
THIÊN-KHÍ-NĂNG và NĂNG-LƯỢNG VI-BA
Phần I – Tất cả chỉ là Năng-Lượng – Năng-Lượng Vi-Ba
Những trang này giải-thích nguồn gốc năng-lượng trong cơ-thể dùng điều-khiển các ý-nghĩ, cử-động, sự tiêu-hóa, sinh-sản và tăng-trưởng; nói tóm lại là các chức-năng của thể-xác và tinh-thần của một cá-nhân. Điều này có vẻ là một trách-vụ to lớn và khó-khăn, nhưng, các bạn sẽ thấy, những điều căn-bản thực-sự rất đơn-giản. Chúng ta được điều-khiển bởi nguyên-tử-năng !
Các nguyên-tử gồm có một hạt nhân, bao vây bởi các điện-tử. Các điện-tử này đầy năng-tính, nghĩa là chúng được giữ tại chỗ trong khi xoay quanh hạt nhân bằng năng-lượng. Hơn nữa, khi càng ở xa hạt nhân ở trung-điểm, chúng càng mang nhiều năng-lượng. Các điện-tử có thể “nhảy” từ quỹ-đạo này sang một quỹ-đạo khác. Flanders và Swann giải-thích, chúng luôn nhảy từ trạng-thái năng-lượng cao tới trạng-thái năng-lượng thấp, ngoại trừ trường-hợp có sự giúp đỡ bên ngoài. Nghĩa là chúng nhảy từ quỹ-đạo ở xa trung-tâm tới một quỹ-đạo gần trung-tâm hơn. “Điện-tử nhảy” là nguyên-nhân tạo ra năng-lượng dùng bởi các sinh-vật.

Năng-lượng hiện-hữu dưới nhiều dạng khác nhau trong trời đất, như cơ-năng làm các vật chuyển-động, quang-năng trong ánh sáng mặt trời, nguyên-tử-năng trong uranium, điện-năng trong sấm sét, nhiệt-năng trong lửa, hóa-năng trong dầu-hỏa. Sáu dạng năng-lượng – cơ-năng, hóa-năng, nhiệt-năng, điện-năng, quang-năng và nguyên-tử-năng – có thể hoán-chuyển theo các định-luật về nhiệt-động-học.
- Năng-lượng sinh-học cần cho sự sống cơ-thể [1]
Các tế-bào luân-lưu đòi-hỏi phải có năng-lượng và hàng ngàn các phản-ứng hóa-học cần năng-lượng luôn xảy ra trong các tế-bào, trong từng giây đồng-hồ, mỗi ngày. Loại năng-lượng các tế-bảo cần tới là hóa-năng kết-hợp mà các điện-tử chung-dụng dùng để kết-hợp các nguyên-tử trong các phân-tử.
Cơ thể chúng ta chứa đựng hóa-năng để cải-biến thành điện-năng tạo ra các điện-kích thần-kinh, làm sinh ra nhiệt-năng để giữ nhiệt-độ cơ-thể ở 37°C (98.6°F) dù ở trong những ngày tháng lạnh lẽo, và tạo ra cơ-năng qua sự vận-hành của các cơ-bắp để chúng ta có thể di-chuyển.
Mặt trời là nguồn năng-lượng vĩ-đại. Nguồn năng-lượng này được thực-vật xử-dụng, qua tiến-trình quang-hợp để tạo ra carbohydrates, chất béo, hoặc proteins, là các dạng hóa-năng dự-trữ. Khi chúng ta ăn các sản-phẩm thực-vật và động-vật, carbohydrates, chất béo, và proteins sẽ trải qua một loạt các thay-đổi chuyển-hóa và dùng chúng để làm tăng-trưởng các cơ-bắp, điều-hòa các chức-năng của cơ-thể, hoặc tồn-trữ dưới dạng hóa-năng.
Sự hấp-thụ và xử-dụng năng-lượng tối-hảo rất quan-trọng đối với mỗi cá-nhân, đặc-biệt cho những người hoạt-động. Để có thể phát-huy đúng khả-năng, năng-lượng tồn-trữ trong cơ-thể phải được dùng một cách hữu-hiệu nhất có thể.
- Năng-lượng trong cơ-thể được tồn-trữ như thế nào?
Năng-lượng trong cơ-thể sẵn-sàng để xử-dụng dưới dạng adenosine triphosphate (ATP). Đây là một phân-tử phức-tạp cấu-trúc bằng những kết-hợp năng-lượng cao, để khi được tách rời bằng tác-động enzyme có thể giải-tỏa năng-lượng nhanh cho một số các tiến-trình của cơ-thể, kể cả sự co rút cơ-bắp. ATP được xếp loại là một chất có năng-lượng cao và được tích chứa trong các mô ở những lượng nhỏ. Điều quan-trọng phải nhớ là ATP là nguồn năng-lượng có sẵn cho tất cả các chức-năng của cơ-thể, và các nguồn năng-lượng khác được dùng để cung-cấp thêm cho ATP, thay-đổi tùy theo nhu-cầu.
Một chất khác có năng-lượng phosphate cao là phosphocreatine (PCr), cũng được tìm thấy trong các mô ở những lượng nhỏ. Mặc-dầu nó không được dùng như một nguồn năng-lượng sẵn-sàng, nó có thể cung-cấp bổ-xung nhanh ATP.
ATP có thể được cấu-tạo từ carbohydrate, chất béo, hoặc protein sau khi những chất bổ-dưỡng này đã trải qua những chuyển-hóa sinh-hóa phức-tạp trong cơ-thể. PCr được làm ra từ ATP thặng-dư.
- Các hệ-thống năng-lượng sinh-học
Cường-độ năng-lượng sản-xuất và tích-năng của năng-lượng là hai yêu-tố quyết-định việc phát-triển các hệ-thống năng-lượng sinh-học trong cơ-thể. Cơ-thể tích-chứa năng-lượng dưới nhiều dạng khác nhau – trong ATP, PCr, glycogen của cơ-bắp. Để năng-lượng này có thể được dùng làm cho cơ-bắp co-rút và hoạt-động, nó phải trải qua một số phản-ứng sinh-hóa nào đó trong cơ-bắp. Những phản-ứng sinh-hóa này được dùng làm nền-tảng để phân-loại sự tiêu-thụ nặng-lượng của con người theo ba hệ-thống năng-lượng: hệ-thống ATP-PCr, hệ-thống lactic acid, và hệ-thống dưỡng-khí.
Hệ-thống ATP-PCr còn được gọi là hệ-thống phosphagen vì cả hai adenosine triphosphate (ATP) và phosphocreatine (PCr) đều có chứa phosphates. Chất năng-lượng cao này, nằm trong các cơ-bắp, nhanh chóng giải-tỏa năng-lượng khi một điện-kích đi tới cơ-bắp. PCr, cũng là một chất năng-lượng cao tìm thấy trong cơ-bắp, có thể tạo thành ATP nhanh khi ATP được dùng. Năng-lượng phát ra khi PCr tách rời để tạo thành ATP từ ADP và P. PCr cũng bị thiếu hụt và cần được bổ-xung khi dùng. Khả-năng kỵ-khí (anaerobic power) là danh-từ thường được dùng cho hệ-thống ATP-PCr.
Hệ-thống lactic acid không được dùng trực-tiếp như một nguồn năng-lượng để co-rút cơ-bắp, nhưng nó có thể giúp thay-thế ATP nhanh khi cần-thiết. Hơn nữa, lactic acid sinh ra như một sản-phẩm phụ có liên-hệ tới sự mệt-mỏi của cơ-thể.
Hệ thống thứ ba là hệ-thống dưỡng-khí. Nó cũng được gọi là hệ-thống thông-khí (aerobic system). Hệ-thống dưỡng-khí, tương-tự như hệ-thống lactic acid, không được dùng trực-tiếp như một nguồn năng-lượng để co-rút cơ-bắp, nhưng nó làm sinh-sản những lượng lớn ATP từ những nguồn năng-lượng khác trong cơ-thể. Qua một loạt các phản-ứng chuyển-hóa phức-tạp của carbohydrate, chất béo, hoặc protein kết-hợp với dưỡng-khí để tạo ra năng-lượng, carbon dioxide, và nước. Các phản-ứng này xảy ra bên trong bộ-phận năng-lượng của tế-bào, gọi là mitochondrion. Một loạt các sự-cố sản-xuất năng-lượng oxy-hóa chủ-yếu liên-quan tới tiến-trình thông-khí (aerobic processing), carbohydrates và các chất béo (và những lượng nhỏ protein) qua chu-kỳ Krebs và hệ-thống chuyển điện-tử. Tại các giai-đoạn khác nhau trong tiến-trình này, năng-lượng được giải-tỏa và ATP được cấu-tạo, mà phần lớn ATP được tạo nên trong tiến-trình chuyển điện-tử. Cuối cùng thì hydrogen và các điện-tử kết-hợp với oxygen để tạo ra nước.
Mặc-dầu mức-độ sản-xuất ATP thấp hơn, nhưng lợi-điểm lớn của hệ-thống dưỡng-khí so với hai hệ-thống năng-lượng kia là sự sản-xuất những lượng lớn năng-lượng ở dạng ATP. Hệ-thống dưỡng-khí được chủ-yếu dùng trong thể-thao để tăng-cường sự bền-bỉ, như khi chạy đường-trường.
Tóm lại, năng-lượng sinh-học trong cơ-thể con người giúp cho các tế-bào được sống và sinh-sôi nẩy-nở; làm cho các chức-năng vận-hành như đã được ấn-định; và cho cơ-thể chúng ta có nhiệt-độ (gọi là thân-nhiệt). Ngoài năng-lượng sinh-học, các tế-bào và chức-năng trong cơ-thế còn bị chi-phối bởi một lực-trường tạo nên bởi điện-tích của các lượng-tử đã cấu-tạo nên chúng.
- Cơ-thể có sự thông-minh riêng của nó [2]
Tây-Y gần đây đã bắt đầu tránh xa việc dùng thuốc và giải-phẫu, là việc thường làm của các bác-sĩ, để tiến về một ngành thường có tính-cách vô-định, hỗn-tạp được gọi tổng-quát là “Tâm-Thể Y-Khoa” (“mind-body medicine”). Sự chuyển-hướng hầu như là một điều bắt-buộc, vì nền y-khoa cũ chỉ dựa trên phần thể-lý đã bắt-dầu bị lung lay.
Thí dụ phương-pháp tâm-thần để chữa-trị ung-thư thường bị chế-nhạo trong khoảng thập-niên trước, nhưng ngày nay người ta đã áp-dụng nó vào việc trị-liệu ung-thư, ngay cả điều-kiểm bệnh tình bằng ý-chí. Dr. O. Carl Simonton, một chuyên-viên quang-tuyến tại trường Đại-học Texas, đã gặp một bệnh-nhân đàn-ông 61 tuổi bị ung-thư cuống họng. Bệnh-tình người này rất trầm-trọng; bệnh-nhân nuốt rất khó-khăn và chỉ còn cân nặng 98 pounds. Trong niềm tuyệt-vọng, nhưng muốn thử dùng một biện-pháp tâm-lý, Dr. Simonton đã đề-nghị bệnh-nhân trợ-giúp liệu-sách quang-trị của ông ta bằng phương-pháp gợi hình. Bệnh-nhân được dạy cách gợi lại hình ảnh về ung-thư của họ thật rõ ràng. Sau đó, dùng một hình ảnh tâm-thần nào đó hiện ra trong trí, họ được nhắc gợi lại hình ảnh hệ miễn-nhiễm trong cơ-thể của họ đang có các bạch-huyết-cầu tấn công thành-công các tế-bào ung-thư và quét chúng ra khỏi cơ-thể, chỉ chừa lại các tế-bào khỏe mạnh ở lại. Dr. Simonton cho bệnh-nhân về nhà để họ tiếp-tục gợi lại hình ảnh như vậy nhiều lần trong ngày. Bệnh-nhân đồng-ý, và rồi khối u của bệnh-nhân nhỏ dần. Trong vài tuần sau, khối u thật sự nhỏ hẳn, và phản-ứng đáp-trả với quang-trị hầu như không bị các phản-ứng phụ. Sau hai tháng, khối u hoàn-toàn biến mất.
Chúng ta phải nhìn-nhận là cơ-thể con người có sự thông-minh riêng của nó. Khi một tế-bào máu di chuyển tới chỗ bị thương và bắt-đầu làm thành một cục bầm, nó không phải di chuyển một cách ngẫu-nhiên. Thực ra nó biết phải đi đâu, và phải làm gì khi tới đó, tương-tự như một nhân-viên cấp-cứu. Có sự “thông-minh” điều-khiển việc làm của nó.
Chúng ta đã biết cơ-thể là một hãng bào-chế thuốc lý-tưởng mà Thượng-Đế đã tạo nên. Nó sản- xuất chất tiết-niệu, thuốc giảm đau, thuốc an-thần, thuốc ngủ, trụ-sinh, và cả các thuốc chế-tạo bởi các hãng bào-chế thuốc, và chúng được làm ra tốt hơn. Liều-lượng luôn đúng và được cung-cấp đúng lúc. Các phản-ứng phụ có tối-thiểu và hầu như không có. Cách dùng thuốc đã có sẵn, là thành-phần của sự “thông-minh” nội-tại.
Nghĩ tới các sự-kiện trên, chúng ta đi tới ba kết-luận. Thứ nhất, sự “thông-minh nội-tại” ở mọi nơi trong cơ-thể. Thứ hai, trí thông-minh nội tại vượt xa bất cứ điều gì chúng ta có thể thay-thế từ bên ngoài. Thứ ba, sự thông-minh nầy quan-trọng hơn cả thế-lý của cơ-thể, vì, nếu không có nó, thể-lý sẽ mất định-hướng, không hình-dạng, và hỗn-loạn.
Sự thông-minh nội-tại của cơ-thể mạnh đến nỗi nếu nó lệch-lạc, y-sĩ sẽ phải đối-diện với những nghịch-lý thật-sự vô cùng to lớn. Thí-dụ, mỗi tế-bào trong cơ-thể được chi-phối bởi DNA của nó, để có thể phân tách theo một nhịp-độ thành hai tế-bào, mỗi khi tế-bào mẹ phân-tách thành hai. Tiến-trình này không hoàn-toàn máy-móc. Một tế-bào phân-tách theo nhu-cầu riêng của nó cộng với các tín-hiệu từ các tế-bào chung quanh, từ não-bộ, từ các bộ-phận ở xa đang nói chuyện với nó qua các tín-hiệu hóa-học. Tế-bào phân-tách là một quyết-định được cân-nhắc cẩn-thận và kỹ-càng – ngoại-trừ trường hợp ung-thư.
- Những kẻ đưa tin trong nội-thể
Các chuyên-gia thần-kinh hiện nay đưa ra giả-thuyết là não-bộ có một bộ-phận tu-bổ hóa-học phức-tạp mà trước đây hầu như không được biết tới. Vào những năm 1970s, một loạt phát-minh quan-trọng về một nhóm hóa-chất gọi là chất dẫn-truyền thần-kinh được tìm thấy. Như tên gọi, các hóa-chất nầy truyền các điện-kích thần-kinh; chúng tác-động trong cơ-thể chúng ta như các “phần-tử thông-tin”, để các neurons của não-bộ có thể nói chuyện với các bộ-phận trong cơ-thể.
Các chất dẫn-truyền thần-kinh là những liên-lạc-viên từ não-bộ tới mọi bộ-phận trong cơ-thể để truyền-đạt cảm-giác, ước muốn, ký-ức, trực-giác, và ước mơ. Không một sự-cố nào hoàn-toàn thuộc về não-bộ. Cũng như không một điều nào hoàn-toàn về tinh-thần, vì chúng được trình-bày bằng các tín-hiệu hóa-học. Các chất dẫn-truyền thần-kinh ảnh-hưởng tới đời-sống của mọi tế-bào. Sự tìm thấy các chất dẫn-truyền thần-kinh làm cho sự giao-tiếp giữa tâm-trí và vật chất được luân-lưu nhẹ-nhàng hơn bao giờ hết. Chúng cũng lấp đi sự ngăn-cách hầu như chia rẽ giữa tâm-trí với thân xác.
- Điện-từ-trường của cơ-thế và Năng-Lượng Vi-Ba
Tính-cách vật-lý của TKN bắt nguồn từ điện-năng của các lượng-tử tạo-thành các tế-bào trong cơ-thể. Điện-năng là tính-chất vật-lý của vật-chất để tạo ra lực khi ở cạnh một vật khác có điện-năng. Có hai loại điện-năng: dương và âm. Một chất có dương-điện sẽ bị đẩy ra khi ở cạnh một chất khác cũng có dương-điện, nhưng sẽ bị hút bởi một chất khác có âm-điện; những chất có âm-điện bị đẩy bởi các chất có âm-điện và bị hút bởi những chất có dương-điện. Một vật có âm-điện khi có thừa điện-tử, và ngược lại sẽ có dương-điện hoặc không có điện.
Điện-năng là một tính-chất bảo-tồn căn-bản của một số duy-lượng-tử, ấn-định sự tương-giao điện-từ của chúng. Các chất có điện-năng sẽ sinh ra điện-từ trường và bị ảnh-hưởng bởi các lực-trường này. Sự tương-giao giữa một vật di-chuyển có điện-năng với một điện-từ-trường là nguyên-nhân tạo ra điện-từ-lực, là một trong bốn lực căn-bản chi-phối hoạt-động của mọi sự-vật.
Các cuộc thí-nghiệm trong thế-kỷ 20 đã chứng-minh là điện-năng mang bởi các duy-lượng-từ có thể đo được, là một bội-số của một đơn-vị nhỏ được gọi là điện-năng sơ-đẳng, e, gần bằng 1.602×10−19 coulombs (ngoại-trừ duy-lượng-tử quarks, có điện-năng là bội-số của e/3). Protons có điện-năng e, và electron có điện-năng −e. Ngành học về các lượng-tử có điện-năng, và sự tương-giao giữa chúng, môi-giới bởi các quang-tử, được gọi là điện-động-lực lượng-tử.
Tóm lại, cơ-thể con người vận-hành như một điện-từ-trường. Năng-lượng vi-ba (truyền đi như các làn sóng nhỏ) của lực-trường này chính là TKN mà Thiên-Chúa đã ban tặng cho con người tự bẩm-sinh. Đây là sinh-lực chi-phối các hoạt-động của các tế-bào và chức-năng trong cơ-thể. Chúng ta có thể dùng TKN để chữa lành: tái-tạo sự cân-bằng đúng của các chức-năng, bằng cách tác-động trên lực-trường này của bệnh-nhân.
Bên ngoài lực-trường này, chúng ta còn có nhiều lực-trường khác tạo ra bởi các lượng-tử giao-động trong vũ-trụ, theo các tần-số khác nhau. Các lượng-tử này mang năng-lượng vì có trọng-khối do sự hiện-hữu của lực-trường Higgs mà các khoa-học-gia mới kiểm-chứng được qua việc phát-hiện lượng-tử Higgs (Higgs boson) mới đây.
Vì lực-trường của cơ-thể con người bị bao bọc bởi các lực-trường khác trong môi-sinh, và ở ngoài vũ-trụ, nên TKN trong cơ-thể mỗi người cùng bị chi-phối bởi các lực-trường này. Để tăng-trưởng TKN trong cơ-thể, chúng ta phải cố-gắng tập-luyện để thâu-thập thêm năng-lượng từ các lực-trường trong môi-sinh và ở ngoài vũ-trụ.
- Lượng-tử Higgs: Lượng-tử của Thượng-Đế!
Lượng-từ này giúp chúng ta giải-đáp được một thắc-mắc khoa-học nền-tảng trong vũ-trụ là làm thế nào mà sau “Tiếng Nổ Lớn” (Big Bang) (khi Thượng-Đế tạo-dựng vũ-trụ) mọi sự vật lại có thể được tạo-thành từ hư-vô, vào khoảng 13.7 tỷ năm trước.
Lượng-tử Higgs còn được gọi trong giới truyền-thông là lượng-tử của Thượng-Đế (God’s particle), dựa theo nhan-đề của một cuốn sách viết bởi Leon Lederman nói về đề-tài này (1993). Sự hiện-hữu của lượng-tử Higgs sẽ giúp cho việc chứng-minh sự hiện-hữu của lực-trường Higgs, và do đó cất-nghĩa được sự việc các vật-thể trong vũ-trụ có trọng-khối, và vì thế có năng-lượng. Lượng-tử Higgs chính là đầu mối Đấng Tạo-Hóa đã dùng để tạo-dựng mọi sự-vật trong vũ-trụ!
Quá-trình tìm-kiếm lượng-tử Higgs được tóm-tắt như sau:
Vào năm 1964, nhà vật-lý-học người Anh, Peter Higgs, đã viết một bài khảo-luận đáng ghi nhớ trong đó ông đưa ra một giả-thuyết để giải-thích tại sao các lượng-tử sơ-đẳng lại có trọng-khối. Ông tiên-đoán có sự hiện-hữu của một lực-trường 3 chiều chan-hòa trong vũ-trụ đã lôi kéo mọi sự-vật đi qua nó. Có những lượng-tử gặp khó-khăn nhiều hơn khi đi qua lực-trường này, do đó có trọng-khối nặng hơn. Nếu lực-trường này – được gọi là lực-trường Higgs – thực-sự hiện-hữu, thì – ông nói tiếp – phải có một lượng-tử liên-hệ với nó: đó là lượng-tử Higgs.
Không dễ gì kiểm-nhận được sự hiện-hữu của lượng-tử này. Phải trải qua hơn hai chục năm, với hàng ngàn chuyên-viên và hàng núi dữ-kiện thu-thập được từ hàng tỷ các va-chạm protons, và với sự xử-dụng lò phá-vỡ nguyên-tử (atom smasher) lớn nhất thế-giới – Hadron Collider vĩ-đại tại Trung-Tâm Thí-Nghiệm CERN, tổn-phí khoảng 10 tỷ Mỹ-kim để xây cất và vận-hành trong một đường hầm dài 17-dặm (27-cây số) bên dưới biên-giới hai nước Thụy-Sĩ và Pháp – để sản-xuất một năng-lượng phóng-thích cực cao trong một thời-gian cực ngắn, tương-tự như một phần tỷ hoặc 2 tỷ của một giây đồng-hồ sau Big Bang, đủ cao để sinh ra một lượng-tử Higgs. Lượng-tử này có trọng-khối bằng khoảng 125 lần trọng-khối của một proton.

- Các Tụ-Điểm Khí-Năng (Chakras) và Sức Khoẻ Con Người
Chúng ta cũng có những tụ-điểm khí-năng trong cơ-thể, gọi là chakras (danh-từ Hindu gọi là luân-xa) vận-chuyển như những máy phát sóng dọc theo kinh-mạch chánh (cột sống). Có bảy (7) tụ-điểm khí-năng chánh đếm từ cuối cột sống lên tới đỉnh đầu. Mỗi tụ-điểm khí-năng tạo ra các “con lốc” điện-từ-lực với mức-độ giao-động hoặc tần-số khác nhau, làm thành những lực-trường bao-bọc cơ-thể. Lực-trường có giao-động thấp nhất (sóng dài nhất và tần-số thấp nhất) phát ra từ các chakras ở thấp (như chakra 1 – huyệt hội-âm); giao-động cao nhất ở trên đỉnh đầu (chakra7 – huyệt bách-hội). Xin tham-khảo sách Thuật Dưỡng-Sinh: Tự Chữa Bệnh Bằng Thiên-Khí-Năng của Đức Ông HMT [3] để biết rõ vị-trí, chức-năng và sự xử-dụng các chakras trong việc trị-liệu.
Thân-xác con người có các hệ-thống luân-lưu là máu, khí-năng và hạch-dịch. Qua các kinh-mạch chạy theo chân tay và thân mình, ở phía trước và phía sau, và nhờ các đường kinh phụ, khí-năng và sinh-lực luân-lưu qua mọi bộ-phận và các mô trong cơ-thể. Khi ba hệ-thống nầy hoạt-động quân-bình thì con người khỏe mạnh. Nhưng khi chúng bị bế-tắc, luân-lưu không điều-hòa, các bộ -phận trong cơ-thể không nhận được đầy-đủ khí-huyết , bị mất quân-bình, làm cơ-thể suy-nhược, sinh bệnh. Khi có bệnh, trước hết nó ảnh-hưởng tới lực-trường, sau đó tới sự vận-hành của các chakras có liên-hệ trực-tiếp tới các hệ-thống hạch nội-tiết, và gián-tiếp tới các bộ-phận của cơ-thể. Vì vậy, muốn có một cơ-thể mạnh-khỏe, chúng ta phải có một “lực-trường cơ-thể” sung-mãn. Để chữa lành cơ-thể, chúng ta phải chữa lành lực-trường cơ-thể trước – giải-tỏa các bế-tắc và sự mất cân-bằng năng-lượng – để ngăn-chặn sự suy-nhược của cơ-thể và giúp nó hồi-phục. Mọi sự chữa lành đều dựa trên năng-lượng và ý-thức tâm-linh.
Tóm lại, TKN là điện-từ-lực của lực-trường tạo nên trong cơ-thể con người bởi sự giao-động của các lượng-tử trong các tế-bào và các năng-lượng hấp-thụ được từ môi-sinh và trong vũ-trụ, do sự tập-luyện (hít thở và ý-chí tập-trung) của con người. Năng-lượng này được truyền đi theo các vi-ba (sóng nhỏ) có tần-số cao hãy thấp tùy theo trạng-thái cảm-nhận và tâm-linh của mỗi người lúc đó. Việc xử-dụng năng-lượng này để tự chữa bệnh, hoặc trị-liệu cho một bệnh nhân khác, đều dựa trên các nguyên-lý được trình bày dưới đây ♦
Tiến Sĩ Nguyễn Dương
Nhóm Tông-đồ Mục-vụ Sức-khỏe
Xem tiếp:
Phần II – Thiên-Khí-Năng và Y-Khoa Vi-Ba

Thảo luận