Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu Q1-25 Cải thiện đời sống

25. Cải thiện đời sống

Bạn hãy chu đáo và thành tâm trong việc phụng thờ Chúa và năng tự vấn tâm: “Bạn đến đây làm gì? Và tại đâu Bạn từ bỏ thế tục?”

Không phải ư, để sống trót cho Chúa và nên người siêu thoát?

Hãy hăng hái tiến bước luôn, không bao lâu nữa Bạn sẽ được công thưởng về các việc đã làm. Lúc đó sẽ không còn phải sợ sệt, đau khổ nữa.

Giờ đây chịu khó đôi chút, nhưng rồi Bạn sẽ được hưởng, – không phải một cuộc an nghỉ lâu dài, – nhưng là một sảng khoái bất diệt.

Nếu Bạn vững dạ tín trung và hăng hái để hoạt động, Chúa cũng sẽ trung tín và quảng tâm để thưởng Bạn.

Hãy vững niềm tin tưởng, Bạn sẽ chiếm được giải thưởng. Nhưng đừng tin quá đến nỗi sinh phóng túng và kiêu ngạo.

Có người kia bán tín bán nghi luôn. Một hôm buồn quá, ông vào thánh đường quì trước bàn thờ cầu nguyện. Tình cờ trí ông bật tư tưởng: “Ừ! giá ít ra mình cũng biết rằng mình phải kiên nhẫn!” Bỗng dưng tự đáy lòng ông nghe tiếng Chúa: “Như ngươi biết thì ngươi đã làm gì? Hãy làm ngay bây giờ cái ngươi định làm lúc ấy, có thế ngươi sẽ được bình an”.

Được yên ủi và vững dạ, người ấy tự phú thác theo thần ý Chúa và không phải xao xuyến nữa.

Người ấy không còn thiết tò mò tìm biết số phận tương lai, nhưng chỉ chuyên lo tìm biết ý Chúa, biết cái gì đẹp ý Chúa, cái gì hoàn hảo nhất và thực hành chu đáo những cái gì là tốt, là thiện.

Thánh Vương Đavid nói: “Hãy trông cậy Chúa và cứ làm thiện. Hãy cứ ở dưới đất và sẽ được no say của trái đất”. (1)

Cái ngăn trở nhiều người không tiến bộ và làm việc cho hăng hái để tự chỉnh, chính là tính sợ khó khăn hay đau khổ khi phải chiến đấu.

Trái lại, người tiến nhanh nhất trong đường tu đức, chính là người can trường hơn cả để lướt thắng những khó khăn, trái ý mình nhất.

Vì ai càng biết tự thắng mình và cầm hãm trí lòng, người ấy càng tiến nhanh và đáng nhiều ơn Chúa.

*
Vun trồng nhân đức.

Không phải ai cũng có những cái phải cầm hãm, thắng dẹp như nhau: Người hăng hái – mặc dầu vương vấn tình dục hơn– cũng có cơ tiến bộ hơn người giầu đức tính nhưng lại không thiết gì nhân đức.

Hai yếu tố giúp tu chỉnh đắc lực nhất: là quyết tâm tiễu trừ những cái tính tự nhiên ưa thích và vun trồng nhân đức mình cần nhất.

Hãy lưu tâm đề phòng và thắng lướt cả những khuyết điểm bạn khó chịu trong người khác.

Bạn hãy lợi dụng mọi cái như dịp để tiến: như khi mắt thấy hay tai nghe thuật một gương tốt, Bạn hãy tự phấn chấn để bắt chước.

Thản hoặc gặp người làm điều lỗi, Bạn hãy đề phòng để khỏi sa một lầm lỗi ấy.

Mà giả thử Bạn đã sơ suất đôi lần, Bạn hãy cố gắng sửa lại cho sớm hết sức.

Con mắt người khác đang quan sát Bạn cũng như Bạn đang quan sát người khác.

Yên ủi và sung sướng biết mấy khi thấy anh em sốt sắng, đạo đức, đứng đắn và trọng kỷ luật.

Nhưng, trái lại, đáng buồn và khổ tâm biết mấy khi thấy có người sống bừa bãi, không thi hành cả những công việc thuộc chức vụ!

Coi khinh trách nhiệm của chức vụ và mải miết làm những cái không quan hệ đến mình, thực tai hại vô cùng!

Hãy nhớ lời đã tuyên hứa và đặt tượng Chúa Giêsu đóng đanh trước mặt.

Sau bao năm hiến thân theo đường Chúa, gẫm suy về thân thế Chúa Giêsu Kitô, mà mới bắt chước Chúa được ít quá như vậy, thật đáng mỉa mai chừng nào!

Một tu sĩ biết chuyên lo và sốt sắng suy gẫm thánh hạnh và cuộc Tử nạn Chúa, sẽ gặp được trong đó mọi cái hữu ích và cần thiết mà không cần phải tìm gì tốt hơn ở ngoài Chúa Giêsu.

Ôi! Giá được Chúa Giêsu đóng đanh ngự vào lòng, ta sẽ chóng được thấu hiểu mọi cái đầy đủ biết mấy!

Một tu sĩ hẳn hoi vui nhận và sẵn sàng đầy đủ mọi cái Bề trên truyền dạy làm.

Một tu sĩ biếng lười và bạc nhược, chỉ thấy đau khổ chồng chất trên đau khổ. Họ quay lối nào cũng chỉ thấy khó chịu. Vì thiếu ơn an ủi bên trong, mà đi tìm bên ngoài lại không được phép.

Một tu sĩ sống ngoài kỷ luật, sẽ sa ngã một cách thảm hại.

Một tu sĩ chỉ đi tìm phóng túng, rộng rãi, sẽ không bao giờ hết khổ cực, vì không lúc nào không gặp trái ý.

*
Hãy thẳng tiến.

Thế còn bao nhiêu những tu sĩ sống dưới kỷ luật thép của viện tu, họ đang làm gì?

Họ ít ra ngoài. Họ sống ẩn khuất. Ăn kham khổ, mặc áo vải thô. Làm nhiều, nói ít. Thức khuya, dậy sớm. Nguyện gẫm lâu giờ và năng đọc sách. Họ giữ kỷ luật chu đáo lắm!

Bạn thấy không? Những tu sĩ Chartreux, những tu sĩ Citeaux và ngàn vạn tu sĩ nam nữ thuộc các Tu viện khác nhau, cứ nửa đêm thức dậy ngợi khen Chúa.

Thực đáng mỉa mai hết chỗ nói, vì Bạn đã quá lạnh nhạt làm nhiệm vụ thánh, trong khi từng ấy tu sĩ bắt đầu chúc tụng Chúa!

Này! giá Bạn đừng phải làm gì khác, ngoài việc lòng suy, miệng đọc lời chúc tụng Chúa nhỉ!

Giá đừng phải ăn, uống, ngủ, nghỉ để chỉ liên thanh chúc tụng Chúa, chỉ chuyên lo một việc thiêng liêng, như thế, sẽ sướng gấp mấy làm nô lệ cho mọi thứ nhu cầu của thân xác nhỉ!

Giá những nhu cầu đó thôi đi, để ta chỉ nghĩ đến việc nuôi linh hồn bằng những của ăn thiêng liêng, những của ăn mà – đáng buồn! – ta ít khi gặp.

Khi nào tới được trình độ không thèm tìm yên ủi nơi bất cứ tạo vật nào, lúc đó con người sẽ bắt đầu cảm mến Thiên Chúa đầy đủ. Và bất luận may rủi, lúc nào họ cũng vui lòng luôn.

Thắng lợi cũng chẳng vui, thua thiệt cũng không buồn, họ hoàn toàn tin tưởng tự phú thác cho Chúa: một mình Chúa là tất cả cho họ trong mọi cái. Với Chúa, không có gì hư hỏng cũng như không có gì chết đi; trái lại mọi cái sẽ còn mãi và sẵn sàng phục tùng ý Chúa.

*
Lời tâm phúc.

Hãy suy niệm luôn đến chung cánh Bạn và nhớ luôn: thời giờ qua đi không trở lại.

Nhân đức chỉ có thể mua bằng chuyên cần và cố gắng liên lỉ.

Bắt đầu phóng túng, là bắt đầu trụy lạc.

Cứ vững tâm sốt sắng, sẽ được hưởng đại an bình. Với ơn Chúa và lòng mến nhân đức, việc làm nặng nhọc mấy cũng nên nhẹ.

Người sốt sắng và thành tâm, gặp gì cũng sẵn sàng luôn.

Cự tuyệt thói xấu và tình dục, bao giờ cũng khó hơn chịu đựng những nặng nhọc của thân xác.

“Không tránh khuyết điểm nhỏ, dần dà sẽ ngã vào khuyết điểm lớn”.

Ban ngày làm việc hẳn hoi, chiều đến sẽ được thảnh thơi an nhàn.

Hãy tự cẩn phòng, tự thúc đẩy, tự thức tỉnh. Việc người để mặc người lo, việc mình, mình phải so đo ân cần.

Trình độ tiến triển hệ tại ở sự thắng mình nhiều lắm đấy.

SUY NIỆM

“Muốn tiến đức, phải tự thắng”: đó là một khẩu hiệu và là toát lược trót chương trình thánh hóa của một giáo hữu.

“Tự thắng”, là cự tuyệt và chiến đấu với mọi tình dục, mọi khuynh chiều lăng lố và vui nhận những cái trái ý mình.

Lạy Chúa! Chúa đã dạy con biết: “Đường tiêu diệt rộng thênh thang mà đường cứu thoát thời nhỏ hẹp”. Với ơn Chúa, con cương quyết can đảm và mạnh dạn bước vào đường nhỏ hẹp để được cứu rỗi. Xin Chúa ban thêm nghị lực để con tiến bước tới cùng, để ngày kia được cùng Chúa hát bài ca chiến thắng trong Nước khải hoàn vinh hiển.

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Gương Chúa Giêsu dẫn nhập

SÁCH GƯƠNG PHÚC
(Toàn Tập)
Nguyên tác: The Imitation of Christ
Tác giả: Thomas à Kempis
Dịch giả: LM Lê Bá Tư
Thông tin bản quyền: Miễn phí
Nihil Obstat: Bùi-Chu die 9 -9 -1953
Jos. Maria Phạm-Châu-Diên Cens. del.
IMPRIMATUR: Saigon, 25-5-1965
F.X. Trần-Thanh-Khâm Vic. Gen.

LỜI DỊCH GIẢ

Tác giả “GƯƠNG CHÚA GIÊSU” đã không đề một lời tựa cho tác phẩm của mình.
Đáng lý vì tôn trọng cuốn sách tuyệt tác này, một cuốn sách mà nhiều học giả đã không ngần ngại đặt liền sau Bộ Phúc Âm Thư, tôi cũng không cần và cũng không dám viết gì thêm.

Nhưng với hy vọng phổ cập tới mọi tầng lớp quần chúng, tôi thấy không thể không có mấy lời giới thiệu. Phải chăng đây chỉ là cố gắng đặt tác phẩm vào địa vị xứng đáng của nó.

Trong khắp Giáo hội Âu Châu – nhất là mấy thế kỷ trước – GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã là cuốn sách thân yêu của giáo hữu, nhất là của giới tu sĩ. Nó đã được hân hạnh góp phần vào việc tác tạo nên những vị Thánh thời danh, như Inhaxiô, Phanxicô, Têrêsa….

Điều đó không có gì lạ.

Một đàng vì lúc ấy – cũng là hoàn cảnh hiện tại của giáo hữu Việt Nam – những sách tu đức còn ít phổ thông, những vị linh hướng chưa có đủ để cung cấp cho sở nguyện riêng của mỗi người. Trong hoàn cảnh đó, GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã xuất hiện, để trở nên cuốn Tu đức học phổ thông và là kim chỉ nam cho bất cứ những ai muốn và đang đi tìm đường trọn hảo.

Đàng khác – và đây là điểm đặc sắc nhất, vì GƯƠNG CHÚA GIÊSU hàm chứa một giáo lý đầy đủ, minh bạch và những phương pháp thực hành thích dụng cho mọi tầng lớp và mọi thời đại.

Điều đó thật dễ hiểu. Vì trong khi các sách tu đức học – với tính cách giáo khoa – chỉ chú trọng nhiều ở nguyên tắc mà ít lưu tâm giữ vững ngọn lửa sùng ái trong tâm hồn: điều mà hết thảy, nhất là những người phôi thai trong đường trọn lành, hằng mong ước. Còn các sách đạo đức khác, nhất là các sách chuyên cứu về những phong trào sùng mộ riêng trong khi hấp dẫn được linh hồn, thì hầu như lại thiếu hẳn tính cách hướng dẫn: một điều kiện tất yếu của mọi sách tu đức. Vì thế – cũng như loại sách trên – nó chỉ thỏa mãn được từng phương diện và từng lớp người.

Trái lại, ngoài sức hướng dẫn sẵn có, vì căn cứ trên những lời bất hủ của chính Đấng tự xưng là “Đường và Chân lý,” GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn có một sức hấp dẫn dồi dào, mãnh liệt và bền bỉ, một sức hấp dẫn hình như trào ra bởi chính ngọn lửa sốt mến của Tác giả và thấm nhuần vào từng trang từng chữ trong sách. Nó đã và còn đang có sức thiêu đốt và lôi kéo bất cứ những ai tin tưởng bước theo những lời chỉ dẫn của sách này.

Ngoài ra, nếu xét về phương diện xử thế, GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn là tất cả một khoa Triết học thực hành. Vì, không kể những lời Thánh Kinh – nguồn mạch mọi khôn ngoan thông thái – mà ta có thể gặp thấy trong hầu hết mọi trang sách, chính những kinh nghiệm của những người từng trải mà tác giả đã khéo thu thập, thêm vào những nghiệm xét bản thân của Tác giả, đã làm cho mỗi câu của GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên một bài học khôn ngoan vĩ đại có thể áp dụng cho bất cứ trường hợp nào của đời sống. Một cuốn sách như thế mà không được phổ thông nơi quần chúng, nhất là riêng trong giáo hữu Việt nam, quả là một sự thiếu sót và thiệt thòi khó có thể đền bù được.

Sự thực, trước đây đã có một vài bản dịch ra tiếng Việt Nam. Những bản dịch đó dầu sao cũng có mang lại lợi ích không phải nhỏ. Nhưng tiếc vì sách in có hạn, đàng khác hình như hiện nay các bản dịch ấy đã bị đặt vào một hoàn cảnh quá hẹp hòi, nên không còn đủ điều kiện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng thêm khẩn thiết.

Bản dịch GƯƠNG CHÚA GIÊSU đây hẳn chưa phải là bản dịch lý tưởng, vì nó ra đời trong một hoàn cảnh quá ngẫu nhiên. Thực, bất đắc dĩ nó phải thay thế cho những đàn anh nó đã vắng bóng mà chưa có người thế chân.

Mong những bản dịch mới mẻ và đầy đủ hơn, sẽ đến bổ khuyết và thay thế cho nó, nếu cần.

Tại Hà Nội, ngày 1 tháng XI, năm 1953
Dịch giả

ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT GỬI BẠN ĐỌC

Bạn muốn được nên thân tình với Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển I sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU. Đó là hành trang cho bạn lên đường.

Bạn muốn gặp Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển II sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để khi được gặp Thiên Chúa bạn biết tâm sự với Ngài.

Bạn muốn được Thiên Chúa tiếp thu làm bạn tâm giao, mời bạn đọc Quyển III sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để biết nên làm gì, phải làm gì để bảo vệ tình bạn với Thiên Chúa.

Bạn muốn nhờ Chúa Giêsu Kitô, với Chúa Giêsu, sống đời con thảo của Thiên Chúa, mời bạn đọc GƯƠNG CHÚA GIÊSU Quyển IV.

Nhưng xin lưu ý bạn: Con đường nên thánh không có bước nhảy vọt, mà phải là tiệm tiến. Phải vững bước thứ nhất, rồi mới tiến bước thứ hai, phải nắm chắc bí quyết rồi mới tiến bước thứ ba. Thuần thục giai đoạn ba, không cần mời, Chúa Giêsu sẽ đến với bạn, không chỉ dắt tay bạn mà còn cho bạn nhờ Ngài, với Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha.

GƯƠNG CHÚA GIÊSU là một tác phẩm đã có gần 500 năm nay mà vẫn hiện đại, vì được xây dựng trên nền tảng Phúc Âm.

Sách đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng, và đã trở thành sách gối đầu cho các thánh.

Việt Nam cũng đã có ba bản dịch, nhưng vì hoàn cảnh đất nước, sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên hiếm, nếu không nói là gần như bị mai một.

May mắn, chúng tôi gặp được một tập bản dịch của Linh mục Lê Bá Tư, tái bản từ năm 1965. Nhưng đối chiếu với nguyên bản La-văn thì có rất nhiều sai sót, có thể do kỹ thuật ấn loát, nhiều câu vì mất chữ hoặc dịch sát nghĩa quá nên khó hiểu; nhiều câu lại dài dòng quá nên ý nghĩa mất sắc bén…

Nhờ một Linh mục đọc đối chiếu với bản La-văn và sửa lại tới 5 lần, cốt ý là cho sách quý này không bị mai một, mà còn dễ đọc dễ hiểu hơn.

Nay tôi xin giới thiệu GƯƠNG CHÚA GIÊSU với bạn đọc.

GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Phaolô-Tịnh NGUYỄN BÌNH TĨNH
Nguồn: http://suyniemhangngay.net/2016/08/31/guong-chua-giesu/
——————————————
GHI CHÚ CỦA TÔNG ĐỒ MỤC VỤ SỨC KHỎE:
Đây là một tác phẩm tu đức hay và có giá trị, nhưng có thể rất nhiều người trong chúng ta chưa từng nghe hay đọc hết từ đầu tới cuối. Tuy được sáng tác trong môi trường đan tu cho những người sống đời thánh hiến, nhưng không phài vì thế mà nó không giúp ích cho con đường trọn lành của những ai muốn sống lý tưởng nên thánh giữa đời, trong dòng chảy giao động của cuộc sống xã hội. Điểm tác giả muốn nhắm tới là nói với tâm hồn của mọi người.
Liên quan tới tác giả đã có nhiều ý kiến khác nhau. Sử gia người Anh Brian McNeil cho rằng tác giả là Jean Gerson (1363-1429) , thần học gia kiêm triết gia người Pháp, chưởng ấn đại học Sorbone Paris. Người khác nghĩ Giovanni Gersen (1243-?) tu sĩ Biền Đức rất thông thái đã biết Thánh Phanxico thành Assisi và thánh Anton thành Padova. Người khác nữa cho rằng tác phẩm xuất phát từ môi trường của các tu sĩ Chartreux.
Tuy nhiên đa số các học giả thế kỷ XX chấp nhận Tommaso da Kempis (1380-1471) là tác giả.
Tuy được sáng tác cho hàng tu sĩ thời Trung Cổ, tức cách đây 5, 6 trăm năm, theo khuynh hướng thần học tu đức khổ hạnh thần bí có vẻ ra tiêu cực, nhưng các giáo huấn sách Gương Chúa Giêsu chứa đựng các lời khuyên thiêng liêng hữu ích có thể áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả những ai có cuộc sống hoạt động bon chen thường ngày giữa đời. Nó giúp chúng ta thanh lọc tâm trí và sàng gạn cung cách suy tư hành xử để chỉ giữ lại những gì thiết yếu nhất cho phần rỗi linh hồn.
Xin cám ơn chị Kim Hà và các anh các chị Chương trình Radio Giờ Của Mẹ và Website MeMaria.org đã bỏ công thu audio và phổ biến cho mọi người. Xin Chúa trả công cho các anh các chị qua lời bầu cử của Mẹ Maria.
TDMVSK

Tải

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, chưa phân loại, Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Thiên Chúa là tình yêu. Yêu thương là biết Thiên Chúa

“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.

Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.

Tinh yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau…

Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.

Đây là điểu răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”  (1 Ga 4,7-11.20-21)

“Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình, thì ở trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (1 Ga 1,9-10)

by Tháng Một 25, 2021 Comments are Disabled Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Hãy sống công chính, bác ái và quảng đại

“Con ơi, con hãy tưởng nhớ Chúa mọi ngày đừng có ưng phạm tội và

làm trái mệnh lệnh của Người. Hãy thực thi công chính suốt mọi ngày đời con và đừng đi theo những nẻo đường bất chính, vì những ai sống theo sự thật thì sẽ thành công trong sự nghiệp của mình. Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tùy con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít, Như thế là con tích trữ một vốn liếng chắc chắn cho những ngày gian nan. Thật vậy, việc bố thí cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. Vì trước nhan Đấng Tối Cao, của bố thí là một lễ vật quý giá cho những ai làm việc bố thí…

Bất cứ ai đã làm việc cho con, thì tiền công của người ấy con không được giữ lại qua đêm trong nhà, nhưng phải trả ngay cho họ…

Hãy chia sơm sẻ áo cho người đói rách. Phàm là của dư thừa con hãy lấy mà bố thí, và mắt con đừng có so đo trong việc bố thí của con…

Hãy chúc tụng Chúa là Thiên Chúa mọi lúc; hãy xin Người dạy cho con biết theo nẻo chính đường ngay và giúp con thành công trong mọi đường đi nước bước cũng như mọi toan tính của con” (Tobia 4,5-11.14.16.19)

by Tháng Một 21, 2021 Comments are Disabled Đèn soi lối, Khôn Ngoan trong Thánh Kinh Cựu Ước, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

Bí quyết tạo dựng an bình hạnh phúc

Nếu ai cũng thực thi mỗi ngày những điều sau đây, thì thế giới này sẽ an bình, hạnh phúc và thịnh vượng biết bao:

“Hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Lv 19,18; Mt 22,39)

 

“Đây là điểu răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13)

“Điều gì con không thích người ta làm cho mình, thì cũng đừng bao giờ làm cho người ta. Hãy chia cơm sẻ áo cho người đói rách. Biết ai khôn ngoan thì tìm đến mà bàn hỏi. Hãy chúc tụng Chúa trong mọi nơi mọi lúc, xin Người dạy con biết theo nẻo chính đường ngay, và giúp con thành công trong mọi điều con toan tính” (Tb 4,15)

“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần hãy nói những lời tốt đẹp. để xây dựng và làm ích cho người nghe… Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng này giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki tô” (Ep 4,29.31-32)

by Tháng Một 15, 2021 Comments are Disabled Đèn soi lối, LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh
BIẾT ƠN MÌNH

BIẾT ƠN MÌNH

BS. Đỗ Hồng Ngọc

Ngay từ thuở nhỏ ta được dạy nói cảm ơn khi ai đó giúp mình. Lời cảm ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành của mình đối với người đó.Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói cảm ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cảm ơn mình là một điều gì đó lố bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí…nguyền rủa mình.

Nhiều người lớn tuổi nhìn vào gương mỗi ngày thấy mình già đi với những dấu chân chim ở đuôi mắt, vết hằn ở khóe miệng, nếp nhăn nhúm ở bàn tay…đã không thể chấp nhận được mình, đã âu sầu buồn bã, có người phải căng da mặt, bơm xóa vết nhăn hy vọng giữ mãi vẻ trẻ trung nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng “hiện nguyên hình”, có khi tệ hơn!Error! Filename not specified.

Xây dựng hình ảnh về chính mình (self image) rất quan trọng. Nếu đó là một hình ảnh tích cực, nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường”xung quanh, còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.

Có món đồ nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả những máy móc tinh xảo được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất. Gần đây thấy trên báo quảng cáo một cái tủ lạnh cũ của Thụy Sĩ rằng đã được xài đến 20 năm mà vẫn còn chạy tốt.Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ ngực nói rằng mình đã “xài”đếnsáu bảy chục năm mà hãy còn ngon đó chứ! Vậy ta phải biết ơn mình nhiều hơn.

Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương lớn nhỏ được ráp nối với nhau để thành một khung xương, hoạt động được là nhờ các khớp,cũng đã xài được hằng mấy chục năm trời mà chẳng phải bơm dầu trét mỡ gì cả. Vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru, êm rơ, chỉ khi ta tích tuổi,lớn tuổi rồi nó mới bị đau nhức chút đỉnh thì cũng phải thôi! Nhiều khi chỉ vì từ nhỏ ta đã không biết chăm sóc bộ xương đã làm cho nó bị lệch lạc đi như bị vẹo cột sống ở tuổi học đường, hoặc ăn những thức ăn làm cho các chất hoạt dịch giữa các khớp bị đơ cứng lại.

Ngay ở giai đoạn chấm dứt tuổi dậy thì, bộ xương đã hình thành với khối lượng xương cố định, chủ yếu là do di truyền nhưng cũng một phần do dinh dưỡng.Nếu biết quan tâm, thì ngay từ nhỏ đã phải được bồi dưỡng tốt để xương phát triển đầy đủ. Người lớn tuổi dễ bị loãng xương, dễ bị té ngã, đưa đến gãy xương, trật khớp. Nhìn một cành khô và một cành tươi thì biết. Cành tươi khó gãy vì vỏ dày, gỗ dai, nếu gãy cũng thường gãy dập; còn cành khô thì vỏ mỏng, gỗ giòn, khi gãy dễ gãy lọi.Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi, sau tuổi 65, rất dễ bị té ngã. Nữ dễ bị hơn nam.

Ngoài những chuyện gãy xương, trật khớp, rách cơ, dập phần mềm…còn có những biến chứng gần xa khác như viêm phổi, loét da, do phải nằm bất động trong một thời gian lâu dài. Để giảm bớt nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi, cần quan tâm tới môi trường sống của họ. Chẳng hạn các cầu thang trong nhà sao cho dễ đi, không trơn trợt, bậc thang đều, ánh sáng đầy đủ. Tuổi gia mắt kém, cảm giác về độ chênh không còn chính xác, phản xạ chậm, cơ thể điều hòa vận động giảm nên rất dễ té.

Người lớn tuổi vẫn cần phải tích cực vận động – tập dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao chẳng hạn – để tăng tính linh hoạt của các khớp và giúp cho cơ duy trì sự dẻo dai. Người ít vận động hoặc phải nằm một chỗ, tình trạng loãng xương càng xảy ra nhanh. Thuốc lá và rượu góp phần tăng tốc.Việc sử dụng estrogen để bù đắp phải được hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Điều đáng để ý là một người khi lớn tuổi bị té ngã một lần thì về sau thì sợ hãi, ít dám vận động, do vậy mà sự phối hợp giữa thần kinh cơ càng kém, lại càng dễ bị té ngã những lần sau. Sự bảo bọc quá đáng của người thân trong gia đình càng làm cho người già thêm mau suy yếu.

Rồi thử xem bộ máy tuần hoàn của ta.Nếu biết rằng mỗi ngày trái tim ta phải co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu khoảng 7.000kg không ngừng nghỉ, kể cả lúc ta ngủ, đi vào một hệ thống mạch máu giăng mắc mà chỉ riêng hệ thống vi mạch nếu nối lại đã dài hàng trăm ngàn cây số (hơn gấp đôi chu vi trái đất) để nuôi cơ thể, ta mới thấy sức hoạt động của bộ máy tuần hoàn tuyệt vời đến thế nào! Có cái máy bơm nào làm việc liên tục với khối lượng như vậy hằng bảy tám chục năm trời mà không phải thay pin, không phải chùi rửa gì cả?

Vậy mà chẳng những ta không nhớ, không biết ơn nó, nhiều khi ta còn hành hạ nó, đầu độc nó, buộc nó nhảy tưng lên với những chất như rượu, trà, cà phê, thuốc lá…Chất nicotine trong thuốc lá chẳng hạn, chẳng những buộc nó phải làm việc nhanh lên mà còn lại co thắt các mạch máu nuôi dưỡng nó, làm cho nó bị thiếu dưỡng khí. Ta lại còn đầu độc tinh thần nó bằng cách luôn rên rỉ “Một trái tim khô, một trái tim mùa đông” hay hất hủi nó: “ngày rời Paris anh đã để quên con tim”…Thật ra một trái tim bình thường làm việc âm thầm bền bỉ đến nỗi ta tưởng như không có nó. Lúc nó lên tiếng “nhắc nhở”thì đã rắc rối rồi! Cho nên có một trái tim lành mạnh thật hạnh phúc mà nhiều khi ta không biết!

Còn mạch máu của ta cũng giống như những ống nước vậy. Khi ống nước còn mới thì nó dẻo dai, co giản dễ dàng, không có chuyện gì xảy ra, còn ống nước đã cũ thì khô cứng lại, độ thun giãn kém đi.Ở người cao tuổi, các mạch máu cũng dễ cứng hơn nên huyết áp dễ bị tăng cao. Huyết áp cao quá có thể gây ra những tai biến. Tăng huyết áp phải được theo dõi chữa trị đến nơi đến chốn. Bệnh tiểu đường càng làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn mạch. Do vậy, các nhà chuyên môn đều khuyên ta bớt ăn đường, bớt uống rượu, bớt ăn muối, bớt ăn mỡ, không hút thuốc…

Rồi thử xem buồng phổi của ta. Đó là nơi ta trao đổi không khí để sống. Người ta có thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mười ngày nhưng không thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mười ngày nhưng không thể nhịn thở quá năm phút.Thiếu oxy (dưỡng khí) chừng năm phút thì các tế bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi được nữa. Có lẽ vì không khí không phải mất tiền mua nên ta thường coi như không hề có nó. Ta vẫn thở mỗi phút giây mà không nhận thấy không khí là cần! Có một buồng phổi hoạt động tốt ta chẳng hề quan tâm, thậm chí chẳng hề biết đến nó, cho đến lúc nó khò khè có cử thì lúc đó ta mới thật sự hốt hoảng.

Nói chung chúng ta thường không biết thở, không thèm thở, nhất là những lúc làm việc hăng say gần như quên thở hoặc những lúc có những cảm xúc mạnh như lo lắng, giận dữ ta cũng thường quên thở, nín thở. Thở là một phản xạ tự động nhưng ta lại có thể kiểm soát được hơi thở, nhịp thở, khác hẳn với các cơ chế tự động khác như của quả tim, mạch máu, dạ dày, gan ruột…hoạt động hoàn toàn ngoài ý muốn của ta. Cho nên ta có thể luyện thở được.

Buồng phổi của ta có khoảng 300 triệu phế nang, trải rộng ra ta có một diện tích rộng hơn 80m2, lớn hơn một phòng học. Mỗi khi ta hít phải không khí ô nhiễm bụi khói, vi khuẩn, thì lớp không khí ô nhiễm đó sẽ tràn ngập lên toàn bộ diện tích của phế nang. Khi còn là những lá phôi thì phổi và da có cùng nguồn gốc, do vậy mà sau này khi gặp lạnh tự nhiên ta sinh ra ho hen, đặc biệt người cao tuổi dễ bị viêm phổi do lạnh. Hệ thống hô hấp không chỉ có phổi mà còn có mũi, họng, thanh quản, khí quản cùng các cơ hô hấp mà cơ hoành là cơ trọng yếu nhất.

Ở mũi chúng ta chẳng hạn có một hệ thống mao mạch dày đặc để sưởi không khí, làm cho không khí ấm lại trước khi vào phổi.Gặp lạnh, ta sẽ bị ách xì, sổ mũi, nghẹt mũi vì các mao mạch trương nở. Không phải vô cớ mà người lớn tuổi thường khoác một chiếc khăn quàng cổ khi ra đường vì khi gặp lạnh chiếc khăn quàng sẽ giúp làm ấm mũi.

Những người cao tuổi còn khỏe mạnh, sáng suốt, làm việc không biết mệt là những người biết…thở. Họ có những phương pháp “bì truyền”thường được gọi là dưỡng sinh, khí công, thiền, yoga…Có khi ta còn nghe được những câu có vẻ huyền bí như “đưa hơi xuống huyệt đan điền…”Thực ra không có gì là bí hiểm cả mà hoàn toàn có cơ sở sinh học. Ta biết cơ hoành là cơ hô hấp chính nằm vắt ngang giữa bụng và ngực, “phụ trách” 80% khối lượng hoạt động hô hấp. Cơ hoành di chuyển lên xuống như một cái piston trong lồng ngực làm cho buồng phổi nở rộng hoặc thu hẹp thể tích. Do vậy khi ta hít sâu thì cơ hoành bị đẩy xuống đến tận…dưới rún, nơi được gọi là huyệt đan điền hay khí hải.

Như vậy “đưa hơi xuống huyệt đan điền” thực chất là hít sâu đẩy cơ hoành lên xuống mạnh hơn, cơ hoành di chuyển rộng hơn, nhờ đó sự thông khí sẽ tốt hơn. Càng lớn tuổi cơ hoành càng làm biếng, nên người lớn tuổi cần luyện thở, tập dưỡng sinh, thì cơ hoành mới làm việc tốt hơn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp ở người lớn tuổi, làm cho họ dễ mệt mỏi, hụt hơi, cũng như bệnh giãn phế quản làm cho họ khạc rất nhiều mỗi sáng. Ngày càng có nhiều người bị ung thư phổi do hút thuốc lá. Nhiều người già bị lao là nguồn lây bệnh trong gia đình mà không biết.Giữ môi trường trong sạch, tạo nhiều cây xanh bóng mát, gần gũi với thiên nhiên, tập thở đúng phương pháp, tránh thuốc lá..là những cách tốt nhất để biết ơn buồng phổi của ta vậy.

Lý Lập Ông, thế kỷ XVI, viết trong Nhàn tình ngẫu hứng: “Xét cơ thể con người, tai mắt mũi, tay chân, thân thể hết thảy đều cần thiết…chỉ có hai cái không cần thiết mà trời phú cho ta là cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người từ xưa tới nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức mới sinh ra những mưu mô gian trá, mưu mô gian trá mới phải đặt ra hình pháp…”.

Lâm Ngữ Đường có lẽ cũng đống ý như thế nên ông cũng viết: “Chúng ta có một cái bao không đáy gọi là bao tử…Nó ảnh hưởng đến văn mình của nhân loại…Các hội nghị quốc tế căng thẳng đến thế nào, tới giờ cũng dừng lại để ăn….”. Rồi ao ươc: “Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại chắc là không có tình trạng hiếu chiến, tàn ác vì loài ăn cỏ, ăn hạt đều hiền lành, loài ăn thịt đều hiếu sát”. Ông cũng đưa ra một nhận xét thú vị: “Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Con người mà có cái diều như gà thì chỉ còn những cuộc chiến nho nhỏ chứ không phải cần đến chiến tranh lớn để xuất cảng đồ hôp” . (Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Thật tội nghiệp cho cái “bao không đáy” còn gọi là bao tử hay dạ dày của chúng ta!

LÂM NGỮ ĐƯỜNG

Đó là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, đảm nhận việc “nạp năng lượng”để ta duy trì sự tồn tại và hoạt động suốt cả cuộc đời. Cái bao không đáy đó thực ra nó đã phải làm việc căng thẳng vất vả, co bóp, nhào nặn thức ăn thức uống suốt ngày đêm để cung cấp cho ta những chất dinh dưỡng cần thiết cho cuộc sống. Nó làm việc âm thầm không hề kể công, hoàn toàn ở ngoài ý thức của ta vì khi nó nhào nặn co bóp như vậy ta không hề hay biết.

Để tiêu hóa được thức ăn, dạ dày phải tiết ra một chất acid mạnh mà nếu không khéo tự bảo vệ mình thì acid này sẽ tiêu hóa ngay chính bản thân nó, làm cho nó lở loét tùm lum mà ta gọi là loét bao tử (loét dạ dày). Thường nếu có lở loét thì dạ dày cũng âm thầm tự băng bó lấy cho mình, đến khi quá lắm thì mới kêu ca, lên tiếng, lúc đó ta có cái gọi là đau bao tử.

Nói chung ít khi ta thượng hại cái dạ dày của mình đừng nói chuyện biết ơn nó, trái lại ta sẵn sàng nhồi nhét vào đó càng nhiều càng tốt từ thịt cá voi đến rắn mối, thằn lằn, tác kè, chuột bọ, cào cào, châu chấu, nghêu sò ốc hến…Ta cũng sẵn sàng đổ vào hằng lít rượu đế, whisky, hằng két bia và vô số những chất độc hại khác như…thuốc trừ sâu, giun đầu gai v.v..Để ý một chút, ta thấy hệ tiêu hóa là một cái ống cơ dài từ miệng đến hậu môn, phình ra chỗ này, thắt lại chỗ kia để trở thành thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già…Thức ăn thức uống đi xuyên qua cái ống đó là đã đi bên ngoài cơ thể, mà các bộ phận được phân công cắt xé, nghiền, nhồi trộn, nhào nặn, chuyển hóa, hấp thu..để đưa vào cơ thể sử dụng.

Cả một bộ máy làm việc quần quật liên tục không mệt mỏi như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể hằng ngày. Ta không thể tưởng tượng rằng mỗi ngày có hơn cả lít nước bọt được tiết ra là nhằm giúp cho miệng không bị khô, hôi và giúp tiêu một phần thức ăn. Ở người lớn tuổi, nước bọt tiết ra ít đi nên dễ bị đắng miệng, khô miệng, ăn không ngon.

Hệ thống nhung mao ở ruột non ngoằn ngoèo nhiều lớp có tổng diện tích lên đến 250m2, bằng cả cái sân quần vợt, để hấp thu các dưỡng trấp nuôi cơ thể trôi qua, với các tế bào hùng hục hoạt động ngày đêm để trao đổi chất, với vô số vi sinh vật li ti sản sinh ra các men tiêu hóa, các vitamin. Gan đổ mật vào ruột, tụy tạng tiết men và insulin mà nếu thiếu nó ta sẽ bị bệnh đái đường. Bất cứ có một trục trặc gì trên cái ống đó đều gây ra những rắc rối đáng tiếc như bị tắc nghẽn đâu đó chẳng hạn. Một người bị bón thường xuyên cũng làm cho cái ống bị nghẹt, dẫn đến hôi miệng, ăn mất ngon, ngủ không yên.

Lâm Ngữ Đường có một nhận xét khá thú vị:“Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hóa. Ruột ta mà vận động điều hòa thì ta hạnh phúc, không thì ta khổ sở. Sự tình chỉ có vậy thôi!”. Mà thật, cứ thấy người nào mặt mày lúc nào cũng cau có, nhăn nhó, khó chịu đăm đăm…thì chắc là đã bị bón hoặc trĩ kinh niên rồi! Người lớn tuổi cũng cần phải được cung cấp năng lượng đầy đủ, cần tránh béo bệu nhưng cũng phải tránh cả suy dinh dưỡng – chủ yếu là do thiếu chất đạm.

Cũng không nên quá sợ Cholesterol vì có loại cholesterol tốt cần cho cơ thể. Nên dùng dầu thực vật. Các vitamin được cung cấp từ thức ăn như rau quả, trứng, đậu, cà rốt, rau muống, gấc…Để giữ khẩu vị được ngon vừa ý, cần thêm những gia vị mà người có tuổi vẫn quen dùng như tỏi, tiêu, ớt. Không nên kiêng cử quá đáng làm cho ăn mất ngon. Đậu nành có lẽ là một thứ thức ăn lý tưởng vừa cung cấp đạm thực vật lại có chất phytoestrogen là một loại kích thích tố nữ rất tốt để làm giảm tốc độ lão hóa.

Một bữa ăn gia đình đông vui có con cháu sum vầy thì dù là rau muống, kho quẹt, đậu hủ…cũng đem lại nhiều chất bổ dưỡng cả về tinh thần lẫn năng lượng cho người lớn tuổi. “Hãy cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ cho anh biết anh là ai”. Lâm Ngữ Đường nói loài người có hai hạng, hạng ăn rau và hạng ăn thịt. Hạng ăn rau càng đông thì càng dễ có…hòa bình trên thế giới.

Rồi cái bọng đái nữa chứ. Phải bí đái một lần mới biết “giá trị”của cái bọng đái, mới biết ơn vô cùng khi có một cái bọng đái hoạt động bình thường, biết lúc nào thì phải chứa đựng, lúc nào thì phải co bóp, lúc nào thì mở cơ vòng và lúc nào phải đóng chặt lại. Thật là tai hại khi ở tuổi cao, cơ vòng bắt đầu hoạt động không tốt nữa, lúc cần đóng chặt thì nó lại mở ra, đặc biệt ở phụ nữ có tuổi.

Ở đàn ông, tuyến tiền liệt có thể phình to thành bướu chặn nghẹt đường lưu thông của nước tiểu, lúc cần tiểu lại tiểu không ra. Lại phải mổ, phải nong. Một kích thích quá mạnh như cười to, ho tràng dài hoặc vận động nhiều quá, cũng dễ bị đái són. Thuốc an thần, thuốc lợi tiểu sẽ làm cho đái són xảy ra thường xuyên hơn. Nói chung nếu tìm được nguyên nhân thì chữa trị không khó, đừng lúc nào cũng cholà tâm thần rồi bỏ mặc. Nên tập đi tiểu có giờ giấc, đừng đợi quá căng. Các loại tả lót thấm hút có thể dùng rất tiện cho người già khi đi lại tàu xe.

Cũng cần chú ý sắp xếp chỗ đi đại tiểu tiện sao cho thuận lợi, dễ đi, có đủ ánh sáng. Người mình thường coi chỗ tiểu tiện (toilet) như là một chỗ dơ bẩn xấu xí nên thường đặt ra phía sau nhà, xa nhà, trong khi đó thực ra toilet là một nhu cầu quan trọng của con người nên ở những khách sạn lớn, người ta bố trí toilet ngay trước phòng khách, sạch sẽ và thơm tho.

Mắt là giác quan quan trọng nhất của con người. Chăm sóc mắt là biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Có một quyển sách mà tác giả là một người mù, viết với lời tựa là “Nếu tôi được một ngày sáng mắt”! Những người bình thường có đôi mắt sáng nhiều khi không biết quý. Thử sống một ngày bịt kín hai mắt lại thì mới đánh giá được chất lượng cuộc sống nhờ đôi mắt.

Già thì mắt phải yếu đi, cảm giác về độ đậm cũng kém, thích nghi với bóng tối chậm và nhìn cố định không nét.Thủy tinh thể diều tiết kém nên không nhìn gần được, điều này ảnh hưởng chất lượng cuộc sống rất rõ, vì làm gì cũng phải đeo kiếng. Những nguyên nhân gây mù thường gặp là mắt hột, quáng gà, đục thủy tinh thể (cườm khô), và cườm nước (glaucoma). Theo Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO), người mù vì cườm khô đã chiếm hơn 40% số người già bị mù. Chín phần mười các trường hợp cườm khô là do tuổi già, cơ thể suy yếu; số còn lại là do các bệnh tiểu đường, chấn thương, suy dinh dưỡng…

Khi thấy mắt bị mờ dần, có đốm đen bay bay rồi cố định lại một chỗ, không đau nhức, không đỏ, tưởng là kính không đúng độ mà đo kính nào cũng không vừa thì phải nghĩ đến cườm khô. Hiện vẫn chưa có thuốc nào chữa được cườm khô, chỉ có cách là phải mổ để thay thủy tinh thể đục bằng một thủy tinh thể nhân tạo hoặc đeo kính để điều tiết. Hiện nay có những kỹ thuật mới để mổ cườm khô, đặt thủy tinh thể nhân tạo rất tiện lợi. Sau mổ, bệnh nhân có thể sinh hoạt lại bình thường ngay.

Riêng cườm nước là một bệnh hết sức nguy hiểm vì dẫn đến mù lòa. Nếu được phát hiện sớm thì có thể tránh được mù. Bệnh cườm nước cấp tính gây nhức đầu dữ dội, có khi nhức nửa đầu kèm theo ói mửa, mắt đỏ, căng cứng, con ngươi nở lớn. Trường hợp này phải đến ngay bệnh viện có chuyên khoa mắt. Dạng cườm nước mạn tinh tiến triển âm thầm, chỉ thấy hơi đau mắt, xốn mắt, mỏi mắt và mờ dần. Nhiều người tưởng tại mình có tuổi nên mắt kém, không đo nhãn áp để chẩn đoán kịp thời.

Người lớn tuổi cũng thường nghe kém, lãng tai. Lãng tai một chút cũng hay, khỏi phải nghe những lời nói xấu mình! Cái gì khoái thì nghe không thì thôi.Từ 65 tuổi trở đi có hơn một phần ba số người bị lãng tai. Nghe kém sẽ làm cho việc truyền thông khó khăn hơn, có thể gây nguy hiểm trong giao thông, đi lại. Ngày nay có những dụng cụ trợ thính dễ sử dụng và rẻ. Ở các nước phát triển cứ ba người có tuổi thì một người mang máy điếc, nhờ đó họ có thể giao tiếp tốt hơn và tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp họ cảm thấy sảng khoái, không bị coi là tàn phế nữa.

Ở ta, nhiều người không ưa máy điếc vì nó ồn ào lại làm cho ta nghe rõ những “sự thật đau lòng”. Một vở kịch kể chuyện hai vợ chồng già, ông nói gà bà nói vịt nhưng rất hạnh phúc bên nhau, đến khi các con hiếu thảo gởi về cho mỗi người một cái máy điếc thì bắt đầu cãi vã nhau suốt ngày. Cuối cùng cả hai phải liệng cái máy điếc vào sọt rác!

“Chúng ta không chăm sóc bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm.Khi chúng ta còn khỏe mạnh, còn sung sức, thì chúng ta bóc lột ngay chính bản thân mình,bóc lột các bộ phận trong cơ thể, bóc lột những khả năng của mình mà không hề cân nhắc, không hề nghĩ tới hậu quả.Ở lứa tuổi 50 tôi vẫn chưa chú ý lắm đến sức khỏe của mình…” Viện sĩ Misculine 90 tuổi viết như thế. Hiện nay mỗi sáng ông chạy bộ, tập thể dục đều đặn, chơi quần vợt, ăn uống điều độ. Ông nói “Tôi cảm thấy 30 năm trước đây tôiđã già yếu hơn nhiều so với bây giờ”!

TDMVSK sưu tầm

by Tháng Sáu 19, 2020 Comments are Disabled Bí quyết sống khoẻ mạnh, Tâm Linh
CD “TÚI KHÔN 3

CD “TÚI KHÔN 3

BÀI 01 – Chuyện người Samurai

BÀI 02 – Hạnh Phúc

BÀI 03 – Con Lừa

BÀI 04 – Trở ngại trên đường đi

BÀI 05 – Ba chúc con đủ

BÀI 06 – Huyền nhiệm của đau khổ

BÀI 07 – Những củ khoai tây

BÀI 08 – 7 Không

BÀI 09 – Người thợ xây cất

BÀI 10 – Hai viên sỏi

BÀI 11 – Con voi và sợi dây thừng

BÀI 12 – Trải nghiệm cận tử

by Tháng Mười Hai 24, 2019 Comments are Disabled LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT NĂM C

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT NĂM C

Mùa Vọng C

1.          Ánh sáng tự do cuối đường hầm của ngục tù đen tối CN 1 MV-C (Gr 33,14-16; 1 Tx 3,12-4.2; Lc 21,25-28.34-36)

2.          Đường vào sa mạc CN 2 MV-C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6)

3.          Bà mẹ giống con minh. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1,26-38)

4.          Niềm hạnh phúc được sống gần Chúa CN 3 MV-C  (Sp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18)

5.          Đường Chúa đến thăm ta CN IV MVC (Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-48)

Mùa Giáng Sinh C

1.          Tổ ấm tình yêu. Lễ Thánh Gia (Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52)

2.          Đường cong thiên linh nối liền trời đất. CN 2 GS C (Hc 24,1-4.8-12; Ep 1,3-6.15-18; Ga 1,1-18)

3.          Dòng nước tái sinh. Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14; 3,4-7; Lc 3,15-16.21-22)

Thường niên C

–      CN 2 TN-C : Đức Giêsu Kitô rượu mới thời cứu thế (Is 62,1-5; 1 Cr 12,4-11; Ga 2,1-12)

–      CN 3 TN-C: Canh tân tinh thần (Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12,12-31a; Lc 1,1-4; 4,12-21)

–      Lễ dâng Chúa Giê su trong Đền Thờ: Ơn gọi là ánh sáng cứu độ (Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-40)

–      CN 5 TN-C: Ba cuộc đời, ba ơn gọi (Is 6,1-2a.3-8; 1 Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)

–      CN 6 TN-C: Tin vào ai, cậy vào ai? (Gr 17,5-8; 1 Cr 15,12.16-20; Lc 17,20-26)

–      CN 7 TN-C: Yêu thương như đỉnh cao trọn lành (1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15,45-49; Lc 6,27-38)

–      CN 8 TN-C: “Hữu ư trung, tất hình ư ngoại” (Hc 27,4-7; 1 Cr 15,54-58; Lc 6,39-45)

Mùa Chay C

–      CN 1 MC-C: Kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa (Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)

–      CN 2 MC-C: Cuộc phiêu lưu của lòng tin (St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36)

–      CN 3 MC-C: Hoán cải tâm lòng là gặp gỡ Thiên Chúa đích thực (Xh 3,1-8a.13-15; 1 Cr 10.1-16.10-12; Lc 13,1-9)

–      CN 4 MC-C: Ơn gọi trở thành thụ tạo mới (Gs 5,9a.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)

–      CN 5 MC-C: Cây nến ân xá phục sinh (Is 43,16-21l Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)

–      CN Lễ Lá C: Chết đi để trao ban sự sống (Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23.56)

Mùa Phục Sinh C

–      CN PS C: Tin Mừng phục sinh và đường sang Siberia băng giá (Cv 10,334.37-43; 1 Cr 5, 6b-8; Ga 20,1-9)

–      CN 2 PS-C: Người con tự do (Cv 5,12-16; Kn 1,9-11a; Ga 20,19-31)

–      CN 3 PS-C: Thánh lễ dở dang (Cv 5,27b-32.40b-40; Ga 21,1-19)

–      CN 4 PS-C: Các động từ khó thực hành trong đời sống kitô (Cv 13,14.43-52: Kn 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)

–      CN 5 PS-C: Kinh thành hạnh phúc (Cv 14,21-27; Kn 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35)

–      CN 6 PS-C: Cánh cửa rộng mở (Cv 15,1-2.22-29; Kn 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29)

–      Lễ Thăng Thiên C: Sự hiện diện của người vắng mặt (Cv 1,1-11; Dt 9,24-28; 10,19-23; Lc 24,46-53)

–     Lễ Chúa Thành Thần hiện xuống C: Kitô hữu con cái của Thần Khí (Cv 2,1-11; Rm 8,8-17; Ga 14,15-16.23b-26)

–     Lễ Chúa Ba Ngôi C: Tình yêu trọn vẹn (Cn  8,22-31; Rm 5,1-15; Ga 16,12-15)

–      Lễ Mình Máu thánh Chúa C: Tấm gương bể (St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)

Mùa thường niên C

–      CN 13 TN-C: Tiếng Chúa gọi ta (1 V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62)

–      CN 14 TN-C: Sứ mệnh kitô (Is 66,10-14; G; 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)

–      CN 15 TN-C: Khi nào là lúc đêm qua ngày tới? (Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)

–      CN 16 TN-C: Lắng nghe Chúa Giêsu (St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)

–      CN 17 TN-C: Cầu nguyện là làm cách mạng (St 18,20-21.23-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)

–      CN 18 TN-C: Như bọt xà phòng (Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21)

–      CN 19 TN-C: Phải sống lòng tin như thế nào? Khôn ngoan, hy vọng tỉnh thức và trung thành (Kn 18,3.6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48)

–      CN 20 TN-C: Giá phải trả cho đời nhân chứng (Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-57)

–      CN 21 TN-C: Mập quá khó vào Nước Trời (Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30)

–      CN 22 TN-C: Khiêm nhường nhân đức nền tảng của cuộc đời thánh thiện (Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24; Lc 14,1.7-14)

–      CN 23 TN-C: Bậc thang giá trị mới (Kn 9,13-18; Plm 9,10.12-17; Lc 14,25-33)

–      CN 24 TN-C: Thiên Chúa là người cha phung phí tình yêu thương và lòng nhân thứ (Xh 32,7-11.13-14; 1 Tm 1,12-17; Lc 15,1-32)

–      CN 25 TN-C: Thế giới dưới ách thống trị của thần tiền (Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)

–      CN 26 TN-C: Tại sao người giầu lại mất ơn cứu độ? (Am 6,1.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)

–      CN 27 TN-C: Thế nào là tin đích thực? (Kb 1,2-3; 2,2-4; 2 Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10)

–      CN 28 TN-C: Lòng biết ơn như điểm tới của con đường lòng tin (2 V 5,14-17; 2 Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)

–      CN 29 TN-C: Phải cầu nguyện với thái độ nào? (Xh 17,8-13a; 2 Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8)

–      CN 30 TN-C: Phải có thái độ nào trước mặt Chúa? (Hc 35,12-14.16-18; 2 Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14)

–      Lễ các Thánh C: Sinh ra trong ánh sáng niềm tin và tình yêu Thiên Chúa (Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

–      CN 32 TN-C: Niềm hy vọng cuối cùng (2 Mcb 7,1-2.9-14; 2 Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38)

–      CN 33 TN-C: Tiếng kèn báo động lật ngược thế cờ (Ml 3,19-20; 2 Tx 3,7-12; Lc 21,5-19)

–      Lễ Chúa Ki tô Vua C: Dấu ấn tình yêu (2 Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43)

by Tháng Mười Một 3, 2019 Comments are Disabled chưa phân loại, Suy niệm Lời Chúa
TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT?

TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT?

TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT ?

– Đây là một mẩu đối-thoại ngắn với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma , nhà Thần-học người Brazil , Leonardo Boff kể lại :
Tại một cuộc hội-thảo bàn tròn về “Tôn-giáo và tự-do” có Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và tôi cùng tham-dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh-nghịch vừa tò-mò :
– “Thưa ngài, tôn-giáo nào tốt nhất? ”
– Tôi nghĩ ngài sẽ nói:
– “Phật-giáo Tây-tạng” hoặc
“Các tôn-giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.
– Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trầm-ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…
– Điều này làm tôi ngạc-nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.
– Ngài trả lời:
– “Tôn-giáo tốt nhất là tôn-giáo đưa anh đến gần Đấng tối-cao nhất. Là tôn-giáo biến anh thành con người tốt hơn”.
– Để giấu sự bối-rối của tôi trước 1 câu trả-lời đầy khôn-ngoan như thế, tôi hỏi:
– “Cái gì làm tôi tốt hơn? ”
– Ngài trả lời: “Tất cả những gì làm anh
– Biết thương-cảm hơn
– Biết theo lẽ-phải hơn
– Biết từ-bỏ hơn
– Biết dịu-dàng hơn
– Biết nhân-hậu hơn
– Có trách-nhiệm hơn
– Có đạo-đức hơn”.
“Tôn-giáo nào biến anh thành như-vậy là tôn-giáo tốt nhất”.
– Tôi thinh-lặng giây lát, lòng đầy thán-phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả-lời đầy khôn-ngoan và khó phản-bác , Ngài tiếp :
– “Anh bạn tôi ơi!
– Tôi không quan-tâm đến tôn-giáo của anh hoặc anh có ngoan-đạo hay không . Điều thật-sự quan-trọng đối với tôi là cách cư-xử của anh đối-với người đồng-đẳng, gia-đình, công-việc, cộng-đồng và đối-với thế-giới .
Hãy nhớ rằng vũ-trụ dội lại hành-động và tư-tưởng của chúng ta
Quy-luật của hành-động (Action) và phản-ứng (Reaction) không chỉ dành riêng cho vật-lý. Nó cũng được áp-dụng cho tương-quan con người.
– Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành.
– Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.
– Những gì ông bà nói với chúng ta là sự-thật thuần-túy. Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta làm cho người khác. Hạnh-phúc không phải là vấn đề số-mệnh. Đó là vấn-đề lựa-chọn.”
– Cuối cùng ngài nói:
– “Hãy suy-tư cẩn-thận vì Tư-tưởng sẽ biến-thành Lời-nói,
– Hãy ăn-nói cẩn-thận vì Lời-nói sẽ biến-thành Hành-động,
– Hãy hành-xử cẩn-thận vì Hành-động sẽ biến-thành Thói-quen,
– Hãy chú-trọng Thói-quen vì chúng hình-thành Nhân-cách,
– Hãy chú-trọng Nhân-cách vì nó hình-thành Số-mệnh,
– Và Số-mệnh của anh sẽ là Cuộc-đời của anh.
và… “Không có tôn-giáo nào cao-trọng hơn Sự-Thật.”

TDMVSK sưu tầm
by Tháng Mười Một 3, 2019 Comments are Disabled Tâm Linh
Là ai cũng nên lưu ý 6 thời điểm sau khiến con người tỉnh ngộ nhất

Là ai cũng nên lưu ý 6 thời điểm sau khiến con người tỉnh ngộ nhất

6 thời điểm dưới đây khiến làm cho con người phải tỉnh ngộ nhất, mà trong có 1 thời điểm mà bất kể là ai cũng phải trải qua khi con người ngông cuồng không biết trời cao đất dày, sống một cuộc đời vô cùng hồ đồ. 

Có rất nhiều người trong cuộc sống này luôn tự cho mình là nhất, ngông cuồng không biết trời cao đất dày, sống một cuộc đời vô cùng hồ đồ. Thế nhưng, con người đều có những lúc tỉnh ngộ, hiểu ra. Vậy thì, vào những lúc nào, con người tỉnh ngộ nhất?

1. Lúc gặp đen đủi

Những lúc bình thường, trời yên bể lặng thì anh ổn, tôi ổn, mọi người cùng ổn, thoải mái ăn uống, nhậu nhẹt, thân như ruột thịt. Thế nhưng một khi bạn gặp chuyện đen đủi, sẽ có người ngồi nhìn mà không giúp, thậm chí còn mỉa mai chế giễu, đáng sợ hơn còn tranh thủ giậu đổ bìm leo.

Đây chính là lúc người gặp hoạn nạn nhìn thấy rõ nhất ai thực sự là bạn, ai là kẻ tiểu nhân vô sỉ. Tỉnh ngội rồi, sẽ biết cách chọn bạn, ai là người nên chơi và ai là người không thể chơi.

2. Sau cơn bạo bệnh

Sau một đợt ốm nặng, con người sẽ hiểu ra rằng, chỉ có sức khỏe mới là quan trọng nhất, những thứ khác đều xếp sau, sức khỏe là số 1, những thứ khác là số 0, số 1 không còn, số 0 có nhiều thế nào cũng trở nên vô nghĩa. 

Vì thế mà có những việc, bình thường ta xem trọng như núi, nhưng sau cơn bạo bệnh, tất cả sẽ được xem nhẹ và nhìn thấu.

3. Sau khi mất chức

Một người nào đó có quyền thế, bỗng một ngày đẹp trời tự nhiên mất chức chuyện gì sẽ xảy ra? Cây đổ khỉ sơ tán, trước đây nhà lúc nào cũng nườm nượp người vào ra, giờ đây vắng tanh vắng ngắt, trước đây người người vây quanh, giờ đây có gặp mặt cũng trở thành người dưng không quen biết.

Gặp cơn bĩ cực, mới hiểu ra rằng những người trước đây cung kính mình thực ra họ chỉ quan tâm đến cái chức sắc mà mình có mà thôi; họ xu nịnh mình, cũng là bởi mình nắm quyền thế trong tay mà thôi.

4. Sau khi nghỉ hưu

Sau khi về hưu, nhớ lại những ngày còn đi làm, giữa đồng nghiệp với nhau vì danh lợi địa vị, vì thăng tiến, vì một danh xưng mà tranh giành đến mặt mũi tía tai, ngẫm lại mới thấy thật vô nghĩa.

Nghỉ hưu rồi mới ngộ ra, những thứ đó đều là vật ngoài thân, chết cũng chẳng đem theo được. Chức vụ cao hay thấp, nghỉ hưu rồi cũng chẳng khác gì nhau, mọi người sẽ đều trở thành những người bạn già về hưu, sớm biết vậy, hà tất lúc trước phải tranh giành?

5. Sau khi đánh mất…

Rất nhiều người thường không biết đủ, luôn đợi đến khi mất đi rồi, mới hiểu ra những thứ mất đi đáng quý thế nào.

Từng có một người thật lòng yêu thương, quý mến xuất hiện ngay trước mặt bạn nhưng bạn không trân trọng, đợi đến khi mất đi rồi mới hối hận không kịp. Việc khổ sở nhất trên đời này, có lẽ không gì có thể vượt qua việc này…

Cuối cùng, trong cuộc đời, chỉ có trải qua rồi mới hiểu ra, chỉ có hiểu rồi mới biết trân trọng nâng niu. Trong đời, luôn có một người khiến bạn cười tươi nhất, cũng sẽ có người khiến bạn khổ đến cùng cực. Với người khiến mình khổ, hãy chọn cách quên đi, đó chính là cách bạn đối đãi tử tế với bản thân mình.

Có rất nhiều việc trên đời cần chúng ta nhìn một cách nhẹ nhàng, đơn giản. Quá trình của nhân sinh thực ra chỉ là được và mất, sau khi xem mọi chuyện bằng cách nhìn đơn giản, chúng ta sẽ biết chúng ta nên xem trọng cái gì, cái gì mới là quan trọng với mình, cái gì cần loại bỏ. 

6. Lúc lâm chung

Con người, đến lúc lâm chung mới hiểu ra rằng: Tất cả đã không thể cứu vãn, tất cả đều là mây khói hư vô. 

Chết đi rồi, sẽ chẳng mang theo được bất cứ thứ gì, thời gian, của cải, tiền bạc… tất cả đều trở thành di sản.

Chính bởi thế, lời khuyên dành cho tất cả chúng ta là, khi còn được sống, hãy tận hưởng cuộc sống theo cách khiến bạn thấy vui, ý nghĩa nhất. Sống trọn vẹn từng giây từng phút ở hiện tại, lúc nhắm mắt xuôi tay sẽ không còn điều gì phải hối tiếc.

by Tháng Bảy 14, 2019 Comments are Disabled LỜI HAY Ý ĐẸP, Tâm Linh