https://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/08/Raffaello-holy-family-of-francis.jpg

     Lịch sử cứu độ là lịch sử lời Thiên Chúa mời gọi từng người trong chúng ta sống linh đạo “Trái tim yêu”, noi gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse dấn thân cộng tác vào chương trình tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ðể được như thế chúng ta phải học sống con đường thơ ấu thiêng liêng, trở nên một Giêsu Bé Thơ, trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu, có được con tim, đôi mắt và các tâm tình của Chúa, nghĩa là đạt tuyệt đỉnh ơn gọi đời kitô hữu là nghĩa tử của Thiên Chúa và là em của Anh Cả Giêsu trong đại gia đình của Thiên Chúa. Trong dấn thân đó không ai có thể giúp chúng ta một cách hữu hiệu hơn Mẹ Maria. Vì thế phải tìm hiểu và khám phá ra gương mặt và cuộc đời của Mẹ.

       Trước hết với đề tài Mẹ Maria trong Thánh Kinh. Trong phần này chúng ta sẽ duyệt qua tất cả các văn bản Thánh Kinh Tân Ước liên quan tới Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, theo thứ tự thời gian, đại để như đã được minh xác trong khoa phê bình kinh thánh ngày nay. Nói là đại để, vì trong vài thập niên gần đây nhiều nhà chú giải, điển hình như Jean Carmignac cho rằng Phúc Âm thánh Maccô đã là tài liệu cổ xưa nhất của Tân Ước, vì đã được viết ra khoảng năm 43 sau công nguyên. Ở đây, để tránh phải trình bày các tranh luận dài dòng, chúng ta theo lập trường cổ điển đã được đa số các học giả kinh thánh công nhận. Các văn bản đó là: thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát khoảng năm 49 hay giữa các năm 53-57 sau công nguyên; Phúc Âm thánh Maccô được biên soạn ra khoảng năm 64; Phúc Âm thánh Mátthêu được viết ra khoảng giữa các năm 70-80; Phúc âm thánh Luca và sách Công Vụ các Tông Đồ được biên soạn vào khoảng năm 70; Phúc Âm thánh Gioan được viết giữa các năm 90-100; và sau cùng là chương 12 sách Khải Huyền cũng thuộc thời gian từ các năm 90 tới 100 sau công nguyên. Dĩ nhiên, các kết qủa phân tích, cho dù có viễn tượng canh tân, cũng chỉ có giá trị của giả thuyết nghiên cứu, theo các ý kiến phổ thông nhất cho tới nay, trong khi chờ đợi những lộ trình nghiên cứu đào sâu hữu hiệu hơn.

        Khi được trình bày theo thứ tự thời gian, các chứng từ trong Thánh Kinh Tân Ước liên quan tới Đức Maria, có các lợi điểm của chúng. Nghĩa là chúng cho phép chúng ta thấy các tác giả Tân Ước được linh ứng đã ý thức về con người và vai trò của Đức Maria trong toàn chương trình cứu độ như thế nào và theo tiến triển nào: trước hết trong các hình ảnh diễn tả trước của Thánh Kinh Cựu Ước, rồi trong sứ mệnh làm mẹ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội. Mỗi câu, mỗi đoạn của văn bản kinh thánh sẽ được duyệt xét trong bối cảnh gần và xa của Thánh Kinh, cũng như qua các tài liệu ngoài kinh thánh, đặc biệt là qua các tài liệu của Do thái giáo cổ xưa, giúp minh giải ý nghĩa tinh tuyền của các tác phẩm kinh thánh. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ chú ý đến các kết qủa đáng kể nhất của khoa chú giải kinh thánh ngày nay.

        Văn bản Tân Ước đầu tiên nhắc tới Đức Maria là thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát chương 4 câu 4. Đề cập đến chức làm con Thiên Chúa của các tín hữu, thánh Phaolô viết: ”Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ”Abba, Cha ơi!”. Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4,4-7).

        Theo một số học giả thánh Phaolo đã viết bức thư này sau năm 49. Đây là lập trường của thuyết gọi là ”miền nam Galazia” theo đó các giáo đoàn vùng Galazia gồm giáo đoàn Antiokia vùng Pisidia, Iconio, Listra và Derbe, tức các giáo đoàn đã do thánh Phaolô thành lập trong chuyến truyền giáo dầu tiên, như miêu tả trong sách Công Vụ các Tông Đồ chương 13 câu 14 đến chương 14 câu 23. Các giáo đoàn này được thánh nhân viếng thăm trong chuyến đi truyền giáo thứ hai, được sách Công Vu nhắc tới trong chương 15 câu 30 và chương 16 câu 1. Nhiều học giả theo thuyết ”miền bắc Galazia” cho rằng thánh Phaolô đã viết bức thư này giữa các năm 53-54 hay 56-57, cho các giáo đoàn Ancira, Tavium và Pessinunte, do thánh nhân thành lập trong chuyến truyền giáo thứ hai, và được ngài viếng thăm trong chuyến truyền giáo thứ ba, như viết trong sách Công Vụ chương 16 câu 6 và chương 18 câu 23. Tuy không biết chắc chắn thư đã được viết khi nào, văn bản thư gửi tín hữu Galát là một trong những chứng tá cổ xưa nhất của Thánh Kinh Tân Ước gián tiếp nói tới Đức Maria.

        Việc nhắc tới Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, trong chương 4 câu 4 thư gửi tín hữu Galát chỉ có tính cách gián tiếp, như thể tình cờ và trốn chạy, trong bối cảnh của một văn bản có đề tài chính là biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Thánh Phaolô khẳng định: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật… ”. Thánh nhân muốn dậy điều gì với kiểu diễn tả này?

        Ngôn ngữ của thánh Phaolô trình bầy kiểu Thiên Chúa muốn dùng để đến gặp gỡ loài người. Để cứu vớt nhân loại và khiến cho chúng ta trở thành con cái của Ngài một cách tràn đầy, ngay cả sau kinh nghiệm thất bại của tội lỗi, Thiên Chúa đã xuống thế và bước vào lịch sử loài người. Ngài lựa chon một dân tộc là dân Israel, giáo dục họ, nói với họ qua các ngôn sứ là các phát ngôn viên của Ngài ”trong nhiều giai đoạn và bằng nhiều cách thế” (Dt 1,1). Như vậy, Thiên Chúa đã bước vào sống giữa lịch sử loài người với mọi hệ lụy của nó trong khung cảnh địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo của quốc gia và quốc tế trong vùngTrung Đông Cổ ngày xưa. Nếu ơn cứu độ đã được Thiên Chúa thực hiện trong giòng lịch sử như thế, thì thật là tự nhiên, khi nói tới các tiết nhịp thời gian trong lịch sử nhân loại như thế kỷ, năm, tháng, ngày, gìơ vv…

         Khi Thiên Chúa Cha gửi Con Ngài xuống thế, các thời gian trong chương trình của Thiên Chúa đạt sự ”thành toàn viên mãn” của chúng. Đã tới giai đoạn định đoạt, đã tới kỳ hạn. Chúa Kitô là ”omega”, là mẫu tự cuối cùng, là điểm chót hết. Nơi con người của Ngài, trong những gì Ngài nói và làm ”trong những ngày của thịt xác Ngài”, tức khi còn sống kiếp phàm nhân như viết trong thư gửi tín hữu Do thái chương 5 câu 7, chúng ta có mùa chín tới của sự cứu rỗi Thiên Chúa Cha đã muốn trao ban cho chúng ta. Từ tuổi thơ ấu dân Israel và nhân loại bước vào tuổi trưởng thành. Giờ đây chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa. Đó là điều thánh Phaolô muốn khẳng định trong chương 4 câu 1 tới câu 7 thư gửi tín hữu Galát. Đức Maria được đặt trong chính các điểm tột đỉnh đó của chương trình cứu độ. Qua chức là mẹ của Đức Maria, Con của Thiên Chúa Cha, hiện hữu từ trước muôn đời, bén rễ trong nhánh nhân loại. Đức Maria là người ”đàn bà” đã trao ban cho Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa thịt xác và máu huyết của loài người chúng ta, như viết trong thư gửi tín hữu Do thái chương 2 câu 14: ” Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó”. Nhưng văn bản thư gửi tín hữu Do thái tóm tắt cả công trình cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra bởi Đức Maria, người đàn bà được thánh Phaolô nhắc tới trong thư gửi tín hữu Galát. Chương 2 thư gửi tín hữu Do thái viết tiếp: ” Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra cái chết, tức là ma qủy, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,14-18).

        Qua đó có thể nói rằng văn bản chương 4 câu 4 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát mới chỉ là mầm giống manh nha của giáo lý liên quan tới Đức Maria và vai trò của Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Giáo lý này sẽ được khai triển bởi các văn bản khác trong Thánh Kinh Tân Ước. Tuy nhiên chứng tá của thánh Phaolô vô cùng qúy báu. Cho dù đơn sơ, chứng tá đó của vị tông đồ dân ngoại tuyên bố rằng con người của Đức Maria gắn liền với chương trình cứu độ của Thiên Chúa một cách mật thiết và sinh động. ”Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ”Abba, Cha ơi!”. Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4,4-7).

        Như vậy, để nhập thể làm người Đức Giêsu Kitô đã cần có một người mẹ, để trở thành Anh Cả trong gia đình nhân loại mới, một nhân loại được cứu chuộc trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, đồng thừa kế với Đức Giêsu Kitô, và cũng được trở thành con của Mẹ Maria, người ”đàn bà” đã sinh ra Chúa Cứu Thế.

 TMH  01
Linh Tiến Khải


Comments are closed.