https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2013/10/duong-nuoc-vitamin-dau-an.jpg

Trích “Oil Pulling Therapy: Detoxifying and Healing the Body Through Oral Cleaning”
by Dr. Bruce Fife
Người dịch: Hoàng Đình Tứ

                             Trong phần này bác sĩ Fife đề cập đến bốn loại thức ăn hàng ngày của chúng ta. Chúng ta cần biết tầm quan trọng của những thức ăn đó,vì nếu dùng đúng cách, chúng giúp tăng cường sức khỏe, nếu sai cách chúng gây ra bệnh.

1-ĐƯỜNG

                            Tôi thích bánh ngọt, kem, và kẹo – mà ai lại không chứ? Có nhiều khi tôi ăn một cái bánh, một cục kẹo, rồi lại muốn ăn cái khác, một cái nữa, cái nữa, cho đến khi quá độ. Nó như một con nghiện. Tôi không thể chỉ ăn một cái. Đường có tác dụng kích thích trung tâm tạo cảm giác thích thú trên não, và cũng giống như cô-ca-in, nó gây nghiện. Thực vậy, các nghiên cứu cho thấy, nếu được lựa chọn, các con vật dùng làm thí nghiệm khoa học, sẽ chọn đường chứ không phải cô-ca-in.

                             Đường tinh luyện có lẽ là thứ thức ăn nguy hại nhất. Các loại carbonhydrate tinh luyện như bột trắng, gạo trắng, không được tốt lắm, bởi vì những loại này sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành đường trong hệ tiêu hóa và có cùng một hậu quả tai hại.

                             Thực ra bản thân chất đường không phải là xấu; các tế bào trong cơ thể sử dụng đường như là một nguồn năng lượng. Chẳng qua là vì sự tiêu thụ quá độ các chất đường và carbonhydrate tinh luyện, khiến chúng trở thành vấn đề. Hầu hết các chế độ ăn uống đều chứa chất carbonhydrate đơn giản lẫn phức tạp. Đường là một loại carbonhydrate đơn giản. Nó là một đơn vị cấu tạo căn bản của tất cả các loại carbonhydrate. Các carbonhydrate phức tạp chẳng qua chỉ là những chuỗi dài các nguyên tử đường liên kết với nhau. Trong quá trình tiêu hóa, các enzyme phá vỡ các liên kết, và tạo ra các nguyên tử đường riêng lẻ, sau đó được hấp thu vào máu và được sử dụng như thức ăn nuôi tế bào. Chất xơ cũng là một dạng carbonhydrate phức tạp, nhưng có một cấu trúc đặc biệt khiến cơ thể không thể phá vỡ liên kết của các nguyên tử đường, cho nên nó không bị hấp thu. Nó bị thải ra khỏi đường tiêu hóa, gần như vẫn còn nguyên vẹn. Các carbonhydrate phức tạp là thành phần chính của trái cây, rau cải, hạt ngũ cốc, hạt đậu, hạt trái cây.

                             Khi chúng ta ăn thực phẩm chứa các carbonhydrate phức tạp, đường được tiết ra từ từ và đi vào máu với tốc độ tương đối chậm đều. Tốc độ này vừa đủ cho tuyến tụy tiết ra chất insulin và chuyển nó tới các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Ngược lại, khi ta ăn đường nguyên chất, nó sẽ được tải trực tiếp vào máu.

                             Một người trưởng thành có thể tạng trung bình mang trong người khoảng 1,5 ga-lông máu (khoảng 5,6 lít). Với số lượng máu đó, một người khỏe mạnh bình thường có chứa khoảng tương đương 1-3 muỗng cà phê đường. Khi ta ăn thỏi kẹo Snicker 2,2 ounce (bằng 62 gam), cơ thể chúng ta sẽ nạp vô 9 muỗng đường; một ly kem: 8 muỗng đường; một miếng bánh ngọt: 10 muỗng đường. Như vậy chúng ta đang ‘bơm’ một số lượng lớn đường vào trong máu.  Lượng đường trong máu lên thật cao, sẽ khiến chúng ta có thể bị hôn mê và chết bất đắc kỳ tử. Lượng đường máu lên cao quá mức sẽ gây độc hại cho cơ thể. Đường càng cao càng nguy hiểm. Cơ thể phản ứng bằng cánh hoạt động tối đa để tăng lượng insulin, giữ cho lượng đường trong máu được cân bằng. Nhưng lượng insulin trong máu cao cũng độc. Tóm lại, nếu bạn càng thường xuyên tiêu thụ đường quá độ, bạn càng phải chịu nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe như cao áp huyết, tim mạch, tiểu đường và béo phì.

                             Một trong những hậu quả chính của việc ăn đường là giảm khả năng chống nhiễm trùng. Đường làm giảm chức năng miễn dịch, nó giúp các vi sinh vật phát triển và lan ra khắp cơ thể.

                             Tôi từng làm việc với một người lúc nào tới văn phòng cũng nghẹt mũi, hoặc sụt sịt, ho hen. Anh thường xuyên ăn kẹo, và tôi nghĩ đó là nguyên nhân của vấn đề. Anh không thích rau cải, trái lại rất mê kẹo và ăn mỗi ngày. Vợ con trong nhà, cũng như anh, rất thích kẹo, và cũng bịnh hoạn như anh. Gần như không lúc nào tôi tới chơi nhà anh mà không có người bị bệnh. Sau khi được bác sĩ khuyên nhủ, anh cắt giảm lượng kẹo ăn vặt, và kết quả thật bất ngờ. Mấy tuần lễ liên tục không còn thấy anh khụt khịt hoặc nghẹt mũi nữa.

                             Một vấn đề nữa của đường là nó không cung cấp một chất dinh dưỡng nào khác ngoài calori. Mặt khác, khi cơ thể chuyển hóa đường, nó lại cần thêm vitamin và chất khoáng cho tiến trình này, như vậy sự có mặt của đường trong cơ thể sẽ chiếm mất và làm giảm đi nguồn dự trữ chất bổ dưỡng. Tiêu thụ quá nhiều đường, do đó, sẽ là nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng, dẫn tới làm giảm chức năng miễn nhiễm của cơ thể.

                             Lý do nha sĩ không thích đường là vì nó làm hư răng. Như chúng ta biết, đường nuôi dưỡng các vi khuẩn tạo nên chất a-xít gây nên sâu răng. Mỗi lần chúng ta ăn thực phẩm có đường hoặc các carbonhydrate tinh luyện, chúng ta đang nuôi ong tay áo, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phá hoại hàm răng của mình, và chuẩn bị cho nhiễm trùng miệng, rồi nhiễm trùng toàn thân.

                             Nước sô-đa, kẹo, thức ăn tráng miệng, là những thứ tệ hại nhất mà chúng ta đưa vào miệng. Ăn đường thì có khác nào bón phân cho vi khuẩn trong miệng. Đường sẽ đi vào các khe hở vết nứt trong răng miệng, cung cấp cho vi khuẩn những bữa ăn thịnh soạn thừa mứa, rồi sinh sôi nẩy nở và tạo ra a-xít.

                             Nếu bạn vẫn thèm ăn kẹo, thì tốt nhất hãy ăn một lần vào bữa ăn, hơn là cứ ăn vặt suốt ngày. Việc này giúp cho đường chỉ ở trong miệng chúng ta trong một thời gian ngắn nhất định. Nếu tính hay ăn vặt thì tốt nhất đừng ăn kẹo. Hãy ăn thức ăn thực sự như trái cây, rau củ, thịt, phó-mát, bất cứ thứ gì không có đường hoặc carbonhydrate tinh luyện. Bánh bít-quy, bánh mì, khoai tây chiên, và những thứ tương tự được chế biến từ bột trắng cũng tệ hại chẳng kém gì đường. Bột trắng cũng dễ bị phân hủy thành đường ngay từ trong miệng, do những enzyme của nước miếng.

                             Răng của chúng ta vốn ở dạng xốp tổ ong, với vô số những ống nhỏ. Những chất bổ dưỡng chảy từ chân răng ra ngoài qua những ống nhỏ này. Tuy nhiên khi chúng ta ăn đường thì dòng chảy này lại ngược lại, thấm từ bên ngoài vào trong chân răng, đem theo đường và vi khuẩn. Vấn đề là ở chỗ đó. Vi khuẩn thâm nhập vào trong răng và làm tổ. Mỗi lần ăn đường, chúng ta đang cung cấp thức ăn cho những vi khuẩn này sống và phát triển. Lần lần chúng sẽ làm hư phần giữa răng, cho nên có những cái răng trông lành lặn trắng trẻo bên ngoài, nhưng thực sự lại bị sâu ruỗng bên trong.

                             Trong nhiều cách, hóa tính của nước miếng phản ánh hóa tính của máu. Mỗi lần ăn đường, lượng đường huyết sẽ tăng. Tương tự, lượng đường trong nước miếng cũng tăng.

                             Đường trong nước miếng sẽ là nguồn thức ăn cho vi khuẩn. Cho nên sau khi ăn đường, cho dù bạn có súc miệng đánh răng đi nữa, thì cũng chẳng có gì khác, bởi vì đường sẽ trở lại trong miệng qua nước miếng.

                             Nếu như bạn sắp bị bệnh tiểu đường hay đã bị bệnh tiểu đường, thì điều này đáng đặc biệt quan tâm. Trường hợp bị tiểu đường, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ tăng cao và duy trì mức độ đó lâu hơn bình thường. Vì lý do này, người bị bệnh tiểu đường dễ bị sâu răng. Sâu răng và các chứng bệnh về lợi tạo ra những nhiễm trùng có thể đi vào trong máu, gây viêm toàn thân, rồi tăng đường huyết.  Đường huyết tăng thì tất nhiên đường trong nước miếng cũng tăng, vi khuẩn miệng phát triển, bệnh răng lợi phát triển. Nó là một cái vòng lẩn quẩn. Bệnh răng lợi làm tăng nguy cơ tiểu đường, và tiểu đường làm tăng nguy cơ bệnh răng lợi. Chỉ còn một giải pháp – và rất là đơn giản: không ăn đường, không ăn các dạng tinh bột.

 2-NƯỚC UỐNG

                            Một trong những khía cạnh của sức khỏe răng là vấn đề cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.

                            Vấn đề mất nước xem bề ngoài có vẻ không quan trọng lắm nhưng thực ra nó là vấn đề quan trọng và rất phổ biến. Có rất nhiều trường hợp tiêu chảy thông thường, nhưng vì người chăm sóc không biết cách bù lại nước bị mất đi qua tiêu chảy, trái lại đôi khi còn kiêng không cho uống nước – sợ bị tiêu chảy thêm – mà nhiều trẻ em đã bị chết oan uổng.

                             Nước rất cần thiết cho các phản ứng hóa học trong cơ thể và việc thiếu nước sẽ ảnh hưởng không tốt tới các hoạt động chức năng của cơ thể.

 *Chỉ cần thiếu 1% chất nước trong cơ thể cũng tác động tới việc điều hòa thân nhiệt và làm suy yếu các hoạt động thể lý và tinh thần.

*Nếu mất 8-10% có thể dẫn tới hôn mê hoặc cái chết.

*Tới lúc bạn “cảm thấy khát” là đã thiếu nước trầm trọng rồi.

* Đa số chúng ta không uống đủ nước, đi tới đi lui mỗi ngày trong một trạng thái thiếu nước cận lâm sàng kinh niên – tình trạng thiếu nước trong cơ thể nhưng chưa có triệu chứng rõ rệt.

                             Một lời khuyên chung để duy trì lượng nước đầy đủ cho cơ thể là hãy uống từ 6 tới 8 ly nước mỗi ngày. Một cuộc nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã cho thấy trung bình phụ nữ (tuổi 15-49) uống chỉ có 2-6 tách nước mỗi ngày. Khám phá này cho thấy đại đa số phụ nữ bị thiếu nước kinh niên. Một cuộc nghiên cứu khác của bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore khám phá ra rằng 32-41% các đối tượng được thử nghiệm (cả nam lẫn nữ tuổi 23-44) bị thường xuyên thiếu nước. Các thống kê về tiêu thụ thực phẩm cũng cho thấy tới 75% dân số thuộc mọi lứa tuổi có thể bị thiếu nước kinh niên dạng nhẹ.

                             Việc thiếu nước của cơ thể có thể tác động tới sức khỏe răng miệng thế nào? Một trong những triệu chứng nổi bật của thiếu nước là miệng khô. Một cơ thể bị thiếu nước thì nước miếng tiết ra sẽ bị ít đi. Cần phải có một lượng nước miếng đầy đủ trong cơ thể để duy trì độ pH, chống lại các vi sinh vật nguy hại, duy trì môi trường tốt cho răng miệng. Khi cơ thể thiếu nước, miệng sẽ là thứ đầu tiên chịu thiệt hại. Thiếu nước cận lâm sàng kinh niên có thể tác động xấu tới môi trường miệng của bạn, làm thay đổi dân số vật vi sinh trong miệng.

 Nhiều người trong chúng ta không uống đủ 6 tới 8 ly nước mỗi ngày. Thông thường chúng ta viện cớ đã uống cà phê hoặc sô-đa. Thực ra, những thức uống này không thể thay thế nước được. Trái lại, chúng còn có tác động làm mất nước, và như thế nhu cầu về nước của chúng ta lại càng tăng lên. Nói đơn giản, cứ mỗi ly cà phê, trà hoặc sô-đa mà bạn uống, cần phải có ít nhất phân nửa lượng nước uống thêm để bù đắp lại. Thí dụ, nếu bạn uống 4 tách cà phê mỗi ngày, thì bạn sẽ cần phải uống thêm 2 tách nước nữa mới bù lại được. Rượu lại càng làm khô cơ thể hơn nữa: cứ một ly rượu uống vào, sẽ cần thêm 5 ly nước để bù lại.

                             Cơ thể của bạn cần bao nhiêu nước? Bác sĩ khuyên từ 6-8 ly mỗi ngày. Mỗi ly khoảng 12oz , khoảng hơn một xị. Lượng nước cần, tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể. Càng to lớn, nặng cân, càng cần nhiều nước hơn. Đại khái, cứ 25 cân Anh, bằng khoảng 12 ký, thì uống một ly. Một người 50 ký phải uống khoảng 4 ly nước.

                             Chất lỏng tốt nhất cho cơ thể phải là nước tinh khiết, không vị, không chất phụ gia, không có chất chlorin  hoặc fluor. Để loại trừ chất  chlorin  hoặc fluor  trong nước, bạn cần có những dụng cụ lọc để loại bỏ các hóa chất này. Nếu bạn muốn nước uống có thêm một chút mùi vị, thì hãy thêm vào một ít chanh.

                             Nước dừa tươi là một loại chất lỏng tự nhiên rất tốt. Nó giàu chất potassium và các loại chất khoáng khác, và chứa một lượng đường chỉ bằng 1/5 các loại nước trái cây và nước giải khát khác. Nước dừa là một thức uống tuyệt vời giúp cơ thể duy trì lượng nước cần thiết, bởi vì nó chứa các chất điện phân mà chúng ta bị mất khi cơ thể bị mất nước. Nước dừa có tiếng là thức uống tự nhiên của các vận động viên thể thao, tốt hơn nước trắng hoặc các thức uống thương mại khác, cho dù là dành cho các vận động viên.

3-VITAMIN và CHẤT KHOÁNG

Một chế độ ăn uống tốt có khả năng cung cấp cho bạn hầu hết các vitamin và chất khoáng cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên có những chất dinh dưỡng khác, thường không được tiêu thụ với số lượng tối ưu. Việc tiêu thụ các vitamin và chất khoáng bổ sung trong chế độ dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường hệ miễn nhiễm, giúp xương, răng chắc khỏe, cải thiện sức khỏe răng miệng, bổ sung chất kiềm cho cơ thể (và nước miếng), và giúp bạn duy trì sức khỏe toàn diện tốt.

 Một trong số những chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe răng miệng là vitamin C. Không như hầu hết các loại động vật, con người không thể tự tạo vitamin C. Chúng ta có được vitamin C từ rau cải và trái cây. Vitamin C hòa tan được trong nước và không trữ được nhiều trong cơ thể, vì vậy chúng ta phải tiêu thụ vitamin này mỗi ngày. Điều này có nghĩa là ta phải ăn trái cây, rau cải hàng ngày. Thức ăn nấu chín làm mất đi vitamin C, do đó thực phẩm đóng hộp thiếu chất dinh dưỡng quan trọng này.

 Vitamin C thực hiện nhiều chức năng chính yếu trong cơ thể. Nó cần thiết cho việc sản xuất collagen. Collagen là một mô liên kết giúp gắn kết các bộ phận cơ thể, kể cả những mô liên kết chung quanh răng, và tạo cái khung cho xương và răng hình thành. Các triệu chứng của tình trạng thiếu vitamin C bao gồm chảy máu lợi, răng lung lay, xương dòn, vết thương không lành, thiếu máu, cơ thoái hóa. Bạn thử để ý xem có bao nhiêu trong số các triệu chứng này tác động tới sức khỏe răng miệng? Tình trạng thiếu vitamin C có thể tạo điều kiện cho các vấn đề nghiêm trọng về răng.

 Thiếu vitamin trầm trọng có thể gây nguy hiểm chết người. Lý do chính là không thường xuyên ăn trái cây, rau cải. Thiếu ít cũng có thể tạo nên vấn đề và tác động xấu tới tình trạng của lợi. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng chảy máu và viêm cũng thay đổi theo lượng vitamin C đưa vào cơ  thể.

 Tại Mỹ và Canada, liều vitamin C được các bác sĩ khuyên dùng là 60 mg mỗi ngày. Nhưng đây mới chỉ là để phòng tránh bệnh thiếu vitamin C thôi, chưa đủ để tránh tình trạng thiếu cận lâm sàng. Vitamin C cũng có mặt trong tiến trình tẩy độc và miễn nhiễm của cơ thể. Những lúc bệnh hoạn, bị stress, làm việc trong môi trường khói, chất độc, chúng ta cần tới vitamin C nhiều hơn. Bác sĩ Linus Pauling, người đã hai lần đoạt giải Nobel, và là người đã từ lâu cổ võ cho việc dùng vitamin C, khuyên nên dùng lượng lớn vitamin C – tới 4.000 mg mỗi ngày. Liều lượng này không chỉ để tránh sự thiết hụt, mà còn là để tận dụng vô số những lợi ích về sức khỏe mà vitamin C có thể đem lại. Vì những lý do tương tự và vì vitamin C có lợi cho răng và lợi, tôi khuyên các bạn nên dùng từ 500mg đến 1000mg mỗi ngày.

 Vitamin A, D cần thiết để tạo mẫu và khoáng-hóa xương các loại. Thiếu một trong hai vitamin này, xương và răng sẽ bị mềm. Thiếu vitamin D chẳng hạn, sẽ gây chứng còi xương nơi trẻ em, và chứng loãng xương nơi người lớn. Vitamin D còn gọi là ‘vitamin ánh sáng mặt trời” bởi vì nó được tạo ra ở lớp da, khi có sự tác động của ánh sáng mặt trời. Nhận đủ ánh sáng mặt trời mỗi ngày là cách tốt nhất để có vitamin D. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không ra ngoài trời nhiều, và vào mùa đông, khi không có nhiều nắng, hầu như chúng ta không nhận đủ lượng ánh sáng mặt trời để sản sinh ra lượng vitamin D cần thiết. Các nghiên cứu cho thấy những người làm việc trong nhà, đều thiếu vitamine D. Rõ ràng đây là một trong những lý do người phương tây, dù uống nhiều calcium (chất vôi) đi nữa, vẫn bị loãng xương lúc tuổi về già, trong khi những người thuộc thế giới thứ ba, ăn rất it calcium nhưng phơi nắng nhiều, nên có bộ xương chắc khỏe. Liều bác sĩ khuyên dùng cho vitamin D là 400 đơn vị IU. Cơ thể chúng ta có thể tạo ra lượng này với chỉ 30 phút ngoài trời nắng. Vào mùa đông thời gian có thể lâu hơn nhiều.

 Răng là bộ phận của hệ xương, do đó xương mềm có nghĩa là răng cũng mềm. Để có một hàm răng khỏe mạnh, đầy đặn, bạn cần có một bộ xương khỏe mạnh, rắn chắc. Nói đến xương là chúng ta nhớ ngay tới chất vôi (calcium). Calcium là chất khoáng căn bản của hệ xương. Tuy vậy, calcium không phải là chất khoáng duy nhất có trong xương. Bạn có thể ăn vào gấp ba, bốn số lượng calcium bác sĩ khuyên dùng hằng ngày, thì cũng không ích lợi gì, nếu không có những chất khoáng khác tham gia cấu tạo xương. Ví dụ, không vitamin D, xương sẽ trở nên mềm và yếu, và có uống thêm thuốc bổ sung calcium cũng vô bổ. Những chất khoáng khác có thể kể tên là: phốt-pho, ma-nhê, boron, lưu huỳnh, man-gan, và silica.

 Tuy nhiên người ta đã quá nhấn mạnh tới calcium và quên đi các chất dinh dưỡng khác cũng quan trọng không kém. Lượng calcium bác sĩ khuyên dùng tại Mỹ là 1.200 mg mỗi ngày. Lượng này hơi thừa, quá nhiều nữa là khác. Có nhiều người tiêu thụ không tới mức đó, nhưng xương vẫn rắn chắc cho tới tuổi già. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng 400-500 mg mỗi ngày. Con số này hợp lý hơn, vì lẽ chế độ ăn uống của phương tây có rất nhiều calcium từ sữa, phó-mát, yaourt, hải sản, rau xanh, các loại củ đậu, các chất bổ sung khác…

 Ăn cho đủ calcium không thành vấn đề. Vấn đề lớn là làm sao có đủ ma-nhê. Lượng ma-nhê ăn vào, trong chế độ ăn uống ở Bắc Mỹ và châu Âu, nói chung chỉ bằng phân nửa lượng được bác sĩ khuyên dùng là 420 g cho đàn ông và 320 cho đàn bà. Nguồn cung cấp tốt nhất là từ lá cây xanh, củ đậu hạt – những thứ mà chúng ta thường ăn không đủ.

 Calcium và ma-nhê lại tương khắc, dư thừa thứ này sẽ dẫn tới thiếu thốn thứ kia, hoặc ít thứ này sẽ dẫn tới thừa thứ kia. Chúng ta cần có một lượng sao cho cân bằng. Tỉ lệ hiện tại được khuyên dùng là ba calcium – một ma-nhê. Tuy nhiên theo nghiên cứu của hai Tiến sĩ Y khoa Guy Abraham và Harinder Grewal, thì tỉ lệ lý tưởng là gần một-một.

 Họ ghi nhận độ dầy đặc của xương tăng 11%  ở những đối tượng mãn kinh khi được dùng 500 mg calcium và 600 mg ma-nhê. So sánh thấy rằng mức độ calcium và ma-nhê theo chuẩn các bác sĩ khuyên dùng không mấy tác dụng sau lứa tuổi mãn kinh.

 Dùng quá nhiều calcium lại có thể gây nên chứng cao calcium trong máu, khiến nó tích tụ ở những nơi không phải chỗ của nó như thận (gây sạn thận), bề mặt của xương (gai xương) động mạch (sơ vữa động mạch), thậm chí ở cả răng.

 Nói tóm lại, tùy theo chế độ ăn uống, ta có thể chỉ thêm khoảng  ma-nhê khoảng 200-400g hoặc tỉ lệ calcium/ma-nhê là 5-5 hoặc 5-6.

 Thêm ma-nhê vào chế độ ăn có thể đi cầu phân mềm, lỏng. Nếu bị lỏng quá, chúng ta cần giảm bớt liều lượng. Theo thời gian thì cơ thể bạn sẽ quen dần với liều lượng ma-nhê đưa vào, và bạn có thể tăng dần lên. Tốt hơn hết vẫn là thêm những thức ăn giàu ma-nhê thay vì dùng thuốc.

 Ngoài calcium, phốt-pho là chất khoáng cũng có nhiều trong cơ thể con người. Khoảng 85% phốt-pho có trong xương và răng. Tỉ lệ phốt pho và calcium cũng tương đương, 1-1.

Phốt-pho có nhiều trong những thức ăn như thịt, thực phẩm từ sữa, trứng. Một vài nguyên tố (trace elements), cần ít nhưng cũng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của hệ xương. Chất boron, lưu huỳnh, kẽm, man-gan và silica  không phải là những thành phần cấu tạo quan trọng nhưng lại giữ chức năng quan trong trong  quá trình chuyển hóa của xương.

 Nếu bạn mắc chứng bệnh kinh niên, thường là do hệ miễn nhiễm làm việc quá sức, hoặc là do thiếu vitamin và các chất khoáng.  Uống các viên thuốc dinh dưỡng bổ sung là biện pháp hữu hiệu cho một sức khỏe tốt. Nếu cần bạn nên tham khảo thêm danh sách những vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể, và liều lượng bác sĩ khuyên dùng mỗi ngày.

 4-DẦU ĂN

 AI TỐT AI XẤU

Trong các loại thức ăn thì dầu ăn là thứ bị trình bày sai lệch và bị hiểu lầm nhiều nhất. Trước đây người ta thường hay lên án chất béo bảo hòa (no) (CBBH), và ca tụng béo chất béo không bảo hòa đa liên kết (CB KBH-ĐLK, polyunsaturated fat), chỉ vì loại sau giúp làm giảm cholestorol trong máu tốt hơn so với loại trước.  Khái niệm này được ủng hộ và duy trì bởi nhóm y dược sĩ tây y chuyện trị về mỡ và tim mạch.

 Trên thực tế, những giống dân mà Bác sĩ Weston A. Price nghiên cứu, ăn toàn những  chất béo, thế mà họ không hề bị bệnh tim mạch, cho đến khi họ bỏ thức ăn truyền thống, và đưa vào bữa ăn của họ chất dầu hiện đại đã qua chế biến.

 BỘ MẶT THẬT

Mặc dầu các chất dầu thực vật đã qua chế biến được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, sự thật hoàn toàn khác hẳn. So với chất béo bảo hòa (CBBH), nó không ổn định và dễ bị trở mùi. Đó là lý do nó không được dùng để nướng và chế biến thức ăn. Khi bị đun nóng, nó bị phân hủy và tạo ra những chất độc hại. 

 Tất cả những CB KBH-ĐLK khi tới tay người tiêu dùng đã trải qua một mức độ quá trình ôxy-hóa. Ngay từ khi người ta ép hạt lấy dầu, thì dầu đã bị tiếp cận với oxy, nhiệt độ, ánh sáng và quá trình ôxy-hóa đã bắt đầu từ đó. Nó vẫn tiếp tục khi dầu được tinh luyện, đóng chai, vận tải và lưu trữ trong kho hàng cửa tiệm và tại nhà. Nếu bạn dùng dầu đó để nấu nướng thì quá trình ôxy-hóa càng tăng nhanh. 

 Những chất độc hại còn lại trong dầu chế biến sau khi bị phân hủy lúc nấu ăn, là nguyên nhân gây nên viêm nhiễm trên cơ thể, và làm thoái hóa các mô. Chúng phá hủy thành tế bào và thậm chí cả ADN, dẫn tới sự hủy hoại tế bào và gây ung thư. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy khi người ta tạo ung thư bằng phương pháp hóa học cho con vật, thì loại chất béo sẽ là nhân tố quyết định số lượng và kích tấc của các khối u. Theo thứ tự từ nhiều đến ít là: Chất béo không bảo hòa đa liên kết, nhiều khối u nhất, và khối u to nhất. Rồi mới đến chất béo liên kết đơn (như dầu ô-liu) , và chất béo bảo hòa là ít nhất. Trong số các chất béo bảo hòa thì dầu dừa tạo số lượng khối u ít nhất. Thực vậy, dầu dừa có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển khối u, ngay cả khi các con thú có trong mình những hóa chất có tiềm năng gây ung thư.

 Dầu thực vật trải qua chế biến cũng làm suy giảm khả năng của hệ miễn nhiễm. Điều này cũng được chứng minh qua việc chích dầu vào người những bệnh nhân ghép tạng để chống lại khả năng miễn nhiễm khi ghép tạng. Một cách mà CBKBH cản trở công việc của hệ miễn nhiễm là nó giết chết bạch huyết cầu, những chiến sĩ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm lăng của những đạo quân vi sinh nguy hiểm.

 Tóm lại, dầu dừa là lựa chọn số một, vượt qua các lựa chọn khác. Nó mang những đặc điểm tăng cường khả năng miễn nhiễm, chống ung thư, bảo vệ chúng ta tránh được các bệnh tật tim mạch, gan, thận, tiểu đường…, giúp cân bằng hormone, và có lẽ đặc biệt nổi bật nhất là nó có khả năng diệt mầm gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi, và nấm.

 NGƯỜI BẠN TỐT

Trong số  các thức ăn có chất béo, dầu dừa là đặc biệt nhất vì nó được cấu tạo bởi một nhóm chất béo được biết dưới cái tên Axit béo chuỗi trung bình (ABctb). Một loại thực phẩm duy nhất khác trong chế độ ăn uống có chứa  ABctb là sữa mẹ. Những loại chất béo này cần thiết cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và được thêm vào trong những công thức chế biến thức ăn cho trẻ. ABctb có hai công dụng chính: dễ tiêu hóa và cung cấp nguồn dinh dưỡng một cách nhanh chóng, hiệu quả. Nó còn có khả năng tiêu diệt vật vi sinh gây bệnh. Thực vậy sự có mặt của ABctb trong sữa mẹ  giúp bảo vệ  trẻ sơ sinh không bị nhiễm trùng trong những tháng đầu vừa mới chào đời, trong khi hệ miễn nhiễm còn đang phát triển. Những chất a-xit béo này bảo vệ chúng ta lúc mới sinh thì cũng bảo vệ chúng ta lúc khôn lớn, khi chúng ta ăn dầu dừa.

 Chất axít béo của dầu dừa giúp tiêu diệt những vi khuẩn và siêu vi sống trong miệng. Thuốc kháng sinh diệt được vi khuẩn nhưng lại vô dụng đối với siêu vi. Axid béo của dầu dừa còn giúp tiêu diệt các loại nấm, men. Tuy nhiên, nó không tiêu diệt tất cả các loại khuẩn; điều này thì tốt, vì như thế nó không làm hại đến các vật vi sinh tốt trong ruột, do đó không gây rối loại về tiêu hóa.

 Dầu dừa giúp răng khỏe mạnh – trắng và sạch. Ngay cả ăn cơm dừa cũng tốt. Người dân xứ dừa, dù nghèo, nhưng thường có tỉ lệ răng lợi tốt rất cao, hơn hẳn những người thành thị không ăn dừa.

 Để tận dụng lợi ích của dầu dừa, tôi khuyên các bạn nên dùng từ 1-3 muỗng canh dầu dừa mỗi ngày trong chế độ ăn uống của mình. Dùng dầu dừa để thay thế các loại dầu khác trong chế biến thức ăn. Bạn cũng có thể uống một muỗng dầu dừa như một dạng thức ăn bổ sung – một loại dầu dừa nguyên chất có mùi và vị dễ chịu, cũng không khó uống.

 Vì dầu dừa có khả năng tiêu diệt vật vi sinh, chữa lành vết thương và tăng cường sức khỏe, nên tôi khuyên các bạn hãy súc miệng bằng dầu dừa.


https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/12/DISCLAIMER.jpg

 

2 Comments

  1. chi cho em hoi khi suc mieng bang dau dua truoc khi danh rang , hay sau khi danh rang

    suc mieng bang dau dua sau do di ngu , khong co danh rang thi rang co bi hu do chat

    mo cua dau con o trong mieng , xin chi cho em biet dung dau dua nhu the nao tot nhat

    cho rang em cam on chi

    • Mục đích của việc súc dầu là để làm sạch răng miệng cách hữu hiệu nhất. Cho nên có giờ thì đánh răng hay súc miệng bằng nước, nước muối trước và sau khi súc dầu khi răng miệng hay sức khỏe có vấn đề lại càng tốt hơn. Không có gì huyền bí trong việc súc dầu cả, trái lại súc dầu là liệu pháp tự nhiên rất khoa học để loại trừ mầm gây bệnh nơi miệng.

      Cứ đều đặn súc dầu dừa mỗi ngày từ 1-3 lần sẽ thấy kết qủa tốt đẹp cho răng miệng, và nhớ dùng dầu dừa để nấu ăn.