Thực phẩm dinh dưỡng

Chữa ung thư đại tràng

CHỮA UNG THƯ ĐẠI TRÀNG

Bệnh ung thư đại tràng nên ăn và kiêng gì?

Đối với bất kỳ người bệnh bị ung thư nào ngoài áp dụng các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… thì với một  thực đơn hợp lý lành mạnh không những giúp người bệnh giảm bớt được những cơn đau mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư.

Đối với bệnh nhân ung thư cùng với sự ảnh hưởng của khối ung thư và những biện pháp điều trị bệnh đã làm suy kiệt sức khỏe của người bệnh. Phần lớn những người bị ung thư phải chịu những tác dụng phụ của các biện pháp điều trị khiến họ khó ăn uống, cơ thể hao mòn, thiếu dinh dưỡng.

Ung thư đại tràng dễ khiến bệnh nhân kiệt sức vì thiếu dinh dưỡng. (Ảnh: infonet.vn)

Hơn nữa, các tế bào ung thư lại gây tiêu hao nhiều dinh dưỡng khiến cơ thể đã thiếu dinh dưỡng lại càng thiếu hơn. Vì thế trong vấn đề dinh dưỡng thì chế độ ăn uống của người bệnh là vô cùng quan trọng để hồi phục sức khỏe.

  1. Chế độ ăn uống đối với người ung thư đại tràng

Trong chế độ ăn uống, người bệnh ung thư đại tràng cần tuân thủ một số nguyên tắc như sau: ăn uống hợp lý, tránh ăn thức ăn tươi sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đầy đủ các nhóm chất cần thiết: Đạm, bột đường, chất béo, vitamin, khoáng chất, nước…

Đối với bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng nên bổ sung những loại thức ăn ít béo, dễ tiêu hóa, chưa qua tinh chế kết hợp điều trị để có hiệu quả cao.

Trứng giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho người bệnh. (Ảnh: biquyetkhoedep.com.vn)

Để đạt được việc cân bằng dinh dưỡng nên thường xuyên ăn thịt gà, các loại thức ăn chế biến từ sữa, trứng. Mỗi ngày nên uống 1 – 2 cốc sữa để đảm bảo cho cung cấp đủ năng lượng.

Các loại thức ăn thực vật như ngũ cốc cũng được ưu tiên khi người bệnh đang trong quá trình điều trị bằng hóa trị, xạ trị.

Chế độ ăn của người bệnh ung thư đại tràng nên theo quy tắc:

  • Chia nhỏ bữa ăn, ngày ăn nhiều bữa.
  • Ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, ít mặn.
  • Ăn nhiều rau xanh, nước ép hoa quả nhiều vitamin.
  • Ăn các loại quả có màu đỏ như cà rốt, cà chua, đu đủ.
  • Thực phẩm cần được chế biến càng đơn giản càng tốt như các món luộc, hấp.
  • Uống đủ nước, khoảng 8 ly nước trong ngày. Khi cơ thể đã hồi phục cần tránh bị thừa cân để phòng bệnh tái phát.

Rau củ màu đỏ có lợi cho đại tràng. (Ảnh: dalafarmstore.com)

Kiêng đồ ăn gì cho người bệnh?

  • Người bệnh ung thư đại tràng không nên ăn đồ quá mặn, quá cứng, không nên ăn quá nhanh. Đồng thời, người bệnh nên:
  • Tuyệt đối không uống rượu.
  • Tránh ăn phải đồ cứng, đồ nướng, đồ chiên nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế ăn thịt đỏ, chỉ ăn dưới 80mg/ngày.
  • Ngoài các vấn đề về dinh dưỡng, người bệnh ung thư đại tràng cần thực hiện lối sống lành mạnh, với lịch tập luyện thể thao hợp lý.
  • Nên ăn đúng giờ, đúng lượng.
  • Người bệnh đại tràng tránh ăn đồ ăn có chiên dầu mỡ. (Ảnh: youtube.com)
  1. Thực phẩm giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng

Dầu ô liu:Trong dầu ô liu có chứa chiết xuất zyflamend có khả năng kiềm chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Gần đây các nhà khoa học thuộc Đại học Granada (Mỹ) còn phát hiện ra loại acid maslinic trong dầu ô liu và đã chứng minh được rằng acid maslinic có tác dụng điều hòa tăng sinh tế bào và có thể dùng điều trị ung thư đại tràng.

Bằng cách ức chế tăng sinh tế bào, acid maslinic còn phát huy tác dụng phá hủy các tế bào ung thư đại tràng HT29. Đây là nghiên cứu đầu tiên về tác dụng phòng chống ung thư đại tràng của acid maslinic được công bố.

Dầu ô liu có chứa chất ngăn ngưa ung thư đại tràng. (Ảnh: Aromatic Ingredients)

Đậu nành và ngũ cốc họ đậu:Đậu nành và các quả họ đậu là loại thực phẩm giàu chất xơ nhất. Ngoài ra, hạt đậu nành còn chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15 – 25% chất glucose, 15 – 20% chất béo, 35 – 40% chất đạm và nhiều axít amin, sinh tố khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Sữa đậu nành nguyên chất, bảo đảm về chất lượng và vệ sinh thực phẩm là một trong những thực phẩm rất tốt cho việc ngăn ngừa ung thư đại tràng và các loại ung thư khác.

Cà rốt sống và rau sống: Theo nghiên cứu mới đây tại Italy cho thấy, cà rốt sống chứa một lượng lớn các hợp chất có khả năng chống lại bệnh ung thư đại tràng, trực tràng và ung thư vú.

Rau sống cũng đem lại hiệu quả cao làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư này. Khảo cứu gần đây cho thấy, những người ăn cà rốt và rau sống 12 lần mỗi tuần đã giảm được 29% nguy cơ ung thư đại tràng, 18% ung thư trực tràng so với những người chỉ ăn 2 – 3 lần mỗi tuần.

Chi Mai

 TĐMVSK sưu tầm

 

Vài ích lợi của hành tây đối với sức khoẻ

 CÁC ÍCH LỢI CỦA HÀNH TÂY ĐỐI VỚI SỨC KHOẺ

Hành tây được nhiều người ví như “vua của các loại rau” vì giá trị dinh dưỡng phong phú và những công dụng phòng chữa bệnh tuyệt vời của nó. Xét theo y học cổ truyền và hiện đại, điều này không hề phóng đại. Trong bữa ăn của người phương Tây thường xuyên có mặt loại thực phẩm này.

Hành tây có tên khoa học là Allium cepa, bộ phận thường dùng của hành tây là phần thân hành hay còn gọi là phần củ. Trong hành tây có chứa hàm lượng dinh dưỡng phong phú bao gồm: nhiệt lượng, carotene, canxi, kali, phốt pho, magiê, natri, vitamin A, vitamin E, chất xơ, axit folic… chúng tích cực giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể.

Theo Đông y, hành tây có vị ngọt hơi cay nồng, tính ấm, có thể nhập vào tạng gan, thông kinh lạc Tỳ vị có tác dụng rất tốt cho Tỳ vị, công hiệu của loại thực phẩm này vô cùng mạnh mẽ.

  1. Diệt vi khuẩn, chống viêm nhiễm

Các nhà khoa học đã chứng minh trong hành tây có chứa một số chất như phytoncide, allicin đây là những chất có tính kháng khuẩn mạnh. Có tác dụng diệt các vi khuẩn gây bệnh, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella. Ngoài ra có thể chống lại virus gây cảm cúm, có tác dụng phòng bệnh cảm cúm rất tốt. Ăn hành tây vào mùa đông có thể ngăn ngừa cảm mạo hiệu quả.

Cắt củ hành tây làm tư đặt trong nhà, bạn sẽ ngạc nhiên vì công dụng tuyệt vời mà nó mang lại

Có nhiều câu chuyện kể về tác dụng phòng bệnh tuyệt vời của hành tây. Đây là một ví dụ: vào năm 1919 có một cơn dịch cúm đã giết chết hơn 40 triệu người, một bác sỹ đã đến thăm nhà nông xem họ có cách gì chống lại dịch bệnh, bởi nhiều nông gia và gia đình của họ đã nhiễm bệnh và nhiều người đã chết. Nhưng khi người bác sỹ đến thăm một nông trường, ông ngỡ ngàng khi thấy ở đây mọi người đều khỏe mạnh. Khi được hỏi vì sao mà mọi người lại được như vậy, người phụ nữ cho hay là chị ta đã để một củ hành tây không lột vỏ trên đĩa và đặt vào từng phòng trong nhà. Người bác sỹ không tin vào điều ấy, đã xin mang củ hành về soi dưới kính hiển vi, thật ngạc nhiên, đầy siêu vi trùng cúm bên trong củ hành. Thì ra củ hành đã “hút” hết những con siêu vi trùng đó và cả gia đình được khỏe mạnh.

  1. Hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu

Vị hăng cay của hành tây thường làm mọi người hạn chế hoặc ít khi sử dụng hành tây. Kỳ thực chính vị hăng cay này có thể kích thích bài tiết axit trong dạ dày. Dùng hành tây có thể thúc đẩy nhu động đường ruột hỗ trợ tiêu hóa và có tác dụng tốt với dạ dày. Hành tây xào nấu cùng với thịt giúp cơ thể hấp thu vitamin B1 dễ dàng hơn.

  1. Giúp hạ huyết áp

Hành tây ngâm rượu vang hỗ trợ phòng chống tiểu đường, tim mạch…

Trong tất cả các loại rau hiện nay duy nhất chỉ có hành tây là loại rau củ có chứa prostaglandin A, chính loại chất đặc biệt này trong hành tây đã giúp loại rau củ này ở vào vị trí khác biệt so với các loại rau củ khác.

Trong nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy hành tây có tác dụng làm hạ huyết áp nhờ chứa chất prostaglandin (prostagladin A, PG) và thành phần hoạt tính fibrin nên có thể kích thích hoạt động hòa tan máu. Prostaglandin A có thể làm mạch máu giãn nở, chống lại những chất gây tăng áp trong cơ thể, từ đó tăng cường lưu lượng máu ở động mạch vành thúc đẩy lưu thông máu. Dưới tác dụng của catecholamine, natri có thể được thải ra ngoài làm huyết áp hạ. Một lượng nhỏ nhất chất prostaglandin trong cơ thể người đã có tác dụng điều hòa huyết áp và các thành phần của máu, ngăn ngừa sự tạo thành huyết khối.

  1. Giúp da trắng đẹp

Hành gây kích ứng cho da và kích thích lưu thông máu trong màng nhầy. Mụn cóc cũng đôi khi biến mất nếu cọ xát với hành tây. Hành tây có thể giã nát và đắp lên chỗ sưng nhọt, vết bầm tím, vết thương rất tốt. Nước ép hành tây trộn với mật ong hoặc dầu ô liu cho biết để được điều trị tốt nhất cho tình trạng mụn trứng cá.

Trong hành tây có chứa vitamin C, niacin giúp thúc đẩy việc hình thành tế bào. Có tác dụng hồi phục các tế bào bị tổn thương tổn làm da trở nên sáng bóng, hồng hào, tăng độ đàn hồi. Chất selenium chứa trong hành tây có tác dụng chống lão hóa có thể ngăn ngừa lão hóa da sớm.

  1. Giúp tăng sinh lý nam giới

Món hành tây xào thịt giúp tăng cường sức khỏe, hấp thụ vitamin và chất khoáng triệt để.

Hành tây là thực phẩm thông dụng trong bữa ăn của người Việt. Nó là một loại cây thảo, có tên khoa học là Allium cepa, thuộc họ hành (Alliaceae). Hành tây có hương vị cay nồng. Loại củ này được coi là “viagra trắng” tự nhiên tốt nhất giúp cải thiện chức năng sinh lý cho nam. Bạn có thể dùng xen hành tây vào các món ăn hàng ngày để thu được lợi ích này một cách tốt nhất.

  1. Tốt cho tim mạch

Ăn hành, tỏi thường xuyên sẽ có hiệu quả làm giảm mức cholesterol cao và huyết áp cao, cả hai đều giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh tim tiểu đường, và giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Những tác dụng có lợi có khả năng là do các hợp chất lưu huỳnh có hành, kể cả crom và vitamin B6, giúp ngăn ngừa bệnh tim bằng cách làm giảm mức độ homocysteine cao – một yếu tố nguy cơ đau tim và đột quỵ.

  1. Giúp hạ đường huyết

Hành tây chứa thành phần allyl propyl disulphide (APDS). Các nghiên cứu đã chứng minh thành phần allyl propyl disulphide có trong hành tây rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Cụ thể là sau khi ăn hành tây, lượng được glucose trong máu giảm nhanh đồng thời các nhà nghiên cứu cũng đo được hàm lượng insulin tăng lên đáng kể.

Ăn hành tây có rất nhiều lợi ích như vậy, tuy nhiên có một số điều chúng ta cần chú ý như sau:

  1. Tốt nhất nên nấu chínhành tây rồi mới sử dụng. Người nước ngoài thông thường hay thích ăn hành tây trộn sống, tuy nhiên vì hành tây có vị hăng cay, với những người có dạ dày không tốt không nên ăn sống.
  2. Mỗi lần ăn hành tây không nên ăn quá nhiều khoảng 100glà vừa đủ. Ăn quá nhiều sẽ dễ sinh ra thể khí trong cơ thể dẫn tới trướng khí gây hại cho sức khỏe.
  3. Hành tây mua về không nên cất giữ quá lâu. Để lâu ngày không sử dụng nếu bị mọc mầmtốt nhất không nên ăn.

TĐMVSK  SƯU tầm

 

 

Ngậm muối với đường chữa mất ngủ

NGẬM MUỐI VỚI ĐƯỜNG CHỮA MẤT NGỦ

Hầu hết các bác sĩ đều khuyên bạn nên hạn chế đường và muối nạp vào cơ thể, nhưng điều đó không đồng nghĩa 2 loại gia vị này không hề có mặt tích cực nào.

Mỗi khi mất ngủ, mình thường lấy một nhúm nhỏ đường và muối để dưới lưỡi, vậy là ngủ liền một mạch đến sáng. Bạn đừng bỏ qua mẹo nhỏ cực ít người biết này nhé.

Theo nhà nghiên cứu người Mỹ đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách về dinh dưỡng Matt Stone, sự kết hợp của muối và đường đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, muối và đường là thần dược của người bị mất ngủ, những người luôn khát khao một giấc ngủ êm đềm khi màn đêm buông xuống.

Hỗn hợp muối + đường là bạn đồng hành của những người mất ngủ.

Muối + đường hoạt động như thế nào?

Muối và đường đóng vai trò như “cục sạc” cho tế bào. Glucose trong đường cung cấp trực tiếp năng lượng cho các ti thể. Muối tạo ra sự cân bằng của sodium trong các dịch kẽ của dịch ngoại bào, cho phép hệ hô hấp hoạt động đúng đắn và sản sinh năng lượng cho cơ thể.

2 loại gia vị này cực kì quan trọng trong việc kiểm soát căng thẳng. Đường sẽ phát tín hiệu cho cơ thể ngừng sản xuất hormone gây căng thẳng, đây là những hormone gây tổn hại đến quá trình trao đổi chất và khiến bạn thao thức cả đêm.

Muối cũng rất cần thiết để duy trì sự ổn định của nội môi, trong đó đảm bảo hàm lượng adrenaline không tăng vượt mức kiểm soát.

Sự kết hợp giữa muối và đường là một loại hình vật lý trị liệu hiệu quả.

Nếu sự kết hợp giữa đường và muối là một loại hình vật lý trị liệu giúp giảm căng thẳng, vậy đừng nghĩ muối và đường chỉ có hại cho cơ thể. Và đừng lo, đường không khiến bạn tăng động. Khi được dùng như một phương pháp trị liệu, đường có tác dụng trái ngược hoàn toàn với những điều tiêu cực mà bạn vẫn nghĩ.

Nói tóm lại, nếu bạn thuộc tuýp người vẫn tỉnh táo như sáo từ 2-4 giờ sáng vì hàm lượng adrenaline leo thang không kiểm soát, vậy thì một chút đường và muối có thể cứu cả đời bạn đấy.

Kết hợp đường với muối như thế nào?

Từ nay không còn lo mất ngủ nữa nhé!

Matt Stone khuyên bạn nên kết hợp muối và đường theo tỉ lệ 1:5.

Hãy dùng muối biển chưa qua tinh luyện (hoặc muối Himalayan), đường nâu nguyên chất hay đường phèn. Nếu không có, bạn vẫn có thể dùng muối và đường mua ở siêu thị.

Hãy trộn đều 5 thìa đường và 1 thìa muối trong một hũ thủy tinh. Nhớ là không để lâu và cũng không nên dùng quá thường xuyên nhé. Trước khi ngủ(hoặc vào giữa đêm khi bạn chợt tỉnh giấc và không thể ngủ tiếp), hãy lắc đều chai và múc một thìa nhỏ hỗn hợp (có thể dùng ngón tay) đặt dưới lưỡi. Đường và muối sẽ nhanh chóng tan vào cuống họng.

Matt Stone gọi đây là hỗn hợp kì diệu cho giấc ngủ, nó giống như một loại thuốc an thần giúp bạn thoát khỏi tình trạng thiếu ngủ. Hãy thử nhé. Chằng mất mát gì đâu!

ST

TĐMVSK sưu tầm

Bài ca Tinh hoa dưỡng sinh của Hải Thượng Lãn Ông

Bài ca Tinh hoa dưỡng sinh của Hải Thượng Lãn Ông

Tinh hoa dưỡng sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông qua 1 bài ca: Đơn giản nhưng vô cùng thiết thực

Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho đời di sản vô giá về dưỡng sinh.

Vệ sinh ăn uống trước tiên

Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồng

Ngũ tân (5 vị cay) dùng phải có chừng

Ăn nhiều tán khí, biết phòng mới hay

Các mùi mặn đắng chua cay

Ăn nhiều sinh bệnh chẳng sai đâu mà

      Đắng nhiều hại phế khô da

Mặn nhiều tâm lãnh, máu đà phải ngưng

Quá chuacan động rút gân

Quácay, chai thịt, môi quăn, hại tỳ

      Ngọt nhiều cũng chẳng ích gì

Tỳ chen, thận yếu xương tê, tóc cằn (1)

Đến như gừng, tỏi, kiệu, hành

Từng dùng phòng bệnh đã thành thói quen

Vừa chừng gia vị thì nên

Hễ người táo nhiệt, chớ quên kiêng dùng

Cao lương tích trệ sinh ung

Rau tương thanh đạm đói lòng cũng ngon

Ăn nhiều ngũ cốc (2) tốt hơn

Thịt thà tanh béo sinh đờm, sinh giun (lãi)

Có câu: Tham thực cực thân

Bệnh tòng khẩu nhập (3) ta cần phải kiêng

Muốn cho ngũ tạng được yên

Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau

Ăn no thì chớ gội đầu (4)

Nên đi bách bộ cho tiêu kiêng nằm

Tháng 3 đói kém thiếu ăn

Đến mùa cơm mới, ăn dần mới tiêu

(Ảnh minh hoạ)

  Chết vì bội thực cũng nhiều

Ngờ đâu lại có người nghèo chết no

Còn như phú quý nhàn cư

Ngày đêm yến tiệc ăn no lại nằm

Rượu say rồi lại nhập phòng

Khỏi sao tích trệ, phạm phòng chết non

Nhà nghèo củ chuối cũng ngon

Ăn nhiều sinh thũng còn hơn đói lòng

Bệnh can no đói bất đồng

Tai y khôn dễ dự phòng được ư?

Tiết canh sống (Ảnh minh hoạ)

Mấy điều cần phải phòng ngừa

Kiêng ăn sống sít, bẩn dơ, làm nhàm

Thức ăn phải đậy để phòng

Thằn lằn, nhện, kiến, nhặng ông rơi vào

Kiêng ăn rau sống tương meo (mốc)

Quạ đen, chó trắng (5) cùng loài tanh hôi

Chẳng ăn thịt thối, thịt ôi

Nem thiu, lươn chết tanh hôi ích gì

Quả xanh nước lã độc ghê

Ăn vào ỉa mửa thường khi bất ngờ

Lại còn độc sắn (6) chẳng ngờ

Cũng nên biết cách phòng ngừa mới yên

Phải đem bóc vỏ trước tiên

Cắt ra ngâm nước một đêm, trắng ròng

Nấu kỹ thì tốt hơn hông (Đồ)

Trước, sau, ăn mía, mật, đường đã say

Từng dùng rau muống xưa nay

Tuy rằng giải độc chưa hay đâu mà

Ai hay ăn nấm cần ngừa

Nấm lim (7) rất độc vì chưng rắn, trùng

Vậy nên biết cách đề phòng

Cho vào đồ bạc nấu cùng thử xem

Thấy đồ sắc biếc xám đen

Biết rằng nấm độc ta bèn bỏ đi

Nhược bằng ngộ độc đôi khi

Uống ngay nước Phẩn (8) tức thì giải luôn

Hoặc dùng nước xáo đất tường (9)

Lóng trong mà uống cũng thường được an

Luận về phòng độc thức ăn

Biết bao nhiêu thứ khó khăn kể cùng

Chỉ bằng kiêng kỵ là xong

Đừng ăn thức lạ mới hòng khỏi nguy

Bất kỳ ngộ độc thứ gì

Rễ sòi, củ chuối uống thì trục ra

Đậu đen, cam thảo trung hoà

Hoàng đằng, Quán chúng, Từ cô giải liền

Độc cá thì dùng Mã tiên (Cỏ roi ngựa)

Thịt toi: Hoàng bá; Trùng: phèn, chè khô

Độc cua, sò ốc: tía tô

Trứng rau ngộ độc: Giấm chua tiêu liền

Chú thích:

  1. Theo Thiên ngũ tạng sinh thành của Nội kinh tố vấn
  2. Gạo tẻ, gạo nếp, bắp, đậu, mè
  3. Tham ăn thì dễ bị đau, bệnh thường do ăn uống sinh ra
  4. Người xưa để tóc dài, khi vừa ăn no mà gội đầu phải cúi xuống thì dễ sinh tức bụng và nhức đầu
  1. Quạ đen hay con kênh kênh thường ăn xác chết: Thịt chó cò ăn thì dễ sinh đau bụng đi ngoài
  1. Đây nói cây khoai mì (sắn) lương thực phụ trồng để ăn không phải là dã cát có độc theo sách xưa, cũng có tên là Câu vẫn tức Lá Ngón (Đoạn trường thảo)
  1. Chất độc ở trong nấm không phải do rắn trùng nhả ra. Chính tuỳ theo loại cây nấm. Quan niệm về nguyên nhân trúng độc rắn và việc dùng nước phẩn giải độc là theo “Bản thảo cương mục”.
  1. Theo Linh nam bản thảo: Phân người đốt thành tro; để lâu khi dùng hoà với nước và lắng lấy nước trong uống giải độc.
  1. Đất vách hoà với nước, lóng lấy nước trong để uống

Theo yhoccanban/Vệ sinh quyết yếu
Hoàng Kỳ

TĐMVSK sưu tẩm

6 thực phẩm giết các tế bào ung thư

6 thực phẩm giết các tế bào ung thư

 6 “lực lượng đặc biệt” khiến tế bào ung thư tự chết

Thói quen ăn uống có thể nguy cơ ung thư tăng cao, nhưng nhưng cũng có thể khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt nhanh gọn. Tiến sĩ y học Fuhrman chỉ ra cho bạn 6 lực lượng đặc biệt có thể khiến ung thư tự chết trong bài này.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ăn nhiều thực phẩm từ động vật, chứa chất béo bão hòa, và carbohydrat xấu chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư, dẫn đến tăng cân, tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Carbohydrate xấu là những carbohydrate đã qua tinh chế, không còn chứa chất xơ như đường trắng, nước ngọt, bánh mì trắng, gạo xát trắng …

Căn bệnh này hiện đang ám ảnh toàn thế giới nhưng bạn gần như hoàn toàn có thể tránh nó nếu biết cách ăn uống thông thái. Với mục đích này, Tiến sĩ Joel Fuhrman đã giới thiệu những thành phần quan trọng của một chế độ ăn uống thông minh lấy thực vật làm chủ đạo, mà ông gọi là “lực lượng chống ung thư đặc biệt” của hệ miễn dịch.

Lực lượng đặc biệt này bao gồm các 6 nhóm thực phẩm đều có đặc tính chống ung thư rất đỗi kinh ngạc. Nếu bạn muốn phòng tránh bệnh ung thư, thì nên để chúng chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn hàng ngày.

  1. Rau xanh lá

Không thể thiếu rau xanh nếu bạn muốn khỏe mạnh (Ảnh: Internet)

Rau xanh lá là một trong số những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhất. Chúng chứa những chất giúp bảo vệ mạch máu, và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một vài loại rau thuộc họ rau cải có tính chống ung thư rất mạnh mẽ.

Khoảng một nửa calo trong rau xanh lá, đến từ protein thực vật, cùng với đó là những hoạt chất thực vật vô cùng bổ dưỡng: folate, calcium và một lượng nhỏ acid béo omega-3

  1. Đậu

Đậu đen vô cùng hữu ích trong giải độc cho cơ thể (Ảnh: Internet)

Các loại đậu (đậu xanh, đậu đen…) là một trong số những thực phẩm giàu carbohydrate tốt nhất. Chúng có tác dụng chống tiểu đường, ổn định đường huyết và hỗ trợ giảm cân do được tiêu hóa khá chậm rãi, làm chóng no và giảm thèm ăn.

Các loại đậu cũng giàu chất xơ giúp hạ mỡ máu. Đồng thời chất xơ và tinh bột trong đậu cũng được lợi khuẩn ở đại tràng lên men thành acid béo giúp ngừa ung thư đại trực tràng.

Đậu nành cũng rất tốt nhưng không nên dùng loại đậu biến đổi gien – GMO đang khá phổ biến ngoài thị trường hiện nay. Chúng được cho là có tác động xấu đến sức khỏe.

  1. Hành, tỏi

Hành, tỏi giàu kháng sinh tự nhiên, chất chống oxi hóa (Ảnh: Internet)

Hành, tỏi đều thuộc chi Hành (allium) bao gồm hành tây, tỏi, hành lá, hẹ tây, tỏi tây, hành tăm…

Những cây thuộc chi Hành đóng vai trò chống ung thư rất lớn, cũng như chống tiểu đường, có lợi cho hệ tim mạch và miễn dịch.

Cây họ hành có chứa hợp chất đặc biệt là organosulfur, được giải phóng khi nhai, thái, giã. Các nghiên cứu cho thấy ăn những thực vật họ hành có liên quan với giảm nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến và đường tiêu hóa, hai loại ung thư rất phổ biến, nhờ các hợp chất hóa giải chất sinh ung thư, ức chế sự sinh trưởng tế bào u, và ngăn chặn mạch máu tăng sinh đến nuôi u.

  1. Nấm

Nấm trắng, nấm hương, nấm linh chi, nấm bào ngư, portobello, cremini đều có đặc tính kháng ung thư. Một số có khả năng chống viêm, số khác kích thích hệ miễn dịch, ngăn ngừa tổn thương ADN (nguyên nhân chính gây ung thư), làm chậm sự sinh trưởng u, khiến tế bào u tự chết, và ức chế tăng sinh mạch máu nuôi u.

Nấm giúp chống ung thư vú rất tốt nhờ các chất giúp bảo vệ mô vú khỏi sự kích thích của hooc-môn estrogen, ngoài ra trong nấm cũng chứa nhiều hợp chất chống ung thư khác.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý luôn nấu chín nấm trước khi ăn, vì trong nấm chứa lượng nhỏ chất độc nhẹ tên là agaritine, phần lớn sẽ mất đi trong quá trình đun nấu.

  1. Các quả mọng

Các loại quả mong như quả dâu tây, việt quất, mâm xôi đen là những siêu thực phẩm chân chính. Quả mọng chứa ít đường nhưng giàu dưỡng chất, giàu chất chống oxi hóa.

Những chất chống oxi hóa trong quả mọng giúp chúng có đặc tính bảo vệ tim mạch và chống ung thư, đồng thời kích thích chính những enzym chống oxy hóa trong cơ thể. Ăn quả mọng có liên quan với giảm nguy cơ tiểu đường, ung thư, suy giảm nhận thức, và được chứng minh giúp cải thiện trí nhớ.

  1. Các loại hạt và quả kiên

Các loại hạt và quả kiên (quả cứng – có một hạt và một vỏ cứng) chứa chất béo tốt và giàu dưỡng chất, như phytosterol, chất khoáng, và chất chống oxi hóa.

Vô số nghiên cứu đã chứng minh lợi ích đối với tim mạch của quả kiên, trong đó bao gồm cả khả năng hỗ trợ duy trì cân nặng và ngăn ngừa tiểu đường.

Các loại hạt cũng chứa chất béo tốt, khoáng chất và chất chống oxi hóa tương tự quả kiên. Hạt lanh, hạt chia, hạt gai dầu đều giàu lignant, một chất chống ung thư mạnh.

Một nghiên cứu 10 năm về hạt lanh cho thấy nhóm tiêu thụ nhiều lignan nhất có lỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư vú giảm đến 71%. Các chất béo trong hạt và quả kiên cũng hỗ trợ hấp thu dưỡng chất khi ăn cùng với rau.

Ghi chú: Joel Fuhrman là tiến sỹ y học, bác sĩ gia đình, tác giả sách bán chạy nhất theo New York Times, nhà nghiên cứu chuyên về phòng ngừa, đảo ngược bệnh thông qua các biện pháp tự nhiên và dinh dưỡng.

Theo mindbodygreen
Đại Hải biên dịch

 TĐMVSK sưu tầm

Các lợi ích của khoai lang cho sức khoẻ

Các lợi ích của khoai lang cho sức khoẻ

Khoai lang – Thực phẩm vàng giúp người Nhật Bản phòng chống mọi bệnh ung thư

 Khoai lang, một loại củ rất dân dã và phổ biến ở Việt Nam, đã được các nhà nghiên cứu phòng chống ung thư Nhật Bản xếp vào nhóm đầu trong số 20 loại rau củ có hiệu quả ức chế tế bào ung thư tốt nhất. Trong dân gian, có nơi còn gọi khoai lang là “sâm nam”, “sâm đất” – ý nói đến lợi ích vô giá của loại củ dân dã này đối với sức khỏe.
Trên thực tế nghiên cứu đã chứng tỏ khoai lang, đặc biệt là khoai lang tím, là siêu thực phẩm chống ung thư.Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy trong khoai lang tím chứa chất ức chế sự phát triển tế bào ung thư dạ dày, đại tràng, phổi, vú. Ngoài ra chất này còn ức chế tiểu cầu ngưng tụ, có tác dụng chống đông, do vậy giúp dự phòng bệnh tim mạch.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sinh hóa Dinh dưỡng (Journal of Nutritional Biochemistry), các nhà khoa học Mỹ đã kết hợp các chiết xuất lấy từ củ khoai lang tím nướng chín lên các tế bào ung thư, và thấy rằng các tế bào ung thư bị ức chế phát triển. Khi thử nghiệm cho chuột bị ung thư ăn khoai lang chín, họ cũng thu được những kết quả rất khả quan.

Các nhà khoa học khẳng định rằng khoai lang tím rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư cấp độ 1 và 2.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra lời khuyên rằng mọi người nên ăn 1 củ khoai lang tím cỡ vừa vào các bữa trưa hoặc tối, hoặc cũng có thể ăn 1 củ khoai lang tím to mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, chống bệnh ung thư.

Các nhà khoa học khẳng định rằng khoai lang tím rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư cấp độ 1 và 2. (Ảnh: songkhoe.vn)

Một nghiên cứu của Châu Á cũng cho thấy khoai lang giàu vitamin A, giúp phòng ngừa ung thư đại tràng hữu hiệu.

Bên cạnh đó, khoai lang còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác, xứng danh “sâm nam”:

Bảo vệ tim mạch

Khoai lang chứa nhiều vitamin B6 có tác dụng chống xơ vữa thành mạch. Hàm lượng kali cao trong khoai lang còn giúp hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim.

Ổn định đường huyết, chống tiểu đường

Mặc dù chứa tinh bột song khoai lang lại là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Khoai lang còn được dùng làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng có tác dụng ổn định đường huyết.

Tăng cường sức đề kháng, chống viêm

Khoai lang chứa các chất tạo màu có đặc tính chống viêm, cùng với đó là vitamin C, vitamin A, vitamin E hỗ trợ hệ miễn dịch đồng thời là chất chống oxi hóa mạnh mẽ.

(Ảnh: lilyapp.me)

Tăng cường thị lực, tốt cho da và tóc

Vitamin A được biết đến là giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại từ ánh nắng mặt trời cũng như tốt cho mắt. Vitamin C và E có nhiều trong khoai lang giúp làn da sáng bóng và khỏe mạnh.

Hỗ trợ tiêu hóa

Khoai lang chứa nhiều chất xơ có tác dụng nhuận tràng, điều hòa và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nếu bị táo bón thì có thể ăn khoai lang luộc, mà người uống rượu quá nhiều, đường tiêu hóa bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy thì có thể ăn khoai lang nướng.

Một số bài thuốc và món ăn bổ dưỡng từ củ khoai lang và lá khoai lang

1.Chữa táo bón

Củ khoai rửa sạch, gọt bỏ vỏ, xay (giã) nhỏ, thêm ít nước sôi, khuấy đều. Uống 1 bát vào buổi sáng. Dùng 3 – 7 ngày đến khi hết táo bón. Hoặc dùng 100 – 150g lá tươi luộc ăn hàng ngày.

2.Chữa đái tháo đường

Lá khoai lang tươi 150g, bí đao 50g. Lá khoai rửa sạch, bí đao gọt vỏ, thái miếng. Nấu canh ăn trong ngày.

3.Phụ nữ băng huyết

Lá khoai lang tươi 100 – 150g, giã nát, cho ít nước sôi, ép nước uống.

4.Trẻ biếng ăn

(Ảnh: khoaimat.com)

Cho ăn dặm bằng bột khoai lang vàng đỏ quấy với bột, sữa.

5.Viêm tuyến vú

Khoai lang trắng gọt vỏ, giã nhuyễn đắp lên vú, có thể phối hợp với tỏi giã nhuyễn để đắp.

6.Thận âm hư, đau lưng mỏi gối

Lá khoai lang tươi non 30g, mai rùa 30g, sắc kỹ lấy nước uống.

7.Thận dương hư, đi tiểu nhiều lần

Hầm thịt chó với khoai lang, cho thêm chút rượu và gia vị.

8.Chữa ngộ độc sắn

Khoai lang gọt vỏ giã nát thêm nước, vắt lấy nước cốt. Uống cách nhau 1/2 giờ.

9.Say tàu xe

Củ khoai lang tươi nhai nuốt cả nước và bã.

10.Vàng da

(Ảnh: eva.vn)

Nấu cháo đặc bằng khoai với gạo hoặc bột ngô.

11.Mụn nhọt

Khoai lang củ 40g, lá bồ công anh 40g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt. Để hút mủ nhọt đã vỡ, lấy lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp.

12.Tỳ vị hư nhược

Cháo kê khoai lang: Khoai lang 60g, kê 50g. Khoai lang gọt vỏ, thái lát; kê xay bỏ vỏ; nấu cháo, ăn bữa sáng. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, tỳ vị hư nhược.

13.Quáng gà, thị lực giảm sút

Cháo gạo khoai lang:Khoai lang đỏ (tươi) 200g, gạo tẻ 100g. Khoai rửa sạch, gọt vỏ, thái miếng. Nấu với gạo thành cháo, thêm đường trắng đảo đều. Dùng cho bệnh nhân quáng gà, thị lực giảm.

Khoai lang hầm cá bống (hoặc cá quả): khoai lang 500g, cá quả 1 con (500g), nghệ 1 củ (20g).Khoai rửa sạch, thái miếng, cá đánh vảy, mổ bỏ ruột, nghệ giã nát. Cho vào nồi hầm kỹ. Dùng cho sản phụ bị suy nhược.

Một số lưu ý khi ăn khoai lang

Phải bỏ hết khoai hà (sùng).

Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Để giải cảm và chữa táo bón, nên dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.

Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. (Ảnh: phunutoday.vn)

 

Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men.

Khi ăn khoai có thể ăn cả vỏ để không bị đầy bụng. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.

Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó phải bảo vệ phần vỏ không bị sây sát, không gọt vỏ nếu không cần thiết. Vỏ còn giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ (đã rửa sạch). Tuy nhiên vỏ khoai đổi màu, lốm đốm màu đen hoặc nâu chứng tỏ củ đã bị thối không nên ăn.

Đại Hải

TĐMVSK sưu tầm

 

5 món ăn giúp chữa viêm khớp

5 món ăn giúp chữa viêm khớp

5 món ăn giảm đau cho những người viêm khớp

Chia Sẻ

0
Giảm đau cho người viêm khớp. (Ảnh: Getty)
 Viêm khớp là tình trạng khá phổ biến ở người lớn tuổi, gây ra rất nhiều đau đớn. Nguyên nhân có thể do chấn thương, trao đổi chất bất thường hoặc nhiễm trùng, di truyền… Tuy nhiên hoàn toàn có thể điều chỉnh ăn uống để hỗ trợ  phòng và điều trị.
Viêm khớp là tên gọi chung của bệnh về khớp xương đặc trưng bởi hiện tượng viêm một hay nhiều khớp.

Viêm khớp thường có kèm triệu chứng đau khớp. Viêm khớp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, các khớp có thể bị đau từ trung bình đến đau dữ dội và các khớp có thể bị biến dạng.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp: Đau khớp, ngay cả khi không di chuyển; Sưng và cứng khớp; Viêm tại chỗ hay chung quanh các khớp; Khớp hạn chế cử động; Đỏ vùng da quanh khớp…

Sụn khớp là một lớp phủ dày, trơn láng lên đầu xương bảo vệ các xương khỏi sự ma sát khi bạn vận động. Khi bị viêm xương khớp thì mô sụn bị viêm sẽ gây ra sự mất mô nghiêm trọng, các sụn bị vỡ và mòn đi, khi cử động sẽ làm cho các xương dưới sụn cọ sát vào nhau gây nên viêm, sưng, đau nhức và làm mất khả năng cử động của khớp

Trong viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công lớp màng của bao khớp, đây là một lớp màng bền chắc bao phủ toàn bộ khớp. Lớp màng này, còn được gọi là bao hoạt dịch, sẽ trở nên viêm và phù nề. Quá trình này thậm chí có thể phá hủy sụn và xương trong khớp.

Để điều trị viêm khớp cần thời gian dài, kiên trì. Bên cạnh các phương pháp điều trị y học thì việc điều chỉnh chế độ ăn, sử dụng thực phẩm từ chính gian bếp có thể giúp giảm bớt các cơn đau. Hãy lưu ý đến những thực phẩm sau:

1. Gạo lứt

5 mon an giam dau cho nguoi viem khop
Gạo lứt chữa sưng đau, viêm khớp.

Gạo lứt rất giàu dinh dưỡng gồm cả chất bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin, như: B1, B2, B3, B6; các axit: Pantothenic (vitamin B5), paraaminobenzoic (PABA), folic (vitamin M), phytic và cả các nguyên tố vi lượng: Canxi, sắt, magiê, selen, glutathion (GSH), kali và natri… đóng vai trò quan trọng với sức khỏe con người.

Đặc biệt, vitamin K có trong gạo lứt giúp chuyển vận canxi ra khỏi dòng máu và đưa canxi vào xương; IP6 có tác dụng ức chế và ngăn cản việc kết tinh oxalate canxi ở đường tiết niệu; và cơ chế này cũng đồng thời mang khiến xương chắc khoẻ hơn và tránh được bệnh loãng xương.

Nguyên liệuGạo lứt 100g, ý dĩ nhân 100g.

Cách làm: Vo sạch gạo lứt, ngâm nước hơn 2 giờ. Đãi sạch ý dĩ nhân, để ráo. Hai thứ cho vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, nấu sôi, hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi gạo và ý dĩ nở chín nhừ là được. Dùng vào bữa sáng và bữa tối.

2. Đậu xanh

Theo các nghiên cứu y học, trong đậu xanh chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như tinh bột, chất xơ, protid, axit béo không no, acid folic, các vitamin B1, B2, B3, B6, E, C, tiền vitamin K và các khoáng chất vi lượng sắt, canxi, kali, natri, kẽm, magie… cực kỳ tốt cho cơ thể.

5 mon an giam dau cho nguoi viem khop
Đậu xanh chứa nhiều hoạt chất flavonoid có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư và quá trình thoái hóa, giảm đau hiệu quả đối với những người mắc bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp…

Đậu xanh có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, hạ huyết áp, nhuận cổ họng, làm tiêu mụn nhọt… Vì vậy, đậu xanh thường được sử dụng cho những người bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh gan, tiểu đường…

Ngoài ra, đậu xanh còn có thể chữa được bệnh gút bởi hàm lượng chất xơ có trong đậu xanh có thể hạn chế quá trình hấp thu và chuyển hóa chất đạm nên giảm được sự hình thành và tích tụ axit uric trong cơ thể gây bệnh gút.

Hơn nữa, đậu xanh cũng có tính kháng viêm cao, đặc biệt là lớp vỏ đậu xanh chứa nhiều hoạt chất flavonoid có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư và quá trình thoái hóa, giảm đau hiệu quả đối với những người mắc bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp…

Nguyên liệu: Ý dĩ nhân 50g, đậu xanh 25g, bách hợp tươi 100g.

Cách làm: Bách hợp tẽ cánh, xé bỏ màng trong, dùng chút muối tinh bóp nhẹ, rửa sạch để bỏ vị đắng; nấu đậu xanh và ý dĩ nhân cho nhừ, sau thêm bách hợp nấu tới đặc. Khi ăn thêm chút đường trắng, chia ăn sáng và tối. Dùng chữa âm hư, nóng trong, khớp gối sưng nóng đỏ, đau nhiều do thoái hoá khớp gối.

3. Ngải cứu

5 mon an giam dau cho nguoi viem khop
Lá ngải cứu có từ 0,2 đến 0,34% tinh dầu, tác dụng giảm đau. Ngải cứu còn chứa rất nhiều cineol, chất kháng khuẩn tự nhiên và thyon, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, tricosanol… giúp làm giảm các cơn đau thần kinh.

Ngải cứu là loại cây thân thảo, có vị hơi đắng, tính cay nóng. Ở các vùng quê, ngải cứu thường được trồng quanh nhà để làm rau ăn, còn mọc dại nhiều nơi. Thông thường, ngải cứu được sử dụng để điều kinh, an thai, chữa đau bụng, ngoài ra còn được biết đến nhiều với tác dụng chữa các bệnh về xương khớp.

Theo sách y học của Tuệ Tĩnh, lá ngải cứu có từ 0,2 đến 0,34% tinh dầu, tác dụng giảm đau. Ngải cứu còn chứa rất nhiều cineol, chất kháng khuẩn tự nhiên và thyon, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, tricosanol… giúp làm giảm các cơn đau thần kinh.

Nguyên liệu: Lá lốt 50g, thịt lợn nạc 100g, gừng tươi 5g, lá ngải cứu, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Thịt lợn băm nhỏ, ướp gia vị. Lá lốt rửa sạch, xắt nhỏ, thêm nước nấu sôi thì cho thịt vào, nấu thành canh, cho thêm vài lát gừng và lá ngải cứu xắt nhỏ, khuấy đều là được. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Công dụng: Làm ấm cơ thể, giảm đau nhức. Dùng tốt cho người bị đau nhức khớp xương do các khí phong, hàn và thấp gây ra.

4. Khoai sọ

Theo Đông y, củ khoai sọ có vị cay ngọt; vào tỳ thận. Lá và bẹ lá vị cay, tính bình; có tác dụng liễm hãm (cầm mồ hôi), chỉ tả, tiêu thũng độc.

Củ khoai sọ ích khí bổ thận, phá huyết tán kết, khu phong, chỉ thống, trừ đàm tiêu thũng. Dùng cho các trường hợp phát ban dị ứng mẩn ngứa, sa trực tràng, lỵ mạn tính, viêm sưng hạch (lao hạch), chấn thương đụng giập, gãy xương chảy máu do chấn thương, chữa bệnh viêm khớp có sưng nóng đỏ do phong thấp, đau dạ dày, mụn nhọt, rắn cắn, lao phổi, bướu giáp…

Nguyên liệu: Khoai sọ 60g, chân giò hoặc xương  sườn lợn 100g, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch; xương lợn chặt thành đoạn ngắn, ướp gia vị. Ninh xương nhừ, sau đó cho khoai sọ vào đun chín mềm, ăn ngày 2 lần.

Phương Nam

TĐMVSK sưu tầm

Đậu đen giải độc cho người uống rượu và hút thuốc

Bài thuốc giải độc cơ thể cho người hay uống rượu bia và hút thuốc lá

Người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều sẽ tích tụ vô số độc tố trong cơ thể, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ cần khéo léo dùng một số bài thuốc dân gian từ đậu đen, bạn đã có thể thanh lý được rất nhiều vấn đề.

Đậu đen có tên khoa học là Vigna cylindrica, thuộc họ đậu, Đông y hay gọi với tên ô đậu, hắc đại đậu… thường được dân gian sử dụng như một loại thức ăn ngon, bổ, rẻ.

Theo y học cổ truyền, đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận, có tác dụng trừ thấp, giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể. Nhiều sách cổ viết rằng, ăn đậu đen chữa được chứng thủy thũng, tê thấp, bổ thận, giải độc cơ thể, phụ nữ dùng lâu ngày thì làm đẹp dung nhan.

Phân tích hiện đại cho thấy trong đậu đen có chứa nhiều sinh tố A, B, C, PP, protein, đường bột, chất béo và các khoáng. Đậu đen cũng chứa nhiều axit amin quan trọng cho cơ thể như: lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin… do đó đậu đen được xem như một loại thuốc bổ. Axit amin arginin có trong đậu đen rất tốt cho

Ngoài ra, đậu đen còn chứa nhiều anthocyanin – chất khiến cho lớp vỏ hạt đậu có màu đen, chúng có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống ung thư, kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa tế bào.

Có thể sử dụng đậu đen theo nhiều cách khác nhau:

  1. Nước đậu đen hoặc đậu đen rang để giải độc

Dùng một nắm đậu đen, rửa sạch rồi cho vào nấu nước uống.

Nước đậu đen rang cũng khá phổ biến, dễ làm và dễ uống. Lấy đậu đen được rửa sạch, rang chín, bọc kín để sử dụng dần. Mỗi lần dùng cho một dúm nhỏ đậu đen vào bình hãm với nước nóng, để vài phút cho ngấm là có thể dùng như uống trà hàng ngày.

Nước đậu đen tác dụng mát gan, lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc… rất tốt cho những người hay phải uống bia rượu và thuốc lá. Phụ nữ uống nước đậu đen có tác dụng giảm cân, thanh lọc cơ thể và làm da sáng đẹp hơn.

2. Chè đậu đen hoặc nấu nước uống để thanh lọc cơ thể

Mỗi ngày từ 20-40g đậu đen, nấu cùng với 30g đại táo, nấu chung ăn liên tục trong 3-4 ngày để chữa suy nhược.

3. Canh nước dừa, đậu đen chữa đau nhức ở các khớp xương

Lấy một quả dừa xiêm nhỏ không già quá, vạt đầu, rồi bỏ 20g đậu đen đã rửa sạch vào quả dừa, đậy nắp dừa lại sau đó đem chưng cách thủy khoảng 3-4 giờ cho đậu nhừ rồi đem ra uống nước, ăn cái. Mỗi tháng chỉ cần ăn 1-2 lần là đủ, các khớp xương sẽ cử động nhẹ nhàng linh hoạt hơn.

4. Canh đậu đen với tỏi chữa người mệt mỏi, tiểu tiện bí táo

Lấy một củ tỏi rửa sạch, đập dập múi tỏi, không làm nát quá, cho vào nồi chung với 1/2 chén đậu đen đã rửa sạch, nấu lửa nhỏ đến khi đậu mềm rồi nêm chút đường muối cho vừa miệng rồi ăn, mỗi ngày ăn một lần lúc sáng sớm sẽ tốt cho người bệnh.

5. Đậu đen chế hà thủ ô chữa di tinh, liệt dương, tay chân mỏi yếu, râu tóc bạc sớm

Lấy 50g đậu đen nấu nước rồi lấy nước đậu chưng cách thủy với 300g hà thủ ô đỏ trong 2-3 giờ, vớt ra để ráo phơi khô để dành dùng dần, dạng nước sắc mỗi ngày 15-20g hoặc 5g dạng bột.

Người thể hàn không nên dùng nhiều đậu đên (Ảnh: Internet)

Đậu đen tốt cho tất cả các lứa tuổi khác nhau: người già, trẻ em, phụ nữ và nam giới, tuy nhiên do có tính mát nên sẽ phù hợp hơn cho người ở tạng nhiệt (người nóng).

Với người bị hư hàn (loét hành tá tràng, dễ tiêu chảy, tiêu chảy mạn), chân tay lạnh, sợ lạnh… thì không nên dùng nhiều. Khi nấu có thể cho thêm một vài lát gừng sẽ tốt hơn.

Minh Thành tổng hợp

 TĐMVSK sưu tầm

Ăn đậu tốt hơn ăn thịt

Mùa hè ăn đậu tốt hơn ăn thịt, tạm biệt bệnh tim mạch và thêm nhiều lợi ích khác

Mùa hè nóng bức, ăn cá ăn thịt không bằng ăn đậu. Lý do là vì đa số thực phẩm họ đậu vốn có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, còn giàu vitamin nhóm B và khoáng chất, rất hiệu quả để bổ sung chất dinh dưỡng bị thất thoát qua đường mồ hôi.

Các loại đậu khác nhau có hiệu quả dưỡng sinh khác nhau, ví dụ, ăn đậu đỏ tiêu thũng, ăn đậu tương non bổ tâm, ăn đậu nành giảm mỡ, mùa hè ăn nhiều loại đậu, vô cùng tốt cho cơ thể!

  1. Đậu tương non: Bổ tâm hạ áp

Đậu tương non chứa nhiều chất dinh dưỡng đạm thực vật, kali, magie, vitamin nhóm B và xơ thực phẩm… đồng thời còn chứa thành phần bảo vệ sức khỏe như saponin, axit phytic, oligosaccharides… rất tốt cho tuần hoàn tim não và kiểm soát huyết áp.

  1. Đậu đỏ: Kiện tỳ tiêu thũng(phù thũng)

Đậu đỏ tính bình, có thể thanh nhiệt giải độc, kiện tỳ ích vị, lợi niệu tiêu thũng. Đến mùa hè nóng bức, cơ thể rất dễ xuất hiện thủy thũng, uống một bát nước đậu đỏ thì có thể có tác dụng hoãn giải thủy thũng.

  1. Đậu xanh: Thanh nhiệt giải độc

Đậu xanh có thể thanh nhiệt ích khí, giải độc lợi thủy, mùa hè có thể ăn nhiều hơn một chút.

Từ góc độ Trung y mà giảng, đậu xanh tính mát vị ngọt, vốn có tác dụng nhuận hầu chỉ khát, thanh nhiệt ích khí, giải độc lợi thủy… Ngày hè oi bức, hơi nóng quấn người, uống một bát nước đậu xanh, lập tức tỉnh táo con người. Ngoài ra, đậu xanh còn có thể thanh nhiệt của trường vị.

  1. Đậu đen: Bổ thận kháng lão hóa

Đậu đen đi vào thận, bổ thận (Ảnh minh họa: Internet)

Trung y cho rằng, sắc đen vào thận, do đó hay ăn đậu đen tốt cho tạng thận. Ngoài ra, trong vỏ đậu đen giàu anthocyanin, có thể thanh trừ gốc tự do trong cơ thể, chống lão hóa. Ngoài ra, anthocyanin còn có tác dụng bổ mắt.

  1. Đậu nành: Giảm mỡ chống ung thư

Thường xuyên ăn đậu nành có thể giúp giảm thấp tỷ lệ mắc bệnh tim mạch.

Protein và sterol trong đậu nành, đều có thể cải thiện mỡ máu và cholesterol, từ đó giảm thấp nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, trong đậu nành còn chứa lượng lớn phytoestrogen, có thể giảm thấp tỷ lệ ung thư có liên quan đến hooc-môn ở nữ giới. Nếu bạn có được loại đậu bình thường, không phải sản phẩm biến đổi gen (GMO) là tốt nhất.

  1. Đậu trạch (đỗ leo): Giảm béo và tăng cường trao đổi chất

Đậu tây dinh dưỡng phong phú, protein, canxi, sắt, vitamin nhóm B hàm lượng đều rất cao. Đáng để chú ý là, chất saponin trong đậu tây có thể thúc đẩy trao đổi chất béo, trong đó còn chứa thành phần có thể ngăn chặn hấp thụ đường, là một trong những thực phẩm giảm béo lý tưởng.

  1. Đậu ngũ sắc (cháo ngũ bảo): tư dưỡng ngũ tạng

 

Đậu đỏ: (đỏ nhập tâm) thanh tâm dưỡng thần, kiện tỳ ích thận, đồng thời chứa xơ thực phẩm, có thể thông tiện, nhuận tràng, giảm huyết áp.

Đậu xanh: (xanh nhập can) thanh nhiệt giải độc khư hỏa, giảm cholesterol.

Đậu nành: (vàng nhập tỳ) giàu saponin có thể kích thích tiêu hóa, kiện tỳ vị, ăn lâu dài có thể làm chậm lão hóa.

Đậu trắng: (trắng nhập phế) có nhiều loại globulin, có thể tăng cao khả năng miễn dịch, phòng chống các bệnh về đường hô hấp.

Đậu đen: (đen nhập thận) chứa các chất chống oxy hóa isoflavones, anthocyanins, thúc đẩy tạng thận bài xuất độc tố, an thần minh mục (sáng mắt).

Theo secretchina

Liên Hoa

TĐMVSK sưu tầm

9 loại đậu giầu dinh dưỡng như thịt

9 loại đậu giàu dinh dưỡng không kém thịt, giúp phòng chữa nhiều bệnh

Không chỉ giàu đạm, các loại đậu này còn là nguồn cung cấp chất xơ, khoáng chất, các vitamin và nhiều hoạt chất rất có lợi cho sức khỏe. Một số loại đậu còn được dùng làm thuốc chữa bệnh trong dân gian. Những người đang theo chế độ ăn kiêng, muốn hạn chế ăn chất béo và thịt nên lưu ý bổ sung chúng trong thực đơn hàng ngày.

 1. Đậu mắt đen

Hình như những con mắt biết nói

Đậu mắt đen còn được gọi là đậu trắng mắt cua. Mỗi cốc đậu mắt đen nấu chín chứa 11 gram chất xơ và 13 gram protein cùng nhiều folate, magie. Chúng còn là thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa isoflavone, anthocyanidin giống như có trong nho, quả mâm xôi, dâu tây… nhưng cao gấp 10 lần giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa lão hóa.

Theo sách Dược tính chỉ nam “đậu trắng là bạch đậu vị cam, tính bình, không độc, tác dụng bổ 5 tạng, ấm áp tràng vị, điều hòa trung nguyên, giúp ích 12 kinh mạch, tạng thận có bệnh dùng nó rất tốt”. Đậu mắt đen kết hợp tỏi giúp ổn định huyết áp, giải quyết các vấn đề tim mạch. 

  1. Đậu gà

Giống con gà mái ấp trứng

Đậu gà có tên gọi khác là garbanzo (trong tiếng Tây Ban Nha) và Ceci (trong tiếng Italia). Một cốc đậu gà có hơn 14 gram protein và 12 gram chất xơ. Đậu gà có hàm lượng axít amino tryptophan cao, là thành phần chính của hooc-môn serotonin có tác dụng tăng cảm giác hạnh phúc và ngăn ngừa bệnh trầm cảm.

Đồng thời, đậu gà có chứa chất phytochemical là saponin có đặc tính chống oxy hóa mạnh. Hàm lượng chất xơ cao cùng với lượng kali và vitamin C và B6 trong đậu gà góp phần bảo vệ cho sức khỏe tim mạch.

  1. Đậu Hà Lan xanh

Màu xanh đầy sức sống

Đậu Hà Lan xanh giàu tinh bột, nhiều loại khoáng chất, vitamin B và axit amin, có hiệu quả rất tốt đối với việc giảm bớt sự mệt mỏi, sưng phù hay tiểu tiện khó khăn… Đậu Hà Lan xanh còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp mắt sáng hơn, hạ huyết áp…

  1. Đậu cô ve

Tốt cho người bệnh tim mạch, thận

Đậu cô ve không chỉ có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như là protein, canxi, sắt, mà còn có nhiều kali, magie, ít natri tốt cho sức khỏe. Đậu cô ve rất thích hợp với những người cần phải ăn uống ít natri như bị tim, thận, cao huyết áp. Khi ăn cần chú ý nấu chín để tránh ngộ độc.

  1. Đậu thận

Hình dáng giống quả thận

Đậu thận có chứa nhiều tinh bột và tỷ lệ chất dinh dưỡng cao giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau ốm và mệt mỏi. Vì vậy, nếu bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe thể chất, hãy thêm đậu thận vào chế độ ăn uống.

  1. Đậu lima (đậu ngự/đậu quyên)

Rất tốt cho não bộ

Là thực phẩm giàu đạm, ít béo, nhiều chất xơ, tốt cho hệ tim mạch. Ngoài ra, đậu ngự còn có nhiều vitamin nhóm B, sắt, potasium và calories. Vitamin B trong đậu ngự cần thiết cho các chức năng của não. Đậu ngự còn giàu inositol, một chất giúp cải thiện triệu chứng suy giảm trí nhớ.

  1. Đậu tằm

Hỗ trợ tiêu hoá

Đậu tằm có tác dụng bổ tỳ vị, rất hợp với những người yếu bụng, hay bị tiêu chảy. Tuy nhiên, khi ăn đậu tằm bạn phải bỏ hết lớp vỏ cứng phía ngoài.

  1. Đậu nành (Đậu tương)

Loại đậu thông dụng và phổ biến nhất

Đậu nành giàu magiê, kali, canxi và giúp ngăn ngừa chuột rút cơ bắp trong quá trình tập luyện, hỗ trợ giảm cân hiệu quả nhờ lượng calo ít. Bên cạnh đó, nó cung cấp lượng sắt dồi dào, tăng năng lượng và thúc đẩy oxy đến các cơ bắp hoạt động.

  1. Đậu lăng

Đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai vì giàu sắt

Đậu lăng giàu sắt giúp cải thiện độ bền cơ bắp, ngăn ngừa thiếu máu, đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai. Chúng có rất nhiều chất xơ, giúp làm giảm cholesterol cũng như lượng đường trong máu. Các vitamin, khoáng chất và protein trong đậu lăng rất có lợi cho sức khỏe.

Ăn đậu lăng thường xuyên giúp ngăn chặn lượng đường trong máu phát sinh và kiểm soát sản xuất lactate trong cơ thể – nguyên nhân gây đau nhức và mệt mỏi.

Hoàng Kỳ (T/h)

 TĐMVSK sưu tầm