Các loại đậu có nhiều ma-nhê và chất khoáng, giúp tạo xương và răng. Một số hạt hơi cứng có tác dụng mài mòn, làm sạch răng. Một số khác, đặc biệt là hạt điều có chứa nhiều hóa chất chống lại vi khuẩn làm sâu răng.

          Kể từ khi Alexander Fleming khám phá ra chất penicillin có khả năng tiêu diệt vi khuẩn vào năm 1928, các nhà khoa học đã sử dụng các chiết xuất của nấm mốc làm chất kháng sinh. Nấm rơm cũng thế, có chứa các chất chống vi khuẩn. Những chiết xuất lấy từ các loại nấm ăn được đã chứng tỏ ngăn chận được sự phát triển của S. mutans, loại vi khuẩn chính gây sâu răng. Một trong những loại này là nấm Shiitake của Nhật, cũng được phổ biến nhiều nơi. Ăn loại nấm này, và có lẽ các loại nấm khác nữa, giúp bảo vệ răng khỏi chứng vôi răng và sâu răng.

 Thường cuối bữa ăn chúng ta thường ăn một món đáng lẽ ra không nên ăn: tráng miệng. Bởi vì những món đó thường để lại đường trong miệng. Tốt hơn chỉ nên kết thúc bằng món rau củ hay thực phẩm chế biến từ sữa.

 Uống nước sau bữa ăn hoặc súc miệng là thói quen tốt để loại bỏ thức ăn còm bám vào răng và lượng a-xít dư thừa. Cũng có thể đánh răng sau khi ăn, tuy có một số nha sĩ khuyên không nên đánh răng nhiều, sợ răng bị bào mòn.

 Rượu có đường như xylitol, mannito, sorbitol, thường sử dụng loại đường thay thế nên không có tác dụng làm thức ăn cho vi khuẩn khiến chúng ta bị sâu răng. Xylitol còn có tác dụng chống sâu răng. Trong một cuộc nghiên cứu, trẻ em nhai kẹo dẻo có chứa đường xylitol ít bị sâu răng hơn các trẻ khác.

 Súc miệng bằng dung dịch xylitol trong một hai phút hoặc nhai kẹo dẻo không đường có xylitol là một cách tốt để kích thích tuyến nước bọt và làm sạch răng. Xylitol hiện có dưới dạng bột, bán trong các tiệm thực phẩm dinh dưỡng và trực tuyến (online). Để tự tạo nước súc miệng xylitol, bạn chỉ cần pha xylitol với nước là xong. Nếu muốn, có thể nhỏ thêm vài giọt bạc hà cho thơm miệng.

 Súc miệng bằng nước muối cũng tốt.  Muối có tác dụng kích thích tuyến nước bọt và  có đặc tính sát trùng. Muối từ xa xưa đã được sử dụng làm chất bảo quản thức ăn vì nó có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Muối giúp giảm nguy cơ  phát triển sâu răng, cũng như cải thiện tiêu hóa. Muối biển thường tốt hơn loại thường vì nó chứa nhiều chất khoáng có lợi cho sức khỏe.                                                             

 Một yếu tố nữa ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng là số lần ăn uống trong ngày. Ăn uống càng thường xuyên thì càng tăng nguy cơ bị các vấn đề răng miệng. Ăn vặt giữa các bữa ăn là một kẻ thù nguy hiểm, đặc biệt khi các thức ăn đó là kẹo, khoai tây chiên, bánh bột, v.v…Vi khuẩn sẽ sản sinh ra a-xít chỉ 30 phút sau khi tiếp cận với các thức ăn này. Nếu một người ăn một lúc ba cục kẹo, răng chỉ chịu 30 phút a-xít ăn mòn răng. Nhưng nếu ăn vào ba thời điểm khác nhau, thời gian a-xít ăn mòn sẽ tăng gấp ba, nghĩa là 90 phút, tệ hơn gấp ba lần. Tương tự, từ từ nhâm nhi các loại nước có sô-đa giữa các bữa ăn sẽ tệ hại hơn uống trong bữa ăn. Ăn nhiều các bữa ăn nhỏ, hoặc thường xuyên nhấm nháp các thức ăn vặt có chứa nhiều chât carbonhydrates làm duy trì a-xít trong miệng, khiến chúng ta không còn nhiều cơ hội cho răng tái tạo chất khoáng.

 Tốt hơn hết là không nên ăn vặt giữa các bữa ăn. Nếu muốn ăn thì chỉ nên ăn phó mát, thịt, trứng, đậu phọng, rau sống, hoặc các loại thực ăn khác ít chất carbon-hydrate. Bởi vì những chất này không chỉ làm cản trở dòng nước miếng, mà còn làm đảo ngược nó, đi ngược vào trong, mang theo a-xít và vi khuẩn vào trong răng. Nếu bạn lỡ ăn, nên uống nước sau đó, hoặc súc miệng cho kỹ, hay nhai kẹo dẻo làm ngọt bằng chất xylitol. Ăn một chút phó-mát hoặc động phọng có thể giúp trung hòa a-xít phát xuất từ carbonhydrate.

 Nên tránh ăn khuya hoặc ngay trước khi đi ngủ. Những mẩu thức ăn còn bám trong răng qua đêm sẽ là nguồn thức ăn tốt cho đám vi khuẩn háu đói. Trong khi đó ban đêm tuyến nước miếng không hoạt động, và không có gì để trung hòa a-xít. Miệng của bạn trở thành môi trường a-xít, làm răng bị mất đi chất khoáng suốt đêm.

CHƯƠNG TRÌNH TẨY ĐỘC

Nếu bạn áp dụng chương trình Liệu pháp Súc Dầu như chúng tôi phác họa, bạn có thể sẽ thấy ngay sự hiệu nghiệm của nó trong vài ngày. Nói chung, trong vài tuần, những vấn đề nho nhỏ sẽ dần biến mất. Đối với những bệnh tật kinh niên, có thể phải mất dăm ba tháng hoặc thậm chí cả năm. Một số bệnh tật khác cần phải có những liệu pháp khác bổ sung, ngoài súc dầu, và điều chỉnh chế độ ăn uống, dinh dưỡng, nếu muốn hoàn toàn bình phục.

Sau nhiều năm cơ thể tích lũy những chất độc và các mô bị hủy hoại, nó có thể cần tẩy độc thêm hoặc có những liệu pháp khác để có thể hoàn toàn hồi phục. Súc miệng bằng dầu là biện pháp tẩy độc rất hiệu quả, và khi kết hợp với các liệu pháp khác, nó tạo một sự phối hợp hoàn hảo mà không một liệu pháp đơn thuần nào có thể đạt được.

Có nhiều phương pháp tẩy độc. Có những chương trình tẩy độc làm sẵn hoặc những sản phẩm có sẵn trên thị trường, bán tại các cửa hàng thực phẩm sức khỏe. Có những phương pháp tẩy độc hiệu quả nhất đã tồn tại  nhiều năm và vượt qua thử thách của thời gian. Hầu hết những phương pháp này không cần đến sự trợ giúp. Các phương pháp truyền thống như ăn chay nhịn đói, uống nước trái cây, làm đổ mồ hôi (tắm hơi), và những phương pháp tương tự, vẫn được coi là chuẩn mực  để tẩy sạch và chữa lành bệnh tật.

 Mô tả chi tiết từng phương pháp này là vượt quá giới hạn của cuốn sách. Tuy nhiên, cũng có nhiều sách viết về đề tài này. Tôi cũng đã từng viết một cuốn sách có giá trị mang tựa đề The Detox Book: How to Detoxify Your Body to Iprove Your Health, Stop Disease, and Reverse Aging. (Sách Tầy độc: Cách Tẩy độc Cơ thể và Cải thiện Sức khỏe, Chấm dứt Bệnh tật ,và Cải lão hoàn đồng.) Sách này hướng dẫn từng bước nhiều phương pháp tẩy độc, kể cả kiêng ăn – uống nước, uống nước trái cây, liệu pháp dùng oxy, thể dục tẩy độc, nhiệt liệu pháp, tẩy ruột cùng, tẩy độc gan, tẩy độc bằng dược thảo, cả tẩy độc tâm lý và tinh thần. Cuốn sách cung cấp đầy đủ chi tiết về các lựa chọn về chế độ ăn uống, và giải thích cách thức hoạt động của tẩy độc. Một cuốn sách khác cũng có nhiều thông tin tốt về tẩy độc là Coconut Water for Health and Healing (Nước Dừa dùng cho Sức khỏe và trong Chữa trị). Cùng với những thứ khác, cuốn sách này mô tả nước dừa như một loại thuốc tẩy độc, một chương trình tẩy độc vượt trội hơn phương pháp kiêng ăn-uống nước, hoặc uống nước trái cây.

 THỰC PHẨM VÀ KHẢ NĂNG LÀM SÂU RĂNG

 Khả năng làm sâu răng cao

Đường và si-rô

Kẹo

Bánh bột, bánh ngọt

Kem

Ngũ cốc ăn sáng làm sẵn

Khoai tây chiên, bánh bích-quy

Nước giải khát (nước ngọt, sô-đa, pha đường)

Mứt, thạch ngọt (jelly)

Thực phẩm chế biến từ bột

Cơm trắng

Khả năng làm sâu răng trung bình

Rau cải đã nấu chín (ngoại trừ  họ đậu)

Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nấu chín ăn nóng

Bột của hạt không chế biến

Trái cây

Khả năng làm sâu răng thấp

Rau sống

Họ đậu

Sản phẩm chế biến từ sữa

Thịt, cá

Trứng

Chất béo và dầu

Trà, cà-phê, chất thay thế đường

Khả năng giúp chống sâu răng

Phó-mát

Đậu phọng và các hạt đậu tương tự

Nấm Shiitake

Xylitol

Muối

 SÚC DẦU: LIỆU PHÁP – DUY TRÌ   

ĐỂ DUY TRÌ :

Súc dầu không thay thế được nhu cầu phải đánh răng. Bạn vẫn phải tiếp tục đánh răng mỗi ngày sau khi ăn. Nếu bạn không có răng sâu và không có vấn đề gì về lợi – có nghĩa là bạn đang khỏe mạnh – thì súc dầu một, hai lần mỗi ngày là điều cần thiết để duy trì sức khỏe răng miệng cho tốt. Súc miệng bằng dầu là việc nhất thiết phải làm ít nhất một lần mỗi ngày vào buổi sáng trước bữa điểm tâm. Hai lần cũng được, lần thứ hai vào trước bữa ăn trưa hay vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đừng ăn vặt gì thêm trong khoảng thời gian sau khi súc dầu và trước khi đi ngủ.

ĐỂ CHỮA BỆNH:

Nếu bạn bị vấn đề về lợi, răng sâu hoặc một bệnh tật nào khác, tôi khuyên bạn nên áp dụng chương trình chữa trị sau. Hãy súc dầu ba lần mỗi ngày, vào trước mỗi bữa ăn. Hãy sử dụng một loại dầu tôi đặt tên là Dầu dừa tẩm thuốc (medicated coconut oil). Để chế biến loại dầu này, bạn thêm vào mỗi muỗng canh dầu dừa một giọt dầu oregano, hoặc dầu tỏi. Oregano và dầu tỏi có đặc tính chống vi sinh vật, giúp tiêu diệt vi khuẩn, và cả siêu vi, nấm mốc và các loại ký sinh khác. Dầu tỏi cũng được nha sĩ dùng để sát trùng miệng. Bạn có thể mua những loại dầu này ở các cửa hàng bán thực phẩm sức khỏe, hoặc mua trên mạng. Các loại dầu này rất đậm đặc, có thể làm ngứa da. Nếu bạn bị nhiễm trùng miệng nặng, bạn có thể tăng lên hai giọt cho mỗi muỗng nước dừa.

Sau đó cho thêm một viên gel 30-50mg CoQ10 vào dung dịch. Rất khó mở viên thuốc này, cho nên thay vì lấy dao kéo để cắt, bạn chỉ cần bỏ vào miệng rồi cắn, nút lấy chất gel bên trong, nhả vỏ bao ra, rồi đưa vào miệng một muỗng canh dung dịch dầu dừa + giọt dầu oregano.

 Chất CoQ10 xức vào chỗ lợi bị bệnh xung quanh răng, đã được chứng tỏ là có hiệu nghiệm trong điều trị. Đặc tính chống o-xy hóa của nó và khả năng giúp cải thiện việc sản xuất năng lượng trong các mô, khiến CoQ10 giúp mau lành bệnh.

 CÁCH BÀO CHẾ DẦU DỪA THUỐC:

1 muỗng dầu dừa

1-2 giọt oregano hoặc dầu tỏi

1 viên gel CoQ10 30-35mg

 Bạn có thể chế tạo một lượng gấp đôi hoặc gấp ba, tùy theo nhu cầu súc miệng của bạn. Hãy dùng dầu dừa thuốc khi bạn bị nhiễm trùng miệng.

 Sau khi chải răng vào buổi sáng, hãy súc miệng bằng một dung dịch 3%  nước oxy già (hydrogen peroxide ). Hydrogen peroxide là một loại nước đã được oxy-hóa, một loại nước có dư một nguyên tử oxy. Nước oxy già là một loại thuốc tẩy trắng răng và sát trùng nha sĩ thường dùng. Vi khuẩn, siêu vi, nấm mốc không thể chịu quá nhiều oxy già. Chỉ cần một lượng oxy thừa nho nhỏ trong dung dịch 3% oxy già (97% nước và 3% oxy già) cũng đủ tiêu diệt chúng. Điều này khiến oxy già trở thành một loại thuốc súc miệng sát trùng hiệu quả, an toàn. Oxy già pha với nước để súc miệng hiệu quả hơn nhiều so với các loại súc miệng bán ngoài thị trường, mà lại rất rẻ. Hãy súc miệng bằng dung dịch 3% oxy già, sau khi đánh răng, tốt nhất là vào buổi sáng khi số lượng vi khuẩn trong miệng còn rất cao.

 Sau khi oxy già tiếp xúc với vi khuẩn, nguyên tử oxy bị phóng thích, khiến cho dung dịch xủi bọt. Đây là dấu hiệu vi khuẩn bị  tiêu diệt. Vì miệng chúng ta chứa đầy vi khuẩn, nên chỉ một ít cũng tạo nên bọt trong miệng. Hãy súc miệng cho kỹ rồi nhả ra. Bạn có thể nhả ngay vào bồn rửa mặt, vì nó chỉ là nước và vi khuẩn chết mà thôi.

 Nếu bạn cảm thấy đau vì nhiễm trùng kéo dài, thấm một que tăm bông (nhãn hiệu thường gặp là Q-tips) vào oxy già, đặt vào trong miệng kế bên răng, và giữ ở đó trong 10 phút. Bạn có thể làm lại hai ba lần trong một ngày. Nếu sau ba ngày không hết bạn cần tìm sự trợ giúp của nha sĩ.

 Nếu bạn gặp vấn đề răng miệng, quan trọng nhất là bạn phải giữ cho miệng luôn luôn sạch sẽ. Ngay cả khi bạn không có ở nhà, cũng phải giữ cho miệng sạch. Nếu không đánh răng sau bữa ăn, bạn cần súc miệng bằng dung dịch xylitol hoặc dung dịch nước và muối baking soda, để loại bỏ những mẩu thức ăn thừa. Nếu không có xylitol hoặc baking soda, bạn có thể súc miệng bằng nước muối bình thường.

YẾU TỐ AN TOÀN

 Súc dầu hoàn toàn vô hại. Bạn chỉ đang đưa vào miệng một loại dầu thực vật, một loại thức ăn. Thậm chí bạn không nuốt nó. Đâu có gì nguy hại đâu. Phụ nữ có thể súc dầu trong thời kỳ hành kinh, lúc mang thai và cho con bú. Dù sức khỏe bạn có yếu đến đâu thì bạn vẫn có thể súc dầu được. Dầu không tương tác với các loại thuốc, cho nên không bị chống chỉ định. Điều cần chú ý duy nhất là người súc dầu phải đủ lớn để không súc miệng rồi nuốt luôn dầu. Thông thường thì trẻ 5 tuổi trở lên có thể ý thức được chuyện đó.

TÓM TẮT CHƯƠNG TRÌNH                      

 Áp dụng chượng trình Liệu pháp Súc dầu của Bác sĩ Fife, như được phác họa trong chương này, sẽ giúp tăng cường hiệu quả tẩy độc của việc súc miệng bằng dầu, và vĩnh viễn thay đổi tích cực số lượng vi sinh vật sống ký sinh trong miệng. Những vi khuẩn nguy hại hoặc gây bệnh giảm nhiều tạo một môi trường miệng khỏe mạnh và do đó tăng cường sức khỏe tổng quát. Những điểm chính của chương trình được tóm tắt như sau.

 Chế độ ăn uống – dinh dưỡng tốt

Chế độ ăn uống cơ bản gồm những trái cây , rau củ tươi (hữu cơ), thịt, trứng, chế phẩm từ sữa, đậu hạt, ngũ cốc chưa qua chế biến. Tránh tiêu thụ thực phẩm đóng gói, đóng hộp sẵn, đặc biệt là ngũ cốc đã chế biến, các loại kẹo. Tránh dùng loại chất béo không bảo hòa đa liên kết (polyunsaturated oil), chất béo bị hydro-hóa (hydrogenated  oil), kẹo và ngũ cốc đã qua chế biến.

 Dầu bổ sung

Dùng từ 1-4 muỗng canh dầu dừa mỗi ngày. Dùng dầu dừa trong nấu ăn, hoặc thức ăn bổ sung. Giảm bớt hoặc dứt khoát không sử dụng các loại dầu khác.

 Việc uống nước

Cứ mỗi 25 pounds (bằng 12kg) trong lượng cơ thể, cần uống một ly nước khoảng 12 ounce (bằng 0,35 lít hoặc hơn một xị, một xị bằng 0,25 lít)

 Vitamin và chất khoáng

Uống thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng mỗi ngày, kể cả từ 500-1000mg vitamin C. Giới hạn mức calcium (chất vôi) bổ sung ở mức 400-600mg, và mức tương đương ma-nhê.

 Chăm sóc răng

Chải răng hoặc xỉa răng bằng chỉ nha khoa theo nhu cầu. Đi nha sĩ để khám răng theo định kỳ. Nếu răng bạn đã từng lấy gân máu hoặc có trám bằng amalgam, nên có những biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề. Nếu bạn từng trám răng bằng amalgam, nên theo cách thức tẩy độ thủy ngân như sau:

 Tẩy độc thủy ngân (trường hợp có trám răng bằng amalgam):

-Dùng các chất khoáng:

Uống thuốc bổ sung chứa  15mg chất kẽm, 70mcg chat selenium, 2mg đồng mỗi ngày. Kẽm và đồng cần thiết để cần uống theo tỉ lệ 8-1. Dùng thuốc bổ sung chất khoáng vào buổi sáng lúc điểm tâm.

 -Ngò / Rau mùi (cilantro)

Mỗi ngày ăn một muỗng canh rau ngò tươi cắt nhỏ.

 -Chất chống oxy-hóa

Mỗi ngày dùng thuốc bổ sung chứa Vitamine A, vitamin E, a-xít lipoic, CoQ10, và tối thiểu 1.000mg vitamin C. Dùng chung với chất khoáng bổ sung vào bữa điểm tâm.

 Thuốc tây – thuốc lá – rượu

Tránh dùng thuốc tây khi không thật cần thiết, hoặc thuốc lá hay rượu.

 Duy trì độ pH tốt

Có ý thức về các loại thực phẩm bạn ăn vào, và tác động của chúng trên độ pH trong miệng. Giảm dần hoặc bỏ hẳn các loại kẹo và sản phẩm ngũ cốc đã chế biến. Chỉ ăn carbonhydrate (có tinh bột) vào các bữa ăn. Tránh ăn vặt,  Nếu bạn ăn vặt, thì chỉ nên ăn những thức ít có khả năng làm hư răng. Sau khi ăn trưa và tối, súc miệng bặng dung dịch xylitol, hoặc dung dịch baking soda, hay nước muối. Bạn cũng có thể dùng nước trắng nếu không có những thứ khác. Bạn cũng có thể đánh răng, nhưng súc miệng giúp kiểm soát độ pH tốt hơn và có thể lấy đi các mảng thức ăn.

 Chương trình tẩy độc

Súc dầu có thể kết hợp với các hình thức tẩy độc khác để tăng tác động tẩy sạch và chữa trị, đặc biệt trong trường hợp bệnh kinh niên khó chữa.

 Liều lượng duy trì và liều lượng chữa trị

Đối với vấn đề nhỏ hoặc chỉ để duy trì, súc dầu từ một tới hai lần mỗi ngày. Để điều trị những trường hợp nặng, dùng dầu dừa thuốc mỗi ngày ba lần. Nếu miệng bị nhiễm trùng, súc miệng bằng dung dịch hydrogen peroxide 3% sau khi đánh răng vào buổi sáng. 

THÀNH CÔNG

Sự thành công của bạn sẽ tùy thuộc vào việc bạn theo sát chương trình này tới mức nào. Nếu bạn không đạt được kết quả mong muốn, hãy xem lại bạn đã thực hiện chương trình đến đâu. Vấn đề mà người ta thường có khuynh hướng xé rào hơn cả là chuyện ăn uống. Hãy tránh ăn những thực phẩm có hại cho sức khỏe như thức ăn chế biến sẵn dưới dạng đóng hộp thiếc, hộp carton, trong bao giấy hay bao ny-lông. Chỉ với ít trường hợp ngoại lệ, thường những thức ăn này thiếu chất dinh dưỡng , có chứa chất hóa học dự trữ và có nhiễm bẩn. Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, hãy lưu ý đến thức ăn đủ chất dinh dưỡng.

 Liệu pháp súc dầu rất mạnh thế, và khi khôn khéo kết hợp thức ăn bổ dưỡng cùng với hoạt động tăng cường sức khỏe, nó có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu cho sức khỏe của bạn. Trong khi súc dầu chưa có thể là câu trả lời cho mọi vấn đề về sức khỏe, nó vẫn có khả năng đem lại những tiến triển đáng kể. Nó có khả năng cho phép cơ thể tự chữa lành từ rất nhiều tình trạng, kể cả những bệnh nan y chưa có thuốc chữa trị nữa.

 Bạn có thể thấy sự thay đổi hầu như tức khắc, hay phải chờ đợi lâu hơn. Tiến triển có thể chậm và khó nhận ra đến nỗi bạn chẳng thấy gì khác biệt cả cho đến một ngày kia bạn nhìn lại và nói: “Chà, năm nay tôi không bị cảm cúm” hay “ Mùa này tôi không bị dị ứng như mọi lần.” Nhưng điều chắc chắn bạn thấy rõ là sức khỏe răng miệng thật đáng ca ngợi: hơi thở thơm tho; nướu răng chắc lại, lợi hồng đỏ, tốt; và hàm răng trắng sạch. Riêng điều này đã làm cho liệu pháp súc dầu đáng giá rồi vậy.

https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/12/DISCLAIMER.jpg

Comments are closed.